Đăng Ký Học
Ngày 07/05/2020 11:28:18, lượt xem: 11051
ĐẤT NƯỚC
I- Tìm hiểu chung
1. Tác giả: sinh năm 1943- Quê: Thừa Thiên - Huế- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ
thơ trẻ những năm chống Mĩ cứu nước. - Phong cách nghệ thuật: giàu chất suy tư, chính luận, xúc
cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư của người tri thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân
dân.- TP chính: Đất ngoại ô (1972), Mặt đường khát vọng (1974)
2. Tác phẩm
2.1. Hoàn cảnh ra đời
- Sáng tác 1971, tại chiến khu Trị - Thiên (những năm cuối của cuộc k/c chống Mĩ cứu nước)
- In lần đầu năm 1974
2.2. Kết cấu, bố cục: gồm 9 chương
2.3. Thể loại : trường ca: Là thể loại tác phẩm có sự kết hợp hài hòa hai yếu tố tự sự và trữ tình.
2.4. Đoạn trích
- Xuất xứ: phần đầu chương V của trường ca.
- Chương V có vị trí đặc biệt, hội tụ chủ đề tư tưởng tác phẩm: sự thức tỉnh của thế hệ trẻ các thành
thị miền Nam, (rộng hơn: sự tự nhận thức của tuổi trẻ VN) về sứ mệnh và trách nhiệm với dân tộc.
1. Lối thơ tự do, gần như văn xuôi, hướng sâu đến trí tuệ, vận động bằng chiều sâu của trí tuệ
(không véo von trong cảm xúc). Có những đoạn giãn ra đến mười hai chữ, có chỗ thắt lại trong ba
chữ; lối gieo vần hỗn hợp với nhiều khúc biến tấu: vần chéo, vần lưng, không vần, nhạc điệu bên
trong...có nhiều âm sắc lạ...
2. Giọng trữ tình có sự đan xen triết luận và chính luận tạo nên sức mạnh cảm hoá và thuyết
phục. Mượn hình thức trữ tình để lí giải các vấn đề triết luận về đất nước. Hình thức trữ tình trò
chuyện lứa đôi - vốn để trao gửi những tình cảm riêng tư, cá nhân, ở đây lại dùng để gửi gắm những
tình cảm chung, lớn lao, thiêng liêng: tình yêu đất nước, tình cảm với nhân dân. Đất nước nhờ tình
yêu của anh và em mà mênh mông thăm thẳm như một nỗi nhớ thầm...
- Ý nghĩa: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận:
• Tạo giọng thơ trữ tình, thủ thỉ, thiết tha, đằm thắm- dấu ấn thi pháp thơ trữ tình chính trị (liên hệ
với Việt Bắc - Tố Hữu).
• Làm cho những lí giải mang tầm triết học về đất nước trở nên dung dị, dễ hiểu, thấm thía.
- Hình thức lời tâm tình trò chuyện của anh và em- mang tính giãi bày, bộc bạch, như lời
tự nói, một kiểu tùy bút thơ độc đáo, bộc lộ suy cảm rất sâu về tổ quốc, lồng vào đó suy nghĩ về trách
nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ mình. Chất tư duy logic và chất thơ (chất hình tượng sinh động, chất
xúc cảm của thơ) được kết hợp khá nhuần nhuyễn làm nên chất trữ tình- chính luận của thơ.
3. Sự cảm nhận về Đất nước một cách toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện
+ Trong chiều dài thời gian lịch sử (Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, thời trung đại, hiện đại,- quá
khứ - hiện tại - tương lai)
+ Trong chiều rộng không gian địa lí (Trung- Nam- Bắc, vùng núi, đồng bằng, miền biển; không
gian sinh hoạt, không gian riêng tư của tình yêu lứa đôi, không gian hùng vĩ của núi cao sông dài
biển rừng vàng biển bạc...Văn của Eren bua cũng nói đến dòng suối đổ vào sông...tình yêu nước bắt
đầu từ cái cây trồng trước nhà, con phố đổ ra bờ sông, mùi cỏ thảo nguyên, hơi rượu mạnh, từ cụ thể
đến khái quát, từ gần gũi thân thuộc đến thiêng liêng)
+ Trong bề dày của văn hoá - phong tục, lối sống, tâm hồn và tính cách dân tộc.
=> Ba phương diện này được thể hiện trong sự gắn bó, thống nhất. Bất kì ở đâu, thời nào, đất nước
cũng là của nhân dân, nhân dân cũng làm nên đất nước, trên bất cứ phương diện nào thì tư tưởng cốt
lõi cũng là quan niệm "Đất nước của Nhân dân". Đó cũng chính là hệ quy chiếu mọi cảm xúc và
suy tưởng. Nhờ đó mà tác giả đã có những phát hiện mới mẻ, đặc sắc, làm sâu sắc thêm ý niệm về
đất nước của thơ ca thời kì chống Mĩ, làm nổi bật tư tưởng Đất nước của nhân dân: Đất nước có
trong đời sống của nhân dân, do nhân dân làm ra, trường tồn bất diệt cùng nhân dân, được nói bằng
tiếng nói của nhân dân...
- Từ Nguyễn Trãi (có lật thuyền mới thấy dân như nước); Lê nin (Cách mạng là sự nghiệp của quần
chúng); Nguyễn Đình Chiểu (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc); Phan Bội Châu (dân là dân nước nước là
nước dân) đến Nguyễn Đình Thi (Trời xanh đây là của chúng ta)...các nhà cách mạng, các nhà thơ nhấn mạnh vào quyền sở hữu, quyền làm chủ, đối lập với thời đại trước đó (Đất nước chưa thuộc
quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân chưa có đất nước, coi nước là của Vua (Sông núi nước Nam
vua Nam ở); hay Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ (nói những vấn đề liên quan đến thái ấp của
ta, bổng lộc các ngươi). Nguyễn Khoa Điềm nhìn ra vai trò to lớn của nhân dân trong quá trình dựng nước và giữ nước
4. Vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian
Tư tưởng bao trùm "Đất nước của Nhân dân" khiến cho chất liệu mà Nguyễn Khoa Điềm lựa
chọn để diễn tả phải là chất liệu phù hợp mà trong trường hợp này chất liệu ấy không thể là gì khác
hơn là vốn văn hoá dân gian. Trong trích đoạn thơ, tác giả sử dụng rất nhuần nhị, sáng tạo vốn ca
dao, tục ngữ, thành ngữ, những câu chuyện về cổ tích thần thoại, huyền thoại, thậm chí phong tục,
tập quán...gắn bó lâu đời với người Việt. => Tư tưởng đất nước của Nhân dân được nói dựa trên chất
liệu, kho kiến thức, vốn văn hoá nên có sức thuyết phục hơn.
- Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian một cách sáng tạo, không trích nguyên văn, không kể lể dài
dòng mà chỉ nắm bắt lấy rất nhạy cái hồn của văn hóa dân gian để gợi liên tưởng, suy ngẫm cho độc
giả, tạo cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen vì tự thuở ấu thơ, ta đã nằm trong tiếng hát đưa nôi, hồn dân
tộc Việt trong mỗi người đã đắm trong những câu ca dao, tục ngữ; cổ tích, truyền thuyết, tâm hồn ta
đã căng sẵn một sợi dây đàn, chỉ cần một rung động nhỏ là tâm hồn ấy sẽ ngân rung bao hồi ức, bao
rung động; lạ vì từ những chất liệu văn hóa dân gian rất gần gũi ấy, tác giả đã thâu tóm được nhiều ý
tưởng bất ngờ và rất thơ, làm cho người đọc hiểu sâu hơn đất nước nhân dân mình.
- Ngoài ra, việc thể hiện sâu tư tưởng Đất nước của nhân dân. (Sau này, trong trường ca “Đất nước
hình tia chớp”, Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết năm 1976-1977, cũng sử dụng rất nhiều chất liệu văn
hóa dân gian trong chương V/10 chương- Thương nhau cởi áo cho nhau) còn có tác dụng:
+ Tạo thành bầu khí quyển bao bọc cả bài thơ, cuốn ta vào không khí của ân tình, hoài niệm
+ Nét mới mẻ (so với các nhà thơ khác) là những chất liệu lấy trong đời sống dân gian: có chất văn
hóa nghệ thuật gợi ca dao cổ tích, mang tính chất sang trọng, phù hợp với đối tượng thuyết phục là
những người trí thức trẻ, có trình độ văn hóa, phải chinh phục bằng văn hóa. Bản thân người đọc
cũng phải được tiếp nhận bằng học vấn, phải liên tưởng tìm tòi, đồng sáng tạo cùng tác giả.
5. Tư duy nghệ thuật hiện đại: mượn những nghịch lí để diễn đạt logic những khám phá, tư tuởng
mới mẻ của mình. Nhà thơ không chuộng sáng tạo những từ ngữ mới lạ, mà tạo ra quan hệ mới lạ
của những từ ngữ thân quen. Những câu đẳng thức gồm hai vế đồng nhất hóa hai đại lượng trái
ngược: bên này là cái nhỏ bé, bên kia là cái lớn lao, phát hiện vẻ đẹp của chân lí dưới những điều
nghịch lí, điều đó xui khiến người đọc phải đập vỡ cái phi lí để đi tìm chân lí (Đất Nước bắt đầu với
miếng trầu bây giờ bà ăn; Em ơi em hãy nhìn rất xa...Đất Nước là nơi ta hò hẹn...)
6. Ngôn ngữ
- Tác giả viết hoa từ Đất Nước thể hiện thái độ trân trọng, tôn kính.
- Việc tách hai thành tố Đất và Nước như soi chiếu trong nhiều quan hệ để cảm nhận sâu sắc hơn,
tách ra rồi lại nhập vào: đất là, nước là, đất nước là, ba lần như thể hát ru đất nước lớn dần lên, từ nơi
hò hẹn đến nơi dân mình đoàn tụ, để rồi đẻ ra đồng bào ta, Đất và Nước đã thắm lại thành xương và
máu trong mỗi cơ thể chúng ta, trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Từ ta, anh, em đến đồng bào ta, máu
xương của mình, con ta..vv...xuất, nhập, xuất, nhập, cứ thế, hình tượng Đất Nước lớn dần lên, rồi lại
nhỏ lại để nằm trong máu thịt ta, bồi hồi trong bao niềm rung cảm mà vẫn rất giàu chất trí tuệ giàu
suy luận triết lí hơn...(so với hình ảnh quê hương trong bài thơ Bài học đầu cho con của nhà thơ Đỗ
Trung Quân: quê hương là chùm khế ngọt... hình ảnh bình dị mà tao nhã, gắn liền với kỉ niệm tuổi
thơ)
- Ngôn ngữ mang vẻ thô phác nhưng cũng đầy mãnh liệt gợi về nguồn cội xa xăm: yêu nhau và sinh
con đẻ cái...đẻ ra đồng bào ta..., đàn bà cũng đánh; nhớ ngày giỗ Tổ: mở rộng khái niệm từ “tổ”-giống nòi, tổ tiên; - cội nguồn, nơi cưu mang chở che; - xứ sở (ba nghĩa); hóa thân: quan niệm nhà
Phật- sự hi sinh cho Tổ quốc: có phải thịt da em hóa thành mây trắng (Lâm Thị Mĩ Dạ); từ dáng
đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất- Dáng đứng Việt Nam- Lê Anh Xuân; Em sẽ là hoa
trên đỉnh núi – Núi đôi- Vũ Cao). Con sẽ mang Đất Nước đi xa (tôi dang tay ôm nước vào lòng- Tế
Hanh; ôm đất nước những người áo vải- Nguyễn Đình Thi)
- Giọng điệu: lúc tha thiết bồi hồi, lúc trang nghiêm lắng đọng, lúc trầm lắng trong chính luận suy tư:
Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông: chất chứa suy tư...lúc nhắn nhủ âm thầm mà tha thiết:
những ai đã khuất, những ai bây giờ...cúi đầu: thiêng liêng, sâu nặng, thành kính, ngưỡng vọng tổ
tiên (và đến lượt mình, ta cũng muốn cúi đầu xin nhận nợ tháng năm xa)
* Tóm lại, qua đoạn trích, tác giả đã đem đến cho ta cái nhìn mới mẻ, mang tính phát hiện về
Đất Nước:
+ Đất nước gắn liền với những gì bình dị, thân thiết;
+ Đất nước gắn với cội nguồn
+ Đất nước không chỉ ở quanh ta mà còn ở trong tra, hiện hữu trong mỗi con người, làm nên sự sống
thiêng liêng, cao đẹp,
+ Đất nước là sự gắn bó hài hòa giữa cái riêng và cái chung (hai đứa cầm tay là kết hợp bền chặt, tạo
nên sự sống và thắm tình; cầm tay mọi người là sự liên kết với cộng đồng, có sức mạnh, có tầm vóc)
+ Đất nước là cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ (những ai đã khuất, những ai bây giờ, yêu nhau và
sinh con đẻ cái...) (hình tượng lực lưỡng)- đến TƯƠNG LAI TƯƠI ĐẸP HUY HOÀNG (những
ngày ta từng mơ mộng)
+ Nhà thơ cảm nhận đất nước từ nhiều bình diện để làm nổi bật tư tưởng, tình cảm và trách nhiệm
với hiện tại.
Trong nền thơ Việt Nam không hiếm những bài thơ hay về đất nước. Mỗi bài thơ có một vẻ đẹp
riêng, bổ sung một góc nhìn làm cho hình ảnh đất nước hiện lên thêm đa dạng, đẹp đẽ: “Những định
nghĩa cao sang xin dành cho người khác/ Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/ Là đứng theo dáng
hình của mẹ/ Đòn gánh tre chín dạn hai vai”
- “Và cứ thế nhân dân thường ít nói
Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
Và cứ thế nhân dân cao vời vợi
Hơn cả những ngôi sao cô độc trên đời” (Thanh Thảo- Những người đi tới biển)
- “Thầy đã giảng cho con về đất nước nhân dân
Để khi mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một đời” (Thăm thầy giáo cũ- Nguyễn Bùi Vợi)
- “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu”- Tạ Hữu Yên
- Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)
Điều các nhà thơ suy ngẫm, điều họ rung cảm trong nỗi niềm thổn thức xót xa có lẽ cũng là nỗi lòng
chung của mỗi chúng ta, những người con nước Việt biết yêu tổ quốc mình. Hai tiếng Đất Nước
thiêng liêng đã đi vào nhịp đập trái tim mỗi người và trở thành nguồn xúc cảm nghệ thuật cho nhiều
thế hệ. Trong đó, trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng có những đóng góp riêng, độc
đáo, trở thành một sáng tác có giá trị, được bạn đọc yêu mến và trân trọng ngay từ khi mới ra đời.
Có được thành công đó là do tác giả đã nhập cuộc hết mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc,
đã tận mắt chứng kiến những đóng góp to lớn và những hi sinh không kể xiết của nhân dân nên đã
nói bằng tất cả sự trải nghiệm và xúc động thật của lòng mình, truyền được cảm xúc cho bạn đọc.
Không thực sự xúc động và tin tưởng, không thể đồng hóa được vào cách nói, cách nghĩ của nhân
dân. Chất chính luận ở bề mặt, chất trữ tình rất sâu, rọi cái nhìn khám phá lên bản đồ đất nước và bản
đồ của tình yêu nước trong mỗi con người.
Tin liên quan