Đăng Ký Học
Ngày 26/10/2021 14:42:51, lượt xem: 12337
Khi khẳng định giá trị của “Truyện Kiều”, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Có thể nói, Đoạn Trường Tân Thanh với những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào cho nền văn chương Việt Nam. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, những phong cảnh tuyệt vời trong thiên nhiên, cỏ cây, những bức tranh tâm trạng đã hiện ra tạo thành một thế giới thơ đầy quyến rũ. Bằng tấm lòng và sự nâng niu, trân trọng, mến yêu nhân vật chân thành, ông đã để lại cho đời những rung cảm nghệ thuật trước cái đẹp thật sâu sắc.Đến với đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, một lần nữa ta hiểu thêm về nghệ thuật miêu tả của Tố Như thần tình ra sao và trái tim Nguyễn chan chứa yêu thương biết nhường nào!
2. THÂN BÀI
LUẬN ĐIỂM 1: KHÁI QUÁT TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
- Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà nhân đạo lỗi lạc có “con mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Sáng tác của Nguyễn Du bao trùm tư tưởng nhân đạo, trước hết và trên hết là niềm quan tâm sâu sắc tới thân phận con người. Truyện Kiều không chỉ là bản cáo trạng mà còn là khúc ca tình yêu tự do trong sáng, là giấc mơ tự do công lí “tháo cũi sổ lồng”. Nhưng toàn bộ Truyện Kiều chủ yếu là tiếng khóc xé ruột cho thân phận và nhân phẩm con người bị chà đạp, đặc biệt là người phụ nữ.
LUẬN ĐIỂM 2: PHÂN TÍCH
- Điều gì đã làm nên giá trị và sức sống của Truyện Kiều ? Có rất nhiều yếu tố tạo nên thiên tài Nguyễn Du. Nhưng nét bút đặc sắc của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả người thì không ai có thể phủ nhận được. Ông đã sáng tạo ra những chi tiết, ngôn ngữ, tâm lý nhân vật… tạo nên một thế giới nhân vật phong phú. Chân dung Thuý Kiều là một điển hình.
- Với ngòi bút thiên tài, đoạn trích Chị em Thuý Kiều đã ca ngợi vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, những trang tuyệt sắc giai nhân tiêu biểu trong dòng văn học trung đại. Đó là một vẻ đẹp toàn mỹ trong tính ước lệ của văn chương. Nếu Thúy Vân là vẻ đẹp của bức tranh tố nữ, thì Thúy Kiều là vẻ đẹp của người ngọc hiện diện giữa trần đời đầy sắc sảo, mặn mà.
+ Nếu chỉ với 4 câu thơ, chân dung Thúy Vân đã hoàn thiện thì khi tả Kiều, nhà thơ đã khẳng định:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.”
Câu chuyển tiếp cho ta thấy từ sắc đến tài, Kiều hơn hẳn Thúy Vân, đó không phải là cái đẹp hiền lành, phúc hậu mà trái lại vừa sắc sảo, lộng lẫy, vừa mặn mà, duyên dáng, yêu kiều. Thì ra, Thúy Vân đã sắc nước hương trời, Thúy Kiều còn rực rỡ hơn thế nữa. Bằng thủ pháp đòn bẩy, Nguyễn Du đã mượn vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền để nêu bật vẻ đẹp, tài năng của Thúy Kiều, giúp người đọc hình dung rõ hơn về bức chân dung của nàng bằng cái nhìn của riêng mình. Thực tế, đến Thúy Kiều, ta thấy Nguyễn Du rất ít tả mà chỉ gợi. Ông lại thêm một lần nữa chứng tỏ cốt cách nghệ thuật của một nghệ sĩ bậc thầy. Bởi, nếu bây giờ nhà thơ cũng lặp lại trình tự tả y hệt như tả Thúy Vân thì hóa ra quá đỗi vụng về.
+ Đặc biệt, sức gợi của vẻ đẹp Thúy Kiều toát lên từ đôi mắt:
" Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh"
ĐỌC THÊM NHẬN ĐỊNH VỀ NGUYỄN DU VÀ "TRUYỆN KIỀU"
Chỉ một nét thần, nhà thơ không chỉ miêu tả ánh mắt, nét mày mà còn lột tả tâm hồn nhân vật. Ánh mắt nàng đẹp như mặt nước hồ thu mênh mông, vời vợi trong sắc xanh của mây trời, trong chút vàng của nắng, của chiếc lá thu phai. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Trong đáy mắt màu thu ươn ướt, man mác buồn ấy, lại chất chứa trái tim đa sầu đa cảm mà đằm thắm tình người, tình đời bao dung. Chính “làn thu thủy” ấy đã rung cảm “dầm dầm châu sa” trước nấm mồ hoang vô chủ của Đạm Tiên, rồi lại trước cơn gia biến đã quyết hy sinh mối tình đầu chớm nở với Kim Trọng mà “Liều đem tất cỏ quyết đền ba xuân”. Rồi phải trầm luân trong mười lăm năm gió bụi cuộc đời với biết bao đắng cay tủi nhục. Nét độc đáo của thiên tài Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của nét mày nàng đẹp như dáng núi mùa xuân xanh cong quyến rũ, tràn đầy sức sống. Mùa xuân với sắc xanh mượt mà mơn mởn “Xuân du phương thảo địa” (cổ thi), “cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du), ẩn sau “nét xuân sơn” ấy là sức sống dâng trào của cô gái “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (Nguyễn Du). Chính trong vẻ yêu kiều ấy, Thúy Kiều đã rung động trong lần đầu gặp Kim Trọng “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” để rồi sau lần đầu gặp gỡ ấy trái tim dào dạt yêu thương đã tự nhủ:
“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không.”
Nguyễn Du đã nhấn mạnh “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Tác giả đã sử dụng điển tích, mượn ý thơ của Lý Diên Niên đời Hán Vũ Đế (Trung quốc):
“Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.”
(Quay lại một lần tướng giữ thành mất thành, quay lại lần nữa nhà vua mất nước). Câu thơ làm ta liên tưởng đến nụ cười của Bao Tự, cái liếc mắt của Điêu Thuyền, một chút nũng nịu của Dương Quí Phi, cái nhăn mặt của Tây Thi, hay nét u buồn của Chiêu Quân… - những người đẹp đã từng làm xiêu đổ bao thành trì và triều đại phong kiến Trung quốc. Tác giả ngầm so sánh Kiều như một trang quốc sắc thiên hương, một sắc đẹp có một không hai. Nhưng nàng đẹp đến nỗi thiên nhiên phải hờn ghen. Đoạn thơ đã phảng phất dự cảm về cuộc đời đầy sóng gió bất trắc của nàng Kiều.
- Miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du còn đề cao trí tuệ và tài năng của nàng, cho thấy rằng Kiều không phải chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn là người con gái vốn có thiên tư thông minh bẩm sinh và rất mực tài hoa:
" Thông minh vốn sẵn tính trời,
………
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân."
+ Tài năng của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng. Làm thơ, vẽ tranh, ca ngâm, âm nhac, mọi thứ Kiều đều tỏ ra thành thạo. Đặc biệt, nàng rất sành chơi Hồ cầm. Nguyễn Du một lần nữa lại rất công phu khi dành cho Kiều các chữ: “vốn sẵn tính trời”, “đủ mùi” “làu bậc”, “ăn đứt” làm cho cái gì cũng đầy đủ và toàn vẹn. Tài năng của Thúy Kiều qua cách khắc họa của Nguyễn Du họa chăng chỉ có thể so sánh với tài thơ vè xuất sắc của cung nữ trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia thiều:
" Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương."
Câu chữ, lời thơ chất chứa sự ngợi ca, ngưỡng mộ mà nỗi băn khoăn, lo lắng cứ xốn xang trê mỗi chữ dùng của Tố Như. Nguyễn Du biết thế. Bởi, có lúc ông đã phải thốt lên rằng:
" Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần."
Nhưng là sao khác được. “Thiên bạc mệnh” ai oán đã vận vào Kiều mất rồi. Trái tim yêu thương mênh mông của Nguyễn Du cũng chẳng thể nào bảo vệ được Kiều trước vòng xoáy nghiệt ngã của định mệnh.
LUẬN ĐIỂM 3
Bức chân dung về Thúy Kiều là bức chân dung mang cả vẻ đẹp, tính cách và số phận. Nói về nhan sắc và tài năng của Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã thực sự đề cao và trân trọng vẻ đẹp cũng như giá trị phẩm hạnh của người phụ nữ. Bên cạnh đó, những dự cảm về tương lai cuộc đời Kiều lại cho thấy tấm lòng thương cảm đậm chất nhân văn của nhà thơ.
3. KẾT BÀI
Như vậy, qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” ta đã được thấy bức chân dung có một không hai về nàng Kiều của Nguyễn Du. Vẻ đẹp cả tài và sắc của Kiều đã đạt tới độ tuyệt mĩ. Thúy Kiều – đại diện cho những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Chính cái xã hội ấy đã chà đạp lên những phẩm chất và vẻ đẹp mà đáng nhẽ ra phải có cuộc sống hạnh phúc của họ. Đồng thời đại thi hào cũng thể hiện được đặc sắc nghệ thuật tiến bộ về con người của mình.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan