HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT

Ngày 12/10/2021 16:18:39, lượt xem: 28322

Một bài văn được xem là có chất văn, là một bài văn hay là bài văn hội tụ rất nhiều yếu tố: văn viết mượt mà, truyền cảm, văn viết có chất sáng tạo, văn viết giàu chất lí luận. Và một bài văn giống như một bông hoa đẹp ngào ngạt hương thơm và lí luận văn học là một trong những hương thơm sắc màu làm cho bài văn có sức hấp dẫn với người đọc, người nghe. 

- Làm sao để đưa lý luận văn học vào bài thi?

- Cách đưa lý luận văn học như thế nào?

- Áp dụng lý luận văn học vào bài làm có nên không?

Bài viết này sẽ giúp các em có thêm một số kiến thức để vận dụng tốt lí luận văn học vào bài viết của mình nhé.

 

 

1. Áp dụng vào mở bài

Ví dụ: Phân tích hình tượng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân

Thay vì viết:

Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Đó là người nông dân có tình yêu làng và yêu nước sâu sắc, hai tình yêu này hòa quyện với nhau tạo nên dấu ấn khó phai về nhân vật. Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, nó ngấm vào máu thịt trong ông. Tình yêu ấy có thể chia làm ba chặng chính: tình yêu làng khi ông Hai ở làng tản cư; tình yêu làng, yêu nước khi ông Hai nghe tin làng mình theo Việt gian; tình yêu làng, yêu nước khi ông nghe tin cải chính.

=> CHÚNG TA SẼ VIẾT :

Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó cất lên tiếng nói của con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi thế Nam Cao từng nói: “ Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Trăng Sáng). Văn chương là vậy, nó vẫn luôn đẹp một cách đặc biệt nhất. Phải chăng chính vì thế mà các nhà thơ, nhà văn luôn tạo ra những nét riêng cho mình bằng việc xây dựng lên những hình tượng nhân vật độc đáo chở nặng tâm tư của tác giả. Điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân. Sự tinh tế, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật của nhà văn Kim Lân đã góp phần chắp cánh cho tác phẩm vút bay trên bầu trời văn đàn dân tộc

 

2. Áp dụng vào luận điểm

Ví dụ: 2 câu đầu bài thơ “Bếp lửa”

Thay vì viết:

Mở đầu bài thơ là hình ảnh "bếp lửa" - nơi khơi nguồn cảm xúc nỗi nhớ, hồi tưởng về người bà kính yêu:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

=> CHÚNG TA SẼ VIẾT :

Nhà thơ Puskin từng nói rằng: “Thơ được tạo ra từ cơn động kinh của tâm hồn. Đó là cú đại địa chấn được dồn ứ từ những biến cố, những kỉ niệm, có khi là nỗi nhớ quặn lòng.” Và phải chăng khi “kỉ niệm” và “cảm xúc” đã đong đầy trong nỗi nhớ cũng là lúc mà hồn thơ Bằng Việt bật lên những trang viết thiết tha:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

 

ĐỌC THÊM LÝ LUẬN VĂN HỌC | QUAN NIỆM VỀ VĂN HỌC CHÂN CHÍNH

 

3. Áp dụng vào phân tích thơ

Ví dụ : Phân tích 6 câu thơ trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Thay vì viết:

Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên mùa xuân mang sắc màu và âm thanh quen thuộc của đồng quê được vẽ bằng hình ảnh bình dị, chọn lọc, gợi cảm:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Rồi sau đó các bạn phân tích lần lượt từng câu thơ.....

=> CHÚNG TA SẼ VIẾT:

Bàn về tính nhạc trong thơ tác giả Trần Thiện Thanh cho rằng: “Thi nhân phổ nhạc cho thơ, tiếng thơ vang ngân trong không gian, tạo thành các “bước sóng” gõ cửa tâm hồn đọc giả. Ở đoạn thơ trên Thanh Hải đã vô cùng khéo léo, linh hoạt trong cách ngắt nhịp thơ 2/3, 3/2 đan xen khiến người cảm thấy mình đang đứng trước một khúc nhạc chứ không chỉ đứng trước một bài thơ đơn thuần. Việc sử dụng những hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu tượng: dòng sông xanh,bông hoa tím, tiếng chim ngân vang thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, mong muốn hoà vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục. Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên “ơi, hót chi... mà...” làm cho câu thơ như trải dài, ngân vang khắp khoảng trời xứ Huế......

 

4. Áp dụng vào phân tích nghệ thuật ngôn từ

Ví dụ: Phân tích câu thơ:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Thay vì viết:

Khép lại khổ thơ là hình ảnh đám mây được nhân hóa với hành động “vắt nửa mình”. Hình ảnh thơ rất giàu tính chất tạo hình trong không gian và có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian. Đám mây trắng buốt mềm mại trải dài như một tấm lụa treo ngang trên bầu trời, rất nhẹ nhàng, duyên dáng. Và mây cũng chính là ranh giới chao nghiêng giữa hai mùa hạ – thu. Cảnh vật trở nên vừa hư lại vừa thực, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất nên thơ và hết sức độc đáo, mới mẻ của tác giả. Tóm lại, với một hệ thống những hình ảnh đẹp, giàu tính chất tạo hình trong không gian, kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, tương phản, nhà thơ đã khắc họa thành công khung cảnh trời đất khi bắt đầu vào thu thật sống động, tinh tế, nhẹ nhàng.

=> CHÚNG TA SẼ VIẾT

Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất. Thế mới có ý kiến: “Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ”. Với ý niệm ấy chữ “vắt” xứng đáng là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ này. Hữu Thỉnh dùng động từ “vắt” để gợi ra trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Nó đã tạo nên một lằn ranh giới mỏng manh, hư ảo. Có lẽ, thực tế sẽ không thể nào có áng mây bé nhỏ nào như thế. Đó chỉ là sự liên tưởng đầy thú vị của thi sĩ. Tất cả góp phần tạo nên một thời khắc giao mùa đầy chất thơ, tinh tế và nhạy cảm, độc đáo nhưng bâng khuâng trong không gian êm dịu của mùa thu.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan