Mẫu tiểu kết cho 12 tác phẩm lớp 12 hay nhất - Có sử dụng lí luận văn học

Ngày 25/04/2023 10:30:27, lượt xem: 3514

Tiểu kết - hay còn gọi là phần đánh giá tổng kết nội dung và nghệ thuật trong bài Nghị luận văn học - cũng là một phần "nhỏ nhưng có võ" đó nha! Nên là 2k5 đâu rồi, nhanh tay lưu và share bài viết này về ngay để không còn "cắn bút" mỗi lúc viết tiểu kết trong phòng thi. 

 

 

1. Vợ chồng A Phủ

“Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn…”(Theo dòng, Thạch Lam). Thấm nhuần tư tưởng ấy, nhà văn Tô Hoài đã dùng tài hoa văn chương của mình như một thứ khí giới thanh cao để đấu tranh đòi quyền sống và khát khao tự do cho những con người nơi miền núi sơn cước, những con người đang bị trói buộc, chà đạp bởi hệ thống cường hào xấu xa tàn ác. Tất cả đã được gửi gắm qua nhân vật Mị và cụ thể là qua hai lần Mị hồi sinh làm thức tỉnh và trỗi dậy sức mạnh tiềm tàng đang bị vùi lấp sâu trong lòng cô ấy, thể hiện một khát khao sống, khát khao tự do cháy bỏng của người dân lao động Tây Bắc. Bên cạnh đó, các chi tiết trong truyện cũng đều thể hiện tư tưởng của nhà văn Tô Hoài đó chính là cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, chỉ có bản thân mình mới giải phóng được mình, chỉ có bản thân mình mới tìm được tự do cho mình và ánh sáng của Đảng chính là thứ ánh sáng soi đường con người đến với thế giới tươi sáng hơn. Đó cũng chính là mong ước của nhà văn, mong ước về một tương lai tốt đẹp, tràn ngập hạnh phúc.

2. Vợ nhặt

“Nhà văn dùng vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”- Nhà giáo Đặng Đồng Minh. Có lẽ đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của tác phẩm, dù viết trong bối cảnh nạn đói năm 1945 nhưng trong tác phẩm không có quá nhiều sự bi thảm, tăm tối đến cùng đường mà ẩn chứa trong đó là thứ ánh sáng ấm áp của tình người. Đó cũng chính là tinh thần của những người nông dân trong thời kỳ kháng chiến, dù sống trong hoàn cảnh đói khổ, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin vào ngày mai tươi sáng. Đây cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân nghèo, họ chính là ánh sáng của xóm ngụ cư, họ sưởi ấm nhau bằng lòng chân thành và tình yêu thương trong nạn đói.  Qua đó thể hiện niềm tin và niềm hy vọng của nhà văn Kim Lân, ông tin rằng tình yêu chính là phép màu nuôi dưỡng những hy vọng, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải hướng tới những điều tốt đẹp, tin tưởng vào tương lai.

3. Chiếc thuyền ngoài xa

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Nghệ thuật là màn sương hồng và nghệ thuật là cuộc sống lầm than, là những đau khổ của con người trong thời đại mới, đó là sự lựa chọn quyết liệt giữa nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật tô hồng”. Đã là nghệ thuật chân chính, tác phẩm buộc phải bén rễ từ hiện thực. Giác ngộ chân lý ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn lấy hiện thực là nền móng để đặt những viên gạch đầu tiên cho tác phẩm của mình, điều đó thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Không thể ngờ rằng, đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu của bức tranh thiên nhiên lại là một bức tranh đời vô cùng tàn khốc, đó là nạn bạo lực gia đình, là sự đói nghèo, là nỗi vất vả của người dân nơi miền biển. Từ bức tranh ấy, Nguyễn Minh Châu đã khám phá ra vẻ đẹp khuất lấp của những mảnh đời bị cuộc sống chôn vùi, vẻ đẹp ấy là hạt ngọc tâm hồn bị ẩn giấu sâu bên trong mà người nghệ sĩ phải đào sâu mới thấy được. Từ đó thể hiện tư tưởng của nhà văn như nghệ thuật phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống, xa rời hiện thực nó sẽ chỉ là thứ nghệ thuật phù phiếm, thứ nghệ thuật chết, là những tác phẩm không sâu sắc, hời hợt của anh Hộ trong “Đời thừa”, hoặc cũng có thể giống như tòa “Cửu trùng đài” trong đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài”. Ngoài ra, nhà văn còn gửi gắm một bài học đó là một người nghệ sĩ phải nhìn cuộc sống với lăng kính đa chiều, không nhìn một chiều phiến diện, đó mới chính là trách nhiệm của những người nghệ sĩ chân chính.

4. Hồn Trương Ba da Hàng Thịt

“Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hòa giữa hồn và xác chỉ đem lại bi kịch cho con người. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người sống đúng là mình, được sống trong một thể thống nhất” PGS.TS Lưu Khánh Thơ. Đây chính là tư tưởng bao trùm trích đoạn “Hồn Trương ba da Hàng Thịt” của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, qua đó nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc thông điệp rằng: Không ai có quyền được chọn thể xác nhưng họ được phép chọn cho mình một tâm hồn thiện lương, trong sáng. Tuy không sử dụng những chi tiết gay cấn, lên gân giật cốt nhưng Lưu Quang Vũ vẫn đưa vở kịch lên cao trào bởi yếu tố xung đột kịch ngay chính trong tư tưởng của nhân vật Trương Ba. Ngôn ngữ giản dị cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn đã gửi gắm đến bạn đọc bài học nhân sinh sâu sắc đó là hãy sống cuộc sống là chính mình, đừng bao giờ sống giả tạo để lừa dối bản thân hay người khác, hãy sống với một cái tôi toàn vẹn, sống là chính mình, đừng nương nhờ người khác. Và đó chính là thông điệp cuối cùng mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm cho chúng ta qua vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

 

ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN KẾT BÀI THEO 4 CẤP ĐỘ - MẪU KẾT BÀI HAY NHẤT

 

5. Rừng xà nu

“Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng vảng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.” - Trần Đăng Khoa. Mỗi áng văn Nguyên Ngọc viết ra đều chứa đựng một tinh thần yêu nước sâu sắc, nó như cô đọng lại trong tâm trí của bạn đọc bởi tính hàm súc, tính triết lý. Với biệt tài của mình, Nguyên Ngọc đã mượn hình ảnh cây xà nu để thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt của người dân Tây Nguyên, cây xà nu là biểu tượng của người dân làng Xô Man, che chắn cho dân làng khỏi mưa bom bão đạn. Không chỉ là biểu tượng của sức sống kiên cường bất khuất, rừng xà nu còn là biểu tượng của đau thương trong chiến tranh, mỗi cây xà nu gục xuống là một ẩn dụ cho một lớp người cũng hy sinh vì bảo vệ xóm làng, vì quê hương Tổ quốc. Không những vậy, nhà văn Nguyên Ngọc đã khéo léo sử dụng lối kể chuyện để tái hiện lại một đời người của nhân vật Tnú, dọc theo cuộc đời của anh, ta có thể thấy được hành trình chiến đấu vất vả của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sức mạnh kiên cường không bỏ cuộc của người dân làng Xô Man. Đây cũng chính là tinh thần yêu nước nồng nàn của tác giả, là nhiệt huyết tuổi trẻ của người thanh niên hết mình vì Tổ quốc, xin mượn lời nguyên chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận xét về ông: “Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước”.

6. Tuyên ngôn độc lập

Nhà thơ Chế Lan Viên nhận định: “Cách lập luận của Hồ Chí Minh về phía ta như một trái táo còn về phía kẻ thù nó giống như một trái lựu đạn nhét vào cổ họng chúng. Nuốt không vô mà khạc cũng không ra”. Quả thực là như vậy, không thể nào phủ nhận được tính đúng đắn của bản Tuyên ngôn độc lập bởi cách lập luận cùng hệ thống luận cứ đanh thép của Hồ chủ tịch như viên đạn ghim vào lòng quân thù. Từ những câu văn cho đến giọng văn đều cứng rắn, hùng hồn, đưa các dẫn chứng không thể chối cãi được, tất cả những điều ấy đều thể hiện một tầm tư tưởng và văn hóa lớn của Bác. Tất cả vì quyền con người, vì đấu tranh giành lại độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc. Đây là văn bản báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

7. Việt Bắc

Nhận xét về Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên đã bộc bạch: “Thơ đi giữa ý và nhạc. Rơi vào cái vực ấy thì thơ sẽ sâu nhưng dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thơ dễ làm đắm say người nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu là giữ được thế quân bình giữa hai cái vực ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý”. Đó chính là lý do vì sao thơ Tố Hữu được gọi là thơ “trữ tình chính trị”, dù viết về sự kiện lịch sử đậm chất chính trị nhưng thơ của Tố Hữu không hề khô khan cứng nhắc mà rất đỗi mềm mại trữ tình. Có lẽ điều đó xuất phát từ trái tim yêu Tổ quốc nồng nàn cùng giọng văn nhẹ nhàng của người con đất Huế đã cho ra một đặc trưng không thể trộn lẫn trong thơ Tố Hữu. Bài thơ “Việt Bắc” đằm thắm, ngọt ngào, là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ của Tố Hữu, ông cho ra đời một bài thơ thể hiện tình nghĩa đối với quê hương, cách mạng, nhắc nhở thế hệ sau không được quên công lao của những thế hệ cha anh đi trước, ông cha ta đã phải hy sinh cả tuổi xuân, máu, mồ hôi và thậm chí cả tính mạng của mình vì nền độc lập của dân tộc nên hãy luôn khắc ghi công ơn lớn lao ấy. Lời răn dạy đó đã biến thành một bản tình ca ngọt ngào, thành tiếng hát ân tình thủy chung của cả dân tộc Việt Nam trong trong cả thời kỳ lịch sử ấy. Nói như GS.TS Trần Đình Sử: “Bài thơ là một khúc hát ân tình thủy chung réo rắt, đằm thắm bậc nhất, và chính điều đó làm nên sức ngân vang sâu thẳm, lâu bền của bài thơ”. 

8. Tây Tiến

“Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, “Tây Tiến” cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.” (Nguyễn Đăng Điệp). “Tây Tiến” nổi tiếng với sự lãng mạn kết hợp cùng chất bi tráng, nó đã trở thành điểm đặc biệt của tác phẩm cũng như là vẻ đẹp riêng biệt của hình tượng người lính cách mạng trong bài thơ. Dù tái hiện lại một thời gian khổ, một thời kháng chiến oanh liệt nhưng Quang Dũng vừa dùng ngòi bút tả thực, vừa dùng bút pháp lãng mạn cùng với giọng văn dí dỏm, vui tươi hồn nhiên khiến bài thơ trở nên có sức sống hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sự khéo léo của Quang Dũng khi thể hiện bút pháp lãng mạn đó chính là lồng ghép được tình yêu nước, tinh thần kháng chiến kiên cường bất khuất vào trong đó, nhà thơ gợi nhớ về hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên những chặng đường thiếu thốn, gian khổ, hy sinh, mất mát mà vẫn có nhiều hồi ức đẹp đẽ, ấm áp. Tất cả đều được gói gọn trong hai chữ “tài hoa” của Quang Dũng, dù lãng mạn nhưng cũng không mất chất hiện thực, vẫn thể hiện được chân thực hình ảnh đoàn quân Tây Tiến, điều đó đã góp phần giúp “Tây Tiến” trở thành “tượng đài bất tử về người lính vô danh” (Vũ Thu Hương).

 

ĐỌC THÊM NHẬN ĐỊNH LIÊN HỆ MỞ RỘNG "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ" HAY NHẤT

 

9. Đất nước

“Những sợi ngang dọc dệt nên hình tượng thơ Nguyễn Khoa Điềm đều óng ánh một màu sắc đặc biệt của chất liệu văn hóa dân gian- đó là một lực hút nữa của đoạn thơ Đất Nước để rồi người đọc lặng đi xúc động trước một cách định nghĩa thật bất ngờ của Nguyễn Khoa Điềm”. Xuyên suốt tác phẩm ta có thể thấy rằng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng nhiều chất liệu dân gian trong đoạn trích, các chất liệu ấy vừa quen thuộc gần gũi, vừa mới mẻ sáng tạo. Từ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa cho đến các câu ca dao tục ngữ, tất cả đều được nhà thơ vận dụng một cách linh hoạt, thể hiện được tư tưởng sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm.Tác phẩm đã kết tinh tư tưởng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhà thơ, cũng là đóng góp lớn của ông đối với thơ ca dân tộc đồng thời khẳng định tài năng sáng tạo, sự am hiểu tường tận về văn hóa dân gian của tác giả. Như vậy, để giúp tác phẩm đạt được một thành tựu nhất định như hiện tại đòi hỏi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phải có một vốn sống và vốn văn hóa vô cùng phong phú, một sự nhận thức mới về Đất Nước, đó là tài hoa của một người nghệ sĩ chân chính qua đó gửi gắm tới bạn đọc một bài học sâu sắc về giá trị văn hóa dân gian và tinh thần yêu nước sâu sắc. 

10. Người lái đò sông Đà

Nhà văn Thạch Lam từng cho rằng: “Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”. Vâng, nhà văn được nhắc đến trong nhận xét trên không ai khác chính là Nguyễn Tuân, bậc thầy của sự sáng tạo, “người thợ kim hoàn của ngôn ngữ”. Nhắc đến Nguyễn Tuân là nhắc đến sự tài hoa uyên bác, nhà văn được mệnh danh là “người suốt đời đi tìm cái đẹp” và “Người lái đò sông Đà” chính là một minh chứng điển hình. Để cho ra đời tác phẩm ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã không ngại đường xá xa xôi, trèo đèo lội suối lên vùng đất Tây Bắc để tận mắt nhìn con sông Đà, khai thác vẻ đẹp con sông Đà theo hai phương diện hung bạo và trữ tình. Bằng lăng kính độc đáo của người và chất tài hoa uyên bác của người nghệ sĩ, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà hiện lên trong từng trang viết, một sông Đà hung bạo dữ dội với những trùng vi thạch trận nham hiểm nhưng cũng rất đỗi dịu dàng thơ mộng. Đằng sau vẻ đẹp ấy Hình tượng nhân vật ông lái hiện lên là một người anh hùng trên chính công việc lao động của mình trên sông nước với kinh nghiệm dày dạn với tay lái ra hoa và đặc biệt ông lái đò còn là một con người đời thường, vô danh. Đó là những vẻ đẹp mà Nguyễn Tuân suốt đời đi tìm, thể hiện cái tâm cái tầm của một nhà văn bậc thầy.

11. Sóng

“Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng… Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái, nhỏ nhen mà độc hại”. Nếu thơ không là tiếng nói của trái tim, không thổ lộ mãnh liệt tình cảm đã được ý thức, ẩn chứa tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ thì đó không phải là thơ. Tác phẩm “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh là một minh chứng rõ ràng, trong tác phẩm có hình tượng nhân vật trữ tình “Em”, đó chính là sự “phân thân” của tác giả khi muốn bộc bạch tiếng lòng của mình. Mượn hình ảnh “Sóng” và “Em”, nữ thi sĩ đã khéo léo thể hiện suy nghĩ về quy luật tình yêu, thể hiện nỗi nhớ da diết, lòng thủy chung son sắt của người con gái khi yêu và khao khát một tình yêu vĩnh cửu, bất diệt. Từng câu thơ như từng lời bộc bạch, tâm sự của nhân vật trữ tình, mỗi vần thơ được thả theo những nhịp cảm xúc sâu lắng, mỗi đợt sóng trào lòng của nhân vật trữ tình lại xôn xao cùng những đợt sóng bởi cuộc đời thật dài, nhiều trắc trở khó khăn. Đó cũng chính là khát khao muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người, từ đó khẳng định tình yêu là một tượng đài lớn lao, vĩnh cửu, là niềm hạnh phúc của một đời người. Đó chính là cảm xúc của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh khi chắp bút gửi vào từng vần thơ “Sóng”, là tiếng lòng, là nhịp đập của trái tim đang rạo rực yêu thương. 

12. Ai đã đặt tên cho dòng sông?

“Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ” (Thạch Lam). Với đôi mắt và tâm hồn tinh tế của người nghệ sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phác họa một bức tranh sông Hương đậm nét Huế với một vẻ đẹp không hòa lẫn ở nơi khác. Để làm rõ vẻ đẹp của dòng sông, nhà văn đã cảm nhận vẻ đẹp ở góc độ khác nhau như thiên nhiên và thơ ca lịch sử. Đối với vẻ đẹp thiên nhiên, tác giả cảm nhận qua nhiều góc độ, từ lúc con sông ở thượng nguồn, sang ngoại vi thành phố cho đến trung tâm thành phố. Sông Hương đều mang vẻ đẹp khác nhau nhưng tựu trung lại, đó là một vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng cũng rất đỗi thơ mộng trữ tình đậm hồn Huế. Sang vẻ đẹp của góc độ thơ ca lịch sử, cây bút xứ Huế lại theo dòng Hương giang, nhớ về lịch sử dòng sông đã trải qua biết bao thăng trầm biến cố, là một nhân chứng lịch sử muôn đời, bên cạnh đó, Hương giang cũng là một dòng sông trưởng thành với nền văn hóa dân tộc, gắn liền với biết bao danh nhân tên tuổi của nền văn học nước nhà. Từ đây chúng ta có thể thấy được tình yêu quê hương đất nước nồng thắm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sự tự hào da diết đối với dòng sông biểu tượng quê hương. Qua đó thể hiện sự hiểu biết tường tận về lịch sử, địa lý, văn hóa và ông đã thành công ghi vào dấu ấn bạn đọc một dòng Hương giang tuyệt đẹp mà rất đỗi hào hùng. 

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

 

Tin liên quan