Đăng Ký Học
Ngày 15/12/2022 09:44:39, lượt xem: 28141
Đề bài: Bàn về truyện ngắn, Tô Hoài nói:" Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết." Nguyễn Minh Châu lại khẳng định"Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn" (Các nhà văn nói về văn - NXB Tác phẩm mới)
Từ truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân, em hãy làm sáng tỏ hai ý kiến trên.
Đề thi hsg Ngữ Văn 9
---------------------
Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thành bại của một đời văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật. Chính vì thế mà ông nhận định rằng: “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết. Tuy nhiên bên cạnh đó Nguyễn Minh Châu cũng cho rằng: “Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn”. Liệu hai ý kiến trên có mâu thuẫn nhau? Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá qua những trang văn đã học để hiểu thêm hai quan điểm của hai tác giả.
Có thể nói, “nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống”. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm. Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết: Khẳng định trong lao động nghệ thuật của nhà văn, xây dựng nhân vật là khâu khó khăn và quan trọng bậc nhất. Với Nguyễn Minh Châu ông đề cao việc xây dựng tình huống trong truyện ngắn: “Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn”. Tình huống: Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn xây dựng theo lối “lạ hóa”, là hoàn cảnh có vấn đề mà tác giả đặt nhân vật vào để nhân vật được thử thách và bộc lộ tính cách, số phận… “Vấn đề sống còn” là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cốt tử, quyết định tạo nên sự thành công của truyện ngắn. Ý kiến của Nguyễn Minh Châu đề cập đến yêu cầu sống còn với người viết truyện ngắn là dựng được tình huống truyện.
Vậy tại sao “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết”? Nhân vật là linh hồn của tác phẩm. Để nhân vật thực sự là “linh hồn”, nhà văn phải xây dựng sao cho tâm lí, tính cách, hành động…của nhân vật trở nên chân thực, sống động, thậm chí “thực hơn cả con người thực ngoài đời”. Điều này đòi hỏi nhà văn phải là những “tiểu hóa công”, phải có vốn sống, vốn ngôn ngữ dồi dào, năng lực quan sát và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, cá thể hóa nhân vật qua những chi tiết đặc sắc… Thông qua việc xây dựng nhân vật, nhà văn bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình đối với từng loại người trong xã hội, đồng thời dẫn dắt người đọc đi vào những thế giới riêng với đủ mọi khát vọng cùng với cảm xúc yêu thương hay lòng căm giận. Nhân vật Hamlet của Sêchxpia tiêu biểu cho con người thời đại Phục hưng có lí tưởng nhân văn cao đẹp bị bế tắc và khủng hoảng khi phải đối diện với những cách sống, phản trắc, cơ hội, tàn nhẫn, con đẻ của chủ nghĩa tư bản ở thời kì tích lũy ban đầu. Qua việc mô tả các nhân vật như bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng trong tiểu thuyết “Số đỏ”, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ niềm căm ghét lối sống suy thoái về đạo đức đến cùng cực của giới thượng lưu trong xã hội thực dân phong kiến.
ĐỌC THÊM: ÁNH SÁNG NGÔN TỪ TRONG BÀI THƠ "ÁNH TRĂNG"
Nếu nhân vật là những diễn viên chính với khả năng diễn xuất tài tình làm nên thành công của một vở kịch thì tình huống truyện lại là nhân tố thầm lặng quan trọng giúp người diễn viên ấy tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu. Chính vì vậy, tình huống truyện là hạt nhân quan trọng không thể thiếu. Nếu xem đời sống, hiện thực cuộc sống là một cái gì đó rất hữu hình cụ thể, như một cái cây thì chặt một khúc cây, một lát gỗ ấy, ta có tình huống truyện. Truyện ngắn là “một lát cắt của đời sống”, là “người khổng lồ tí hon”. Đặc trưng của truyện ngắn là dung lượng nhỏ nhưng lại phải phản ánh đời sống ở “bề sâu, bề sâu, bề xa”. Viết truyện ngắn thực chất là “cưa lấy một khúc” của đời sống, song từ lát cắt ấy, khúc cưa ấy, nhà văn phải cho người đọc thấy được “âm vang cuộc đời thảo mộc mấy trăm năm”. Muốn vậy, nhà văn phải chọn được một lát cắt điển hình nhất để từ đó đặc điểm tính cách, số phận của nhân vật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm được “nổi hình nổi sắc”. Điều này đòi hỏi nhà văn phải có tài năng khám phá, phát hiện những khía cạnh nghịch lí của đời sống, có vốn sống, sự trải nghiệm sâu sắc để nhận ra những gì là bản chất, là cốt lõi của cuộc đời. Mỗi nhà văn đề cập đến một yếu tố làm nên sức hấp dẫn và giá trị đặc sắc của truyện ngắn. Đó là hai yếu tố có vị trí riêng song chúng có mối quan hệ với nhau: nhân vật tạo tình huống, tình huống làm nổi bật nhân vật .
Kim Lân là một cây bút xuất sắc chuyên viết truyện ngắn về đề tài người nông dân chất phác, thật thà và đậm tình người ở những làng quê Việt Nam. Lần đầu tiên có một nhà văn “nông dân” xắn quần lội xuống bùn để lắng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai, của cuộc sống con người để tái hiện lên rõ mồn một trên mỗi trang viết. Với cốt truyện đơn giản, lời kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lí nhân vật thiên tài, ông đã để lại cho độc giả những trang viết sâu sắc và xúc động về người dân quê - những con người gắn bó rất tha thiết với quê hương và cách mạng. Một trong những sáng tác thuộc đỉnh cao của Kim Lân là truyện ngắn “Làng”.
“Làng” đã thể hiện sinh động những nét chân chất, quen thuộc, vốn có của người nông dân-từ lời ăn tiếng nói cho tới dáng vẻ, nếp suy nghĩ, tình cảm...đều đậm chất nông dân thuần phác. Cách ăn nói tự nhiên gần gũi, suồng sã, ngôn ngữ đậm chất địa phương…”. Chưa đến bực cửa ông lão đã bô bô...Nắng này là bỏ mẹ chúng nó…”. Dáng vẻ một người nông dân bình dị, mộc mạc không thể trộn lẫn vào đâu… “mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy…”, bộc lộ cảm xúc rất tự nhiên “múa tay lên mà khoe…”, “vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng”. Thói quen, nếp suy nghĩ, tình cảm của nhân vật cũng được Kim Lân vô cùng để tâm. Thói quen khoe làng, niềm tự hào về làng cho thấy sự gắn bó máu thịt với làng-một nét đẹp có tính chất truyền thống của người nông dân. Bên cạnh đó là sự lo toan làm ăn khi ở nơi tản cư mang nếp sống, nếp nghĩ gần gũi của người nông dân… Hình ảnh người nông dân Việt Nam hiện ra dưới ngòi bút của Kim Lân chân thực, sống động như vốn có. Với những nét chân chất ấy, người nông dân đã đi vào cuộc kháng chiến một cách tự nhiên, nhiệt tình nhất. Ở truyện ngắn Làng, ngòi bút của Kim Lân còn phát hiện những nét mới mẻ của người nông dân Việt Nam giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (tình yêu làng hòa vào tình yêu nước rộng lớn, gắn liền với tinh thần kháng chiến mạnh mẽ, sâu sắc, cảm động...) Niềm tự hào, nỗi nhớ về làng cũng mang nét mới: Xa làng đi tản cư, ông Hai nhớ làng, vẫn giữ thói quen khoe làng, tự hào về làng nhưng không chỉ tự hào về làng Chợ Dầu giàu đẹp mà làng Chợ Dầu kháng chiến. Tình yêu làng không chỉ còn bó hẹp và có những nét ngộ nhận như xưa mà đi liền với sự biến đổi trong nhận thức về mối quan hệ giữa làng và nước gắn với tinh thần kháng chiến. Người nông dân gắn bó sâu sắc với làng, với nước bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn và danh dự của người kháng chiến: thường xuyên quan tâm đến tin tức làng xã kháng chiến, buồn vui tới tận cùng khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc và tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Thái độ thù làng Chợ Dầu theo Tây, làm Việt gian thể hiện tình cảm với làng, với nước rất rạch ròi, quyết liệt: làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Đó là một nhận thức mới mẻ, sáng suốt, cho thấy người nông dân đã biết đặt danh dự, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Người nông dân còn biết hi sinh đến tận cùng cho cuộc kháng chiến: trong bất kì hoàn cảnh nào cũng thủy chung như nhất với lãnh tụ và cuộc kháng chiến (cảm nhận đoạn ông Hai tâm sự với cậu con út). Hi sinh hết mình cho cuộc kháng chiến (chi tiết ông Hai khoe Tây đốt nhà là một nét tâm lí đặc biệt, chỉ có ở những người nông dân kháng chiến). Họ biết hi sinh cả những cái gắn bó, thân yêu nhất để giữ được danh dự, tinh thần của người kháng chiến, niềm tin vào cuộc kháng chiến. họ mất nhà nhưng còn điều đáng quý hơn đó là đất nước, thể hiện một bước chuyển biến lớn trong nhận thức và tình cảm của người nông dân. Hình ảnh người nông dân Việt Nam trong buổi đầu kháng chiến đã hiện ra với những nét tâm lí phong phú: vừa truyền thống vừa mới mẻ.
ĐỌC THÊM: THIÊN HƯỚNG CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
Ngoài việc linh hoạt trong cách xây dựng nhân vật, Kim Lân còn chứng tỏ được tài năng của mình thông qua những tình huống truyện đặc sắc: nhà văn Kim Lân đã đi vào miêu tả rất sâu và kĩ tâm trạng của nhân vật ông Hai qua mỗi tình huống. Trước khi ông Hai nghe tin làng mình theo Tây, ông yêu làng Chợ Dầu của ông hơn bất cứ thứ gì. Ông tự hào về tất cả những gì của làng. Những điều đó khiến cho nhân vật ông Hai hiện lên với những suy nghĩ khá hồn nhiên và tính cách cũng đặc biệt. Ông hay khoe làng: "Ông có thể ngồi nói cả buổi về cái làng Chợ Dầu mà không biết người nghe thế nào, chỉ nói cho sướng cái miệng". Cho nên khi nhận lệnh phải đi tản cư ông Hai nửa muốn đi vì kháng chiến, nửa lại muốn ở lại vì tình cảm quyến luyến, yêu làng, không muốn rời xa làng, nhưng cuối cùng ông cũng phải đi. Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn theo dõi tin tức kháng chiến, tình yêu làng của ông thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi dù ở làng hay rời xa làng. Song, tình yêu làng, yêu nước của ông Hai mới thực sự được bộc lộ rõ khi nghe tin làng mình theo Tây. Một sự thất vọng tột độ, cái làng ông vốn rất tự hào, yêu hơn chính bản thân mình thì giờ đây lại theo Tây. Ông thấy mình như người có tội, bỗng chốc những cảm xúc tủi hổ, nhục nhã, dằn vặt, đau đớn ùa về trong ông. Những ngày sau ông không dám ra đường bởi ông sợ, ông lo lắng và cảm thấy chẳng còn mặt mũi để nhìn ai. Một quyết định đau đớn mà ông Hai phải dằn lòng đưa ra: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, ông đã đặt tình yêu nước lên trên tình yêu làng, hi sinh cá nhân vì dân tộc. Nhưng ông vẫn muốn một lần nữa khẳng định sự trung thành với Đảng, với cách mạng của mình qua cuộc trò chuyện với đứa con thơ. Ông Hai đã thực sự có những suy nghĩ đúng đắn. Sau khi nghe tin cải chính, ông Hai lại được yêu làng, tự hào về làng đúng với tình yêu trong trái tim ông. Vì thế ông lại được bản tính hồn nhiên, mộc mạc của mình. Tình yêu làng của ông giờ đã quyện, thống nhất với tình yêu nước, tình yêu kháng chiến. Có thể trong sâu sắc nội tâm nhân vật, nhà văn Kim Lân đã thực sự thành công để người đọc hiểu hơn về nhân vật.
Quả thật nhân vật lớn không chỉ tôn vinh nhà văn lớn mà còn làm rạng danh dân tộc đã sinh ra nó. Còn tình huống truyện là “thứ nước rửa ảnh” làm “nổi hình nổi sắc” tâm lý, tính cách, số phận… của nhân vật, góp phần bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là thước đo tin cậy tài-tâm- tầm vóc của nhà văn. Nhắc đến những nhà văn lớn, ta không quên những tình huống truyện độc đáo mà nhà văn đó sáng tạo trong tác phẩm. Với thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và xây dựng nhân vật của ngòi bút Kim Lân, nhân vật ông Hai hiện lên với những phẩm chất cao đẹp, với tình yêu làng mộc mạc, giản dị mà sâu nặng hòa quyện với tình yêu đất nước, vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai làng Chợ Dầu tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam có ý thức giác ngộ cao, tha thiết yêu quê hương, Tổ quốc. Nói cách khác, quê hương – Tổ quốc đối với mỗi người Việt Nam chúng ta luôn gắn bó trong niềm tự hào nồng thắm!... mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yêu đất nước là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kháng chiến chống Pháp đã chú trọng làm nổi bật. Truyện ngắn Làng của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý ấy!
Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Chính vì thế, nhân vật văn học sẽ không bao giờ là con người thật ở ngoài đời, kể cả đó là những “nguyên mẫu”. Xét cho đến cùng, khi nhà văn xây dựng lên nhân vật văn học giống như một cỗ xe nhằm để chuyển tải những tư tưởng, ý tưởng của nhà văn đến với người đọc, tiếng nói của nhân vật cũng chính là tiếng nói của nhà văn với thời cuộc… Xây dựng nhân vật và tình huống truyện có ý nghĩa sống còn như vậy nên đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo, phải luôn luôn trau dồi vốn sống, năng lực sử dụng ngôn ngữ, cá thể hóa nhân vật, chọn lọc chi tiết đặc sắc, dựng truyện, dẫn truyện khéo léo…
Văn chương muôn đời là mảnh đất bí ẩn cần được khai thác. Người nghệ sĩ bằng tài năng của mình chắt chiu từng những hạt bụt vàng giữa cuộc đời để đúc nên “bông hồng vàng” luôn tỏa sáng. Để hiện thực trần trụi bước vào trang văn một cách đẹp đẽ hơn, nhà văn cần tinh tế trong quá trình sản sinh ra đứa con tinh thần của mình. Tác phẩm văn học dù cho viết về cái xấu hay cái tốt, lương thiện hay tàn ác nhưng một khi đã bắt rễ vào hiện thực và chất chứa những giá trị nhân văn to lớn thì mãi mãi văn học sẽ sống và bầu bạn với con người dẫu “mọi lý thuyết là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”
ĐĂNG KÝ NGAY:
- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY
- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan