Đăng Ký Học
Ngày 10/03/2023 15:45:21, lượt xem: 5439
Chắc hẳn, khi bắt tay vào làm một bài văn, các em đã không ít lần rơi vào trường hợp:
- Không biết mở bài thế nào cho hay?
- Mở bài thế nào cho không bị lạc đề?...
Từ đó dẫn đến việc mất rất nhiều thời gian vào phần này.
Vậy thì, hãy lưu ngay những gợi ý mở bài cho những tác phẩm lớp 9 - học kì 2 đến từ HVCH nhaa
---------------------------------
1. MÙA XUÂN NHO NHỎ (THANH HẢI)
Tôi vẫn còn nhớ những tiếng thơ cuối cùng Tố Hữu viết để khép lại một cuộc đời đầy ánh sáng của mình:
“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho”
Không chỉ riêng Tố Hữu, bất cứ ai may mắn được sinh ra trong cuộc đời này khi trải qua những năm tháng được sống mới cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa là khi ta biết cống hiến, biết hy sinh vì lý tưởng sống lớn lao ta theo đuổi. Và trong những khoảnh khắc cuối của cuộc đời, có lẽ ta sẽ càng thấm thía hơn lối sống “cho đi” ấy. Cũng giống như Tố Hữu, Thanh Hải – nhà thơ thân yêu của xứ Huế mộng mơ trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời mình, hàng ngày ngồi bên cửa sổ phòng bệnh, màu biếc của hoa đang nhú bên ngoài và vài tiếng chim bất chợt cứ gợn trong mắt, âm vang bên tai nhà thơ. Tất cả những hình ảnh ấy dường như đang thành vần thành điệu cất thành tiếng thơ sâu lắng, ngọt ngào: “Mùa xuân nho nhỏ” + vấn đề nghị luận.
2. VIẾNG LĂNG BÁC (VIỄN PHƯƠNG)
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết những dòng thơ xúc động:
“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.”
Đó là cảm xúc rưng rưng tự hào và lòng biết ơn chân thành cùng những suy tưởng sâu sắc về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đó là một hành trình dài với biết bao gian khổ, thử thách mà Người đã trải qua với mục đích thiêng liêng, cao cả: “Tìm hình của Nước”. Và để rồi với tất cả những gì Bác để lại cho dân tộc Việt Nam trong bảy mươi chín năm cuộc đời ấy đã ghi một dấu ấn không thể nào phai nơi con tim mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Viễn Phương, trong một lần từ miền Nam được ra thăm lăng Bác, nhớ về những điều vĩ đại Bác đã làm cho Tổ quốc, cho nhân dân cũng đã vô cùng xúc động, ông đã lựa chọn trang thơ trở thành nơi trải cảm xúc của chính mình, tiếng lòng bật lên thành tiếng thơ “Viếng lăng Bác” + vấn đề nghị luận.
ĐỌC THÊM: 5 KẾT BÀI THẦN TỐC TRONG PHÚT CHÓT
3. SANG THU (HỮU THỈNH)
Khi thời thu xanh ngắt, khi khói thu xây thành, khi gió thu se lạnh, khi khí thu hiu hắt, tiêu sơ, khi những xúc cảm của mùa thu làm trở dậy những cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ ta nhận ra mùa thu đã đi vào trong thi ca như một đề tài bất tận của muôn đời. Không phải cái nắng gay gắt của mùa hạ, cũng không phải cái lạnh đến tê lòng của mỗi đợt gió đông. Mùa thu đến để lại trong lòng người nghệ sĩ biết bao nhiêu cảm xúc. Hữu Thỉnh - một trong số những nhà thơ mang trong mình tiếng thơ không ồn ào, cao giọng mà luôn nén lại, lắng xuống dù dòng xúc cảm luôn mãnh liệt, dạt dào cũng đã thể hiện tinh tế khoảnh khắc giao mùa tuyệt diệu qua thi phẩm “Sang thu” + vấn đề nghị luận.
4. NÓI VỚI CON (Y PHƯƠNG)
Có một nhà thơ đã từng viết những lời thật ấm áp xiết bao:
“Bàn tay cha, nắm tay con
Dìu qua tất cả những cơn bão đời
Khi con mái tóc xanh ngời
Tóc cha bạc trắng mây trời kém xa
Bàn tay nhỏ, trong tay cha
Con bình yên cả trong mơ vẫn cười”
Những tiếng thơ thân thương ấy gợi nhắc tôi về hình ảnh của cha - người thầy đầu tiên, người thầy sau cuối dẫn tôi đi trên con đường này. Từng điều cha dạy, từng lời cha nói, tất cả đều in đậm trong tâm trí của tôi. Có lẽ cũng chính bởi điều này mà khi biết tới thi phẩm “Nói với con” của nhà thơ Y Phương – tôi dành một cảm xúc đặc biệt vô cùng cho bài thơ này. Tiếng thơ của Y Phương vọng về như lời cha dặn con, gửi gắm biết bao mong muốn của mình khi nhắc nhớ con về cội nguồn dân tộc + vấn đề nghị luận.
5. NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI (LÊ MINH KHUÊ)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết trong thi phẩm của mình:
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh”
Tiếng thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ nhắc nhớ bạn đọc chúng ta về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, trường kỳ, gian khổ năm ấy. Những con người bé nhỏ, mang trong mình lý tưởng lớn lao mong muốn có thể góp phần vào công cuộc chung dành lại độc lập, tự do cho đất nước cho Tổ quốc. Họ - những con người ấy đã ngã xuống thế nhưng trái tim và tâm hồn của họ vẫn đang toả sáng, lấp lánh, ngời chói, lung linh. Cũng viết về hình ảnh cô gái thanh niên xung phong, không thể không nhắc tới truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê + vấn đề nghị luận.
ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY
- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY
- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan