Đăng Ký Học
Ngày 27/03/2023 09:12:07, lượt xem: 2828
Sau khi đọc một bài viết dài mấy trang giấy thì điểm để lại ấn tượng với người đọc nhất thường sẽ là kết bài. Chị biết là có rất nhiều bạn khi hết giờ sẽ cố viết 2 câu cho xong kết bài mà không chỉn chu cho nó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ gây mất điểm đó nha! Các em hãy mau bỏ túi ngay các cách kết bài sau để vào phòng thi có được những kết bài thật hay và không bị rối nhé!
CẤP ĐỘ 1: KẾT BÀI TÓM LƯỢC
Đây có thể xem là một trong những cách kết bài đơn giản nhất mà bất cứ bạn nào cũng có thể làm được. Tuy nhiên, vì nó đơn giản nên các em phải chú ý hơn trong cách sử dụng từ ngữ để tạo điểm nhấn mạnh hơn nha.
vd: Tóm lại, bài thơ “Sóng” đã mang đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu, khi thì dịu dàng thế, khi lại mãnh liệt, dữ dội vô cùng. Bởi vậy, dưới ngòi bút tài hoa của Xuân Quỳnh, “Sóng” đã cất lên thành khúc ca về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, và khúc ca ấy sẽ tiếp tục hát mãi cho đến mai sau này.
CẤP ĐỘ 2: KẾT BÀI BẰNG CÁCH LIÊN HỆ
Cách kết bài này đòi hỏi chúng ta cần có vốn kiến thức rộng, có tìm tòi, học hỏi để từ một tác phẩm chúng ta có thể liên hệ, mở rộng đến một tác phẩm khác.
VD: “Tây Tiến” là nỗi nhớ, là kỉ niệm, là hồi ức của Quang Dũng về những ngày tháng kháng chiến chống Pháp. Những năm tháng ấy là mồ hôi, là nước mắt, là những tiếng cười, để rồi giờ đây Tây Bắc trở thành nhà, đoàn quân Tây Tiến hóa gia đình, để dù có đi đâu cũng sẽ nhớ mãi. Đúng như lời nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”
ĐỌC THÊM 5 công thức viết kết bài thần tốc trong phút chót
CẤP ĐỘ 3: KẾT BÀI BẰNG CÁCH LÍ LUẬN VĂN HỌC
Đây có thể xem là một trong những cách kết bài dễ để lại ấn tượng nhất nè. Các em có thể tham khảo kết bài dưới đây để áp dụng với bất cứ đề nào nhé.
VD: Có nhà phê bình văn học đã từng nói rằng: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết.” Quả đúng như vậy, những giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo mà Tô Hoài thổi hồn vào truyện ngắn đã tạo nên cho tác phẩm sức sống mạnh mẽ vô cùng cho đến mãi ngày sau. “Vợ chồng A Phủ” khoác lên mình một chiếc áo rất riêng biệt, mà có lẽ, chưa bao giờ, hiện thực cuộc sống của người nông dân miền núi được truyền tải một cách sâu sắc đến như vậy. Đồng thời, đó cũng là bước mở đường, mở ra cho con người con đường mới, cuộc sống mới, thoát khỏi hiện thực đầy tàn khốc.
CẤP ĐỘ 4: KẾT BÀI NÂNG CAO VẤN ĐỀ
Đây có thể xem là một trong những cách kết bài khó nhất, đòi hỏi ở các em phải có tư duy, sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề. Dưới đây là cách nâng cao vấn đề đơn giản nhất bằng cách nâng cao đến thành công của tác phẩm, các em có thể tham khảo nha
VD: Kim Lân vẽ nên bức tranh “Vợ nhặt” bằng ngôn từ một cách khéo léo. Ở đó không chỉ hiện thực tàn khốc của những ngày nạn đói 1945 được tái hiện rõ nét, mà hơn hết, những phẩm chất cao đẹp của con người sáng ngời lên giữa cái hiện thực tăm tối của cuộc sống. Hơn cả một tác phẩm, đó còn là tiếng lòng của nhà văn, sự đồng cảm, thái độ trân trọng con người, một niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc, ấm no hơn. Kim Lân thổi hồn vào “Vợ nhặt”, “Vợ nhặt” lại truyền đến cho con người sức sống mới, một niềm tin, sức mạnh vượt lên thực tại đầy tăm tối.
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN SÂU: TẠI ĐÂY
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan