Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu: “Những đường Việt Bắc của ta .... Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.” Qua đó làm rõ phong cách nghệ thuật mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn của nhà thơ Tố Hữu

Ngày 06/09/2020 15:21:52, lượt xem: 14607

Chuyến xe Văn học - Việt Bắc ( Tố Hữu )
Ngày hôm nay, hãy cùng Học văn chị Hiên ngược đường trở về Việt Bắc và sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc các em nhé!!

🌿Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:
“Những đường Việt Bắc của ta
....
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Qua đó làm rõ phong cách nghệ thuật mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn của nhà thơ Tố Hữu.

-----Hướng dẫn làm bài-----
1. MB:
- Dẫn dắt vấn đề, có thể đi từ:
+ Đề tài kháng chiến, nỗi nhớ
+ Tác giả
+ Nhận định về tác giả, tác phẩm
+ Một câu lí luận văn học

- Đi vào vấn đề: Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:
“Những đường Việt Bắc của ta
....
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Từ đó làm rõ phong cách nghệ thuật mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn của tác giả.
VD: Nhà văn Tố Hữu đã từng chia sẻ: “Tôi phải lòng đất nước và nhân dân mình và cũng đá nói nhiều về đất nước và nhân dân mình như người đàn bà mình yêu”. Có thể nói, thơ Tố Hữu là bản tình ca về đất nước và con người Việt Nam. Trong số những bản tình ca ấy, ta không thể không nói kể tới "Việt Bắc" - đỉnh cao của Tố Hữu, là tác phẩm xuất sắc trong văn học kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc không chỉ là bản tình ca sâu sắc mặn nồng giữa kẻ ở người đi mà còn là khúc hùng ca về những người anh hùng dân tộc. Bên cạnh những vần thơ trữ tình ngọt ngào, ta còn bắt gặp những vần thơ tràn đầy khí thế chiến thắng của quân và dân ta:
“Những đường Việt Bắc của ta

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.
Đây là đoạn thơ tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạnh của thi sĩ Tố Hữu.
2. TB:
a) Luận điểm 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông là nhà thơ của lí tưởng cộng sản tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình – chính trị. Đồng thời gắn bó với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bên cạnh đó thơ ông còn mang giọng điệu tâm tình, tha thiết và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là những tiêu chí làm nên văn phong nghệ thuật đặc trưng cho thơ Tố Hữu. Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn song hành, gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường đấu tranh cách mạng gian khổ, đầy hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc.
“Việt Bắc” được coi là một tác phẩm xuất sắc của nền thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Đúng như Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”. Bài thơ được sáng tác vào 10/1954 sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, cơ quan trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc để trở về thủ đô sao vàng – Hà Nội. Nhân sự kiện mang tính trọng đại đó, Tố Hữu là một trong những người chiến sĩ có mặt trong cuộc chia tay ấy đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc”.
b) Luận điểm 2: Phân tích:
- Hai câu thơ đầu là cái nhìn khái quát chung cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
+ Từ khắp nẻo đường Việt Bắc, đoàn quân hùng hậu của chúng ta hướng về mọi mặt trận với khí thế hiên ngang.
+ Đại từ sở hữu “của ta” vang lên một cách dõng dạc thể hiện niềm tự hào của những con người được làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định Việt Bắc là chiến khu tự do.
+ Điệp từ “đêm đêm” diễn tả khoảng thời gian quân và dân ta thực hiện chiến lược lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm. Không phải ngẫu nhiên mà thơ ca kháng có nhiều bài tả cảnh đêm:
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
+ Từ láy “rầm rập” kết hợp với biện pháp nghệ thuật so sánh “như là đất rung” vừa diễn tả hình ảnh một đoàn quân dài vô tận, vừa đặc tả bước chân đi đầy khí thế hăng say của một tập thể người đông đúc. Đó chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam với khí thế chiến đấu thần kì phải khiến cho trời rung đất chuyển, thiên địa hoảng hồn => Hình ảnh này giống như đoàn quân Sát Thát trong bài “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(Ba quân trí mạnh nuốt trôi trâu)
- Hai câu thơ tiếp là khúc hùng ca về đoàn quân ra trận với khí thế ngút trời, nổi bật trong đó là những anh bộ đội cụ Hồ:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
+ Hai từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” đi liền với nhau có sức gợi tả mạnh.
=> Vừa diễn tả một đoàn quân đông đúc, nối tiếp nhau vô tận, vừa gợi lên khí thế hiên ngang hào hùng với vũ khí tân trang tinh nhuệ
+ Hình ảnh “ánh sao đầu súng” là một hình ảnh tràn đầy hiện thực nhưng cũng rất đỗi lãng mạn, vô cùng độc đáo và đặc sắc gợi nhiều ý nghĩa liên tưởng. Đó có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như "Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu; Cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính; hơn thế nữa nó còn là ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi.
- Góp phần vào sự hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có cả một tập thể quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến qua hai câu thơ tiếp:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
+ Dân công là những người làm nhiệm vụ: xẻ núi, lăn bom, tải lương thực, súng đạn để phục vụ cho chiến trường. Đây là một lực lượng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang. Trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu từng xuất hiện hình ảnh các anh chị dân công:
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.
+ Nghệ thuật đảo ngữ “dân công” lên đầu, “từng đoàn” xuống cuối nhằm nhấn mạnh hình ảnh một đoàn dân công đông đảo nối tiếp nhau vô tận.
+ “Bước chân nát đá” là hình ảnh được cường điệu hóa , ẩn dụ biểu tượng cho sức mạnh của quân và dân Việt Nam ta, tô đậm một sức mạnh long trời lở đất, một khí thế ngút trời , sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ. => Tố Hữu đã rất tài năng khi biết tiếp thu ý từ thành ngữ dân gian “chân cứng đá mềm” để áp dụng vào cách nói này.
+ Hình ảnh “muôn tàn lửa bay” vô cùng lãng mạn gợi cho người đọc cảm nhận con đường hành quân ra trận lung linh huyền ảo bởi khi những cơn gió thổi tàn lửa bay tạt lại về sau khiến cho con đường ấy thêm rực sáng hơn.
=> Hai câu thơ sử dụng nhiều hình ảnh vừa chân thực vừa bay bổng khiến đoàn dân công đi vào chiến dịch như đi trong hội đăng hoa.
- Hai câu tiếp theo cho ta thấy được khí thế khẩn trương của cuộc kháng chiến qua việc khắc họa hình ảnh đoàn xe cơ giới ầm ầm kéo nhau ra trận:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
+ “Nghìn đêm” là con số ước lệ tượng trưng hơn 3000 ngày đêm kháng chiến chống Pháp, gợi ta liên tưởng tới những năm tháng lầm than của cả dân tộc khi bị đắm chìm trong chiến tranh. Đó là cả một quá khứ đau thương, mất mát.
+ Động từ mạnh “bật” nhưu làm bừng sáng cả đoạn thơ, nó bật nhanh đẩy lùi bóng tối, xóa tan màn sương mù thăm thẳm. Kết hợp với nghệ thuật so sánh “đèn pha bật sáng” giống khoảnh khắc mặt trời mọc của một ngày mới. Ánh đèn pha chính là ánh sáng của ngày mai, của hy vọng, của niềm tin chiến thắng. => Hình ảnh so sánh chân thực, khẳng định một niềm tin tất thắng vào lí tưởng và cuộc chiến đấu chính nghĩa của ta.
+ Hai câu thơ với hai hình ảnh đối lập càng nhấn mạnh tầm quan trọng của những ngày kháng chiến đầy cơ cực, gian lao và làm rõ hơn sự trưởng thành vượt bậc của quân và dân ta cùng niềm tin tất thắng vào tương lai tươi sáng.
- Nhờ có sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam cùng với sự góp công góp sức không nhỏ của đoàn dân quân và đoàn xe cơ giới, từ những đêm lịch sử hào hùng một “bản đồ vui” trải rộng khắp cả nước báo tin vui đã được tác giả phác họa qua 4 câu cuối cùng:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
+ Điệp từ “vui" được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng, đợt sóng này kế tiếp đợt sóng kia cứ dâng lên, dâng lên mãi, tràn ngập tâm hồn nhà thơ, trong lòng quân dân cả nước.
+ Những cụm từ “vui lên”, “vui về”, “vui từ”… vừa tạo bầu không khí rộn ràng, phấn chấn vừa khẳng định niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Cách nói ấy thể hiện thái độ trân trọng của cán bộ cách mạng đối với Việt Bắc, nhấn mạnh rằng Việt Bắc chính là cái nôi của cách mạng.
+ Không hề xuất hiện một từ “nhớ” – theo đúng chủ đạo của toàn bài, nhưng chúng ta vẫn ngầm hiểu nỗi lòng của tác giả. Có lẽ mỗi địa danh gắn với từng chiến công này không cần ta phải nói nhớ mới có thể nhớ đến, mà chỉ cần nhắc đến là lập tức quá khứ đã ùa về. Bởi lẽ nó đã trở thành một phần kí ức sâu thẳm trong tâm trí người cán bộ về xuôi.
=> Chỉ với 12 câu thơ, Tố Hữu đã thành công khắc họa một bức tranh cả dân tộc ra trận bằng cuộc chiến tranh nhân dân thật hùng tráng. Bức tranh ấy không chỉ làm sống dậy một thời kì hào hùng của cả dân tộc mà còn thể hiện niềm tự hào tự tôn dân tộc, niềm tin yêu vào quê hương, cách mạng.
c) Luận điểm 3: Đánh giá về giá trị nghệ thuật: Lối thơ ca dao lục bát quen thuộc, những từ ngữ gợi hình gợi cảm, những hình ảnh đậm chất sử thi, lãng mạn, sử dụng linh hoạt biện pháp tu từ,…
d) Luận điểm 4: Đánh giá về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong đoạn thơ trên
- Khuynh hướng sử thi là gì? Là những cảm xúc tự hào, ngợi ca của tác giả về những vấn đề lớn lao cảu cả dân tộc mang tính lịch sử thời đại
=> Trong đoạn thơ trên được thể hiện qua các nhân vật được nhắc đến như: anh bộ đội cụ Hồ, đoàn dân công hỏa tuyến mộc mạc nhưng hết lòng vì quê hương tổ quốc. Bên cạnh đó là một số hình tượng như: ánh sa, đèn pha đoàn xe cơ giới…
- Cảm hứng lãng mạn là gì? Là một trào lưu nghệ thuật thịnh hành vào những năm 1945-1975, nó là cảm hứng khẳng định cái tôi vượt lên hiện thực, thoát li với hiện thực, hướng tới niềm tin.
=> Trong đoạn thơ được thể hiện qua việc diễn tả khí thế hào hùng, oai dũng của đoàn quân; sự lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào tương lai phía trước…
=> Tố Hữu đã rất tài tình khi biết kết hợp những yếu tố dân tộc cùng phong cách nghệ thuật thơ đậm dấu ấn riêng của mình để viết nên một bức tranh hùng tráng, tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta.
3. KB: Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận và có thể liên hệ mở rộng theo hướng đi từ một nhận định, cảm nghĩ của bản thân…
VD: Có ai đó từng nói: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Thật vậy thông qua khúc nhạc đẹp đẽ, hào hùng ấy nhà thơ đã bộc lộ được những tình cảm tha thiết, sâu đậm của mình dành cho vùng núi rừng Việt Bắc, ngợi ca tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào. Qua bài thơ Việt Bắc, tác giả cũng nhắn nhủ đến người đọc đừng quên những trang sử hào hùng của dân tộc, những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt, cũng là những những trang sử thấm đượm tình cách mạng, lòng yêu nước sâu sắc.
--------------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

Tin liên quan