NHỮNG VẤN ĐỀ LƯU Ý TRONG TÁC PHẨM “LẶNG LẼ SA PA” - NGUYỄN THÀNH LONG

Ngày 29/12/2023 15:31:16, lượt xem: 1354

Em có đang gặp khó khăn trong việc ghi nhớ tất cả kiến thức của các tác phẩm văn học, đặc biệt là thể loại văn xuôi không nhỉ? Vậy thì để HVCH tặng em bộ câu hỏi giúp em ghi nhớ tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long nhanh chóng.

 

 

I. TÁC GIẢ

1. Cuộc đời

- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

- Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Thành Long tham gia kháng chiến chống Pháp ở khu V và bắt đầu viết văn. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên về sáng tác và biên tập.

 

2. Sự nghiệp sáng tác

- Nhà văn chuyên viết truyện ngắn và kí.

- Đề tài sáng tác: hướng vào cuộc sống lao động, sinh hoạt đời thường.

- Phong cách văn xuôi nhẹ nhàng, giàu tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên những vẻ đẹp thơ mộng, trong trẻo giữa thiên nhiên và con người.

- Tác phẩm chính: “Bát cơm cụ Hồ”, “Những tiếng vỗ cánh”, “Giữa trong xanh”,...

 

II. TÁC PHẨM

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Kết quả của chuyến công tác ở Lào Cai trong mùa hè năm 1970, sau này được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972).

- Đây là truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

 

2. Ý nghĩa nhan đề

- Nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” sử dụng cách nói đảo ngữ, tính từ “lặng lẽ” đảo lên trước để nói đến một Sa Pa yên bình, thơ mộng.

- Ngoài ra nhan đề còn gợi hình ảnh những con người Sa Pa âm thầm làm việc, cống hiến cho sự thay đổi của đất nước.

- Nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” giàu chất thơ, góp phần khắc họa chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

 

3. Tình huống

- Tình huống: cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên và ngắn ngủi chỉ trong vòng 30 phút giữa anh thanh niên, cô kĩ sư và ông họa sĩ. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng lại có sự cảm thông, gắn bó thân tình.

- Ý nghĩa của tình huống:

+ Góp phần thể hiện sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của nhân vật khi anh thanh niên xuất hiện một cách tự nhiên, những phẩm chất của anh được nhìn nhận qua nhiều nhân vật, đặc biệt là ông họa sĩ. Chính anh thanh niên cũng tiếp thêm động lực cho những nhân vật còn lại

+ Góp phần thể hiện rõ chủ đề tác phẩm: Ngợi ca những con người lao động âm thầm, bền bỉ cống hiến cho đất nước.

 

Đọc thêm: Giá trị cuộc sống mà anh thanh niên (trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long) mang lại cho các vị khách đến Sa Pa

 

4. Các nhân vật trong tác phẩm

a. Nhân vật anh thanh niên

- Độ tuổi: 27 tuổi, độ tuổi trẻ trung thường có khát khao hòa nhập và năng động.

- Nơi làm việc: Đỉnh Yên Sơn vắng vẻ, làm việc cô độc một mình.

- Công việc: Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, công việc nghe chừng tẻ nhạt nhưng yêu cầu phải có độ tỉ mỉ cao và có vai trò quan trọng với đời sống.

- Anh thanh niên nổi bật lên với những phẩm chất như sau:

+ Có tình yêu nghề và trách nhiệm cao trong công việc

  • Anh coi công việc như một người bạn để gắn bó và nhiệt huyết làm việc

  • Anh tìm thấy ý nghĩa ở công việc mình đang làm: Cháu ở đây làm nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu

  • Anh tự hào vì công việc của mình không chỉ giúp ích cho lao động mà còn giúp ích cho công cuộc chiến đấu.

  • Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

+ Tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời:

  • Anh có một tâm hồn trong sáng, biết tự thanh lọc những gì tầm thường trong suy nghĩ

  • Biết tạo niềm vui trong cuộc sống tẻ nhạt của mình

  • Luôn tự trau dồi cho bản thân bằng cách đọc sách

+ Tấm lòng chân thành, cởi mở và hiếu khách:

  • Khi thấy mọi người thì hạnh phúc, không che giấu cảm xúc, trân trọng từng phút giây gặp gỡ.

  • Quan tâm chu đáo, tặng quà cho mọi người

+ Đức tính khiêm tốn

  • Nhận thấy khó khăn của mình chưa là gì với đồng đội

  • Cảm thấy có nhiều người xứng đáng để được phác họa chân dung hơn bản thân mình.

 

b. Nhân vật ông họa sĩ

- Tuy không phải nhân vật chính của truyện nhưng là nhân vật mang điểm nhìn trần thuật.

- Ông là người chân chính, nghiêm túc, say mê đi tìm cái đẹp

- Trước chàng trai đáng yêu, ông cảm thấy “nhọc” bởi những điều người ta suy nghĩ về anh. Chính tâm sự của anh thanh niên đã khiến ông chấp nhận thử thách của quá trình sáng tác. 

 

c. Nhân vật cô kĩ sư

- Cô kĩ sư là một hình ảnh đẹp, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, vừa mới tốt nghiệp đã tình nguyện lên Lai Châu. 

- Cuộc gặp gỡ giữa cô và anh thanh niên đã giúp cô bừng tỉnh, vực dậy những ý nghĩ lớn lao, đẹp đẽ.

- Từ quý mến khâm phục cô dần thấy biết ơn anh thanh niên, không phải chỉ vì bó hoa anh tặng mà còn là vì bó hoa nào khác nữa - “bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh thêm cho cô”.

- Cuộc gặp gỡ của cô với anh thanh niên đã gợi lên tâm tư cô gái trẻ những tình cảm lớn lao về con người, về cuộc sống.

 

d. Nhân vật bác lái xe

- Là người xuất hiện đầu tác phẩm, là người dẫn dắt, giới thiệu, kích thích người đọc chú ý về “người cô độc nhất thế gian”.

- Là người yêu nghề và trách nhiệm với công việc: Đã làm nghề lái xe hơn ba mươi năm và hiểu tường tận Sa Pa.

- Là người niềm nở, cởi mở: Khuôn mặt hồ hởi, bác giới thiệu về thiên nhiên và cảnh sắc Sa Pa.

- Bác là cầu nối giữa anh thanh niên với cuộc đời: bác mua sách giúp anh, giúp giới thiệu anh với những người bạn mới. 

 

III. CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TÁC PHẨM

1. Khái niệm

- Chất trữ tình là tính chất được tạo nên từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện tình cảm, cảm xúc ấy để từ đó khơi gợi rung cảm thẩm mĩ và tình cảm nhân văn.

- Trong truyện ngắn, chất trữ tình được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.

- Một truyện ngắn được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái đời sống hoặc của tâm hồn con người.

 

2. Biểu hiện

- Chất trữ tình toát lên từ nội dung truyện:

+ Thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp và quyến rũ: “Lặng lẽ Sapa” chứa đựng một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo độc đáo làm say đắm lòng người: Sapa bắt đầu với những rặng đào và đường núi quanh co uốn lượn kề bên con thác trắng xóa, Sapa còn đẹp và thơ mộng hơn với những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ…

+ Con người với những tình cảm trong sáng, sâu sắc và lối sống đậm màu sắc lí tưởng:

  •  Anh thanh niên yêu đời, yêu người và yêu nghề.

  •  Cuộc gặp gỡ tình cờ với người thanh niên, những câu chuyện mà anh kể về cuộc sống của mình và của mọi người đã để lại rất nhiều dư vị.

  • Trong truyện tác giả cũng đã xây dựng một mối quan hệ rất đẹp đẽ giữa con người với con người: yêu thương chia sẻ, trân trọng những gì tốt đẹp của nhau và sống với nhau bằng tất cả sự chân thành, nồng hậu. Những mối quan hệ đẹp như một bài thơ làm xúc động lòng người.

- Chất trữ tình biểu hiện ở nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống trữ tình: cuộc gặp gỡ tình cờ giữa bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và người thanh niên là cuộc gặp gỡ của những con người có công việc và vị trí xã hội khác. Điều thú vị là trong cuộc gặp gỡ ấy, các nhân vật có điều kiện để bộc lộ hết những cảm xúc, suy nghĩ ứng với vị trí và công việc của mình.

+Nghệ thuật dẫn chuyện độc đáo: cách dẫn chuyện rất tự nhiên theo mạch thời gian (xe dừng - nghe lời giới thiệu - đi thăm anh thanh niên - nói chuyện với anh - nhận quà - trở về xe). Toàn bộ cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ 3.

+ Cách dựng chân dung nhân vật rất thú vị: Trong khoảng thời gian 30 phút ngắn ngủi của cuộc gặp gỡ, hình ảnh anh thanh niên vẫn hiện lên sinh động và trọn vẹn. Tác giả đã khéo léo để nhân vật tự bộc lộ bằng những hành động, cử chỉ, tâm trạng và đặc biệt là những suy nghĩ về công việc và cuộc sống, thái độ với người, với đời.

+ Nghệ thuật kể chuyện: Kết hợp tự sự với trữ tình và bình luận, kết hợp miêu tả với biểu cảm bằng thứ ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc và giàu hình ảnh khiến nhiều đoạn văn đọc lên như những đoạn thơ bằng văn xuôi (đoạn tả cảnh Sapa, đoạn kể chuyện anh thanh niên nói về cuộc sống và công việc của mình...).\

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9

 

Tin liên quan