Bà cụ Tứ - nhân vật điển hình cho người phụ nữ Việt Nam Trong

Ngày 21/10/2019 14:13:57, lượt xem: 4311

🌿[Mỗi ngày một bài văn hay]: Bà cụ Tứ - nhân vật điển hình cho người phụ nữ Việt Nam
Trong thiên truyện “Vợ nhặt” của mình, Kim Lân đã xây dựng rất thành công hình tượng của một người mẹ hiền từ, vị tha, yêu thương con hết lòng – Bà cụ Tứ - Đây cũng là một trong những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đọc giả. Bà cụ Tứ xuất hiện ở phần cuối truyện với dáng hình “lọng khọng”, với tiếng ho “húng hắng” và những thanh âm lẩm bẩm, tính toán trong miệng một mình. Đó là hình ảnh của một người phụ nữ, một người mẹ già cả một đời lam lũ, vất vả, dằng dặc những âu lo và bất hạnh. Bao nhiêu bão tố cứ ấp lên đôi vai nhỏ bé của bà, nuôi con một mình trong gia cảnh túng quẫn, bần hàn, người mẹ này đã phải cố gắng biết bao nhiêu. Những bất hạnh cứ liên tục ập đến khi chồng chết, con chết rồi thì hai mẹ con lưu lạc đến xóm ngụ cư. Bà sống cùng con trai trong một căn nhà tồi tàn và rách nát. Đối với bà cụ Tứ - việc con trai của mình đột nhiên có vợ quả thật là sự rất đỗi bất ngờ. Ban đầu khi trở về nhà, bà rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện trong nhà mình: “Quái lạ, sao lạ có người đàn bà nào trong đó nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Là thế nào nhỉ?...” Trước sự bất ngờ, trong lòng người mẹ già đang ngổn ngang những suy nghĩ, thắc mắc, băn khoăn. Sự kiện con trai có vợ khiến cho bà không thể tin được, cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bao nhiêu câu hỏi chính là bấy nhiêu sự ngạc nhiên của bà. Đến khi đã hiểu ra mọi chuyện, trong lòng bà chợt trào lên biết bao nỗi niềm, là sự tủi hờn, là cảm xúc vừa mừng, vừa lo. Bà lão cúi đầu nín lặng, lòng người mẹ nghèo ấy vừa hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán, vừa xót xa, xót xa cho số kiếp của con mình, xót xa cho cô con dâu ngày đầu về nhà chồng. Trước hạnh phúc của con, người mẹ già trong lòng ngổn ngang biết bao nhiêu cảm xúc khác nhau: mừng mừng, vừa lo, vừa hờn tủi, vừa hy vọng,… Nhìn người đàn bà kia, bà nghĩ về cuộc đời bất hạnh của mình, giây phút ấy dường như là giây phút bà cảm thấy thật đỗi xót xa. Hạnh phúc của con trai, khiến cho gương mặt của người mẹ già khổ hạnh cũng rạng rỡ hẳn lên. Thế nhưng, sau sự hạnh phúc là là nỗi buồn tủi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc nhà “ăn nên làm nổi” thôi thì bổn phận bà làm mẹ đã chẳng lo gì được cho con… Bã nghĩ: “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy con mình mà con mình cũng mới lấy được vợ”. Biết bao nhiêu suy nghĩ, đã tự an ủi và trấn an mình nhưng biết bao âu lo trong lòng người mẹ già vẫn cứ canh cánh. Những trăn trở ấy có căn nguyên bắt đầu từ tình thương của người mẹ dành cho con của mình: “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?” Nhưng rồi, sau tất cả, tấm lòng nhân hậu của người mẹ già vẫn luôn rộng mở cho những đứa con của mình. “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Lời nói giản dị, chân chất của một người mẹ hiền cũng là minh chứng cho sự bằng lòng của bà dành cho hôn sự của con. Là người giữ lửa cho gia đình, bà cũng đang nhen lên niềm hy vọng về tương lai tươi sáng cho những đứa con của mình, bằng sự thông cảm, sẻ chia, sự nhân hậu của một người mẹ. Bà nhìn cô con dâu, bằng tất cả sự xót thương chứ không hề coi thường. Bà nghĩ đến việc phải có dăm ba mâm cho phải lễ. Trân trọng lễ nghĩa, cũng là sự trân trọng nàng dâu mới bằng tất cả sự khoan dung của một người mẹ nghèo.
Viết về bà cụ Tứ, Kim Lân đặc biệt coi trọng khi miêu tả những giọt nước mắt người người mẹ. Người già, nước mắt được trân quý như châu như ngọc, những giọt nước mắt cảm động, hạnh phúc của người mẹ nghèo, khóc vì ngạc nhiên, khóc vì hạnh phúc và khóc vì lo lắng cho tương lai những đứa con của mình. Trong không giam ảm đạm của cái tối và sặc mùi chết chóc, bà cụ Tứ là ánh lửa ấm áp thắp lên chan chứa yêu thương. Bà tự tay chuẩn bị bữa cơm đầu tiên, gọi món cháo cám với cái tên thật hóm hỉnh. Bà bắt đầu những câu chuyện, là người nhen nhóm và thắp lên biết bao yêu thương, hy vọng trong căn nhà nhỏ.
Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho những đứa con của mình là tình mẫu tử sâu nặng, thể hiện đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam, sự cưu mang, che chở, sống nhân ái với nhau. Đây cũng là một nhân vật điển hình trong tuyến nhân vật của Kim Lân, mặc dù sống trong khổ đau và bất hạnh, nhưng vẫn luôn hướng mình về sánh sáng, về sự lạc quan và tin tưởng vào hạnh phúc trong cuộc đời nhất định sẽ tới.
Nhân vật bà cụ Tứ cũng là một trong những nhân vật điển hình, tiêu biểu cho hình ảnh của người mẹ Việt Nam, thương yêu con hết mực, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con của mình.

 

Cre: Sưu tầm

Tài liệu ôn thi thpt quốc gia 2020 - Học Văn Chị Hiên !!

Tin liên quan