Đăng Ký Học
Ngày 05/11/2021 02:00:34, lượt xem: 24970
Đề bài: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc”. Bạn suy nghĩ thế nào về nhận định trên?
Bài viết mẫu về sự sáng tạo trọng văn học
Nếu như ví giai điệu là ngôn ngữ của âm nhạc, màu sắc là ngôn ngữ của hội hoạ thì ngôn từ là chất liệu chính của một tác phẩm Văn học. Nhưng liệu có phải chỉ dựa vào những con chữ sống động ấy mà cho ra đời những áng văn bất hủ hay không? Nhiều tác phẩm không chỉ đọc một lần mà cần phải đọc rồi, đọc nữa, suy ngẫm, liên tưởng ta mới nhận ra thứ ánh sáng, màu sắc, hương thơm phảng phất ẩn sau những câu từ đó. Chẳng thế mà có câu nói rằng: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc”.
Có lẽ ta đã quá quen thuộc với Niu Tơn- người nhìn quả táo rơi cũng có thể phát minh ra “Định luật vạn vật hấp dẫn”. Nhìn cấu tạo bộ xương các loài chim mà nhiều nhà bác học mơ tưởng về chiếc máy biết bay lượn trên không. Hay nhà văn Pháp Zola có thể viết những cuốn tiểu thuyết lớn chỉ dựa vào những tin báo đài và hàng tháng trời không bước ra khỏi nhà hay sao? Tất cả đều là nhờ trí tưởng tượng của con người. Tưởng tượng là khả năng hình thành các hình ảnh, cảm giác, khái niệm trong tâm trí khi không nhận thức đối tượng đó thông qua thị giác, thính giác hoặc các giác quan khác. Tưởng tượng trong Văn học không phải là khả năng tạo ra những tình huống hoang đường, hoàn toàn không có thật mà là khả năng “lạ hoá”, biết làm cho những cái quen thuộc trở thành xa lạ, mới mẻ, biết phát hiện ra cái lạ trong những cái đã quen. Vì vậy, thế giới nghệ thuật luôn hiện ra lung linh, đầy màu sắc, gây ấn tượng khó quên với người đọc. Ý kiến: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc” như một lần khẳng định tưởng tượng trong Văn học là chìa khoá quan trọng làm nên thành công của tác phẩm.
“Trí tưởng tượng là cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật, là vầng thái dương vĩnh cửu và là chúa trời của nó” (thơ La tinh). Thật vậy, ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn. Nhận định đã nhấn mạnh vai trò của năng lực tưởng tượng trong sáng tạo Văn học. Nhờ có tưởng tượng mà nhà thơ, nhà văn đã khắc hoạ nên hình tượng nhân vật, hình ảnh thơ đầy cảm xúc chạm đến nội tâm người đọc, khiến họ xúc động, hồi hộp, hạnh phúc. Nhờ có trí tưởng tượng mà tác giả khám phá, phát hiện được những vẻ đẹp khuất lất trong đời sống. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời”. Văn học phản ánh mọi mặt đời sống nhưng những con người, những khung cảnh, những hình ảnh chi tiết bước vào những trang văn một cách bay bổng, mềm mại chứ không “thô” như đời thực. Không chỉ vậy, nhà văn còn hình dung, liên tưởng đến những hình ảnh mới hơn, đẹp hơn với mục đích gửi gắm tâm hồn, suy tưởng, ước mơ của mình vào đời sống. Qua những trang văn, tác giả đã viết tiếp câu chuyện của cuộc đời mình, những dự định còn dang dở mà bản thân chưa hoàn thành cho những nhân vật ở trong truyện. Họ gửi gắm những nhiệm vụ, những ước mơ, những mong muốn cho “bản sao thứ hai” của mình thực hiện. Cũng chính nhờ tưởng tượng, các nhà thơ, nhà văn đã thoả mãn khát vọng cái đẹp của chính mình đồng thời thoả mãn khát vọng cái đẹp ở người đọc.
ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT
Bước vào văn đàn Việt Nam, ta bắt gặp Hữu Thỉnh với những vần thơ “Sang thu” vô cùng tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Khổ thơ đầu của bài thơ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.
như một minh chứng hoàn hảo để chứng minh cho câu nói: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc”. Thông thường nói về thu, các thi sĩ thường mượn măng trúc, hoa cúc, mây xanh, trời cao, lá vàng, nước trong… để diễn tả. Nhưng với Hữu Thỉnh, tác giả chọn thời điểm giao hòa, quấn quýt, lưỡng lự của hai mùa để dồn nén cảm nhận của mình. Mở đầu bài thơ tác giả viết: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Nhà thơ đã đến với mùa thu bằng cách ấy, bằng “hương ổi trong gió se” chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như vòm trời cao xanh, heo may phảng phất, hương cốm,... Giải thích cho sự khác biệt này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp đẽ cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hêt cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông..Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ..Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khoá vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ…”. Từ “Bỗng” đặt ở đầu câu thơ diễn tả sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ trước những dấu hiệu báo thu về. Hữu Thỉnh ngạc nhiên khi nhận ra hương ổi chín? Chính hương ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác. Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh hơn, mạnh hơn. Vì thế nhà thơ mới nhìn thấy tốc độ “phả” của hương ổi. Nhà thơ khắc in vào thời điểm giao mùa một nét đặc biệt mang tính đặc trưng của gió đầu thu. Từ đây mùa thu lại có một dấu hiệu riêng nữa đầy quyến rũ đó là hương ổi chín ngấm đậm trong gió se. Bình thường sẽ nói tỏa, bay chứ không phải phả. Phả vừa bao hàm nghĩa của tỏa, của bay vừa khiến người đọc như nhìn thấy, như sờ thấy một chuỗi làn hương của ổi chín cùng một lúc đồng thời ùa ngấm vào làn gió. Có thế mới gây nên, mới tạo ra trạng huống bỗng trong nhà thơ. Nhưng cảm thấy, nhìn thấy tốc độ của làn hương ổi chín không lý gì nhà thơ lại không nhìn thấy: “Sương chùng chình qua ngõ”. Một buổi sớm giao mùa của đầu thu, không gian trong lành, thinh lặng nên chỉ có hương ổi, có gió se, có sương mờ giăng giăng bảng lảng trước ngõ nhỏ. Nhà thơ như nghe thấy, như nhìn thấy bước di chuyển của làn sương: nhè nhẹ, chầm chậm như lưỡng lự, như nuối tiếc… Tất cả điều đó được gói trong từ láy tượng hình rất sinh động: “chùng chình”. Hai thanh huyền của từ láy cho phép người đọc tưởng tượng ra ngay hình thế, vị trí, dáng dấp của làn sương thu buổi sớm. Làn sương không cao, không thấp, cứ là là, uốn lượn, mênh mang, dịu dàng, và mỏng manh. Như thế, hương ổi chín cùng với gió se quyện vào sương thu tạo nên một lát cắt giao mùa rất gợi, rất đẹp, rất quyến rũ. Nó vừa hữu hình vừa vô hình tạo cảm giác lâng lâng, thanh khiết, quyến luyến. Rõ ràng thu đã về chứ đâu còn hình như nữa? Cái hay của từ hình như không phải tạo ra nội dung ý nghĩa mà hay ở sự tạo cảm giác mông lung, ảo huyền hư thực xen lẫn. Phải là người tinh tế lắm Hữu Thỉnh mới có những trang thơ đi vào lòng người như vậy. Tác giả đã cảm nhận sự giao mùa bằng tất cả các giác quan của con người. Đó chính là sự kết tinh của năng lực tưởng tượng. Năng lực ấy chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, để cảm nhận thiên nhiên một cách hoàn hảo nhất để rồi tạo nên một bức tranh giao mùa khó có thể quên trong lòng độc giả.
ĐỌC THÊM NGUYÊN TẮC 3H KHI SỬ DỤNG LÍ LUẬN VĂN HỌC
Bằng ngòi bút sắc bén cùng những cảm nhận tinh tế về đất trời lúc giao mùa và trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh “Sang thu” làm nao nức lòng người. Khổ thơ cũng đã làm rõ câu nói: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc”.
Với sứ mệnh cao cả của người làm văn, chắc chắn tưởng tượng là một yếu tố không thể thiếu của người nghệ sĩ- các nhà văn bởi nó mang đến cái nhìn mới mẻ, độc đáo, góp phần thể hiện nội dung tư tưởng, đem chúng đến một cách tự nhiên nhất, gần gũi nhất với độc giả. Tuy nhiên, tưởng tượng cần gắn liền với thực tế đời sống. Các nhà thơ, nhà văn cần tránh tưởng tượng viển vông, xa rời cuộc sống, thực thể. “Văn học là nhân học” nên những trang văn cho dù có bay bổng, hay đến mấy nhưng nếu không đúng với thực tại thì sẽ là tác phẩm chết, phai mờ theo năm tháng.
Càng thấm thía câu nói của Victo Huygo: “Con người không biết hài hước, không biết tưởng tượng chỉ là ½ con người” bao nhiêu thì ta lại càng trân trọng năng lực tưởng tượng trong Văn học của các nhà văn bấy nhiêu. Có những tác phẩm sẽ sống mãi trong trái tim người hâm mộ nhưng cũng có những tác phẩm người đời đọc một lần rồi gấp vào mãi mãi. Vì vậy, để thành quả của mình không bị chết yểu theo năm tháng, hãy vận dụng tốt trí tưởng tượng và khả năng của mình để cho ra đời những đứa con tinh thần còn để lại dư âm đến mai sau giống như câu nói: “Trong tác phẩm Văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc”.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan