Đăng Ký Học
Ngày 17/03/2022 11:49:37, lượt xem: 3565
Biện pháp tư từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu, văn bản) trong một ngữ cảnh nhất định nhằm tăng sức gọi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người đọc về một hình ảnh.
Trong 4 câu thơ trên tác giả đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tiếng chim vốn là âm thanh vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng thính giác nay lại được tiếp xúc như những “giọt long lanh” hữu hình, có hình khối, kích thước, cảm nhận bằng thị giác. Tiếng gọi “Ơi con chìm chiền chiện” đã nhận hóa hình tượng chim chiền chiện để nhà thơ có thể cất tiếng gọi trìu mến, yêu thương, gắn bó sâu nặng. Lời thơ giản dị, tự nhiên như lời nói thường mà thật giàu cả nhạc cảm và thi cảm. Có lẽ đó chính là lí do vì sao khi vừa đọc bài thơ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã có thể lập tức hình thành giai điệu để bài hát ra đời. Hình ảnh “giọt long lanh” rất độc đáo, có thể hiểu là giọt sương, giọt mưa xuân, nhưng đặt trong mối quan hệ với câu trước, ta có thể hiểu đây là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. m thanh tiếng chim đang vang xa bỗng như gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết lại thành giọt sương óng ánh sắc màu rơi rơi không dứt để nhà thơ có thể đưa tay hứng lấy từng giọt âm thanh. Như vậy, từ một hình tượng được cảm nhận bằng thính giác (âm thanh), nhà thơ đã chuyển đổi thành một sự vật có thể cảm nhận bằng thị giác (hình ảnh) và cụ thể đến mức có thể cảm nhận bằng cả da thịt, bằng sự tiếp xúc của đôi tay mình. Và thi nhân, trước những âm thanh trong trẻo ấy đã có những cảm nhận bằng xúc giác - vội đưa tay hứng lấy một cách trân trọng, trìu mến.
Hai câu thơ bất hủ của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã sử dụng vô cùng khéo léo biện pháp tu từ hoán dụ và nói quá. Hình ảnh “bàn tay ta” là một hoán dụ để chỉ sức lao động của con người, bởi lẽ đôi tay được chúng ta sử dụng để làm việc, lao động, và cũng từ đôi bàn tay ấy mà những sản phẩm, những của cải vật chất ra đời. Cách diễn đạt thật giàu hình ảnh và gợi sức liên tưởng thông qua biện pháp nói quá: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, “sức người” ở đây chính là công sức của con người bỏ ra trong lao động để thực hiện một mục đích nào đó. “Sỏi đá” là những vật thể trong tự nhiên, vô tri vô giác và không phục vụ gì cho sự tồn tại của con người. Nhưng hiểu theo nghĩa khác, ta có thể thấy, “sỏi đá” ở đây chính là những khó khăn, thử thách, những điều ngăn trở mà tưởng chừng con người sẽ không bao giờ có thể vượt qua. “Cơm” là tượng trưng cho những thành quả gặt hái được từ lao động. Như vậy, câu thơ đã khái quát được vai trò hết sức to lớn của sức lao động: khẳng định được sức mạnh và khả năng lao động của con người đối với cuộc sống xã hội. Thông qua sự kiên trì, khéo léo của con người thì dẫu có những khó khăn, thử thách thì con người đều có thể chinh phục, cải tạo được. Và thành quả con người đạt được cũng xứng đáng với tất cả công sức mà con người đã bỏ ra.
Hai câu thơ trên trích trong tác phẩm “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng khéo léo biện pháp tu từ hoán dụ. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” là biểu tượng đơn xơ xúc động, hình ảnh trang phục quen thuộc của đồng bào Việt Bắc. Hơn thế nữa màu chàm là màu thể hiện cho sự giản dị, mộc mạc, bền bỉ, chịu thương chịu khó, màu của nghĩa tình. Tác giả sử dụng hình ảnh “áo chàm” để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói “áo chàm đưa buổi phân li” là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Tâm trạng trong câu thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” cũng khiến cho cảm xúc của người đọc và theo cảm xúc của con người trong thơ: bồn chồn, không yên, day dứt, khó diễn tả. Họ chia tay chỉ muốn òa khóc, xúc động không nói nên lời. họ không còn gì để nói với nhau hay họ có quá nhiều cảm xúc muốn nói mà không thể nói hết trong một khoảnh khắc ngắn ngủi này. Chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ với mười bốn chữ Tố Hữu đã cho người đọc hòa mình vào cuộc chia tay, cũng là lời của người ra đi nói với người ở lại khiến cho ta cảm thấy xúc động nghẹn ngào.
ĐỌC THÊM LỚP 9 | BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG CÁC TÁC PHẨM KÌ 1 (P1)
Ở hai câu thơ đầu tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hoá. Hình ảnh ẩn dụ “nước gương trong” gợi tả mặt nước sông trong như tấm gương khổng lồ. Nghệ thuật nhân hóa “soi tóc những hàng tre” gợi tả những hàng tre hai bên bờ mềm mại, duyên dáng, đang nghiêng mình soi tóc trên mặt sông trong như gương. Ngay phút ban đầu giới thiệu con sông quê hương tươi đẹp, dịu dàng, thơ mộng, nhà thơ đã kín đáo bộc lộ niềm tự hào, yêu mến con sông. Hàng tre trở thành dân quê, với những sinh hoạt giống con người, hay chính con người yêu quê hương quá, mà nhận ra cả bóng dáng của chị, của mẹ bên con sông yêu thương. Đến với hai câu thơ tiếp theo lại thêm một phép so sánh tuyệt đẹp. “Tâm hồn tôi”- một khái niệm trừu tượng được so sánh với “buổi trưa hè”. “Buổi trưa hè” nóng bỏng đã cụ thể hóa tình cảm của nhà thơ. So sánh khẳng định “là” đã thể hiện “tâm hồn tôi” và “buổi trưa hè” có sự hòa nhập thành một. Cái nắng của buổi trưa hè là nắng gắt, như tâm hồn tràn đầy nhựa sống và tình yêu thiết tha với quê hương của tác giả vậy. Nó mở ra một khung cảnh trữ tình đầy duyên dáng. Nắng không “chiếu”, không “soi”, mà là “tỏa”, có lẽ chỉ từ tỏa mới có thể diễn tả được hết cái tấm lòng bao la muốn tỏa sáng trọn vẹn dòng sông quê. Sức nóng của mùa hè- sức sống của tác giả, điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, vun đắp những khát vọng đẹp và biết bao nhiêu vần thơ hay về quê hương.
(Còn tiếp)
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan