CÁC VẤN ĐỀ LIÊN HỆ MỞ RỘNG TRONG TÁC PHẨM “LÀNG” MỚI NHẤT

Ngày 15/12/2023 16:20:48, lượt xem: 22107

Liên hệ mở rộng với bài Làng của Kim Lân dưới đây sẽ giúp các em khám phá kỹ hơn về tác phẩm và thấy được những nét tài hoa của tác giả trong việc xây dựng nhân vật, cốt truyện. Cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo nhé.

 

I. LIÊN HỆ MỞ RỘNG ĐỀ TÀI NGƯỜI NÔNG DÂN

Đã từ lâu, đề tài người nông dân luôn là mảnh đất màu mỡ để người phu chữ đào sâu cày xới. Không bỏ lỡ điều đó, nhà văn Kim Lân cũng đã hướng ngòi bút của mình vào những con người chân chất mộc mạc và đó là lí do truyện ngắn “Làng” ra đời. Cũng về đề tài này, ở các tác phẩm khác các nhà văn thường xoáy sâu vào nỗi đau về vật chất để tố cáo xã hội đương thời thì trong “đứa con tinh thần” của Kim Lân, nhà văn đã chấm mạnh ngòi bút của mình vào tình yêu làng, yêu nước của người nông dân cụ thể là qua nhân vật ông Hai, từ đó làm rực sáng lên một tình yêu chân thành mà không kém phần sâu sắc, đây không chỉ là tình yêu làng quê đơn thuần mà tình yêu ấy đã hòa quyện vào tình yêu nước. Như vậy, nhà văn Kim Lân đã thổi vào đề tài này một làn gió mới mẻ giúp tên tuổi của ông cập bến cộng đồng độc giả với những lời phong tặng cao quý, với những danh xưng “độc nhất vô nhị” và những lời tụng ca cho đến mãi về sau.
Các em có thể liên hệ:
- Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân:
Đây cũng là một tác phẩm viết về người nông dân của nhà văn Kim Lân, nếu ông Hai là người nông dân đi tản cư thì các nhân vật trong truyện ngắn “Vợ nhặt” bao gồm Tràng, bà cụ Tứ và cả Thị phải đối chọi với nạn đói thế kỉ của dân tộc. Nhưng dù hoàn cảnh có khốn cùng đến đâu trong thâm tâm họ vẫn luôn dành tình cảm chân thành nhất đối với quê hương Tổ quốc. Trong đoạn cuối của “Vợ nhặt”, anh cu Tràng sau khi nghe cô vợ nhắc đến Việt Minh, nhà văn Kim Lân viết: “Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước là lá cờ đỏ to lắm…” và “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
- Tiểu thuyết “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan:
Câu chuyện kể về một anh nông dân tên Pha. Cuộc đời anh bị đẩy vào tuyệt lộ vì những thói xấu xa của bọn quan lại và đế quốc. Vợ chồng Pha vì thất học nên không tỉnh táo, bị địa chủ Nghị Lại đại gian ác dùng thủ đoạn cướp hết nhà cửa, đất đai. Không những vậy, gã còn dụ dân vay tiền, nhưng nhất quyết không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà để lãi mẹ đẻ lãi con. Bị dồn đến ngõ cụt không lối thoát, Pha vùng dậy phang vào đầu Nghị Lại với tất cả sự căm thù cùng với dòng lệ nóng tuôn trào.
Hướng dẫn viết:
Để tạo ra giá trị khác biệt cho đứa con tinh thần của mình, nhà văn Kim Lân đã thổi một làn gió mới vào đề tài người nông dân thông qua việc đi sâu vào tình yêu nước nồng nàn của những con người chân chất mộc mạc. Hãy cùng quay ngược về tác phẩm “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan để thấy rõ sự khác biệt này. Câu chuyện kể về một anh nông dân tên Pha. Cuộc đời anh bị đẩy vào tuyệt lộ vì những thói xấu xa của bọn quan lại và đế quốc. Vợ chồng Pha vì thất học nên không tỉnh táo, bị địa chủ Nghị Lại đại gian ác dùng thủ đoạn cướp hết nhà cửa, đất đai. Không những vậy, gã còn dụ dân vay tiền, nhưng nhất quyết không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà để lãi mẹ đẻ lãi con. Bị dồn đến ngõ cụt không lối thoát, Pha vùng dậy phang vào đầu Nghị Lại với tất cả sự căm thù cùng với dòng lệ nóng tuôn trào. Với “Làng” thì khác, trong truyện ngắn ấy tác giả lại tập trung khai thác tình yêu làng xóm đất nước của người nông dân bình dị, một tình yêu lớn lao, chân thành thông qua nhiều tình huống nút thắt và diễn biến nội tâm của ông Hai. Có lẽ rằng, sự khác biệt ấy cũng đến từ bối cảnh thời đại và mong muốn làm mới mình của nhà văn Kim Lân, sự đổi mới ấy đã giúp ông “chễm trệ ngồi chiếu trên trong văn đàn Việt Nam” như nhà văn Nguyễn Khải nhận xét. 

 

II. DIỄN BIẾN TÂM LÍ NHÂN VẬT ÔNG HAI

Để truyện ngắn “Làng” trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của thời đại ta không thể không nhắc đến diễn biến tâm lí nhân vật của ông Hai, từ lúc ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc cho đến lúc nghe tin làng theo giặc được cải chính, các nét tâm lí đều được nhà văn Kim Lân dùng ngòi bút miêu tả rất xuất sắc.
Các em có thể liên hệ:
- “Chí Phèo” của Nam Cao: Trong tác phẩm này nhà văn Nam Cao cũng có những nét bút miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật rất xuất sắc. Đó là lúc sau khi gặp Thị Nở, tri giác và cảm xúc của Chí bắt đầu quay trở lại và đến khi thức tỉnh, hắn đã bắt đầu nghe được những âm thanh quen thuộc, hắn cảm thấy sợ rượu và bắt đầu muốn làm con người. Nhưng sau khi bị Thị ruồng bỏ, hắn bắt đầu giằng xé tâm can, Chí như phát điên và xách dao lên với mong muốn chém chết cả nhà Thị Nở nhưng bước chân ngật ngưỡng lại đưa “con quỷ” ấy đến nhà Bá Kiến vì hắn hiểu rằng, chính Bá Kiến mới là kẻ thù biến mình thành nông nỗi này. Chí Phèo biết mình không thể trở lại làm quỹ được nữa nhưng làm người xã hội lại không cho vì vậy hắn chọn cái chết để giải thoát.
- “Lão Hạc” của Nam Cao: Trong các tác phẩm của mình, Nam Cao luôn sử dụng rất thuần thục ngòi bút miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Trong tác phẩm “Lão Hạc” cũng vậy, ông đã khắc họa lên một cảm xúc xót xa, rối bời của Lão Hạc khi phải bán Cậu Vàng thể hiện trong cuộc trò chuyện với Ông Giáo. “Lão cố làm như vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước... Lão hu hu khóc”, lão đau đớn cùng cực, nghẹn ngào giày xé vì đã trót đánh lừa một con chó”.
- Diễn biến tâm lí của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao: Hộ là một nhà văn chân chính với ước mơ và hoài bão lớn, anh mong muốn một ngày nào đó tác phẩm của mình sẽ đoạt được giải Nobel Văn Học. Tuy nhiên ước mơ của anh lại bị đè nén bởi cuộc sống khốn khó trăm bề sau khi lấy vợ nên buộc anh phải viết ra những tác phẩm cẩu thả, nhanh chóng để kiếm nhiều tiền nhuận bút. Vì thế trong tâm lí của Hộ đã xảy ra mâu thuẫn thể hiện ở việc không thể dung hoà giữa sống với hoài bão nghệ thuật và sống theo nguyên tắc tình thương. Chính vì không thể chọn một trong hai con đường nên Hộ rơi vào bế tắc với vòng tâm trạng quẩn quanh: Khát vọng - thất vọng - nhẫn tâm - hối hận - khát vọng - thất vọng... ngày càng nặng nề hơn.
Hướng dẫn viết:
Lật giở từng trang văn của nhà văn Kim Lân, chúng ta có thể hiểu rằng chính ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng xuất sắc của ông đã giúp tác phẩm “Làng” ghi dấu ấn trong văn đàn Việt Nam. Từ cái choáng váng “nghẹn ứ không thể thể được” khi nghe tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc cho đến một loạt các biểu hiện tiếp theo đều được “cây bút làng quê” thể hiện một cách thành công. Sau cái choáng váng ngỡ ngàng, ông Hai cảm thấy tủi hổ, ê chề và tiếp đến là một loạt sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm can của ông, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ chỉ cho đến khi nghe tin cải chính thì sự hạnh phúc mới hiện rõ trên người nông dân ấy. Suốt chiều dài diễn biến tâm lí , người đọc như thể hình dung được tâm trạng của chính nhân vật và để làm được điều đó, tác giả Kim Lân đã rất tài tình khi đặt tâm trạng nhân vật vào tình huống thử thách để khai thác chiều sâu tâm trạng. Cùng với nhà văn Kim Lân, cũng có một nhà văn rất tài hoa trong việc miêu tả diễn biến tâm lí đó là Nam Cao, đặc biệt trong tác phẩm “Đời thừa”, nhà văn cũng đã khắc họa lên một anh Hộ với tâm trạng phức tạp. Hộ là một nhà văn chân chính với ước mơ và hoài bão lớn, anh mong muốn một ngày nào đó tác phẩm của mình sẽ đoạt được giải Nobel Văn Học. Tuy nhiên ước mơ của anh lại bị đè nén bởi cuộc sống khốn khó trăm bề sau khi lấy vợ nên buộc anh phải viết ra những tác phẩm cẩu thả, nhanh chóng để kiếm nhiều tiền nhuận bút. Vì thế trong tâm lí của Hộ đã xảy ra mâu thuẫn thể hiện ở việc không thể dung hoà giữa sống với hoài bão nghệ thuật và sống theo nguyên tắc tình thương. Chính vì không thể chọn một trong hai con đường nên Hộ rơi vào bế tắc với vòng tâm trạng quẩn quanh: Khát vọng - thất vọng - nhẫn tâm - hối hận - khát vọng - thất vọng... ngày càng nặng nề hơn. 

 

ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH DIỄN BIẾN TÂM TRẠNG ÔNG HAI KHI NGHE TIN LÀNG CHỢ DẦU THEO GIẶC

 

III. TINH THẦN YÊU LÀNG, YÊU LÀNG CỦA NHÂN VẬT ÔNG HAI

Trong truyện ngắn “Làng”, tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai tựa như một ngôi sao sáng, đó là phẩm chất đáng quý nhất của người nông dân. Tình yêu ấy là niềm tin, là lòng chung thủy và là sự hi sinh cao cả. Đặc biệt, tình yêu làng ấy đã hòa chung vào tình yêu nước, tạo nên một tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt của người nông dân dành cho Tổ quốc.
Các em có thể liên hệ:
- Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”
- Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch:
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”.
- Tác phẩm “Xứ Đoài mây trắng” của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng: “Xứ Đoài mây trắng” phản ánh rất đậm nét bức tranh sinh động về con người - cảnh vật - mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỉ XX, người nông dân Việt Nam bị hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến. Nông dân Việt Nam bất khuất, kiên cường, anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, họ càng đoàn kết, gắn bó cùng nhau vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.
Hướng dẫn viết mẫu:
“Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người” - Đỗ Trung Quân. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta đều có một nơi để nhớ, để thương, đó chính là quê hương. Và nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” cũng vậy, ông luôn dành cho làng Chợ Dầu của mình một tình cảm chân thành và sâu sắc nhất, ông luôn tự hào và khoe về cái làng của mình cho dù khi nghe tin ngôi làng yêu quý đã theo giặc ông không tin và phải xác nhận lại thật kĩ càng. Nhưng tình yêu ấy của người nông dân ấy cũng không phải thứ tình yêu mù quáng, ông tuyên bố dõng dạc: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù” hay trong cuộc trò chuyện với đứa con trai út, người cha già cũng vừa nói vừa rơi nước mắt: “Ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ?”. Chỉ cho đến khi nghe tin cải chính, ông mới hạnh phúc và cảm nhận được rằng tình cảm mình dành cho làng Chợ Dầu từ trước đến nay không hề sai lầm. Ta bất chợt nhớ đến tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, đây là tác phẩm phản ánh rất đậm nét bức tranh sinh động về con người - cảnh vật - mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỉ XX, người nông dân Việt Nam bị hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến. Nông dân Việt Nam bất khuất, kiên cường, anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, họ càng đoàn kết, gắn bó cùng nhau vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Qua những tác phẩm ấy, độc giả lại càng cảm phục hơn tình yêu quê hương đất nước của những người nông dân làng quê bình dị.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

- Khóa học kĩ năng - Lớp 9

Tin liên quan