BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 3

Ngày 31/12/2020 10:55:24, lượt xem: 433

BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 3

Để đạt được hiệu quả cao trong học tập thì việc quan trọng của mỗi học sinh chính là chuẩn bị bài ở nhà. Cũng như tất cả các môn học khác để có thể học tốt môn Ngữ Văn thì các em phải soạn văn trước khi đến lớp. Bài soạn văn chính là yếu tố quan trọng để khẳng định sự hiểu bài, chăm chỉ, siêng năng của từng học sinh. Vì vậy, Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các em bài soạn văn cho các tác phẩm HKII lớp 9 nhé!

 

BẾN QUÊ 

(Nguyễn Minh Châu) 

“Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc  chùng chình, …” 

Nguyễn Minh Châu


 

Tóm tắt: 

Chuyện kể về nhân vật Nhĩ đã từng đi khắp nơi trên trái đất. Nhưng về cuối đời  lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo đến nỗi không thể dịch chuyển lấy vài mươi phân trên cửa sổ. Nhìn sang bãi bồi bên kia sông Hồng. Chính  vào thời điểm ấy Nhĩ đã phát hiện ra vùng đất bên kia sông nơi bến quê quen thuộc  một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ. Cũng chính lúc nằm liệt giường Nhĩ mới cảm  nhận được hết nỗi vất vả, tình yêu thương, đức hy sinh thầm lặng của vợ mình. Nhĩ  khát khao được một lần đặt chân lên bãi bờ bên kia sông. Các miền đất thật gần gũi nhưng lại xa vời vô cùng. Anh nhờ cậu con trai thực hiện giùm mình ước mơ ấy.  Nhưng vì ván cờ thế nên Tuấn đã bỏ lỡ chuyến đò của ngày hôm đó và không hoàn  thành được ước nguyện của người cha. Nhĩ chợt nhận ra rằng người con có thể lỡ chuyến đò hôm nay nhưng mai lại có thể bắt được chuyến đò khác còn mình thì mãi  mãi không thể tự rời khỏi giường bệnh. Chính vì vậy ông đã nhận ra được những giá  trị của cuộc sống ở xung quanh mình mà bấy lâu nay ông không biết. 

Câu 1: Nhân vật Nhĩ trong truyện ở hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy,  tác giả nhằm thể hiện điều gì? 

- Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào một hoàn cảnh đặc biệt. Từng di khắp nơi, về cuối đời Nhĩ lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo, đến  nỗi không thể tự mình dịch chuyển được, vợ phải bón cho từng thìa, ngửa mặt  như một đứa trẻ để vợ lau cằm, lau miệng. 

- Tác giả muốn nhắn nhủ mọi người: cuộc sống và số phận con người chứa đầy  những điều bất thường, những nghịch lý, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người. 

Câu 2: Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh,  Nhĩ đã nhìn thấy gì qua khung cửa sổ và anh đã khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ lại có  niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì? 

Trong buổi sáng đầu thu, khi sắp từ giã cõi đời Nhĩ nhìn thấy:  

- Những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, vòm trời và bãi bồi bên kia sông. 

- Những cảm xúc tinh tế được cảm nhận từ: những chùm hoa thưa thớt nhưng lại  đậm sắc hơn, mặt sông Hồng như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn, "những  tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên  kia sông...". 

Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Đó là một khao khát vô vọng  vì lúc này đây anh sắp phải giã biệt cuộc đời. 

Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và  sâu xa của cuộc sống, những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi  những ham muốn xa vời đang lôi cuốn, đang lấn át. 

Câu 3: Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên  truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí  nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy.

- Sự tinh tế: Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời, về những  con người hết sức cụ thể. Trong con mặt của một người sắp từ giã cõi đời, cảnh  vật trước mắt bỗng đẹp và đáng yêu kỳ lạ. 

- Tinh thần nhân đạo: Ông đã xây dựng lên nhân vật trong hoàn cảnh ngặt nghèo  ấy có suy ngẫm, tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc để từ đó khát vọng sống sẽ trỗi dậy nhưng Nguyễn Minh Châu đã khai thác tình  huống này theo một hướng khác. 

Câu 4: Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân  vật nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩa của các chi tiết ấy 

- Hành động khác thường của Nhĩ: “Anh cố thu nhặt chút sức cuối cùng còn sót  lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài  nào đó’’. Hành động ấy chứng tỏ Nhĩ đang lo lắng thúc giục cậu con trai sẽ làm lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. 

- Nhà văn muốn thức tỉnh mọi người hãy sống khẩn trương, sống có ích, đừng la  cà, chùng chình, dềnh dàng ở những cái vòng vèo vô bổ mà chúng ta rất dễ sa  đà, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi  và bền vững. 

Câu 5: Nhiều hình ảnh chi tiết trong truyện mang ý nghĩa biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng. (Gợi ý: hình ảnh bãi  bồi bên sông, bờ sông bên này bị sụt lở, chi tiết anh con trai sa vào đám chơi phá cờ thế...). 

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên  trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của  đời sống trong những cái gần gũi, bình dị, thân thuộc, như một bến sông quê,  một bãi bồi, ... rộng ra là quê hương, xứ sở. 

- Cảnh vật thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, qua cái nhìn của nhân vật  Nhĩ hiện ra với vẻ đẹp riêng. Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt  nhưng lại đậm sắc hơn: con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm  ra; vòm trời như cao hơn. Không gian và những cảnh sắc vốn quen thuộc, gần  gũi, nhưng lại như rất mới với tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó. 

- Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn; tiếng  những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào  trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng . Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống  của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Hành động cuối cùng của Nhĩ ở cuối truyện khi anh thu hết tàn lực “giơ một  cánh tay gầy guộc ra ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu  cho một người nào đó” vừa có ý nghĩa là anh đang thúc giục cậu con trai đừng  để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày vừa có ý nghĩa khái quát tượng  trưng. Đó là muốn thức tỉnh mọi người hãy thoát ra khỏi cái vòng vèo, chùng  chình trong cuộc sống mà chúng ta đang sa vào để hướng tới giá trị đích thực,  bền vững mà gần gũi trong cuộc sống đời thường. 

Câu 6: Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm trải nghiệm sâu sắc của nhà văn  về con người và cuộc đời. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của  truyện và nêu cảm nhận của em về đoạn văn. 

Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện là đoạn văn diễn tả những suy  nghĩ của Nhĩ khi thấy đứa con ham chơi quên cả việc bố nhờ. 

Đoạn văn đã thể hiện sâu sắc chủ đề của truyện: trong cuộc sống, con người  thường khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình, qua đó thức tỉnh người đọc  nhận ra và trân quý những điều bình dị quanh mình. 

NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI 

(Lê Minh Khuê) 

“Tôi yêu tất cả mọi người, một tình yêu nồng nàn, khó nói mà có lẽ ai đã đứng trên  cao điểm giữa những phút này như tôi mới hiểu thấu...” 

 Lê Minh Khuê


 

Tóm tắt: 

Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong ở một tổ trinh sát phá bom trên  cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến, đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất  của bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt trong những năm tháng chống Mỹ. Công việc  của họ luôn cận kề với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và  phải hết sức bình tĩnh. Không chỉ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình  ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch, họ còn phải lao ra trọng điểm,  sau mỗi trận bom để đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới đến những  quả bom chưa nổ và dùng thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Những công việc đặc biệt  nguy hiểm đó đã trở thành công việc thường ngày của ba cô gái. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những phút giây thanh  thản, mơ mộng và đặc biệt là yêu thương, gắn bó, chăm sóc nhau trong tình đồng đội  Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng lo lắng và chăm  sóc cho Nho. Một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi đã gợi trong lòng Phương Định bao  hoài niệm, khát khao. 

Câu 1: Kể tóm tắt nội dung của truyện. 

Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì  trong việc thể hiện nội dung của truyện? 

Tóm tắt: tham khảo đoạn viết phía trên 

Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, theo lời kể của Định - nhân vật chính Việc  chọn vai kể như vậy phù hợp với nội dung tác phẩm cũng thuận lợi cho việc miêu tả,  biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái. Đồng thời còn  khiến cho câu chuyện kể trở nên sinh động, chân thực hơn. 

Câu 2: Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong ở một tổ trinh sát phá bom trên  cao điểm. Ở họ có những nét chung và gắn bó thành một khối thống nhất và những gì  là nét riêng của mỗi người 

Nét chung của ba nữ thanh niên xung phong. 

- Họ là những cô gái trẻ tuổi, gan dạ, dũng cảm có tinh thần trách nhiệm cao  trong công việc 

- Ở họ có tình đồng đội gắn bó keo sơn, thắm thiết. 

- Họ là những người lạc quan, yêu đời, luôn hướng đến tương lai. Nét riêng của ba nữ thanh niên xung phong 

- Chị Thao, tổ trưởng, tính cách trầm lặng, nghiêm túc, ít nhiều có từng trải hơn.

- Nho lại là cô gái khác, có lúc cô bướng bỉnh, lầm lì nhưng rất mạnh mẽ và tươi  đẹp. 

- Nhân vật chính cũng là nhân vật kể chuyện là Phương Định, một cô gái trẻ trung, đầy mơ mộng. 

Câu 3: Tác giả đã thể hiện chân thực và sinh động tự nhiên tâm lí của những cô gái  thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ. 

Hãy phân tích tâm lí nhân vật Phương Định, tập trung vào những đoạn:

a. Nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình ở phần đầu của truyện. b. Tâm trạng của cô ở một lần phá bom ở cuối truyện 

c. Cảm xúc giữa trận mưa đá ở cuối truyện. 

Tâm lí nhân vật Phương Định: 

- Nhân vật tự quan sát và đánh giá mình ở đầu truyện: nhạy cảm, thường quan  tâm đến hình thức (tự đánh giá mình là một cô gái khác), biết mình nhiều người  để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, kiêu kì. 

- Trong một lần phá bom ở cuối truyện: dũng cảm, có trách nhiệm, tình đồng đội  (chăm sóc cho Nho), cô coi cái chết là mờ nhạt trước điều quan tâm lớn là bom  nổ. 

- Cảm xúc trước trận mưa đá cuối truyện: hồn nhiên, vui thích cuống cuồng như  trẻ con, nhớ về những kỷ niệm về thành phố, về mẹ, những ngôi sao. 

Câu 4: Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của truyện 

- Tác giả dùng ngôn ngữ trần thuật vừa giản dị, vừa mang tính khẩu ngữ vừa  đậm chất trữ tình, trẻ trung và có phần nữ tính. Tạo điều kiện thuận lợi để tác  giả tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật trong truyện. 

- Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập, gợi lên không khí chiến trường. 

Câu 5: Đọc truyện ngắn này, em hình dung và cảm nghĩ như thế nào về tuổi trẻ Việt  Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ? 

Tuổi trẻ Việt Nam thời ấy chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ nền độc  lập, tự do của Tổ quốc. Trong khó khăn, gian khổ, họ vẫn sống lạc quan, hồn nhiên,  yêu đời ngay cả khi đối mặt với cái chết. Giữa họ có một tình đồng đội gắn bó, tình  đồng chí cao quý. 


 

RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG 

(Trích “Rô-bin-xơn Cru-xô” - Đ. Đi-phô)

“Râu ria của tôi đã có lúc tôi để mặc cho nó mọc dài đến hơn một gang tay; nhưng vì  tôi có cả kéo và dao cạo đủ dùng, nên tôi cắt đi khá ngắn gọn, trừ hàng ria ở môi  trên tôi xén tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kì tôi gặp ở Xa - lê, vì người Ma - rốc không để ria theo kiểu như người Thổ; tôi chẳng dám nói cặp ria mép ấy dài đến mức có thể dùng treo mũ của tôi; nhưng chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến mọi người phải khiếp sợ nếu như là ở nước Anh.”

Đ. Đi - phô

 

Câu 1:  

Nếu phải tách đoạn cuối cùng của văn bản thành 2 đoạn riêng biệt thì có thể ngắt tại “...bên khẩu súng của tôi”. Phần từ “Còn về diện mạo của tôi…” đến hết là  miêu tả về diện mạo với bộ ria mép có chiều dài và hình dáng kì quái của nhân vật  “tôi”. 

Bố cục của văn bản: 

- Phần 1 (từ đầu đến “như dưới đây”): Rô-bin-xơn tự ngẫm và giới thiệu bản  thân. 

- Phần 2: (tiếp đến “chẳng khác gì áo quần của tôi”): trang phục của Rô-bin-xơn

- Phần 3: (tiếp đến “bên khẩu súng của tôi”): đồ dùng của Rô-bin-xơn 

- Phần 4: (còn lại): diện mạo của Rô-bin-xơn 

Câu 2: 

Phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo của mình nằm ở phần cuối, sau khi đã kể nhiều về trang phục và đồ dùng. Phần đó chiếm dung lượng khá ít, chủ yếu đặc tả bộ ria mép. 

Từ góc độ chủ quan, Rô-bin-xơn tự miêu tả diện mạo của mình mang tính chất  kỳ khôi, độc đáo, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Qua đó ta thấy được tinh thần lạc  quan và tính cách hài hước của nhân vật này. 

Câu 3: 

Cuộc sống khó khăn hiện lên qua bức chân dung tự họa của Rô-bin-xơn: 

- Thời tiết, khí hậu thất thường, khắc nghiệt. 

- Thiếu thốn trăm bề: trong 15 năm trên đảo, Rô-bin-xơn phải tự săn bắt dê để sáng chế trang phục, trang bị, nhưng thời gian và khí hậu làm cho chúng rách  nát hết cả. 

- Đồ ăn thức uống, nơi ở… tất cả đều không có mà Rô-bin-xơn phải tự mày mò  và tự mình tìm kiếm.

Câu 4: 

Tinh thần của Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang: 

- Kiên cường chinh phục thiên nhiên, khắc phục hoàn cảnh. 

- Tinh thần lạc quan, hài hước qua giọng kể về bộ ria mép. 

- Giàu nghị lực, mạnh mẽ và sáng tạo. 

BỐ CỦA XI-MÔNG 

(Trích “Bố của Xi-mông” - G.đơ Mô-pa-xăng) 

“- Bác có muốn làm bố cháu không? 

Im lặng như tờ. Chị Blăng-sốt hổ thẹn, lặng ngắt và quằn quại, dựa vào tường, hai  tay ôm ngực. Thấy người ta không trả lời mình, em bé lại nói” 

- Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối. Bác công nhân cười đáp coi như chuyện đùa: 

- Có chứ, bác muốn chứ.” 

G.đơ Mô-pa-xăng


 

Câu 1:  

Bố cục của văn bản: 

- Phần 1: (từ đầu đến "em chỉ khóc hoài"): nỗi tuyệt vọng của Xi-mông

- Phần 2: (tiếp ... “một ông bố”) Phi-líp gặp Xi-mông và nói sẽ cho em 1 ông bố. Phần 3: (tiếp ... “bỏ đi rất nhanh”) Phi-líp đưa Xi-mông về nhà trả cho chị Blăng-sốt và nhận làm bố của em 

- Phần 4 (còn lại) Xi-mông đến trường nói với các bạn là có bố và tên bố em là  Xi-mông 

Câu 2: 

- Xi-mông đau đớn vì bạn bè trêu chọc và đánh em vì em không có bố.

- Nỗi đau đớn ấy được khắc họa: 

  • Xi-mông bỏ nhà ra sông định tử tự 
  • Mỗi khi buồn tủi là khóc 
  • Nói trong tiếng nấc, tiếng khóc

Câu 3: 

Chị Blăng-sốt chẳng qua vì lầm lỡ mà sinh ra Xi-mông chứ căn bản chị là  người tốt: 

- Ngôi nhà của chị: nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ. 

- Thái độ đối với khách - bác Phi-líp: nghiêm nghị. 

- Khi nghe con trai bị đánh vì không có bố, “đối má thiếu phụ đỏ bừng và tê tái  đến tận xương tủy, chị ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn  rơi”. 

- Khi nghe Xi-mông hỏi Phi-líp “Bác có muốn làm bố cháu không?” thì cô “lặng  ngắt và quằn quại “ vì hổ thẹn, “dựa vào tường, hai tay ôm ngực”. 

Câu 4: 

Diễn biến tâm trạng của Phi-líp: 

- Khi gặp Xi-mông và đưa Xi-mông về nhà: Sự đau khổ của Xi-mông được bác  Phi-líp thấu hiểu và sẵn sàng san sẻ với cậu nỗi niềm: “Thôi nào...đừng buồn  nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu… một ông  bố”. => Bác thợ rèn tốt bụng, biết cảm thông và sẻ chia nỗi niềm của con trẻ.  

- Khi gặp chị Blăng-sốt: Ban đầu bác cũng có chút nghi ngại bởi vì bác đã nghe  đồn thổi về người mẹ trẻ một lần lầm lỡ nhưng khi đứng trước một ngôi nhà  nhỏ, quét vôi trắng hết sức sạch sẽ và đứng trước sự nghiêm nghị của một  người đàn bà cao lớn, xanh xao, bác bỗng tắt nụ cười, trở lại trạng thái nghiêm  trang, e dè, ấp úng: “Đấy thưa chị, tôi dắt về đưa cho chị cháu bé bị lạc ở gần  bờ sông.” 

- Khi đối đáp với Xi-mông: Bác xúc động khi nghe sự giãi bày của đứa trẻ đừng  trước người mẹ và lời đề nghị hồn nhiên của Xi-mông, cảm thông trước nỗi  đau của người đàn bà đau khổ, bác đổi thái độ để không làm tổn thương đứa  trẻ: “Bác công nhân cười đáp coi như chuyện đùa: - Có chứ, bác muốn chứ”;  “Bác công nhân nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng  bước dài, bỏ đi rất nhanh”. 

CON CHÓ BẤC 

(Trích “Tiếng gọi nơi hoang dã” - Giắc Lân-đơn)

“ Nó sợ Thóoc - tơn cũng lại biến mất khỏi cuộc đời nó như Pê - rôn và Phơ - răng - xoa và anh chàng người lai Ê-cốt đã đi qua rồi biến mất trước đây. Ngay cả ban đêm,  trong các giấc mơ, nó cũng bị nỗi lo sợ này ám ảnh. Những lúc ấy, nó vội vùng dậy  không ngủ nữa, trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ.” 

Giắc Lân-đơn


 

Câu 1:  

Bố cục của văn bản: 

- Phần mở đầu: từ đầu… mới khơi dậy lên được 

- Tình cảm của Thoóc-tơn đối với Bấc: tiếp… hầu như biết nói đấy! 

- Tình cảm của Bấc đối với chủ: còn lại 

Có thể thấy, chủ yếu tác giả muốn nói đến những biểu hiện của tình cảm của Bấc  dành cho chủ. 

Câu 2: 

- Thoóc-tơn cứu sống và chăm sóc Bấc như thể đó là con cái của anh vậy, anh  coi Bấc như một con người gần gũi và đáng tin cậy. 

- Biểu hiện của tình cảm thân mật ấy: Chào hỏi thân mật. trò chuyện, chơi cùng Bấc như người bạn, trong tiếng rủa "rủ rỉ bên tai" như "những lời nói nựng âu  yếm" 

- Tác giả nói về tình cảm của Thoóc-tơn đối với các con chó của anh nói chung  và đối với con Bấc trước, mục đích làm tiền đề và lí giải nguyên nhân hợp lí  dẫn đến tình cảm của Bấc đối với người chủ yêu thương nó hết mực. 

Câu 3: 

Biểu hiện tình cảm của Bấc đối với chủ: 

- Bấc tôn thờ Thoóc-tơn, coi Thoóc-tơn là ông chủ lí tưởng: Nó thường nằm  phục ở chân Thoóc-tơn hàng giờ, mắt háo hức, tỉnh táo, ngước nhìn lên mặt  anh, chăm chú xem xét, hết sức quan tâm theo dõi từng biểu hiện thoáng qua,  mọi cử động hay đổi thay trên nét mặt… 

- Bấc biết ơn Thoóc-tơn vì anh đã cứu sống Bấc. Bấc quấn quýt không muốn rời  chủ một bước, lo sợ không có người chủ nào có thể gắn bó lâu dài. Nỗi sợ đó  ám ảnh cả trong giấc ngủ. 

- Bấc mong muốn một tình người đằm thắm, thủy chung không đổi thay.

=> Năng lực quan sát tinh tế của tác giả, quan sát kĩ lưỡng từng hành động, cử chỉ,  thói quen của con vật rồi từ đó gắn với những suy nghĩ, tâm tư rất hợp lí và thuyết  phục. 

Câu 4: 

Tác giả không nhân cách hóa con chó Bấc có lời nói và hành động như con người. Ở đây, Bấc được miêu tả là một chú chó thực thụ, với những suy nghĩ, hành động hết  sức tự nhiên, đúng với bản năng và hợp lí với bối cảnh câu chuyện. 

- Bấc biết suy nghĩ (trước kia nó chưa hề cảm thấy một tình thương yêu như vậy,  "Bấc cảm thấy không có gì vui sướng bằng cái ôm ghì mạnh mẽ ấy") ∙ Bấc biết vui mừng và lo sợ ("Việc thay thầy đổi chủ xoành xoạch… làm nảy  sinh trong lòng nó nỗi lo sợ là…") 

- Bấc còn nằm mơ "ngay cả ban đêm, trong các giấc mơ, nó cũng bị nỗi lo sợ này ám ảnh…” 

=> Tất cả thể hiện trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn và lòng yêu thương loài vật  của ông. 

BẮC SƠN 

(Trích hồi bốn - Nguyễn Huy Tưởng) 

“Tôi không báo hai ông đâu. (thấy Cửu hoài nghi) Tôi chết thì chết chứ không báo  hai ông đâu.” 

Lời của Thơm


 

Câu 1: 

Sự việc xảy ra trong gia đình nhà Thơm - Ngọc. Xung đột và hành động kịch  tập trung vào hai nhân vật Thơm và Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần dần  nhận ra bộ mặt phản bội của Ngọc. Ngọc đã theo giặc, dẫn đường cho chúng để chúng đàn áp làng Vũ Lăng, và đối xử man rợ đối với những người làm cách mạng.  Cô vô cùng đau xót, ân hận trước hành động của chồng mình chính vì thế khi Thái và  Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu và cứu thoát  họ. 

Câu 2:

- Tình huống: Thái, Cửu bị truy lùng chạy nhầm vào nhà Thơm – vợ của Ngọc.

- Xung đột kịch sâu sắc: 

  • Xung đột giữa lực lượng cách mạng và nhân dân với bọn phản cách mạng, cụ thể là sự đối đầu giữa Thái, Cửu (chiến sĩ cách mạng đang ở thế bị đàn áp, truy  đuổi) và Ngọc cùng đồng bọn (Việt gian làm tay sai cho giặc). 
  • Xung đột giữa Cửu với Thơm khiến Thái phải hòa giải và Thơm phải lựa chọn  dứt khoát là theo cách mạng hay theo chồng – Việt gian.  
  • Xung đột giữa Ngọc (tên phản cách mạng) và Thơm (quần chúng che giấu và  bảo vệ cán bộ cách mạng). Xung đột này ẩn chứa trong nội tâm của Ngọc. 

Câu 3: Tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm: 

Hoàn cảnh của Thơm: 

  • Là vợ Ngọc. Thơm được chồng yêu chiều nên quen cuộc sống nhàn nhã. Khi  cuộc khởi nghĩa nổ ra, tuy cha mẹ và em trai là những quần chúng tích cực ủng  hộ khởi nghĩa nhưng cô vẫn là người đứng ngoài cuộc. 
  • Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, cha và mẹ bị giết, mẹ đau đớn bỏ đi lang thang,  Thơm ân hận và càng bị giày vò khi dần biết Ngọc làm tay sai cho giặc nhưng  đang truy lùng, bắt bớ những chiến sĩ cách mạng tham gia cuộc khởi nghĩa. 

Tâm trạng và thái độ của Thơm với Ngọc:

  • Băn ngoăn, nghi ngờ chồng. 
  • Nhận ra bộ mặt Việt gian cùng bản chất xấu xa của Ngọc, cô trở thành người đối đầu với Ngọc trong tâm tưởng, tìm cách đẩy Ngọc ra khỏi nhà để hai chiến  sĩ cách mạng thoát thân. 
  • Hành động cứu Thái và Cửu: Lựa chọn giấu Thái, Cửu để họ thoát chết. Cô đã  ủng hộ cách mạng. 

=> Thơm đã có sự chuyển biến, từ chỗ thờ ơ với cách mạng đến đứng về phía cách  mạng, từ đấu tranh nội tâm đến hành động dứt khoát. Chính nghĩa của cuộc cách  mạng dù tạm thời bị đàn áp khốc liệt vẫn có sức thức tỉnh quần chúng, kể cả những  con người còn do dự. 

Câu 4: 

  • Ngọc vốn chỉ là một anh nho lại, địa vị thấp kém trong bộ máy cai trị của thực  dân. Vốn chỉ là một anh nho lại có địa vị thấp kém, Ngọc nuôi tham vọng ngồi  lên để thoả mãn lòng ham muốn địa vị và tiền bạc. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Ngọc đã rắp tâm làm tay sai cho giặc. Hắn dẫn quân Pháp về đánh Vũ Lăng  - căn cứ của lực lượng khởi nghĩa, sau đó lại ra sức truy lùng những người cách  mạng, đặc biệt là Thái và Cửu. Tuy Ngọc cố che giấu nhưng dần dần bản chất  xấu xa của Ngọc đã bị lộ ra, điều đó càng thúc đẩy Thơm dứt khoát đứng về phía cách mạng. 
  • Thái và Cửu chỉ là những nhân vật phụ, xuất hiện trong chốc lát. Bị giặc truy  đuổi, lại chạy nhầm vào chính nhà tên Ngọc nhưng Thái đã hết sức bình tĩnh,  sáng suốt, đồng thời rất tin tưởng vào sự ủng hộ của quần chúng, ngay cả khi  đó là vợ của một tên Việt gian. Khác với Thái, Cửu có phần nôn nóng, thiếu  chín chắn. Anh nghi ngờ Thơm, thậm chí còn định bắn cô...Mãi đôn lúc cuối,  khi đã được Thơm cứu thoát, Cửu mới hiểu và tin Thơm. 

=> Việc tác giả xây dựng những tính cách vừa đối lập vừa khác biệt ấy cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hành động kịch, đồng thời tạo được sức cuốn hút đối  với bạn đọc. 

Câu 5: 

Đặc sắc nghệ thuật: 

- Xây dựng tình huống bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột kịch và thúc đẩy hành động  kịch phát triển. 

- Lời thoại với những sắc thái, giọng điệu khác nhau phù hợp diễn biến tình  huống và tâm trạng của nhân vật. 

TÔI VÀ CHÚNG TA 

(Lưu Quang Vũ) 

“Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng,  hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ…” 

Lời của Hoàng Việt


 

Câu 1: 

- Nội dung: Vở kịch Tôi và chúng ta phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa  những con người có tư tưởng tiến bộ, muốn thay đổi mạnh mẻ phương thức  quản lí, tổ chức và lề lối hoạt động sản xuất với những kẻ bảo thủ, xu nịnh,  mượn danh bảo vệ truyền thống ở xí nghiệp Thắng Lợi.

- Chủ đề: là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, lạc  hậu trong sự chuyển mình của xã hội. 

Câu 2: 

- Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa suy nghĩ và cách làm ăn mới với suy nghĩ  và cách làm ăn cũ kĩ, lỗi thời. Không thể cứ khư khư giữ lấy các nguyên tắc, cơ  chế cứng nhắc, lạc hậu mà phải mạnh dạn thay đổi phương thức tổ chức, quản  lí để thúc đẩy sản xuất phát triển; không chạy theo chủ nghĩa hình thức mà cần  coi trọng thực tiễn, coi trọng hiệu quả thiết thực của công việc; có như thê mới  kích thích được lòng nhiệt tình, sự đóng góp công sức của mọi người vào sự nghiệp chung. Không có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, nhưng cũng  không phải chạy theo chủ nghĩa hình thức mà không để tâm tới thực tế. Cái  "chúng ta" được tạo thành từ những cái "tôi" cụ thể. Vì thế, cần quan tâm một  cách thiết thực đến cuộc sống, quyền lợi của mỗi cá nhân con người.  

- Đặt trong tình hình đất nước ta những năm bấy giờ, vở kịch Tôi và chúng ta  của Lưu Quang Vũ đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, cấp thiết xuất  phát từ thực tế cuộc sống, xã hội và có ý nghĩa trực tiếp đối với sự phát triển  của đất nước. 

Câu 3: 

Tình huống xây dựng: Tình trạng sản xuất của xí nghiệp Thắng lợi rơi vào tình trạng  ngưng trệ, cần phải đưa ra những giải quyết táo bạo để phát triển cải tạo lại xí nghiệp.  Giám đốc Hoàng Việt (mới nhận chức vụ này hơn một năm) quyết định công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới, công khai "tuyên chiến" với cơ  chế quản lí, phương thức tổ chức đã trở nên lỗi thời. 

Mâu thuẫn được bộc lộ qua: 

- Hoàng Việt tuyên bố đồ án làm ăn mới. Phải bảo thủ im lặng rồi phản ứng khá  dè dặt. Thực chất là họ đang tìm kẽ hở để tấn công. Người phản ứng đầu tiên là  Phó giám đốc Nguyễn Chính, anh ta đã dựa vào uy lực của cấp trên để phản  bác đề án mới. 

- Khi lí lẽ của Nguyễn Chính bị Hoàng Việt dễ dàng bẻ gãy thì đến lượt phản  ứng của trưởng phòng Tài vụ liên quan đến biên chế, đến quỹ lương. không  chịu cấp tiền tu sửa máy móc. Lúc này Hoàng Việt phải dùng đến uy quyền, và  lí lẽ của Hoàng Việt đưa ra là đời sống công nhân để giải quyết vấn đề.  

- Lần thứ ba, Hoàng Việt chủ động tấn công. Anh tuyên bố bãi bỏ chức vụ quản  đốc. Lí lẽ đưa ra cũng rất thoả đáng khiến cho Quản đốc phân xưởng Trương  phải lắp bắp, ấp úng, không thể làm gì khác.

- Lần thứ tư Hoàng đề cập tới vấn đề liên quan đến con người, đến chức vụ.  Hoàng Việt không mất bình tĩnh trước lí lẽ của Nguyễn Chính, anh đã thắng  bằng lí lẽ: cái hôm qua là tích cực thì hôm nay đã trở nên lỗi thời. 

- Đòn phản công cuối cùng tương đối sắc bén của Nguyễn Chính là căn cứ vào  nghị quyết của Đảng. Nhưng Hoàng Việt lại thắng khi vận dụng một chi tiết  quan trọng trong nghị quyết của Đảng "đẩy mạnh sản xuất và ổn định đời sống  công nhân". 

Câu 4: Tính cách các nhân vật: 

- Hoàng Việt: Giám đốc, mới lãnh đạo xí nghiệp Thắng Lợi có 1 năm nhưng  năng nổ, dám nghĩ dám làm, có tinh thần trách nhiệm cao, đặt lợi ích của xí  nghiệp, công nhân lên trên hết. 

- Lê Sơn: Một kĩ sư giỏi, nhiều năm gắn bó với xí nghiệp. Anh quý trọng nhân  cách của Hoàng Việt, ủng hộ cái mới. 

- Nguyễn Chính: Phó giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy xí nghiệp “đã từng đánh đổ bốn đời giám đốc”. Anh luôn vin vào những nguyên tắc đã trở nên xơ cứng để phản đối triệt để mọi ý định cải tiến của giám đốc. Đó là con người gian xảo,  xu nịnh, bảo thủ. 

- Trương: Quản đốc phân xưởng, một cái máy thích địa vị, ham quyền lực, hách  dịch với công nhân. 

Câu 5: Xu thế phát triển và kết thúc xung đột kịch: 

- Đây là cuộc đấu tranh có tính tất yếu và gay gắt giữa cái cũ và cái mới. Các  quan niệm, cách làm mới, táo bạo ở giai đoạn đầu tất nhiên sẽ vấp phải nhiều  cản trở. 

- Tinh huống xung đột mà vở kịch nêu lên là vấn đề nóng bỏng của thực tiễn đời  sống sinh động. Cuộc đấu tranh này gay go nhưng cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về cái mới, cái tiến bộ. 

 

Mong rằng những bài soạn văn trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé. Theo dõi thêm nhiều tài liệu, thông tin về môn học Ngữ văn theo dõi ngay : Học văn chị Hiên hoặc Youtube Học văn chị Hiên.

Chúc các em học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

Xem thêm:

SOẠN VĂN 9 - TOÀN BỘ TÁC PHẨM HỌC KÌ 1

BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 1

BÀI SOẠN VĂN HỌC KÌ 2 LỚP 9 HAY NHẤT, NGẮN GỌN NHẤT PHẦN 2

 

Tin liên quan