Tình cha con qua hai tác phẩm "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng) và "Nói với con" (Y Phương)

Ngày 16/03/2022 10:07:56, lượt xem: 23153

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp tình cảm gia đình – tình cha con qua hai tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và “Nói với con” của Y Phương.

 



Tình cha con qua hai tác phẩm "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng) và "Nói với con" (Y Phương)


Tuốc ghê nhép có viết: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là lối riêng của nhà văn, là giọng riêng của nhà văn mà ta không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ người nào khác”. Đúng thật là như vậy. Nghệ thuật thể hiện những cái độc đáo, mới mẻ, rất lạ, rất riêng của một tác phẩm. Và cũng chính sự mới mẻ, khác lạ đó đã làm nên sức sống lâu bền của một tác phẩm văn chương thực thụ. Hướng tầm mắt đến những trang văn viết về tình phụ tử, trong văn học Việt Nam, ta bắt gặp một cuộc hội ngộ được đặt trong hoàn cảnh đầy éo le của ông Sáu và bé Thu trong thiên truyện “Chiếc lược ngà” hay có thể thấy những lời răn dạy của cha dành cho con trong “Nói với con” của nhà thơ người miền núi Y Phương. Đó đều là những tác phẩm xuất sắc đọng lại trong lòng người đọc về tình cảm gia đình- tình cha con sâu sắc.

Với văn phong giản dị, các sáng tác của Nguyễn Quang Sáng thường viết về cuộc sống và con người Nam Bộ. Tác phẩm “Chiếc lược ngà” là một minh chứng rõ nét cho phong cách nghệ thuật của ông. Truyện ngắn được viết vào năm 1966 và in trong tập truyện cùng tên khi tác giả Nguyễn Quang Sáng đang ở chiến trường Nam Bộ. Câu chuyện kể về hoàn cảnh éo le và đầy xót xa về cuộc hội ngộ giữa hai cha con ông Sáu. Chính hoàn cảnh đó đã làm nổi bật lên tình cha con sâu sắc, thiêng liêng. Còn đến với thi phẩm “Nói với con”, ta nhận ra một phong cách thơ hoàn toàn rất riêng, rất độc đáo của người con dân tộc. Thơ của ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực, trong sáng, tư duy giàu hình ảnh mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao. “Nói với con” được tác giả viết vào năm 1980 khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ hiện thực ấy, bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời thể hiện tình phụ tử- tình cảm gia đình ấm cúng của người đồng mình.

Trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”, tình phụ tử được thể hiện qua tình cảm cha con thắm thiết, trọn vẹn của ông Sáu và bé Thu-hai nhân vật chính của truyện. Ông Sáu xa vợ con gia đình vào chiến khu kháng chiến, ngày rời đi ông chào tạm biệt đứa con gái vừa tròn một tuổi. Những lần được vợ lên thăm, ông luôn mong vợ cho bé đi cùng, nỗi nhớ con da diết nhưng không thể nào làm gì được nơi chiến trường xa xôi. Qua tấm hình cũ kĩ về bé Thu, ông trân trọng và xem nó như báu vật của mình. Tấm ảnh như báu vật vô giá giúp ông xua tan đi nỗi nhớ con da diết. Bé Thu chính là cả một bầu trời yêu thương mà ông có được, là món quà tuyệt diệu minh chứng cho tình yêu đẹp của vợ chồng ông. Và có lẽ bé Thu một đứa trẻ thơ từ nhỏ đã xa cha, chắc hẳn cũng khao khát thật nhiều ngày thấy bóng hình cha, khao khát lắm vòng tay yêu thương, sự chở che, cái ôm áp của ba mình, nhưng hoàn cảnh chiến tranh ác liệt khiến cho em cơ hội gặp ba cũng không có, em chỉ hình dung được ba mình qua tấm ảnh xưa kia. Cách biệt địa lý tạo nên khoảng cách xa xôi đã khiến nỗi nhớ thêm sâu, thêm da diết. Nếu ông Sáu mong chờ ngày trở về thăm con bao nhiêu thì bé Thu cũng ao ước được gặp ba bấy nhiêu.

 

 

ĐỌC THÊM Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ "NÓI VỚI CON" (Y PHƯƠNG)


Ông Sáu về thăm nhà sau bao năm ở chiến khu với cái tình của người cha nôn nao, cháy bỏng khát khao được gặp con. Nhưng ngay từ giây phút đầu, điều mà ông bấy lâu mong đợi được nghe con gái gọi tiếng "Ba !" không được đền đáp. Đứa trẻ hoàn toàn ngơ ngác, lạnh lùng, đối xử với ông như người xa lạ. Với lòng mong nhớ con, ông càng đón chờ tình cảm của con, nó càng cố tình cự nự. Điều đó, khiến ông đau đớn "hai tay buông xuống như bị gãy". Có những tình huống, tưởng chừng thế nào nó cũng chịu thua, không ương ngạnh được nữa, phải gọi tiếng "Ba". Nhưng nó vẫn không chịu cất tiếng "Ba" mà ông Sáu chờ đợi. Có lẽ đây là nỗi đau đớn dường như quá lớn, quá sức chịu đựng với ông Sáu bởi chẳng có người cha nào như ông không được con gái thừa nhận. Đau lòng cho ông Sáu nhưng cũng không thể trách Thu vì đây là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của một đứa trẻ. Thu còn quá bé để hiểu tình thế đang xảy ra lúc này. Đây là điều quá đỗi đột ngột, bất ngờ với cô bé khi tám năm sống cùng bà và mẹ nhưng giờ đây lại có thêm người cha không giống trong bức hình chụp chung với má. Vì quá yêu cha nên Thu không cho phép ai mạo nhận là cha nó. Trong những ngày nghỉ phép, anh Sáu làm mọi cách để bé Thu thay đổi, kiên nhẫn chờ đợi tình cảm ở con. Ba ngày ở nhà anh Sáu không đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn ở nhà chơi với con. Sau thời gian dài xa cách, anh muốn bù đắp nhiều nhất những mất mát về tình cảm cho con bé. Dường như anh muốn bằng những cử chỉ và lời nói yêu thương tràn đầy âu yếm, anh sẽ xoa dịu đi những nghi ngờ, xóa tan những lạnh lùng của con bé đối với anh. Anh muốn ôm con mà nói rằng: "Ba yêu con nhiều lắm Thu à!" và có lẽ chắc anh cũng mong đứa con gái của mình có thể chạy sà vào lòng mà rằng "Con cũng yêu bố nhiều lắm ạ!" thế nhưng những gì anh từng mơ ước, từng suy nghĩ, giờ chỉ như giấc mơ không thật bởi chính thái độ của Thu đối với ba nó. Khi mẹ bảo nó gọi bố vào ăn cơm thì con bé đã nói trổng: "Vô ăn cơm!". Câu nói của con bé như đánh vào tâm can anh, nhưng anh vẫn ngồi im giả vờ không nghe, chờ nó gọi "Ba vô ăn cơm." Thế nhưng Thu vẫn bướng bỉnh không chịu gọi ba, đã vậy còn bực dọc nói mấy câu "Cơm chín rồi!" và "Con kêu rồi mà người ta không nghe". Đến lúc này anh chỉ biết "nhìn con bé vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi." Thật đau xót biết bao cho hoàn cảnh này! Còn gì đau khổ hơn bằng việc người cha giàu lòng thương yêu con mà lại bị chính đứa con ấy chối bỏ đây. Dường như sự lạnh lùng và bướng bỉnh của bé Thu đã làm tổn thương những tình cảm đang trào dâng tha thiết nhất trong lòng anh.Vì quá yêu thương con nên anh Sáu không cầm nổi cảm xúc của mình. Trong bữa cơm, vì muốn con hiểu được tình cảm của mình nên anh gắp cho nó cái trứng cá nhưng bất ngờ nó hất tung cái trứng ra khỏi chén cơm. Chẳng ai có thể ngờ được nó ghét người đàn ông này đến vậy. Giận quá, anh đã vung tay đánh và quát nó. Có lẽ việc đánh con bé là nằm ngoài những mong muốn của anh. Tất cả cũng chỉ là do anh quá yêu thương con. Có thể coi việc bé Thu hất cái trứng ra khỏi chén như một ngòi nổ làm bùng lên những tình cảm mà lâu nay anh dồn nén và chất chứa trong lòng. Nhưng không để người đọc chờ lâu, đọc những trang tiếp theo, độc giả cảm thấy vui mừng trở lại vì bé Thu đã chịu nhận cha mình, vì nút thắt đã được cởi bỏ. Khi được bà giải thích vẻ chiếc thẹo dài trên má ông Sáu, bé Thu mới nghẹn ngào hiểu ra mọi chuyện. Nghĩ về ba, cô bé càng yêu ba nhiều hơn, thương ba nhiều hơn và hối hận khôn cùng. Lúc này đây, bé Thu tự hào về ba mình bởi người cha ấy đã góp công sức của mình để kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Với ba ngày ngắn ngủi, khi tình cảm bé Thu dành cho ba chưa được bao lâu thì anh Sáu phải quay trở lại chiến trường. Ngày chia tay ba đi chiến trường, tình thương mãnh liệt ấy bùng cháy trong em, bé cất tiếng "Ba..a..a" đầy yêu thương mà nó dồn nén bấy lâu. Tiếng ba nấc nghẹn ấy chứa đựng cả niềm vui, nỗi xót xa đựng cả niềm thương cảm. Thế là con bé đã gọi anh bằng ba. Sau bao năm tháng mong chờ, đau khổ, anh Sáu đã được đón nhận niềm vui vô bờ. Tình thân là thứ thật thiêng liêng quý già, chẳng gì có thể thay đổi được, đó là nguồn sống kết nối yêu thương xua tan đi những tội ác tầm thường, ích kỷ. Cô bé chạy đến ôm chặt ba, hôn lên tóc ba, hôn lên trán, lên cổ ba và hôn lên cả vết thẹo dài trên má. Những nụ hôn ấy là cả một nỗi nhớ mong, một niềm thương lớn lao dành cho ba cất giấu bấy lâu trong lòng. Ước gì thời gian có thể ngừng trôi để bé Thu và anh Sáu không phải chia lìa, xa cách, phút chia tay trở thành phút hội ngộ đáng trân trọng. Giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc vô bờ của ông Sáu khiến người đọc như nghẹn lại, tình phụ tử sao thiết tha đến vậy! . Phút cuối cùng hai người nhìn thấy nhau ấy là phút chia tay không ngày gặp lại, cái ôm thật chặt cùng lời dặn:" ba về ba mua cho con cây lược nghe" chứa chan cả một sự chờ đợi của em mong ngóng ngày ba trở về. Dường như bé Thu đã lớn thật rồi, không còn giận dỗi vô cớ mà chuyển thành lòng yêu thương ba sâu sắc. Giờ đây anh có thể ra chiến trường với sự vui mừng, với một yên tâm lớn rằng ở quê nhà có một đứa con gái thân yêu luôn chờ đợi anh, từng giây từng phút mong anh quay về.

Tình cảm của anh Sáu dành cho bé Thu không chỉ được miêu tả khi ở nhà mà còn được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc họa rõ nét khi anh trở lại chiến trường. Đó là hình ảnh một ông Sáu vui như đứa trẻ khi làm chiếc lược ngà, khi ngồi tỉ mẩn, cẩn thận làm từng chiếc răng, khắc dòng chữ thật đẹp : "Tặng Thu con của ba". Chiếc lược ấy tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng lại là món quà vô giá, ý nghĩa mà anh Sáu dành cho bé Thu. Bao tâm trí, tình thương yêu của mình đều được anh làm cho chiếc lược ấy. Chiếc lược bình dị thân thương mà sao đáng trân quý đến thế, phải chăng đó là kỷ vật thiêng liêng sâu đậm của tình cha bất tử, lớn lao vô bờ.Ngày anh Sáu hi sinh, không có cơ hội gặp lại Thu để tận tay trao cho con món quà. Giây phút cuối đời ông nhắn nhủ người bạn trao chiếc lược ấy cho bé Thu. Chiếc lược ngà làm từ bàn tay cha đã theo suốt bé Thu từ lúc ấy cho đến khi em trưởng thành, bước vào kháng chiến. Thu đã vững lập trường theo con đường của ba, trở thành một cô giao liên giỏi giang, quyết tâm giành thắng lợi trả thù cho ba, cho đất nước quê hương mình. Tình phụ tử sâu nặng của ông Sáu với bé Thu làm người người thấm hơn nỗi đau thương cay nghiệt do chiến tranh gây ra. Điều đáng quý nhất trong cái mất mát ấy là tình cảm cha con luôn bất diệt giữa biển trời bom đạn của chiến tranh. Người cha ấy vẫn luôn che chở, bảo vệ cho đứa con thân yêu của mình mà không kể công hay đòi hỏi đền đáp. Đúng như câu nói:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.”

Nếu như “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng được viết trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì ‘Nói với con” của Y Phương lại được viết trong thời bình. Nếu như Nguyễn Quang Sáng dùng tình cảnh cha con lâu ngày xa cách để mở ra câu chuyện tình cảm gia đình giữa anh Sáu và bé Thu thì Y Phương lại dùng những lời nói của cha để truyền đạt lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhắc nhở con biết tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tình yêu người cha dành cho con được thể hiện qua lời tâm sự, nhắc nhở về cội nguồn sinh dưỡng để con thấy được sự đầm ấm của gia đình và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ về truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Lời đầu tiên cha nói với con là lời gợi nhắc về cội nguồn sinh dưỡng thiêng liêng.Qua hình ảnh thơ cụ thể, gợi cảm mà giàu tính khái quát, tác giả diễn tả chân thực sự chăm sóc tỉ mỉ của cha mẹ, của gia đình đối với con. Từng bước đi, tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ, nâng niu chăm chút, vui mừng đón nhận.

 

ĐỌC THÊM GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “NÓI VỚI CON”


“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười.”

Quê hương chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người, là nơi chôn rau cắt rốn của con:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.”

Với cách nói thật ấm áp, giản dị, “Người đồng mình” là người vùng mình, miền mình- những người sống chung miền đất quê hương cùng dân tộc. Những câu thơ mở đầu bằng “người đồng mình” thật đặc sắc. Họ là những người tạo nên chiều sâu văn hóa, lối sống. Con người nơi đây sống chân chất, thật thà, yêu lao động, yêu cái đẹp. Rừng núi quê hương thật đẹp biết bao, thật thơ mộng nghĩa tình. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người cái đẹp, chở che, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn lối sống. Tình thương cha dành cho con được thể hiện khi cha nói với con về những phẩm chất của người đồng mình. Đó là tình yêu mà cha muốn thắp sáng ý chí, nghị lực và niềm tin con mình trong cuộc sống để kế thừa, tự hào và phát huy truyền thống của “người đồng mình”.

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

Người đồng mình với những phẩm chất tốt đẹp cùng với những truyền thống tốt đẹp của quê hương được người cha trao truyền cho con qua niềm tự hào Điều cha tâm tình với con vượt lên tình cảm gia đình trở lên thành lời trao gửi thiêng liêng giữa các thế hệ. Bằng việc dùng cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, người cha đã truyền đến con thái độ sống nghĩa tình, biết chấp nhận vượt qua thử thách, giúp con hiểu thêm sức sống, vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc mình- gợi nhắc tình cảm gia đình luôn gắn bó với truyền thống quê hương.

Cả hai tác phẩm đều là tình yêu thương của sự chăm sóc, ân cần dạy dỗ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh một đời vì con của cha, một tình cảm mang tính gia đình cao cả. Tình cảm gia đình – tình cha con là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng và quý giá của mỗi người. Mỗi nhà thơ, nhà văn bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và lay thức tình cảm tốt đẹp của con người về tình cảm gia đình. Vẻ đẹp của tình cảm gia đình – tình cha con trong hai tác phẩm như những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người. Tình cảm ấy lại được hòa quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ ca dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng - một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Tình cha đối với con được thể hiện ở hai hoàn cảnh khác nhau với cách biểu hiện khác nhau nhưng đều là tình thương yêu hết sức sâu sắc, đằm thắm, thầm lặng và đầy sự hy sinh. Tình cha - một đề tài không mới nhưng chỉ cần nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào thì nó cũng sẽ đánh động hàng triệu trái tim hồi tưởng lại ý nghĩa của nó. Không một cái gì có thể đánh đổi được tình cảm của cha dành cho con và: "Bạn không cần phải đắn đo phân tích xem cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào cha cũng thật vĩ đại". Vì vậy, con người phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với tình cảm cao quý đó, để xứng với công lao trời bể mà cha đã dành ra yêu thương ta suốt một cuộc đời.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan