Phân tích nhân vật Phương Định (Những ngôi sao xa xôi)

Ngày 25/02/2022 17:05:24, lượt xem: 28986

Đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà văn Lê Minh Khuê dường như đã biết chọn cho mình cách sống cân bằng, không ồn ào, không bon chen và thư thái. Có lẽ vì thế mà những truyện ngắn của bà, từ “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ” hay “Nhiệt đới gió mùa”….lại gần gũi, chân thực và ám ảnh người đọc. Những tác phẩm chủ yếu viết về chiến tranh và những đề tài hậu chiến mà ở đâu cũng thấy chuyện tuổi trẻ, chuyện về số phận con người. Kí ức chiến tranh cũng có thể là một món nợ và buộc bà phải cầm bút. Kí ức ấy đã được bà tái hiện qua “Những ngôi sao xa xôi” - chuyện kể về 3 nữ thanh niên xung phong gan dạ, trách nhiệm và yêu đời. Giữa núi rừng bạt ngàn, giữa trận chiến ác liệt, họ vẫn thấy mình tự do, đầy lý tưởng. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật Phương Định- một cô gái kiên cường gan góc và có tâm hồn trẻ trung, lãng mạn.

 

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là câu chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao – tổ trưởng, làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở trên tuyến đường Trường Sơn. Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm của một vùng trọng điểm. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm và cần sự chính xác, bình tĩnh. Mỗi ngày họ phải phá bom ít thì ba lần, nhiều thì năm lần. Họ luôn phải đối diện với thần chết trong mỗi lần phá bom.

Phương Định là một cô gái trẻ, xung phong vào chiến trường, từ đó tôi luyện cho bản thân mình những phẩm chất anh hùng, dũng cảm, gan dạ và luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Cô là tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc. Phương Định cũng có thời học sinh hồn nhiên, trong sáng. Cô có những tháng ngày sống bình yên, hạnh phúc cùng với mẹ trong một ngôi nhà nhỏ. Nhưng khi Tổ quốc cất tiếng gọi xông pha, cô đã từ biệt Hà Thành trở thành thanh niên xung phong, sống và chiến đấu tại một cao điểm ác liệt ở mặt trận Trường Sơn. Vào đây mới được ba năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để Phương Định quen với bom đạn chiến đấu và hi sinh. Cô nói về công việc của mình: “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là những công việc hết sức nguy hiểm nhưng được cô nói gọn gàng, nhẹ như không, giản dị mà cũng thật anh hùng. Công việc ấy có đủ gian khổ và nguy hiểm, nhưng với Phương Định, được sống và chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc, cô coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm hạnh phúc của tuổi trẻ. Trong công việc phá bom, Phương Định luôn thực hiện cẩn thận với một tinh thần trách nhiệm cao. Khí phách anh hùng và lòng dũng cảm của cô thể hiện rõ nhất khi cùng đồng đội đi phá bom. Trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt, mỗi ngày địch trút bom từ ba đến năm lần, nên phá bom là công việc thường xuyên của cô. Nhưng mỗi lần phá bom đều rất căng thẳng, từng cảm giác nhỏ nhất của Phương Định đã được nhà văn miêu tả hết sức tinh tế. Khi đi đến bên quả bom, cô không đi khom “khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Khai thác chi tiết này, nhà văn muốn ca ngợi tư thế tuyệt đẹp của con người Việt Nam khi ra trận: một cô gái mảnh dẻ, nhỏ bé nhưng không hề run sợ trước bom đạn của kẻ thù. Ở bên quả bom, Phương Định phải làm nhiều động tác, đào lỗ chôn thuốc mìn, dòng dây cháy chậm, châm ngòi, lấp đất rồi chạy về nơi trú ẩn. Nhưng khi lưỡi xẻng chạm vào vỏ quả bom, cô phát hiện vỏ quả bom đang nóng lên mà không rõ nguyên nhân. Nguy hiểm lắm, căng thẳng lắm, vậy mà cô vẫn bình tĩnh, thao tác cẩn trọng, tỉ mỉ, thành thạo theo đúng mệnh lệnh chỉ huy của chị Thao. Chờ quả bom nổ: đây là giây phút căng thẳng nhất. Và trong cô còn có thêm sự lo lắng: nhỡ thuốc mìn không nổ phải chôn lại lần thứ hai trong khi quả bom đang nóng lên. Nguy hiểm nhân lên nhiều lần. Trong cô đã nghĩ tới cái chết nhưng rất mờ nhạt, chưa bao giờ cái chết trở thành nỗi ám ảnh đến mức cô phải lo lắng, phải trằn trọc. Vì với cô, dù phải hi sinh cô cũng quyết tâm phá bằng được quả bom, cô đã đặt mục đích hoàn thành nhiệm vụ phá bom lên trên cả tuổi xuân, trên cả mạng sống của mình. Lòng dũng cảm của Phương Định, của những cô gái thanh niên xung phong đã ngời sáng trong khói lửa của bom đạn. Những chiến công của họ đã sống mãi cùng với thời gian và lòng người. Cũng như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng ngợi ca những chiến công của những nữ anh hùng trên con đường Trường Sơn huyền thoại:

“Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom.”
(“Khoảng trời – hố bom”)

Những tưởng bom đạn, chiến tranh khiến cho tâm hồn, cảm xúc của những thanh niên xung phong trở nên chai sạn, thô ráp. Nhưng Phương Định vẫn hiện lên mang những nét đẹp trẻ trung và đầy nữ tính. Là cô gái Hà Thành trẻ trung, xinh đẹp, Phương Định mang những nét đẹp duyên dáng, yêu kiều: “một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”; “hai bím tóc dài, mềm mại”; “đôi mắt dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”, “cái nhìn xa xăm”... Vẻ đẹp của Phương Định đã cuốn hút bao chàng trai, chính cô thừa nhận “Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi...”. Cô cũng có cách cư xử rất ý nhị, kín đáo, kiêu kì của con gái Hà Thành. Phương Định nhạy cảm, biết mình được nhiều anh lính để ý nhưng cô chưa dành tình cảm cho ai, cô không săn sóc vồn vã như những cô gái khác. Vào chiến trường, sống ở nơi cái chết luôn cận kề nhưng lúc nào Phương Định cũng giữ vẹn nguyên những nét đẹp trong sáng của những cô gái mới lớn. Cô thích làm duyên, làm điệu ngay giữa cuộc sống chiến trường khốc liệt, thích ngắm mắt mình trong gương, thích ngồi bó gối mơ màng... Cô thích hát, hay hát, tự bịa cả ra lời hát, hát trong mọi khoảnh khắc như chưa bao giờ nghe thấy bom rơi, đạn nổ: “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh...” Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có, phải lấy giọng thật trầm”. Tiếng hát của cô át tiếng bom, át cả đau thương, gian khổ hiểm nguy. Đó là biểu hiện của tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin yêu cuộc sống. Không chỉ vậy, Phương Định cũng hồn nhiên và mơ mộng lắm. Đêm đêm, cô nhìn lên những ngôi sao trên bầu trời, mơ về một ngày mai hòa bình, thống nhất. Khi một trận đánh khốc liệt vừa đi qua, chỉ một cơn mưa đá bất ngờ ập xuống nơi núi rừng Trường Sơn cũng khiến Phương Định quên hết cả mưa bom, bão đạn, quên cả căng thẳng, hiểm nguy, cô và đồng đội lại say sưa tận hưởng niềm vui như con trẻ, đưa cô sống lại tất cả những kí ức tươi đẹp thời thiếu nữ kiêu sa bên gia đình nơi thành phố mến thương.

 

ĐỌC THÊM NHỮNG CÂU NÓI CỔ VŨ TINH THẦN HỌC TẬP



Phương Định, cô gái Hà Nội xinh đẹp, dũng cảm trong lửa đạn, giàu yêu thương đồng đội. Cô yêu thương những người đồng đội của mình bằng cả trái tim, bằng sự quan tâm rất đỗi chân thành. Khi chị Thao và Nho đi trinh sát chưa về cô vô cùng lo lắng, “sốt ruột tôi chạy ra ngoài một tí” “tôi lo”. Trực điện thoại cô cảm thấy “Thời gian bắt đầu căng lên. Trí não tôi cũng không thua. Những gì đã qua, những gì sắp tới … không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?” cũng chính vì thế khi nhận được điện thoại từ đại đội trưởng cô gắt gỏng trả lời: “trinh sát chưa về”. Lúc Nho gỡ bom bị thương, Phương Định đã vô cùng lo lắng, nhưng cô lại hết sức bình tĩnh moi đất kéo Nho lên, rồi lau rửa vết thương, chăm sóc chu đáo, tận tình cho cô em gái nhỏ. Chính tinh thần đồng đội khăng khít ấy đã gắn bó họ lại với nhau, chăm sóc, yêu thương và che chở cho nhau trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.

Lê Minh Khuê đầy tinh tế và ý nhị, khi khai thác tâm lý cô gái đôi mươi- Phương Định ở những điều tưởng chừng như quá đơn giản, gần gũi. Trong điều kiện gian khó ấy, cô vẫn giữ được nét nữ tính, đơn thuần của tuổi trẻ. Đó chính là biểu hiện cao hơn cả của sự lạc quan, khi con người không đánh mất chính mình trong cuộc sống gian khó. Cô luôn yêu đời, khao khát hạnh phúc cùng nét thanh xuân chưa bao giờ bị khuất lấp bởi khói đạn. Sau trùng trùng hiểm nguy, khung cảnh khốc liệt của chiến tranh vẫn được làm dịu lại bởi niềm lạc quan, yêu đời điểm xuyết vào từng câu chữ như những đóa hoa nở giữa trời đông giá buốt. Bởi lẽ ấy, người đọc càng được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Phương Định là hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã mang vào Trường Sơn cả tuổi thanh xuân, cống hiến không tiếc máu xương để giữ cho tuyến đường Trường Sơn không một giờ đứt mạch. Qua nhân vật, người đọc thêm yêu mến, tự hào, trân trọng hơn quá khứ hào hùng của dân tộc, thấm thía hơn trách nhiệm của bản thân, phải biết tiếp nối và phát huy những lí tưởng sống cao đẹp của thế hệ cha anh, gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh,...

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan