Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người (George Sand)

Ngày 01/11/2022 09:41:49, lượt xem: 22160

Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người (George Sand)
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm rõ ý kiến trên qua các tác phẩm đã học trong chương trình lớp 9
--------------------


Nhà văn Nam Cao từng nói rằng: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Đúng vậy nghệ thuật phải nên là ánh trăng tỏa sáng đẹp nhất lung linh nhất, nhưng cũng phải chân thật, dịu dàng nhất. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải luôn là những người lao động sáng tạo và là “ những nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Bàn về thiên chức của nhà văn và nhiệm vụ của văn chương George sand cho rằng: “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân, thiện, mỹ quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khởi nguồn cho dòng sông, phân lọc đổ ra đại dương nhân bản mênh mông, Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng đã tích cóp thứ ánh sáng riêng ấy và chiếu vào tâm hồn người đọc, làm khởi phát những cảm xúc mới mẻ. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, ta nhìn thấy rõ những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Tuân đừng bày tỏ quan điểm của mình: “ ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo”. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy văn trương luôn cần sự đổi mới và cách tân của người nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Mỗi chúng ta sinh ra đều có rất nhiều cách chọn cuộc sống cho riêng mình, cũng như đối với nghệ sĩ đều có quan điểm đến với nghệ thuật cá nhân. “Thiên hướng” là khuynh hướng thiên về những điều có tính chất tự nhiên. Thiên hướng của người nghệ sĩ: là khuynh hướng chủ đạo của người cầm bút. “Anh sáng” gợi ra vẻ đẹp lung linh, kì diệu và có khả năng soi rọi, chiếu tỏ; đó là khả năng kì diệu trong việc tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người. “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người” nghĩa là người nghệ sĩ thông qua tác phẩm nghệ thuật được viết nên từ cái tài cái tâm của mình, đem đến cho bạn đọc những hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp người đọc nhận thức sâu sắc về bản chất cuộc sống và con người, nhận ra những bài học quý giá về lẽ sống, thắp sáng trong trái tim con người những tư tưởng tình cảm đẹp đẽ nhân văn giúp con người sống tốt hơn, nhân văn hơn. Ý kiến đã đề cập đến thiên chức cao cả, sứ mệnh vinh quang nhất của nhà văn đó là nâng niu, trân trọng và hướng con người tới những điều tốt đẹp, đó cũng chính là chức năng của văn học đối với cuộc đời, con người. Nguyễn Đình Thi từng nói: “bắt rễ từ cuộc đời, hàng ngày văn nghệ lai tạo sự sống cho con người”, “Nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên” (Ruskin) và “cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Nghệ sĩ là người luôn bày tỏ suy nghĩ quan điểm, cảm nhận của mình trước mọi biến thái của cuộc đời theo những cách khác nhau và từ đó mang đến cho người đọc những rung cảm khác nhau. “ nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo” (Nguyễn Tuân), vì vậy mỗi nhà văn cần phải không ngừng sáng tạo biến tấu và theo dõi theo tác phẩm văn học của mình những điều mới mẻ, mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là “phát minh mới về hình thức và khám phá về nội dung”. Văn học không quá đòi hỏi sự cầu kỳ, văn học đòi hỏi sự sáng tạo. Mỗi nhà văn đến với nghệ thuật muốn ghi dấu ấn trong nền văn chương thì cần phải có phong cách, quan điểm sáng tác riêng không lẫn với bất kỳ người nào khác, “Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫn theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết” (Lêônit lêônốp).

