Phân tích diễn biến tâm trạng ông hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Ngày 22/05/2022 11:18:25, lượt xem: 13018

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng ông hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian trong truyện ngắn "Làng".

 

ĐỌC THÊM Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn "Làng"

 

Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, Ngô Tất Tố mang tới một chị Dậu với sức sống mãnh liệt của người nông dân, Nam Cao mang tới một Lão Hạc đầy lòng tự trọng và tình yêu thương con vô bờ bến, … thì sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân – nhà văn nông dân – mang tới cho bạn đọc hình ảnh người nông dân thời kì đổi mới. Đó chính là nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” với tình yêu làng quê và lòng yêu nước sâu đậm, tha thiết. Nhân vật này đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc qua diễn biến tâm trạng ông Hai hi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

Sinh ra và lớn lên nơi làng quê Bắc Bộ, giữa những người nông dân chất phác, nhà văn Kim Lân đã sớm gắn bó và am hiểu sâu sắc về cuộc sống ở nông thôn, sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài này. Trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi người dân miền Bắc được lệnh tản cư, ông lại một lần nữa khắc họa hình ảnh người nông dân trong truyện ngắn “Làng”, không phải trong những vấn đề thường nhật, mà về tình yêu làng quê và đất nước của những con người chân lấm tay bùn ấy. Tác phẩm được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ năm 1948, đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong hình tượng người nông dân và nhân thức của họ, đặc biệt qua nhân vật ông Hai.

Trong tác phẩm “Làng”, nhà văn Kim Lân đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc khi diễn tả một cách xúc động diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Khi mới nghe tin, ông bàng hoàng sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, tưởng như không thở được”. Đó là cái tin vượt quá sức tưởng tượng của ông, chưa bao giờ ông dám nghĩ đến. Nó đến với ông quá bất ngờ, khiến ông đau đớn. Ông nghi ngờ, chưa chưa thể tin nổi nên mới hỏi lại: “Có thật không hở bác? Hay là chỉ lại”…Nhưng khi cái tin ấy được khẳng định từ chính miệng những người dân tản cư, ông không thể không tin được nữa. Người ta nói làng Chợ Dầu theo Tây cũng như là đang nói chính ông vậy. Từ lúc đó, tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm mình là kẻ phản bội. Ông đánh trống lảng ra về “Hà, nắng gớm, về nào”… Trên đường ông cứ cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông tủi hổ, và dường như không muốn để ai nhìn thấy mình. Về đến nhà, ông tủi thân, nằm vật ra giường. Nhìn lũ trẻ đang chơi, ông thương con da diết. Chúng nó còn quá nhỏ, chúng nó vô tội, rồi đây cuộc sống sẽ ra sao vì chẳng ai người ta chứa kẻ theo Tây phản bội đất nước. Sự đau đớn, dằn vặt của ông Hai còn ám ảnh mãi trong lòng bạn đọc bởi ngòi bút miêu tả nội tâm xuất sắc của nhà văn Kim Lân. Những dày vò tâm trạng, những lời nói độc thoại nội tâm, cứ thế như ứa ra trong trái tim đang quặn thắt ghê gớm của ông Hai. Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ, nhục nhã ê chề. Cứ nghe thấy bên ngoài xì xào, thoáng nghe thấy tiếng “bọn Tây”, “Việt gian”, “cam nhông” là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thậm chí, đêm ông trằn trọc, lo âu không ngủ được. Ông đau khổ, tủi hờn, xấu hổ khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi người làng Chợ Dầu, đuổi gia đình ông đi nơi khác, rồi “Ai người ta chứa?”, “Ai người ta thương?”. Cái tin như sét đánh ngang tai khiến ông Hai bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng ông vô cùng bế tắc, tuyệt vọng. Trong nội tâm, ông luôn đấu tranh, giằng xé giữa hai sự lựa chọn: về làng hay đi theo kháng chiến? Nhưng ý nghĩ về làng vừa nhen nhóm, ông đã gạt phắt đi - về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, sẽ trở thành kẻ phản bội, trở thành nô lệ cho Tây, phải chịu kiếp nô lệ lầm than, đánh mất danh dự và lòng tự trọng. Dù hiểu được như vậy, song ông cũng không thể vứt bỏ tình yêu với làng Chợ Dầu. Trong lúc đau đớn, tuyệt vọng, không thể chia sẻ với ai, ông Hai tâm sự với đứa con út, cũng là tự nói với chính lòng mình, khẳng định tấm lòng chung thủy của mình với kháng chiến: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, ở ông Hai không phải là sự đấu tranh do tình làng tách biệt với tình nước mà hơn hết, ông đã hiểu tình nước bao trùm lên tình yêu làng, có như vậy ông mới không áy náy, mới thôi tủi hổ về chính thân phận của mình. Ông Hai không thù ghét làng, ông yêu làng ông hơn bất cứ người làng Chợ Dầu nào khác, nhưng cái làng mà ông yêu là làng kháng chiến, làng cách mạng, còn làng đi ngược lại với cách mạng thì ông dứt khoát từ bỏ. Toàn bộ diễn biến tâm trạng ông Hai được khắc họa một cách tinh tế, sinh động. Tác giả sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, đối thoại, độc thoại, xen lẫn với độc thoại nội tâm. Tâm trạng của nhân vật được bộc lộ qua các ý nghĩ, hành động, nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ đậm chất nông dân. Điều đó chứng tỏ Kim Lân phải am hiểu sâu sắc tâm lí, tình cảm của người nông dân, nhập tâm vào họ, cùng sống trong hoàn cảnh của họ để mà thấu hiểu, cảm thông và viết lên trang truyện xúc động lòng người. Tấm lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai là điển hình cho tình yêu làng, yêu nước của những người nông dân trong kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, trở thành tượng đài cho tấm lòng thủy chung, ý chí kiên cường cùng cách mạng mà bấy lâu ta vẫn luôn ngưỡng mộ, ngợi ca.

Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối kể chuyện giản dị tự nhiên, gần gũi., ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam. Đoạn trích đã cho ta thấy sự phát triển trong nhận thức của người nông dân Việt Nam: tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước, yêu cách mạng song tình yêu nước vẫn bao trùm lên tất cả và là định hướng hành động cho họ.

Nguyễn Đình Thi từng viết rằng: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”. Truyện ngắn “Làng” đã được viết nên từ những điều nhà văn từng trải nghiệm, khắc họa một cách chân thực nhất những tháng ngày đi tản cư của nhân dân miền Bắc trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đó, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng một người nông dân yêu làng, yêu nước hồn nhiên chất phác nhưng xúc động. Hình tượng nhân vật ông Hai vừa phản ánh chân thực những nếp cảm, nếp nghĩ của người nông dân Việt Nam trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Qua truyện ngắn này, ta có thể hiểu được sâu sắc thêm về hình ảnh những người dân kháng chiến Việt Nam với tình yêu quê hương đất nước giản dị mà nồng nàn, cháy bỏng.

 

ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY ĐỂ BỨT PHÁ ĐIỂM VĂN!

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan