Đăng Ký Học
Ngày 26/11/2024 10:08:10, lượt xem: 176
I. Lý thuyết chung
1. Truyện ngắn: Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong một khoảng thời gian, không gian hạn chế. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết về việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật. Truyện ngắn hiện đại tuy có mặt tương đồng về dung lượng với truyện ngắn trung đại nhưng vẫn có những đặc điểm riêng.Đặc biệt, về nghệ thuật trần thuật, truyện ngắn hiện đại thường có sự chuyển đổi linh hoạt điểm nhìn và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường, trong đó việc miêu tả nét riêng của ngôn ngữ nhân vật được đặc biệt chú trọng.
2. Nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn:
- Ngôi kể: là chỉ vị trí của người kể chuyện. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” hoặc một hình thức tự xưng tương đương, có thể là nhân vật chính, nhân vật phụ, người chứng kiến, người kể lại câu chuyện được nghe từ người khác hay xuất hiện với vai trò tác giả “lộ diện”. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba là người kể chuyện ẩn danh, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật, không tham gia vào mạch vận động của cốt truyện và chỉ được nhận biết qua lời kể. Người kể chuyện ngôi thứ nhất thường là người kể chuyện hạn tri (không biết hết mọi chuyện). Người kể chuyện ở ngôi thứ ba có khả năng nắm bắt tất cả những gì diễn ra trong câu chuyện, kể cả những biểu hiện sâu kín trong nội tâm nhân vật. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba thường là người kể chuyện toàn tri (biết hết mọi chuyện).
- Điểm nhìn: là vị trí để quan sát, trần thuật, đánh giá. Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào, thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật, tất cả mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện. Điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện chỉ giới hạn trong cái nhìn của một nhân vật trung tâm, chỉ thấu suốt suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó và các sự kiện mà nhân vật đó biết. Thay đổi điểm nhìn: trong nhiều tác phẩm truyện ngắn hiện đại thường có sự di chuyển điểm nhìn, có thể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ ngôi thứ ba hạn tri sang toàn tri, hoặc giữa nhiều ngôi thứ nhất khác nhau. Thủ pháp này có nhiều tác dụng trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả: dẫn dắt độc giả vào thế giới tinh thần của nhân vật; quan sát, thể hiện sự việc, con người từ nhiều góc nhìn…
- Kết cấu truyện: cách tác giả sắp xếp, tổ chức các phần của câu chuyện theo một trình tự và hình thức cụ thể. Kết cấu không chỉ bao gồm thứ tự thời gian mà còn có thể là cách tác giả sắp đặt các sự kiện theo không gian, tâm lý nhân vật, hoặc theo các tầng lớp ý nghĩa khác nhau để tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện và dẫn dắt cảm xúc người đọc.
- Tình huống truyện: là hoàn cảnh, sự kiện hoặc sự việc đặc biệt mà tác giả tạo ra để đẩy nhân vật vào một trạng thái căng thẳng, thử thách hoặc thay đổi.
- Ngôn ngữ trần thuật: là cách tác giả sử dụng từ ngữ, câu chữ để kể lại câu chuyện và truyền tải nội dung, tư tưởng đến người đọc.
- Giọng điệu: là cách tác giả bộc lộc thái độ, cảm xúc của mình đối với câu chuyện hoặc nhân vật.
3. Một số nhận định
- Maugham: “Truyện ngắn cần phải viết sao cho người ta không thể bổ sung thêm vào đó chút gì, cũng không thể rút bớt ra chút gì”.
- Nguyên Ngọc: “Không nên nhất thiết trói buộc truyền ngăn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn vốn nhiều vẻ, có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một giây phút thoáng qua”.
- Pautopski: “Nếu như thơ có những vần luật chặt chẽ, chính xác thì theo tôi hiểu văn xuôi cũng phải có nhịp điệu của nó”.
- Bùi Hiển: “Ngôi kể như một ‘mắt nhìn’ của nhà văn, và qua con mắt đó, người đọc có thể cảm nhận được thế giới mà tác giả tạo dựng.”
II. Bài văn tham khảo
Nghệ thuật kể chuyện của tác giả Thạch Lam trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.
Bài làm
“Theo tôi quan niệm truyện ngắn phải có “chuyện” tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn…” (Nguyễn Quang Sáng). Để viết nên một tác phẩm truyện ngắn chạm tới trái tim bạn đọc, nhà văn không chỉ cần trung thực kể lại câu chuyện của mình mà còn cần đưa ra những cái nhìn độc đáo về mặt nghệ thuật kể chuyện. Một trong những thành công lớn nhất về nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn phải kể tới Thạch Lam trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”.
Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Nghệ thuật kể chuyện ở đây có thể hiểu là những đặc sắc về hình thức, là cách tác giả sử dụng những dấu hiệu nghệ thuật độc đáo trong ngôi kể, điểm nhìn nhân vật làm nổi bật nội dung cũng như tạo nên sự thành công của tác phẩm. “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã đáp ứng đủ những tiêu chí đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện ấy, vừa mang lại cho độc giả những trải nghiệm văn chương đầy thú vị vừa đưa ra những giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân sinh và tư tưởng, quan niệm văn chương của chính tác giả.
Nguyễn Tuân từng nhận định về Thạch Lam: “Tôi cứ nghĩ như đó là một người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải sự sống ở một số mặt sống, vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cũng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên ngoài và bên trong mình.”. Trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”, ta có thể bắt gặp một Thạch Lam như vậy, kín đáo, nhẹ nhàng kể những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng lại mang tới cho độc giả những xúc cảm khó quên bằng những đặc sắc nghệ thuật riêng có. Truyện ngắn sử dụng ngôi kể thứ ba khi người kể chuyện ẩn danh, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật mà chỉ kín đáo gọi những sự vật xung quanh như: nó, chúng nó hoặc tên nhân vật, sự vật theo nhận xét của mình.
ĐỌC THÊM: BỘ 16 MỞ - KẾT BÀI CHO 16 CHỦ ĐỀ CÓ KHẢ NĂNG XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2025
Nguyễn Thị Thu Thủy trong cuốn sách “Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể” đã khẳng định điểm nhìn trong truyện kể chi phối tới quá trình quan sát và kể lại: "Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó hiện thực được quan sát và kể lại". Trong “Hai đứa trẻ”, đặc sắc hơn cả của Thạch Lam là khi tác giả kể chuyện từ điểm nhìn rất phù hợp: nhân vật Liên. Qua điểm nhìn của nhân vật Liên - một cô bé nhạy cảm với nhiều suy tư, tác giả đã kể về cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, tù đọng của những kiếp người trong phố huyện nghèo. Tác giả rất tinh tế khi chọn điểm nhìn từ Liên chứ không phải ai khác, vì nếu chọn An, em còn quá nhỏ để có thể cảm nhận hết hiện thực xung quanh, cũng không thể chọn chị Tý hay bác Siêu vì họ mải mê kiếm tiền nên không còn thời gian cảm nhận thực tại cuộc sống.
Qua điểm nhìn của nhân vật Liên, bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo hiện lên chân thực nhưng lại phảng phất một nỗi buồn man mác. Cảnh phố huyện khi chiều về với tiếng trống thu không, với những âm thanh như tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng. Bức tranh thiên nhiên không chỉ được nhân vật cảm nhận từ những hình ảnh mà còn hiện lên với âm thanh đặc sắc. Mang trong mình một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên cảnh vật và giác quan tinh tế, Liên đã có những cảm nhận thật đẹp về bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nhưng lại man mác một nỗi u hoài. Cảnh vật tuy đẹp nhưng được nhìn qua một tâm hồn sắp héo úa, lại gắn với cái nghèo xác xơ của phố huyện ảm đạm nên bức tranh thiên nhiên dường như thật ảm đạm, đìu hiu. Chợ đêm tàn, thiên nhiên hiện lên trước mắt Liên không chỉ là cảnh tượng rác rưởi vỏ bưởi vỏ thị mà còn là một mùi âm ẩm bốc lên. Đến đêm tối về Liên cảm nhận được những tia sáng leo lắt phát ra từ đèn của bác phở Siêu hay ngọn đèn chị Tý. Nhưng những ánh sáng ấy cũng không thể nào xua tan đi được bóng tối, tâm hồn Liên vẫn cứ ngập tràn trong ánh sáng của những toa tàu điện. Nó khiến cho Liên được an ủi và nhớ về những kỉ niệm cũ. Chính tâm hồn nhạy cảm đã đưa Liên về với kỉ niệm xưa qua ánh sáng của những chuyến tàu đêm vội vã.
ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN XÃ HỘI MẪU - ĐỀ THI OLYMPIC BẬC THPT ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Điểm nhìn nghệ thuật từ nhân vật Liên còn cho ta thấy thế giới nội tâm của nhân vật. Liên là cô bé giàu tình yêu thương, Liên thương bà cụ Thi điên nên đã rót đầy cốc rượu cho bà, Liên còn thương cho mẹ con chị Tý sáng vất vả mò cua bắt tép chiều tối về lại dựng quán nước bán tới tận đêm, Liên thương gia đình bác Xẩm hát rong nhưng không có khách hay bác Siêu dọn gánh hàng nhưng cũng chưa ai ăn vì phở là một món quà xa xỉ tại nơi phố huyện nghèo này. Chính từ trái tim giàu tình yêu thương, Liên đã thương xót cho những mảnh đời đầy bất hạnh nơi phố huyện, sâu xa hơn, từ góc độ điểm nhìn nhân vật, có lẽ Liên đã đồng cảm với số phận mọi người, bởi giờ đây cô bé cũng đang phải sống một cuộc đời đầy bi kịch, thiếu đi ánh sáng của sự sống. Tuy vậy, qua điểm nhìn ấy, ta vẫn có thể thấy ánh sáng trong tâm hồn Liên, đó đơn giản chỉ là khoảnh khắc cô bé đợi tàu nhưng đó lại là khi chị em Liên thắp lên ánh sáng của hy vọng, ánh sáng của một niềm tin vững vàng về tương lai. Nhưng liệu đó có phải ước mơ, hay chỉ là ước vọng, là đắm chìm trong sự nuối tiếc quá khứ? Có lẽ, đó cũng là điều tác giả trăn trở ở nhân vật, khi Liên đã có những kỳ vọng le lói nhưng lại chẳng thể trỗi dậy một cách mạnh mẽ, bứt phá. Dường như đó là sự nuối tiếc của chính tác giả về sự hạn chế của con người trong một thời đại…
“Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán.” (Nguyễn Minh Châu). Lựa chọn cho những trang văn của mình ngôi kể và điểm nhìn phù hợp, Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật và thật sự đã làm “nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người”, khiến người đọc phải cùng suy tư, trăn trở, cùng rung lên những cung bậc cảm xúc thăng trầm theo tiến trình tâm lí trong nội tâm nhân vật. Từ điểm nhìn ấy, “Hai đứa trẻ” dù không có cốt truyện, ít sự kiện, không có cao trào hay thắt nút nhưng lại đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, đi sâu vào những rung động tế vi trong tâm hồn. Qua đây, Thạch Lam cũng thành công trong thể hiện những giá trị thẩm mĩ, giá trị hiện thực và chiều sâu tư tưởng cũng như những quan niệm văn chương tiến bộ của mình.
Điều ấy cũng chứng minh cho châm ngôn viết văn của tác giả: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. Vận dụng thành công nghệ thuật kể chuyện, Thạch Lam đã mang tới cho bạn đọc một truyện ngắn đặc sắc, một “bài thơ trữ tình đượm buồn” nhưng thấm thía và mang giá trị nhân sinh cao cả.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan