Đăng Ký Học
Ngày 21/10/2019 16:26:09, lượt xem: 4644
" Bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ "
🌿[Mỗi ngày một bài Văn hay]
Khổ thơ thứ 1: BỨC TRANH THIÊN NHIÊN THÔN VĨ DẠ
+C1: Câu hỏi tu từ, lời mời gọi cũng là lời thầm trách
+C2: Hình ảnh nắng, hàng cau
+ C3: Những khu vườn ở Vĩ Dạ
+ C4: Hình ảnh con người trong bức tranh thôn Vĩ
Mở đầu bài thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng của nhân vật trữ tình.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”
Chỉ một câu hỏi thôi! Một câu hỏi của cô gái thôn Vĩ nhưng chan chứa bao yêu thương mong đợi. Câu thơ vừa có ý trách móc vừa có ý tiếc nuối của cô gái đối với người yêu vì đã bỏ qua dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp mặn mà, ấm áp tình quê của thôn Vĩ - vùng nông thôn ngoại ô xinh xắn thơ mộng, một phương diện của cảnh Huế. Câu thơ cũng là lời chào mời thiết tha của người con gái, mời anh về cùng Vĩ Dạ, mời anh về thăm xứ Huế mộng mơ. Đại từ “anh” ở câu thơ khiến cho người đọc hình dung ra thật nhiều cách hiểu khác nhau. Có nhiều đọc giả hiểu anh ở đây là sự phân thân của tác giả, cũng có nhiều người hiểu anh ở đây là nhà thơ đang tự vấn lòng mình tại sao quá lâu chưa trở về đây. Có nhiều người khi biết tới mối tình của Hàn Mặc Tử với Kim Cúc thì lại ngầm hiểu rằng đây là lời người con gái này muốn gửi tới anh – tới Hàn Mặc Tử hỏi tại sao đã lâu rồi không ghé Vĩ Dạ chơi. Thế nhưng, dù hiểu theo cách nào thì rõ ràng câu thơ này đã gợi ra được rất nhiều những cảm xúc trong mạch cảm xúc nhớ thương của thi nhân. Từ “chơi” được sử dụng trong câu thơ này dường như mang một tình cảm rất gắn bó, không phải là thăm, không phải đến mà là về chơi. Một cách dùng từ ngữ thật giản dị, thật tình tứ, người mời và người được mời hẳn phải có những tình cảm rất gắn bó với nhau.
Câu thơ mở đầu, cũng chính là chiếc chìa khóa vạn năng, mở ra cánh cửa đưa người đọc tới khung cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ của Vĩ Dạ:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Nét đặc sắc của thôn Vĩ - quê hương người con gái gợi mở ở câu đầu đến đây đã được tả rõ nét. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác rộng mở trước mắt người đọc. Hình ảnh nắng tưới lên trên ngọn cau tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Nắng mới là nắng sớm bắt đầu của một ngày, những hàng cau cao vút vươn mình đón lấy những tia nắng sớm kia, và tất cả tràn ngập ánh nắng và buổi bình minh. Cái “nắng hàng cau nắng mới lên” sao lại gợi một nỗi niềm làng quê thân thương đến thế.
Nắng mới cũng còn có ý nghĩa là nắng của mùa xuân, mở đầu cho một năm mới nên bao giờ nó cũng bừng lên rực rõ nồng nàn. Đó là những tia nắng đầu tiên rọi xuống làng quê mà trước nó chiếu vào những vườn cau làm cho những hạt sương đêm đọng lại sáng lên, lấp lánh như những viên ngọc được dính vào chiếc choàng nhung xanh mịn:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Cái nhìn như chạm khẽ vào sắc màu của sự vật để rồi bật lên một sự ngạc nhiên đên thẫn thờ. Đến câu thơ này, ta bắt gặp cái nhìn của thi nhân đã hạ xuống thấp hơn và bao quát ở chiều rộng. Một khoảng xanh của vườn tược hiện ra, nhắm mắt lại ta cũng hình dung ra ngay cái màu xanh mượt mà, mỡ màng của vườn cây. Ta không chỉ cảm nhận ở đó màu xanh của vẻ đẹp mà nó còn tràn trề sức sống mơn mởn. Những tán lá cành cây được sương đêm gột rửa trở thành cành lá ngọc. Không phải xanh mượt, cũng không phải xanh mỡ màng mà chỉ có xanh như ngọc mới diễn tả được vẻ đẹp ngồn ngộn, sự sống của vườn tược. Một màu xanh cao quý, lấp lánh, trong trẻo làm cho vườn cây càng sáng bóng lên. Hình như cả vườn cây đều tắm trong luồng không khí đang còn run rẩy sự trinh bạch nguyên sơ chưa hề nhuốm bụi. Lăng kính không khí ấy làm hiện rõ hơn đường nét màu sắc của cảnh sắc mà mắt thường chúng ta bỏ qua. Nếu không có một tình yêu sâu nặng nồng nàn đối với Vĩ Dạ thì Hàn Mặc Tử không thể có được những vần thơ trong trẻo như vậy. Ai từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đặc biệt ở xứ Huế thì mới thấm thìa những vần thơ này:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Trong vườn thôn Vĩ Dạ kia, nhành lá trúc và khuôn mặt chữ điền sao lại có mối liên quan bất ngờ mà đẹp thế: những chiếc lá trúc thanh mảnh, thon thả che ngang gương mặt chữ điền. “Mặt chữ điền” - khuôn mặt ấy càng hiện ra thấp thoáng sau lá trúc mơ màng, hư hư thực thực. Hình ảnh con người ẩn hiện, thấp thoáng trong cành lá trúc đã thổi một luồng sinh khí mới vào cảnh vật. Bóng dáng con người xuất hiện làm cho cảnh vật Vĩ Dạ vốn đã đẹp nay còn đẹp hơn. Ta nhìn thấy được bức tranh cảnh vật, với sự hài hòa giữa cảnh và người, giữa tĩnh và động. Hình ảnh khuôn mặt chữ điền mang đến nhiều cách hiểu khác nhau song dẫu hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn nhằm mục đích tô đậm vẻ đẹp hài hòa, dịu dàng, kín đáo, hồn hậu của con người xứ Huế.
Như vậy, chỉ với những chi tiết quen thuộc, bình dị, Hàn Mặc Tử đã phác họa lên một bức tranh đẹp cả tình và cảnh. Đó là cảnh vật nơi Vĩ Dạ thôn ấm áp, hiền hòa, thơ mộng, trữ tình, với ánh nắng chan hòa và những vườn hoa lá mướt xanh. Trong khung cảnh đó là có sự giao hòa tuyệt diệu với vẻ đẹp của con người. Một vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo, hồn hậu của con người Huế. Phải xuất phát từ tâm hồn tinh tế nhạy cảm, cộng thêm với tình yêu thương, gắn bó vô ngần của mình với đất Huế, con người Huế, Hàn Mặc Tử mới có thể viết lên, vẽ ra một bức tranh về Vĩ Dạ tuyệt vời đến vậy.
------------------
Bật mí một chút những tài liệu sẽ có trong lớp học online V.A.N 2020 của chị nha <3
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn🌻
Tin liên quan