ĐỌC THÊM: CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC


Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống bởi vậy tác phẩm nghệ thuật phải đề cập đến những giá trị nhân đạo, sâu sắc trong cuộc sống con người. Dù có như thế nào tác phẩm văn học vẫn phải hướng con người đến cái “chân, thiện, mỹ, đến quy luật nhân bản” ở đời. Quy luật ấy giống như khơi dậy neo giữ, vẽ lên một vòng tròn và nhà văn dù di chuyển thế nào cũng không thể vượt qua khỏi vòng tròn đó, mà chỉ xoay trong bán kính. Nếu vượt ra ngoài giới hạn đó không còn là một tác phẩm nghệ thuật nữa, người sáng tác cũng không được gọi là người nghệ sĩ nữa mà là những người mua việc, những trò bịp bợm vô nghĩa không hơn không kém. Văn học hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ. “ chân” là cái chân thực xuất phát từ cuộc sống hàng ngày, hay nói cách khác là nhận thức cách nhìn của nhà văn trước cuộc đời, “Thiện” là sự cảm hóa là giá trị nhân đạo qua mỗi tác phẩm là những điều tốt đẹp và người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Còn “ Mỹ” Chính là chức năng thẩm mỹ cái tạo thiện cảm cho người đọc qua ngôn ngữ, biện pháp, nghệ thuật, cách hành văn của tác giả. Khi đáp ứng được cả ba điều đó tác phẩm văn học sẽ hướng con người đến quy luật nhân bản chiều sâu của cuộc sống.

Ý nghĩa tồn tại của văn chương thực chất là hướng con người tới cái đẹp, cái thiện, là đưa ánh sáng vào trái tim con người. Ánh sáng văn chương chính là vẻ đẹp của cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của nhà văn chuyển hóa vào tác phẩm thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Ánh sáng ấy có khả năng kì diệu, soi sáng nhận thức, thắp sáng niềm tin, giúp con người hiểu hơn về cuộc sống và con người, từ đó soi chiếu nhận thức về chính mình. Ánh sáng văn chương có tác dụng khơi dậy, bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn con người, giúp con người sống đẹp đẽ, nhân văn hơn.

Việc sáng tạo của nhà văn có khuynh hướng tư tưởng, luôn xuất phát từ nhu cầu giãi bày, thể hiện tâm tư, tình cảm vì thế nên nâng đỡ cho cái tốt không chỉ là thiên chức, là trách nhiệm mà còn là mong mỏi, nhu cầu của người cầm bút. Bằng cái tâm, tầm tư tưởng bén nhạy, người nghệ sĩ thấy được bản chất cuộc sống, khái quát thành những quy luật tâm lí, từ đó chuyển tải đến người đọc những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống và con người. Để đưa ánh sáng vào trái tim con người, người nghệ sĩ còn ý thức phát huy cái tài trong cách sử dụng ngôn từ, sáng tạo hình ảnh, xây dựng hình tượng, tạo kết cấu tác phẩm … với sức truyền cảm cao nhất của hình thức nghệ thuật. Ánh sáng được đưa vào trái tim con người từ tác phẩm văn học chính là sự hòa quyện của cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật nhiều vui sướng mà cũng lắm khổ đau.

Giá trị của một tác phẩm, sức sống lâu bền của tác phẩm trong lòng người đọc chính là ở ánh sáng mà người nghệ sĩ đưa vào trái tim con người. Chính vì vậy, người nghệ sĩ cần phải sống sâu với cuộc đời, có được tình cảm chân thành, mãnh liệt, nắm bắt và phản ánh được những vấn đề cuộc sống và con người, có tài năng và bền bỉ nghiêm túc luyện rèn ngòi bút để có thể đưa ánh sáng vào trái tim con người hiệu quả nhất. Người đọc khi đến với tác phẩm vì thế cần có ý thức bồi đắp tâm hồn, biết khám phá, đón nhận thứ ánh sáng đặc biệt từ tác phẩm, lĩnh hội được những ý tình sâu sắc mà nhà vân gửi gắm để hiểu cuộc sống, hiểu con người, hiểu chính mình hơn, từ đó sống đẹp, sống nhân vân hơn.

Ý kiến của George Sand đã khẳng định những tác động mạnh mẽ của tác phẩm văn học đối với tâm hồn người đọc. Văn học làm thức tỉnh tâm hồn con người, hướng con người những điều tốt đẹp nhất. Bà đã khẳng định yếu tố cốt tử để người nghệ sĩ viết nên những tác phẩm giá trị, hoàn thành sứ mệnh cao cả của ngòi bút và khẳng định vị trí trên văn đàn, đó là đưa ánh sáng vào trái tim con người. Đây cũng là lời khẳng định ý nghĩa về chức năng, giá trị của văn học đối với con người.

Bài thơ “Ánh trăng” khai thác đề tài về đời sống nội tâm của người lính trong thời bình, giữa cuộc sống đời thường. Rõ ràng, khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm. Nói chuyện quên nhớ ấy, nhà thơ đã phản ánh một sự thực trong xã hội thời hiện đại. Con người ngập ngụa trong đời sống tiện nghi đã đánh mất bản chất cao quý của chính mình. Một quá trình tha hóa đột ngột, đáng báo động. Nếu không thức tỉnh, không có giải pháp chấn chỉnh, có lẽ, nó sẽ gây ra những hậu quả ghê gớm ở tương lai. Lời cảnh tỉnh của Nguyễn Duy có lẽ chúng ta hôm nay đã rất thấm thía.

THAM KHẢO NGAY KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG LỚP 9: TẠI ĐÂY


Khổ thơ đầu ghi lại những chặng đời dù không ít khó khăn, gian khổ nhưng êm đềm, tươi tắn biết bao! Tiếp đó là suy tư. Anh thấy, anh nghĩ, thời gian nan đó trăng và người đến với nhau chân thật, mặn nồng:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ

Những tình từ trần trụi, hồn nhiên vừa miêu tả cái mộc mạc, nguyên sơ của thiên nhiên vừa cho thấy cuộc sống bình dị, vô tư, hồn hậu của con người đồng quê, sông, bể, núi rừng. Ký ức ấy rất thiêng liêng đến nỗi anh tin rằng:
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Vầng trăng ở đây mang ý nghĩa biểu tượng. Trăng là quá khứ tròn đầy, là sông, là đồng, là bể, là rừng. Là người thân, là anh em, bạn bè, đồng đội, nhân dân. Là những con người, những mảnh đất anh từng sống, từng yêu thương, gắn bó, từng đồng cam cộng khổ. Tình cảm chân thành, mãnh liệt của anh với vầng trăng ấy là có thật. Bởi khi tâm hồn được nuôi dưỡng trong gian khổ ân nghĩa thì tấm lòng cũng thiết tha rộng mở. Nhưng biết lòng người có bền vững, sắt son khi hoàn cảnh đổi thay? Câu trả lời thật đau xót:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Hình ảnh ánh điện, cửa gương vừa đối lập với vầng trăng vừa mang ý nghĩa hoán dụ, diễn tả những tiện nghi, vật chất sang trọng, lộng lẫy, khác xa với cuộc sống trần trụi, hồn nhiên năm xưa. Trăng từng là người bạn tri kỷ của anh, giờ đây như người dưng qua ngõ. Trăng vẫn hiện diện trên bầu trời nhưng chẳng gợi lên cảm xúc gì đặc biệt. Hóa ra cuộc sống nơi thành phố hiện đại lắm ánh điện, cửa gương, người ta chẳng mấy lúc cần và cũng ít khi chú ý đến ánh trăng. Ký ức về trăng cũng dần phai nhạt.
Vầng trăng là nguồn sáng bất tận của vũ trụ. Trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành,cả trong hạnh phúc và gian lao. Trăng còn là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình Hai hình tượng nghệ thuật trung tâm là ánh trăng và người lính đã góp phần thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Sống phải biết trân trọng và đề cao lối sống thủy chung tình nghĩa, không thờ ơ bạc bẽo với quá khứ, biết trân trọng giá trị của quá khứ.

Hình ảnh vầng trăng gắn với những kỉ niệm tuổi thơ, gắn với kỉ niệm một thời lính chiến của nhà thơ đã đánh thức những kỉ niệm, những kí ức trong lòng mỗi người, đánh thức những cảm xúc trong trẻo, đẹp đẽ nhất trong mỗi chúng ta về thời quá khứ nghĩa tình, thủy chung. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”,cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm, lương tri trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.

Những tâm sự mà Nguyễn Duy gửi gắm qua bài thơ đã làm thức tỉnh trong lòng thế hệ trẻ hôm nay nhiều điều thấm thía. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường, giữa những vội vã gấp gáp của nhịp sống hiện đại, hãy tìm kiếm những khoảnh khắc sống chậm lại để nhìn lại quá khứ, để nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với con người và cuộc đời.

Bài thơ còn là lời nhắc nhở chân tình rằng chúng ta sống không được thờ ơ, phũ phàng với quá khứ. Sống với ngày hôm nay nhưng không thể hoàn toàn xóa sạch kí ức của ngày hôm qua, luôn thủy chung, giữ trọn vẹn nghĩa tình với quá khứ, trân trọng những điều thiêng liêng đẹp đẽ trong quá khứ.

Sống cần có bản lĩnh và dám dũng cảm đối diện với chính bản thân mình, đối diện với lương tâm mình để nhìn nhận rõ những sai lầm. Khoảnh khắc lương tâm thức tỉnh là khi sự thánh thiện, lối sống tình nghĩa, thủy chung được thức tỉnh trong tâm hồn; sự vô tình vô nghĩa, thái độ sống thờ ơ vô cảm, thậm chí sự vô ơn, bạc bẽo,… bị đẩy lùi.
Trong cuộc sống hiện đại đương thời, nhịp sống vội vàng, gấp gáp, con người có nhiều to toan, bận rộn… nên đôi khi thờ ơ với quá khứ, thậm chí sống nhanh, sống gấp, thờ ơ với cả những gì thân thuộc đang diễn ra ngay xung quanh mình. Tuổi trẻ ngày nay có vẻ đã lãng quên những chặng đường đau thương mà dân tộc ta đã đi qua, những tháng ngày gian khổ mà dân tộc ta đã nếm trải, những mất mát hi sinh mà dân tộc ta đã gánh chịu trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược.

Tuổi trẻ ngày nay chỉ mải mê với công việc hoặc là làm giàu, hoặc là vui chơi, hoặc là sa ngã vào tệ nạn. Tuổi trẻ ngày nay sống vô cảm, hèn kém và yếu đuối. Họ không còn nhớ rằng hòa bình, độc lập và nền kinh tế vững mạnh, cuộc sống phát triển của ngày hôm nay là đắp bằng xương máu của lớp lớp người đã lấy thân mình chở che cho tổ quốc. Thấu hiểu được điều đó, là học sinh, chúng ta phải biết quý trọng quá khứ, biết ơn những thế hệ đi trước đã để lại những thành quả lao động quý giá cho chúng ta hôm nay, chăm chỉ học tập, không ngừng nỗ lực hết mình chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện bản thân trở thành người hữu ích, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Ý kiến của George Sand là một định hướng cho người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo: hướng bạn đọc đến các giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Phải nâng đỡ cái tốt, nhà văn mới mong góp phần mà bồi đắp tâm hồn người đọc mới vươn về, hướng tới níu giữ tình người cho con người.Và người đọc cũng nhờ ý kiến này mà có căn cứ để tiếp nhận và đánh giá chính xác hơn về giá trị của một tác phẩm văn chương. Để nhận ra thứ ánh sáng riêng từ tác phẩm, người đọc cần có ý thức bồi đắp tâm hồn, biến quá trình nhận thức thành quá trình tự nhận thức và hoàn thiện bản thân.

Văn chương là “thứ khí giới thanh cao” là những tác phẩm nghệ thuật hướng con người đến cái đẹp cái thiện cái chân thực và quy luật nhân bản là những nhà văn chân chính Nguyễn Duy với tác phẩm của mình sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc dù thời gian trôi chảy và thị hiếu xã hội có đổi thay.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan