Hướng dẫn viết Văn có hình ảnh trong Nghị luận văn học

Ngày 17/06/2022 10:01:18, lượt xem: 4430

Để có được những câu văn có hình ảnh, khi viết em sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ và hoán dụ. Ngoài ra em có thể chọn một hình ảnh chủ đạo, xuyên suốt khắp những trang viết của mình.

 

 

1. Phương pháp

- Để có được những câu văn có hình ảnh, khi viết em sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ và hoán dụ.

- Ngoài ra em có thể chọn một hình ảnh chủ đạo, xuyên suốt khắp những trang viết của mình.

2. Áp dụng

Đoạn 1. Mở bài

Những dòng sông hiền hòa, thơ mộng hay hùng vĩ, mênh mang, chắt chiu phù sa nuôi bến bờ xứ sở. Những dòng sông tắm mát, vỗ về, an ủi, nâng đỡ tâm hồn bằng cái bao dung mở lòng ngọt ngào của nước. Và rồi, sông nuôi nấng tâm hồn văn nghệ sĩ. Sông dạo những bản tình ca êm đềm, những khúc nhạc mạnh mẽ kiêu hùng. Biết ơn những dòng sông để từ đó Trương Hán Siêu viết “Bạch đằng giang phú”, để Văn Cao làm “Trường ca sông Lô”, để nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tha thiết “Chảy đi, sông ơi!” Và để Nguyên Tuân không quản khó nhọc đem sông Đà “quần thảo” trên những trang viết. Không chỉ khắc hoạ vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo của Đà giang, Nguyễn Tuân với quan niệm về cái đẹp đến tận cùng đã khắc hoạ thêm một mặt đầy bất ngờ và thú vị nữa của con sông. Đó chính là vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”.

 

ĐỌC THÊM LÍ LUẬN VĂN HỌC | MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG

 

Đoạn 2. Khái quát tác giả, tác phẩm

Còn nhớ sinh thời, Nguyên Hồng từng “phán” như “truyền thần” về cốt cách của Kim Lân: Nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Nói như vậy là nêu lên nét thuần phác và nhân hậu như đức tính căn cốt của Kim Lân và cũng là cái hồn quê tinh hoa của con người xuất thân từ đồng ruộng - đất thi thư Kinh Bắc. Truyện ngắn “Vợ nhặt” chính là trái ngọt đầu mùa sau vụ thâm canh trên mảnh đất viết về nông thôn và người nông dân lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. Và cũng là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí”. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông đã dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này. Do đó tác phẩm không chỉ là kết quả của một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng sự lạc quan của thời đại mới.

Đoạn 3. Phân tích

Trên cái nền hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội của núi rừng và duyên dáng, thơ mộng, mĩ lệ của thiên nhiên Tây Bắc, Quang Dũng đã khắc họa thành công tập thể người lính Tây Tiến như một bức tượng đài bằng thơ về các anh vẫn luôn sừng sững, sống mãi những vẻ đẹp bi tráng của một thời trai trẻ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Quang Dũng thật tài khi lựa chọn từ “đoàn binh” để khẳng định một lực lượng đông đảo, “đoàn binh” Tây Tiến là đội quân mạnh và hừng hực khí thế. Đầy hiên ngang và tự tin, nhịp thơ như nhịp bước chân hành quân của người lính, đưa ta đến gần hơn với bức chân dung về các anh, từ ngoại hình bên ngoài đến cảm xúc, ý chí nung nấu trong tâm can. Đó là những người lính đầu “không mọc tóc”, da “xanh màu lá”. Mới đọc ta thấy lạ, nhưng cái lạ ấy lại được bắt nguồn từ hiện thực, thực đến từng cọng tóc, màu da. Thoáng lướt trên đầu con chữ, người đọc cứ ngỡ họ là những “quái đản”, những khổng lồ không tim. Nhưng không! “Quái đản” ấy chính là hậu quả của căn bệnh sốt rét rừng tác oai, tác quái đến mức tóc rụng trắng biến họ trở thành những anh “vệ trọc”. Hiện thực khốc liệt ấy khiến ta nhận ra cái dữ dội, khốc liệt của chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp, đồng thời nhận ra ý chí, sự quyết tâm của những chàng trai đất Hà Thành, các anh đang ngày đêm đối mặt với bom rền đạn réo, vật lộn với sốt rét từng cơn để giành lấy sự sống. Sốt rét đã hơn một lần xuất hiện trong “làng” thơ ca, Nguyễn Anh Nông:

“Sốt rét tái màu da

Đồng đội mấy người gục ngã

Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng”

(Những tháng năm ở rừng)

Dường như những dằn vặt, khổ đau vì sốt rét được Nguyễn Anh Nông gói ghém vào thế giới ngôn từ với những tiều tụy, thậm chí cả những mất mát. Quang Dũng cũng không hề né tránh, che đậy mà phơi bày hiện thực trần trụi của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng lại được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn để trở thành cách nói riêng mang đầy khẩu khí của người lính cụ Hồ. Nói như tiến sĩ Đoàn Hương thì: “Thơ có sức hấp dẫn bởi vị muối của đời – suy cho cùng cái vị mặn ấy chính là hiện thực”. Vậy nên hiện thực mặn chát của cuộc kháng chiến chống Pháp được Quang Dũng tái hiện nổi hình, nổi sắc trong thơ. Từ vẻ bên ngoài của người lính Tây Tiến gợi ta nhớ về hình ảnh quân đội nhà Trần bừng sáng hào khí Đông A: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. Thật vậy cho dù đầu rụng hết tóc, da dẻ xanh xao vàng vọt lên màu bệnh tật: “quân xanh màu lá” nhưng lính Tây Tiến vẫn giữ được vẻ uy nghi lẫm liệt như hùm hổ chốn rừng thiêng, như chúa tể sơn lâm khi “dữ oai hùm”. Đó là hình ảnh khẳng định tinh thần vượt lên trên khó khăn vì mục tiêu chiến đấu phía trước, bệnh tật, thiếu thốn không thể đánh bại được ý chí quyết tâm của những người lính Tây Tiến. Mượn hình ảnh ẩn dụ để gợi tả chất kiêu hùng, cách viết đối lập giữa cái yếu đuối về thể chất, xanh xao tiều tụy, đầu “không mọc tóc”, da “xanh màu lá” với sức mạnh của tinh thần, ý chí, ngang tàng, lẫm liệt, sức mạnh “dữ oai hùm”. Quang Dũng đã thật khéo khi lấy cái “thô”, cái “mộc” để tô đậm cái đẹp, cái dũng khí ẩn chứa trong tâm hồn người chiến sĩ hào hùng, dũng cảm và lạc quan. 
 

Xuất phát sớm cùng chị trong khóa Chất lượng cao 8+ nhé 2k5!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan