SOẠN VĂN TOÀN BỘ TÁC PHẨM HỌC KÌ 2 LỚP 9 PHẦN 2

Ngày 27/12/2020 23:11:55, lượt xem: 874

BÀI SOẠN VĂN TOÀN BỘ TÁC PHẨM HỌC KÌ 2 LỚP 9 PHẦN 2

Để đạt được hiệu quả cao trong học tập thì việc quan trọng của mỗi học sinh chính là chuẩn bị bài ở nhà. Cũng như tất cả các môn học khác để có thể học tốt môn Ngữ Văn thì các em phải soạn văn trước khi đến lớp. Bài soạn văn chính là yếu tố quan trọng để khẳng định sự hiểu bài, chăm chỉ, siêng năng của từng học sinh. Vì vậy, Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các em bài soạn văn cho các tác phẩm HKII lớp 9 nhé!

CON CÒ 

(Chế Lan Viên)

 

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ 

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” 

Chế Lan Viên

Câu 1: Bài thơ phát triển từ một hình tượng bao trùm là hình tượng con cò trong  những câu hát ru. Qua hình tượng con cò, tác giả nhằm nói về điều gì? 

Thông qua hình tượng con cò - một hình ảnh quen thuộc của những bài hát ru trong ca dao - tác giả muốn đề cao tình mẫu tử thiêng liêng và khẳng định ý nghĩa lời  ru đối với cuộc đời con người. 

Câu 2: Bài thơ được tác giả chia làm ba đoạn. Nội dung chính của mỗi đoạn là gì? Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò được bổ sung biến đổi như thế nào qua các  đoạn thơ? 

Bố cục: 

  • Đoạn 1: hình ảnh con cò qua những lời ru tuổi ấu thơ. 
  • Đoạn 2: hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ gắn liền với sự trưởng  thành lớn lên của con 
  • Đoạn 3: từ hình ảnh con cò nhà thơ suy ngẫm và triết lý về ý nghĩa của lời ru  và tình mẹ đối với cuộc đời mỗi con người. 

Ý nghĩa biểu trưng: 

  • Hình tượng con cò phát triển từ trong lời ru thơ ấu, rồi theo dấu trên những  chặng đường đời, cuối cùng khơi nguồn cho những triết lí sâu xa về lòng mẹ và  lời ru. 
  • Con cò còn ẩn dụ cho hình ảnh người mẹ nâng đỡ, dìu dắt con; thành con cò  đồng hành với con suốt đời trong một tình yêu thiêng liêng, cao cả 

Câu 3: Trong đoạn đầu của bài thơ, những câu ca dao nào được sử dụng? Nhận xét  về cách vận dụng 

"Con cò bay lả bay la 

Bay từ cổng phủ, bay ra cánh đồng" 

"Con cò bay lả bay la 

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng"

"Con cò mày đi ăn đêm 

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao 

Ông ơi ông vớt tôi nao 

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng 

Có xáo thì xáo nước trong 

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con."

Hình ảnh con cò tượng trưng cho những con người, nhất là người phụ nữ đang  nhọc nhằn, vất vả để kiếm sống nuôi con. Qua đó còn thể hiện một tình yêu thương,  tận tụy, hi sinh hết mình vì con của người mẹ. 

Câu 4: Ở bài thơ này có những câu thơ mang tính khái quát.

Ví dụ: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ 

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con." 

"Một con cò thôi 

Con cò mẹ hát 

 Cũng là cuộc đời 

 Vỗ cánh qua nôi" 

Em hiểu như thế nào về những vần thơ trên? 

Con cò là biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, trìu mến của  người mẹ. Thấu hiểu điều này, nhà thơ đã khái quát một quy luật của tình mẹ con có  ý nghĩa vững bền, rộng lớn và sâu sắc: 

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ 

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con." 

Sự hoá thân của người mẹ vào hình ảnh cánh cò mang nhiều ý nghĩa sâu xa, nó  kết tụ những hy sinh, gian khổ, nhọc nhằn để những lời yêu thương càng trở nên sâu  sắc, đằm thắm:  

" Một con cò thôi 

Con cò mẹ hát"

 

Cánh cò vỗ qua nôi như dáng mẹ đang nghiêng xuống chở che, đang nói với con  những lời tha thiết của lòng mẹ: 

“Cũng là cuộc đời 

Vỗ cánh qua nôi" 

Câu 5: Nhận xét về thể thơ, nhịp điệu, giọng điệu của bài thơ. Các yếu tố ấy có tác  dụng như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ? 

  • Thể thơ tự do, câu dài ngắn khác nhau. 
  • Giọng điệu suy ngẫm triết lí, mang âm hưởng của lời hát ru thể hiện cảm xúc  đa dạng, nhất quán và sáng tạo. 

MÙA XUÂN NHO NHỎ 

(Thanh Hải) 

“Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời 

Dù là tuổi hai mươi 

Dù là khi tóc bạc.” 

Thanh Hải

Câu 1: Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài. Từ việc nhận ra  mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ. 

Mạch cảm xúc của bài thơ: Từ cảm xúc trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên  nhiên, mùa xuân đất nước, tác giả thể hiện khát vọng được dâng hiến "mùa xuân nho  nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung. 

Bố cục trong bài: 

  • Phần một (hai khổ thơ đầu): vẻ đẹp của mùa xuân đất trời. 
  • Phần hai (hai khổ tiếp theo): vẻ đẹp của mùa xuân đất nước. 
  • Phần ba (hai khổ tiếp theo): mùa xuân của lòng người (ước nguyện của tác  giả). 
  • Phần cuối (khổ cuối): Tình yêu xứ Huế.

Câu 2: Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những  hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu? 

Khổ thơ đầu với sáu dòng thơ đã mở ra khung cảnh mùa xuân thiên nhiên tươi  đẹp: 

Hình ảnh chọn lọc: 

  • Dòng sông  
  • Bông hoa  
  • Những giọt long lanh rơi 

Màu sắc tươi tắn: 

  • Sắc xanh của dòng sông 
  • Tím biếc của hoa xuân 
  • Màu trắng tinh khôi của những giọt sương long lanh. 

Âm thanh rộn rã: 

  • Tiếng chim hót thánh thót cao vút như lên tận trời xanh của con chim chiền  chiện. 

Cảm xúc của tác giả:Trong lòng tác giả rạo rực một niềm ngất ngây say mê. Thanh Hải như đang  mở cả lòng mình để đón chào mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước ngày càng tươi  đẹp phía trước.

Câu 3: Phân tích đoạn thơ “Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc”. Đoạn thơ ấy  gợi cho em những cảm nghĩ gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người? 

"Ta làm con chim hót 

Ta làm một nhành hoa 

Ta nhập vào hoà ca 

Một nốt trầm xao xuyến. 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời 

Dù là tuổi hai mươi 

Dù là khi tóc bạc." 

Khổ 4: Khát vọng hòa nhập, tự nguyện đem đến niềm vui cho đời 

Điệp từ “ta làm” cùng với nhịp thơ dồn dập diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của  nhà thơ: 

  • Muốn làm con chim hót: góp tiếng hót cho cuộc đời 
  • Muốn làm một cành hoa: góp chút sắc hương cho cuộc sống 

⇨ Ước mong giản dị, đơn sơ để tô điểm cho vườn hoa mùa xuân muôn hương  muôn sắc của đất nước. 

  • “Một nốt trầm” không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ “nhập”  vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. 

Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ  mà còn là khát vọng chung của nhiều người. 

⇨ Khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp,  dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, nguyện hi vinh cho sự phồn vinh của đất nước. 

Khổ 5: Ước nguyện cống hiến chân thành không kể tuổi tác 

Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến 

⇨ Tác giả muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất  nước. 

Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống  cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc. 

⇨ Lẽ sống cống hiến lặng lẽ, khiêm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng,  chẳng phô trương, không cần ai biết đến. 

"Dù là tuổi hai mươi 

Dù là khi tóc bạc." 

Điệp ngữ “dù là”: thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người "tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già. 

Lời hứa, lời tự nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi  già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn  của quê hương đất nước. 

Câu 4: Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những  yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ, ... đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy? 

  • Thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tha thiết, gần với dân ca, gieo vần liền tạo sự liền  mạch cho cảm xúc. 
  • Sự hài hòa giữa hình ảnh tự nhiên, giản dị với hình ảnh giàu ý nghĩa biểu  trưng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc với các ẩn dụ,  điệp ngữ. 
  • Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân.

 Câu 5: Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ? 

Ý nghĩa nhan đề: "Mùa xuân nho nhỏ" là một nhan đề hay, một ẩn dụ đầy sáng tạo,  giàu ý nghĩa đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm - ước nguyện chân  thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời. Đó là đem tất cả những gì tốt đẹp  nhất, tinh túy nhất – dù bé nhỏ - của mình để hòa vào mùa xuân lớn của cuộc đời, của  đất nước. 

Chủ đề: niềm say mê trước mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời thể hiện khát  vọng được cống hiến hết mình để làm đẹp cho mùa xuân của đất nước của tác giả. 

 

SANG THU 

(Hữu Thỉnh)

“Bỗng nhận ra hương ổi 

Phả vào trong gió se 

Sương chùng chình qua ngõ 

Hình như thu đã về” 

Hữu Thỉnh

Câu 1: Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và  gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì? 

Sự biến đổi đất trời sang thu được cảm nhận bắt đầu từ những tín hiệu chuyển  mùa. Sự biến đổi thể hiện ngay trong những câu thơ đầu trong việc miêu tả hương ổi  chín phả vào trong gió se. Từng làn gió heo may quyện với hương ổi chín thoang  thoảng khắp không gian. Tâm trạng tác giả ngỡ ngàng, giật mình hoảng hốt, vui  mừng khi nhận ra trời đã vào thu. 

Câu 2: Phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những chuyển biến trong không  gian lúc sang thu. (Gợi ý: qua hương vị, qua vận động của gió, sương, của dòng sông,  cánh chim, đám mây, qua nắng, mưa, tiếng sấm. Chú ý các từ phả vào, chùng chình,  dềnh dàng...) 

Những chuyển biến của không gian lúc sang thu: 

Hương vị: mùi ổi chín lan tỏa trong không gian gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, gợi nhớ về những làng quê xanh rợp bóng tre. Mùi hương ổi quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm  thức biết bao người. 

Hình ảnh: 

  • Cơn gió se. 
  • Sương thu 
  • Dòng sông 
  • Đàn chim bay vội vã 
  • Từng đám mây lững lờ trôi 
  • Nắng nhạt hơn và mưa cũng vơi dần hơn. 
  • Tiếng sấm thưa dần. 

Cách sử dụng từ ngữ “phả vào”,” dềnh dàng”, “chùng chình” là những từ ngữ diễn tả cảm giác trạng thái thể hiện sự thay đổi của khung cảnh thiên nhiên một cách tinh tế trong thời điểm giao mùa. Đồng thời thể hiện tâm trạng bâng khuâng ngỡ ngàng của  tác giả lúc thu sang. 

Câu 3: Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được Hữu Thỉnh thể hiện  đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào? Em hiểu thế nào về hai dòng thơ cuối bài: 

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.” 

Nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua  câu thơ: 

“Có đám mây mùa hạ 

Vắt nửa mình sang thu.” 

Đây là hình ảnh nhân hóa, đầy liên tưởng gợi hình, gợi cảm, một ranh giới mơ hồ,  nên thơ. 

Hai dòng thơ cuối bài: 

“Sấm cũng bớt bất ngờ 

Trên hàng câu đứng tuổi” 

Ý nghĩa tả thực: sấm gắn với cơn mưa mùa hạ cũng đã bớt dần. 

Ý nghĩa ẩn dụ: Sấm - những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng  tuổi - người từng trải. Con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm  đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời. 

VIẾNG LĂNG BÁC 

(Viễn Phương) 

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” 

Viễn Phương

Câu 1: Đọc nhiều lần bài thơ, tìm hiểu cảm xúc bao trùm của tác giả và trình tự biểu  hiện trong bài. 

Cả bài thơ chứa đựng trong đó là nỗi niềm đau xót, là sự xúc cảm chân thành,  thiêng liêng dành cho vị Cha già của dân tộc của một người con nơi phương xa được  trở về thăm. 

Trình tự biểu hiện của bài thơ theo trình tự của cuộc vào lăng viếng Bác:

  • Đầu tiên là cảnh ở bên ngoài lăng với hình ảnh đậm nét nhất là hàng tre trong  sương sớm. 
  • Tiếp đến gần hơn là hình ảnh đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác. 
  • Tiếp theo là cảm xúc và những suy ngẫm của tác giả khi đã bước vào ở trong  lăng được ngắm nhìn Bác.
  • Cuối cùng là niềm mong ước tha thiết của tác giả muốn ở bên Bác mãi mãi khi  cuộc thăm lăng kết thúc, khi sắp trở về quê hương. 

Câu 2: Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu. Tác giả đã làm nổi bật những nét nào của cây tre và điều đó mang ý nghĩa ẩn dụ như thế nào?  Câu thơ cuối bài trở lại hình ảnh của cây tre đã bổ sung thêm phương diện ý nghĩa gì  nữa của hình ảnh cây tre Việt Nam? 

  • Hình ảnh đầu tiên quanh lăng Bác là hình ảnh hang tre, biểu tượng của dân tộc  với sức mạnh bền bỉ, kiên cường, bất khuất. 
  • Cuối bài thơ, hình ảnh hàng tre còn được lặp lại với ý nghĩa cây tre trung hiếu.  Việc lặp lại như vậy tạo cho bài thơ có được kết cấu đầu cuối tương xứng gây ấn  tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. 

Câu 3: Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác đã được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 2, 3, 4? Chú ý phân tích những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong  các khổ thơ này. 

Tình cảm nhà thơ và mọi người với Bác qua khổ thơ 2, 3, 4: 

  • Sự tôn kính của nhà thơ và mọi người đối với Bác đã được thể hiện qua phép  ẩn dụ đặc sắc: " mặt trời đi qua trong lăng" => Đó là mặt trời của tự nhiên, mặt  trời cung cấp ánh sáng duy trì sự sống cho con người. Đó cũng chính là hình  ảnh ẩn dụ cho người Bác vĩ đại, đem lại ánh sáng cho cả dân tộc Việt Nam. 
  • Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ”: Lòng thành kính của người viếng  lăng 
  • Hình ảnh: “Vầng trăng sáng dịu hiền” gợi nhớ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng  và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.  
  • Hình ảnh: “Trời xanh là mãi mãi”: Bác ra đi nhưng vẫn còn mãi với quê hương  đất nước, như trời xanh còn mãi. Nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi  cảm giác “nghe nhói ở trong tim”, nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt cứa trong tim mình. 

=> Cảm xúc trong lăng của nhà thơ với Bác thành  kính mà xúc động. 

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”: cảm xúc trực tiếp lưu luyến không  muốn rời xa 

Phép liệt kê, ẩn dụ “con chim, đóa hoa, cây tre” cùng với điệp ngữ “muốn  làm”: niềm dâng hiến tha thiết, mãnh liệt, muốn làm một điều gì đó vì Bác. Đó  là những cảm xúc thành kính, sâu sắc mà tác giả dành cho Bác. 

Câu 4: Nhận xét về sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật (thể thơ, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh) của bài thơ. 

  • Bài thơ có một giọng điệu thành kính trang nghiêm. Giọng điệu ấy hợp thành  bởi nhiều yếu tố' từ thể thơ, nhịp điệu đến từ ngữ và hình ảnh của bài thơ. 
  • Về thể thơ và nhịp điệu, nhà thơ sử dụng thể tự do có dòng bảy chữ, nhưng  cũng có những dòng tám, chín chữ với nhịp chậm nhiều dòng ít ngắt nhịp lại  gieo vần liền. Bởi thế mà giọng thơ thiết tha, trầm lắng, trang nghiêm thành  kính. 
  • Về từ ngữ và hình ảnh, nhà thơ sử dụng từ ngữ xưng hô tôn kính (Con ở miền  Nam ra thăm lăng Bác), với các hình ảnh ẩn dụ vĩnh hằng kì vĩ lớn lao biểu  hiện lòng tôn kính chân thành của mình (Mặt trời trong lăng rất đỏ, vầng trăng  sáng dịu hiền, kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân, trời xanh...). 

Giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật rất phù hợp với  nhau đều thể hiện sự trang nghiêm sâu lắng, niềm xót xa tự hào và sự đau đớn  xót xa của tác giả khi đứng trước Lăng Bác. 

NÓI VỚI CON 

(Y Phương)

“Con ơi tuy thô sơ da thịt 

Lên đường 

Không bao giờ nhỏ bé được 

Nghe con” 

Y Phương

Câu 1: Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người,  gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện  ý tưởng đó như thế nào? 

Mượn lời người cha nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con  người, bộc lộ niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bài  thơ được chia thành hai phần: 

  • Phần 1: Khổ thơ thứ 1: Nói với con về tình cảm cội nguồn 
  • Phần 2: Khổ thơ thứ 2: Nói với con về sức sống bền bỉ mãnh liệt của quê  hương. 

Câu 2: Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của  quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều ấy. 

Đoạn đầu bài thơ là tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc che chở của  quê hương đối với con. 

Bốn câu thơ đầu là những hình ảnh hết sức cụ thể của một không khí gia đình  đầm ấm và quấn quýt:  

 “Chân phải bước tới cha 

 Chân trái bước tới mẹ 

 Một bước chạm tiếng nói 

 Hai bước tới tiếng cười.” 

Khi con có mặt trên đời thì từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được  cha mẹ chăm chút, vui mừng đón nhận. Và cứ thế, con lớn lên từng ngày trong tình  yêu thương, sự nâng đỡ và mong chờ của cha mẹ. Nhưng mái ấm gia đình chỉ là cái  nôi nhỏ bé, con lớn lên còn được đùm bọc trong cái nôi lớn hơn, đó là quê hương. 

Nhà thơ dùng cách nói rất chân thành, mộc mạc của người miền núi để nói với con: 

 Người đồng mình yêu lắm con ơi 

 Đan lờ cài nan hoa 

 Vách nhà ken câu hát 

 Rừng cho hoa 

 Con đường cho những tấm lòng

“Người đồng mình” (người dân tộc mình) yêu lắm, rất cần cù trong lao động, đan lờ,  cài nan hoa, ken vách. Con lớn lên là nhờ vào sự nuôi dưỡng từ vật chất, tinh thần  của quê hương, của thiên nhiên thơ mộng. “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm  lòng”. Con đường là quê hương, tấm lòng là tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, gắn  bó của người đồng mình. Con hãy nhớ và thấy được vẻ đẹp ấy để mà yêu, mà gắn bó  với quê hương

Câu 4: Em cảm nhận như thế nào về người cha đối với người con trong bài thơ? Điều  lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho người con là gì? 

Với những lời nói rất đỗi mộc mạc và giản dị tình cảm cha con hiện lên là một  tình cảm vô cùng thắm thiết và cao đẹp. Đó chính là tình yêu thương trìu mến, thiết  tha thể hiện qua niềm tin tưởng của người cha. Lời dặn ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao  của cha, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống  và làm vẻ vang quê hương. 

Câu 5: Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ.  

Điểm đặc sắc nhất của bài thơ có lẽ là cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng  hình ảnh của nhà thơ. Bài thơ được diễn đạt bằng một giọng điệu thiết tha, trìu mến.  Điều này có thể thấy ngay ở các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán: "Người đồng mình  yêu lắm con ơi", "Người đồng mình thương lắm con ơi" và những lời tâm linh, dặn  dò: "Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn", Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con", "Nghe con",...  Bài thơ có nhiều hình ảnh cụ thể mà có sức khái quát cao, mộc mạc mà vẫn giàu chất  thơ. 

MÂY VÀ SÓNG 

(R. Ta-go) 

“Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn 

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, 

Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ 

Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào” 

R. Ta-go

Câu 1:  

a, Bài thơ có hai phần, cấu trúc giống nhau:

  • Ban đầu là lời mời gọi, rủ rê 
  • Tiếp đến là sự từ chối và lý do từ chối 
  • Những trò chơi em bé tự sáng tạo ra 

b, Không thể lược bỏ phần thứ hai bơi như thế không tạo được sự cân bằng trong bài  thơ 

  • Thử thách thứ nhất, chú bé vượt qua vì chú yêu thương mẹ. Chú nghĩ đến việc  mẹ đang đợi chú ở nhà và từ chối 
  • Những người bạn lại đến, thử thách càng lớn thì tình yêu thương mẹ được  khẳng định, vì thế không thể bỏ khổ thơ thứ hai. 

Câu 2: 

Trong cả hai lần, em bé đều đáp: 

  • Nhưng làm thế nào mình lên đó được? 
  • Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được? 

Hỏi và được nghe trả lời, hướng dẫn chu đáo. Chi tiết này chứng tỏ tính xác thực, hấp  dẫn của bài thơ. Mỗi lần được gọi mờ, chú bé đều lưỡng lự, tuy nhiên tình yêu mẹ đã chiến thắng. 

Câu 3: 

Sự giống nhau: sự khoáng đạt, mênh mông, bao la đi đến tận cùng mọi nơi. Sự khác nhau: trò chơi do em bé tạo ra thể hiện sự quấn quýt của tình mẹ con. Ý nghĩa: 

  • Trí tưởng tượng thông minh của em bé trong trò chơi sáng tạo. 
  • Ước muốn được hòa nhập với thiên nhiên vĩnh hằng con người.
  • Ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp 

Câu 4: 

  • Hình ảnh mây, trăng, sóng, bờ biển, bầu trời… hình ảnh tự nhiên đẹp. 
  • Những hình ảnh này là trí tưởng tượng của chú bé. 
  • Hai hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống rộn rã, cuốn hút xung quanh, có sức  hút kì lạ với con người. 

Là những hình ảnh ẩn dụ cho những điều cám dỗ trong cuộc đời. Là những hình ảnh lung linh, huyền ảo có tính biểu tượng, tạo ra sự logic.

Câu 5: 

Câu thơ "và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta đang ở đâu. " 

  • Chú bé bày tỏ những trò chơi mà người tham gia chỉ là hai mẹ con ∙ Điều này thể hiện tình yêu vô cùng sâu sắc, chân thành của chú bé dành cho  mẹ 
  • Tình yêu ấy vượt lên cả thú vui thường ngày, mãnh liệt tới mức muốn lấn át  những thứ lớn lao khác 
  • Đứa bé muốn có không gian riêng để tỏ bày tình yêu thương và được gần bên  mẹ.

Câu 6: 

Ngoài ý ca ngợi tình mẹ con, bài thơ gợi cho ta nhiều suy ngẫm: 

  • Con người gặp nhiều cám dỗ trong cuộc đời, đặc biệt là những người còn non  nớt. 
  • Để từ chối và tránh xa chúng phải cần điểm tựa vững chắc, trong đó tình  mẫu tử là bền chặt nhất. 
  • Hạnh phúc không phải điều bí ẩn, hạnh phúc hiện hữu ngay trong thực tế đời  sống. 

Mong rằng những bài soạn văn trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé. Theo dõi thêm nhiều tài liệu, thông tin về môn học Ngữ văn theo dõi ngay : Học văn chị Hiên hoặc Youtube Học văn chị Hiên.

Chúc các em học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

Xem thêm:

SOẠN VĂN 9 - TOÀN BỘ TÁC PHẨM HỌC KÌ 1

BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 1

BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 3

Tin liên quan