Nghị luận xã hội về vấn nạn bạo hành trẻ em

Ngày 10/02/2022 09:14:58, lượt xem: 2745

“Trẻ em thường bị bạo lực dưới bàn tay của những người mà chúng tin tưởng nhất.”- Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chưa bao giờ vấn nạn trẻ em bị chính cha mẹ ruột, người thân trong gia đình bạo hành, lạm dụng, xâm hại,... lại nhức nhối như hiện nay. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ việc “lộ sáng” với tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, phẫn nộ.


Trong thời gian gần đây chúng ta được nghe rất nhiều về vấn nạn bạo hành trẻ em, vậy bạo hành là gì? Bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi còn vô cùng độc ác. Bạo hành trẻ em được xem là một trong những vấn nạn kinh khủng mà nó vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Khi tình trạng này ngày càng xảy ra với mức độ cao thì nó đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống, phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em cũng đồng nghĩa là quan tâm đến chính tương lai của đất nước chúng ta. Bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước, chăm lo cho trẻ em chính là chăm lo cho tương lai của nước nhà.

Hiện nay, tình trạng trẻ em bị bạo lực có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em trở thành vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước hết có thể kể đến do văn hóa của gia đình. Những gia đình có văn hóa thấp, ý thức không cao. Và những người có phong tục cổ hủ như quan niệm cổ xưa. Nhiều người luôn cho rằng: “ Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì vậy việc đánh đập con trẻ có lẽ đã trở nên bình thường trong tìm thức mỗi người. Nguyên nhân tiếp theo có thể kể đến đó là thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhận thức của gia đình về việc bảo vệ trẻ em còn kém. Luật pháp Việt Nam còn nhiều lỗ hổng chưa được cụ thể. Chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Nguyên nhân khách quan có thể do môi trường xung quanh đều giống nhau. làm cho con người cảm thấy việc bạo lực là chuyện rất bình thường.

Bạo lực trẻ em là ác mộng của tuổi thơ, nó để lại cho trẻ em những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần, đặc biệt là các sang chấn tâm lý khó phai trong tâm trí trẻ em và điều này có hại cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Bạo lực trẻ còn phá huỷ cuộc sống yên lành ở mọi quốc gia và ở tất cả các tầng lớp xã hội, tuy vậy bạo lực thường như là vấn đề vô hình vì nó xảy ra trong các gia đình hoặc bởi mọi người nhắm mắt làm ngơ hay sợ hãi. Nhiều vụ bạo hành trẻ em bị che giấu trước công luận và vì thường được bỏ qua nên những con số báo cáo chưa phản ánh đúng thực trạng của vấn đề.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN XÃ HỘI - TẠI SAO ĐÈN TẮT?


Mô-típ trẻ bị bạo hành bởi “bố hờ”, “mẹ ghẻ” một lần nữa lặp lại. Những đứa trẻ đáng thương, không có khả năng tự vệ, vừa chịu sang chấn khi bố mẹ vừa ly hôn, gia đình đổ vỡ, anh chị em “tan đàn xẻ nghé”, lại đối mặt với hiểm nguy khi sống cùng người tình của bố mẹ. Đau lòng là những vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng như vậy không phải là chuyện hi hữu mà đã từng nhiều lần xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng nhưng cũng lại nhanh chóng trôi qua, chìm đi, bị quên lãng cho đến khi một vụ việc khác, mức độ chấn động thậm chí còn cao hơn, lại nổ ra.

Không thể bỏ qua những ngày vừa qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin làm cả dư luận xôn xao và phải bàng hoàng khi bé N.A, 3 tuổi bị ngay chính người tình của mẹ của mình bạo hành một cách tàn nhẫn. Làm sao mà không bất bình khi mà chỉ trong thời gian ngắn, bé liên tiếp bị người tình của mẹ bạo hành, đỉnh điểm là hành động đóng 9 chiếc đinh vào đầu, gây phẫn nộ. Tôi rùng mình hoảng hốt và khiếp sợ trước những lời khai man rợ của đối tượng H: Ngày 17/1 anh ta đã dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé N.A. Thấy bé khóc, hắn tiếp tục dùng 1 quả tạ loại 2kg đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1 cm vào xung quanh đỉnh đầu cháu bé. Sau đó, anh ta đưa nạn nhân đi gửi và quay về phòng trọ ngủ nhưng chưa có chuyện gì. Đây là hành vi thú tính không phải của con người, không thể tha thứ cho bất kì lý do gì khi quá tàn ác với những đứa trẻ thơ ngây yếu đuối. Trước đó, tháng 12/2021, vụ bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh tử vong do bị người tình của bố hành hạ, đánh đập thời gian dài đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Có thể thấy, hành vi của người bố là vô cảm, lạnh lùng, tàn ác khi cùng người dì ghẻ tên T tham gia hành hạ, đánh đập bé suốt một thời gian dài. Thật không thể nào có thể ngồi im mà xem hết đoạn ghi hình của dì ghẻ T tự nhận là “quan tâm trẻ”, để rồi sau lưng lại có những hành động ghê sợ như vậy. Đoạn clip được lan truyền trên mạng gây ra một làn sóng căm phẫn và xót thương cho đứa nhỏ. Và còn nhiều vụ việc thương tâm như thế nữa, không thể đếm, không thể kết hết. Nếu không phải chịu cái kết thảm khốc là xa rời cõi đời khi còn quá non nớt, thì những trẻ em bị bạo hành sẽ sống suốt đời vớt vết thương thể xác và nỗi đau tinh thần không thể xóa.

 

ĐỌC THÊM MỞ BÀI MẪU NGHỊ LUẬN XÃ HỘI HAY NHẤT


Điều đáng nói là nơi trẻ em bị bạo hành lại thường là nơi mà người ta gọi là nhà, là mái ấm. Điều đáng nói là người bạo hành trẻ em thường là người mà các em gọi là bố, là mẹ. Đa số các vụ kể trên đều liên quan tới bố dượng, “dì ghẻ”, nhưng không phải vì không chung huyết thống mà những kẻ đó có quyền làm hại tới các em. Càng đáng lên án hơn khi chính bố đẻ, mẹ đẻ lại tiếp tay, làm ngơ cho hành vi bạo hành con mình. Có lẽ câu “hổ dữ không ăn thịt con” không còn đúng nữa. Nghĩ tới mà lòng đầy ngổn ngang, phẫn nộ.

Thực tế cho thấy, gia đình không hẳn là nơi an toàn nhất với trẻ em. Phía sau cánh cửa của một gia đình, có thể là những lời kêu cứu của con trẻ. Để không còn tình trạng đáng buồn này, mỗi người lớn cần nhận thấy rõ, cách giáo dục hợp lý nhất là cha mẹ nên làm bạn với con trẻ, dành thời gian để gần gũi, tâm sự, lắng nghe con chia sẻ. Bên cạnh đó, các trường học cần tăng cường trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân; giúp trẻ biết quý trọng cơ thể mình, không ai được quyền xâm hại, dù là người lạ, người quen và cả người thân. Thầy, cô giáo cần kịp thời phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ có khả năng bị bạo hành, xâm hại và thông báo ngay cho người thân hoặc công an địa phương để có giải pháp can thiệp kịp thời.

“Trẻ em như búp trên cành”, trẻ em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy chăm sóc và bảo vệ trẻ em vì các em đáng nhận được mọi sự yêu thương. Đừng để bạo hành trẻ em trong gia đình làm mất đi tương lai của con trẻ. Cần hơn một xã hội trách nhiệm!

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan