Đăng Ký Học
Ngày 01/03/2022 17:56:36, lượt xem: 18398
Đề bài: Về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, sách Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 60 có viết: “Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác”.
Anh chị hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên.
“Con lại nhớ về Người Cha năm ấy
Dẫu chưa lần con được thấy mặt Cha
Người anh hùng vì đất nước xông pha
Cha đã sống như loài hoa bất tử.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Người ra đi năm 1969, để lại biết bao nỗi thương nhớ và xót xa cho Tổ quốc. Có nhiều nhà thơ đã viết bài thơ tưởng nhớ về Bác, và “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong những bài thơ xuất sắc nhất. Bài thơ đã thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
Như ta đã biết, lúc sinh thời, đất nước chưa được giải phóng, Bác Hồ luôn nghĩ đến miền Nam, ngày đêm thương nhớ miền Nam đang chịu nhiều đau thương mất mác. Nhưng tiếc thay, khi đất nước giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà thì Bác đã không còn. Lòng thương nhớ, nỗi đau đớn của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam dồn nén trong bao nhiêu năm đã được nhà thơ Viễn Phương nói hộ trong bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là thời điểm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa được khánh thành, đáp ứng đúng lúc nguyện vọng thiết tha của nhân dân ba miền là được đến viếng lăng Bác. Viễn Phương là người con của đất Nam bộ, trong suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường, mong mỏi được ra thăm Bác nơi miền Bắc. Với bản chất mộc mạc, chân thành của người miền Nam, tự đáy lòng sâu kín, và trang nghiêm của mình, Viễn Phương nhỏ nhẹ như một lời thưa lễ phép với người Cha nhân hậu, kính yêu của dân tộc đang ngự trong lăng mà như còn hiện diện trên đất nước thân yêu cùng đồng bào ruột thịt. Nỗi xúc động tràn ngập ở người thơ về lãnh tụ là muôn vạn nỗi niềm dồn nén, tinh kết tình cảm chân thành thương nhớ Bác không chỉ với tác giả mà còn là tình cảm mênh mông của hàng chục triệu chiến sĩ, cán bộ và đồng bào miền Nam.
Bác đã không còn, không thể nhìn tận mắt cái ngày mà Bác đã mong ước, đã dõi theo hơn nửa cuộc đời mình. Ai cũng có thể cảm nhận được trên khoảng trời không bao la kia có ánh mắt hiền từ, vui sướng của vị cha già dân tộc, Bác đang cười… nụ cười thật mãn nguyện giữa bầu trời rợp sắc đỏ sao vàng. Trong dòng người đến viếng lăng Bác, Viễn Phương đã bộc bạch:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương, hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Câu thơ mở đầu thay cho một lời chào, một lời giới thiệu về hành trình của những đứa con từ miền Nam ra Hà Nội thăm Bác Hồ kính yêu. Cách xưng hô “con -Bác” của người Nam Bộ gợi đến những tình cảm rất thân thương và gần gũi. Nó cho thấy mối quan hệ giữa Bác và những đứa con tựa như tình cha con ruột thịt. Tác giả như một đứa con lâu ngày mới có dịp về thăm vị cha già kính yêu. Với từ “thăm”- một cách nói giảm nói tránh, tác giả cố giấu đi, nén lại trong lòng cảm xúc đau thương mất mát không thể nào bù đắp được của cả dân tộc và cũng như để nói với tự lòng mình: Bác còn sống mãi với non sông đất nước, còn sống mãi “như trời đất của ta”, trong “từng ngọn lúa mỗi nhành hoa” (Tố Hữu). Hình ảnh lăng Bác tạo cảm giác thân thuộc gần gũi, vì có sự xuất hiện của “hàng tre”. Hai sắc thái được diễn tả là “bát ngát” và “xanh xanh” để bao quát không gian rộng, thoáng và yên bình, không gian mở ra ngút ngát. Thăm Bác, nhìn thấy hàng tre cũng là lúc tác giả nói lên cảm giác xúc động mãnh liệt về hình ảnh biểu tượng của dân tộc. Thán từ “Ôi!” cùng với cảm nhận dáng tre “đứng thẳng hàng” nghiêm trang cũng tạo nên cảm giác thành kính thiêng liêng trước lăng Bác. Không những thế, tư thế “đứng thẳng hàng” còn đặt trong thế đối lập với “bão táp mưa sa” gợi lên phẩm chất của tre dẻo dai, cứng cáp bền bỉ, cũng là tư thế hiên ngang của dân tộc vượt qua bao thử thách gian lao để đi đến thắng lợi vinh quang. Qua bao phong ba sóng gió, hàng tre vẫn vững vàng cùng dân tộc. Từ khi Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc cứu nước cho đến nay, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua bao biến đổi, bao lần chiến đấu để bảo vệ từng mảnh đất cha ông thật kiên cường, bền bỉ. Tre tượng trưng cho những phẩm chất của con người Việt Nam: đoàn kết, bất khuất, hiên ngang, bền bỉ. Nguyễn Duy cũng đã từng viết trong bài thơ “Tre Việt Nam”:
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!”
ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "VIẾNG LĂNG BÁC" CỦA VIỄN PHƯƠNG
Mỗi cây trẻ như một con người Việt Nam bền bỉ, kiên trung, vững vàng nay trở về kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Bác. Ba hình ảnh đã tạo nên một trường liên tưởng độc đáo, thú vị: Lăng Bác hiện lên như một làng quê yên bình với những con người bình dị, gần gũi vô cùng. Để từ đó, tác giả như cảm nhận giây phút về bên Bác, có toàn thể dân tộc cùng canh giấc ngủ cho Người.
“Viếng lăng Bác”, Viễn Phương đã làm cuộc hành trình trở về với cội nguồn dân tộc, của những gì gần gũi, thiết tha, quen thuộc. Nhà thơ như cố nén cảm xúc khi dùng từ “thăm” chứ không là “viếng”, và chừng như trong tâm thức nhà thơ, Bác vẫn như đang còn đây, đang dang tay ôm người con miền Nam thân yêu trong tình thương vô bờ. Từ xa, nhà thơ đã cảm nhận những hàng tre “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” như đoàn vệ binh trang nghiêm canh giữ giấc ngủ của Bác. Trước lăng Bác – một vị lãnh tụ tài ba của dân tộc, không phải là những gì tráng lệ, rực rỡ mà là những hàng tre thân thương, giản dị, quen thuộc. Cũng như chính con người Bác, sự giản dị, đơn sơ ấy đã làm cho mọi người xúc động, xúc động đến rơi nước mắt. Mọi người dần dần bước vào trong lăng bằng sự trang nghiêm. Bầu trời lồng lộng, mặt trời soi sáng:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”
Nếu như khổ thứ nhất là cảm nhận không gian trong cảm giác thanh tĩnh tuyệt đối thì khổ thứ hai là cảm nhận từ góc độ thời gian nghệ thuật. Thời gian được nói đến là “ngày ngày” cùng với hình ảnh so sánh “mặt trời” thực và “mặt trời trong lăng” tạo nên vẻ đẹp của suy tưởng biết ơn thành kính. Hình ảnh Bác được nâng tầm ngang với hình ảnh bất tử - mặt trời – mang tầm vóc vũ trụ. “Mặt trời đi qua trên lăng” là mặt trời của vũ trụ, của thiên nhiên ngày ngày sưởi ấm Trái Đất, mang lại sự sống cho vạn vật muôn loài. Tác giả cũng nhận ra, trong lăng cũng có một “mặt trời”, một “mặt trời rất đỏ”. Đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp chỉ Bác Hồ kính yêu vì Bác như vầng mặt trời có công lao to lớn cho toàn thể dân tộc, dìu dắt ta từ chỗ lầm than đến ngày tự do huy hoàng. Đồng thời phép ẩn dụ cũng như một cách thể hiện tấm lòng thành kính của chính tác giả đối với Bác Hồ. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Bác xuất hiện như vầng dương dần nhô lên giữa rặng núi xa xăm, xua tan đi bóng đêm mù mịt tăm tối bao trùm, quét sạch hơi đông lạnh lẽo, đớn đau, bẻ gãy đi mọi cùm gông, xiềng xích. Để rồi, dưới hơi ấm của chân lý bừng chói rực rỡ, những đời nô lệ câm lặng lại ngào ngạt nở hoa để mỗi kiếp người lại hăm hở, sung sướng được trọn vẹn làm người. Trái tim Bác như vẫn luôn rất đỏ một tình yêu mênh mông, vô tận. Và dòng sữa ngọt ngào, ấm áp một tình thương nồng nàn, cháy bỏng từ con tim vĩ đại ấy chảy ra ôm ấp bao phủ cả núi đồi, rừng cây, lại ươm mầm, ấp ủ từng góc lúa, lại vun xới, hồi sinh từng kiếp người. Theo ánh sáng giục giã, thôi thúc đuốc sống chân lí ở phía trước, cả dân tộc dưới sự dìu dắt của Bác đã tiến lên, chống lại kẻ thù hùng mạnh, tàn bạo. Và trong đớn đau, một sức mạnh mãnh liệt, dữ dội đã được Bác thắp lên trong mỗi trái tim quặn thắt của người dân lầm than, cơ cực. Bóng hình Bác lồng lộng được chắp cánh bát ngát bay lên, vĩ đại đã che chở, dẫn dắt cho cả dân tộc vượt qua tăm tối đêm trường để đến với một nền tự do huy hoàng, rạng rỡ:
“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông cả kiếp người !”
(Tố Hữu)
Hôm nay có hai mặt trời chiếu rọi trên đường đời: một mặt trời tỏa sáng trước mặt, một mặt trời tỏa sáng tâm hồn…Như mặt trời kia, Bác thuộc về vĩnh cửu. Bác sẽ sống mãi trong lòng mỗi con người Việt Nam.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”
ĐỌC THÊM MỞ BÀI "VIẾNG LĂNG BÁC" - VIỄN PHƯƠNG SIÊU CHẤT|| NGỮ VĂN LỚP 9
Song hành cùng mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ trong đó có nhà thơ. Nhịp thơ chậm rãi, trầm lắng như bước chân của chuỗi người triền miên, lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một không khí thương ngớ Bác khôn nguôi. Họ kết thành tràng hoa tình yêu, kính cẩn dâng bảy mươi chín mùa xuân của Người. “Con người là hoa của đất”, trong cảm xúc mà vô cùng sâu sắc và tinh tế, Viễn Phương đã thể hiện lòng kính trọng và yêu quý nhân dân. Mỗi người dân là một bông hoa và dòng người viếng Bác đi trong thương nhớ chính là một tràng hoa kỳ vĩ thiêng liêng dâng lên Bác” Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Dòng người ấy là tấm gương điển hình trên các mặt trận lao động, sản xuất, chiến đấu, đại diện cho gần 60 dân tộc anh em từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc tụ họp lại đây. Họ kết thành hình ảnh một “tràng hoa”- hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của thiên nhiên, của con người Việt Nam thành kính dâng lên Bác, dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Phép hoán dụ, cũng là cách nói trang trọng nhằm diễn đạt ý tứ sâu xa: bảy mươi chín tuổi đời của Bác là bảy mươi chín mùa xuân tươi đẹp, một cuộc đời đẹp và tràn đầy ý nghĩa. Bác đã đem lại cho ta một mùa xuân vĩnh hằng, mùa xuân của độc lập tự do và hạnh phúc.
“Viếng lăng Bác” là bài thơ giàu chất suy tưởng, chất trữ tình đằm thắm, kết hợp với cách sử dụng ngôn từ luyến láy, âm điệu phong phú. Tác phẩm giống như một sự tinh đọng của một quả chín tròn mọng, ngọt ngào, như sự sung mãn thơm tho của một đóa hoa đẹp ngát hương. Khép lại từng trang thơ Viễn Phương, người đọc vẫn không khỏi bồi hồi xao xuyến trước tình cảm sâu nặng mà nhà thơ dành cho Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan