Đăng Ký Học
Ngày 29/11/2021 17:33:14, lượt xem: 4399
“Chí Phèo”, tôi đọc xong trong một đêm đầu đông, trời bắt đầu trở lạnh. Trèo lên giường, kéo chăn, tôi chắc mẩm ngủ ngon phải biết. Nhưng chẳng hiểu vì điều gì khiến tôi cứ trăn trở mãi, hàng mới câu hỏi cứ vụt lên rồi lại chợt tắt trong tâm trí tôi - một cô bé vừa tròn mười bảy: Chí Phèo là quỷ dữ của làng Vũ Đại hay một anh nông dân tội nghiệp? Hắn ta đáng trách hay đáng thương?
TẤN BI KỊCH CỦA CHÍ PHÈO
Tôi ngỡ ngàng bởi chẳng thể nào mường tượng ra được Nam Cao lại để cho nhân vật của mình xuất hiện một cách đặc biệt như thế! Chí Phèo ngật ngưỡng bước lên sách và bắt đầu chửi - tiếng chửi của một gã say rượu. Tôi lại thắc mắc một điều, tại sao không phải là Chí xuất hiện với hình dạng bằng xương bằng thịt, mà lại là một thằng Chí Phèo say khướt lướt như thế? Hình ảnh xuất hiện của nhân vật vừa quen vừa lạ, quen vì những tên say rượu vẫn thường ăn nói “càm ràm”, nhưng lạ vì mặc nhiên, chẳng có ai thèm quan tâm hay làm điều gì với hắn cả. Chí chửi cũng “hay lắm”, không biết hắn có phải mất thời gian sắp xếp những lời lẽ trong đầu của mình nhiều hay không, hoặc là đây chính xác là một thói quen đã trải qua khoảng thời gian lâu đủ để trở nên bài bản. Chí “chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn”. Chí chửi từ lớn đến bé, từ trừu tượng đến cụ thể, từ xa lạ đến gần gũi. Đó là tiếng chửi vật vã, đau đớn của một con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Đối với Chí, tiếng chửi là một phương tiện giao tiếp, chửi là một cách để Chí có thể giao tiếp được với thế giới loài người những đớn đau thay, đáp lại những tiếng chửi của Chí chỉ là một sự im lặng đến rợn người. Cay đắng hơn nữa, trong sự im lặng tuyệt nhiên ấy, lại xuất hiện tiếng “chó cắn lao xao” giống như sự đáp lại duy nhất mà Chí Phèo nhận được. Có thể thấy một điều, Chí đã thực sự bị đánh bật ra khỏi thế giới loài người, mặc cho sự gào thét của một con người mong muốn được giao tiếp, đáp lại chỉ là sự im lặng dửng dưng. Người ta vẫn thường nói: “Im lặng là vàng”, nhưng trong hoàn cảnh này, sự im lặng chẳng khác nào mũi dao sẵn sàng giết chết con người. Tôi có thể nhìn thấy sự hằn học, hận thù, đau đớn của Chí trong những tiếng chửi, tôi nhìn thấy sự thờ ơ, dửng dưng của xã hội loài người (làng Vũ Đại) lúc bấy giờ, tôi nhìn thấy sự đồng cảm của Nam Cao khi để cho nhân vật của mình xuất hiện như vậy và những độc giả như chúng tôi thì lại hết sức tò mò, rất muốn biết Chí Phèo là ai?
Lật lại những trang đời của Chí Phèo, thật đau đớn xiết bao khi biết được rằng, ngay từ khi được sinh ra Chí đã bị chính cha mẹ của mình bỏ rơi ở một cái lò gạch cũ, giữa một cánh đồng mùa đông sương trắng. May mắn thay, khi đứa trẻ ấy được người dân đưa về nuôi nấng, số phận của Chí Phèo được truyền tay từ người này sang người kia, cũng đã ngỡ rằng những bất hạnh của một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi khi mới sinh ra sẽ được san sẻ phần nào với tình yêu thường của những người dân làng chân chất, thật thà nhưng không phải như vậy. Tôi lại tự hỏi lòng, không biết việc được cứu sống với Chí có phải là một sự may mắn hay không? Tuổi thơ của Chí sống trong những bất hạnh, tủi hờn: “Hết lang thang đi ở cho nhà người này lại đi ở cho nhà người khác, năm 20 tuổi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến.” Có thể nói, đây là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của Chí, đó là quãng thời gian lương thiện, mang trong mình nhiều ước mơ nhỏ, với những hoài bão, dự định về cuộc sống tương lai. Anh Chí là một chàng trai giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì người ta đáng khinh. Bị con mụ chủ bắt làm những điều không chính đáng, Chí vừa làm vừa run, thấy nhục hơn là thấy thích. Ngày ấy, Chí cũng giống như biết bao những người trẻ khác, mơ ước về “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chung để là một con lợn nuôi làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Đó chính là một ước mơ lương thiện. Nhưng đớn đau thay, xã hội bất lương ấy đã bóp chết ước mơ bình dị của một con người. Thế mà, chỉ vì một cơn ghen tuông vu vơ của lão cáo già Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào cảnh tù tội. Nhưng cũng chính nhà tù thực dân đã tiếp tay cho lão cáo già Bá Kiến biến Chí Phèo từ một anh nông dân lương thiện, một anh canh điền khỏe mạnh với những ước mơ bình dị trở thành một con thú dữ, một kẻ tội đồ của làng Vũ Đại. Cuộc đời của Chí Phèo từ đó bước sang “một trang mới” – trong cuộc đời của những khổ đau và bất hạnh.
ĐỌC THÊM Nghệ thuật trào phúng trong "Hạnh phúc của một tang gia" - Vũ Trọng Phụng
Chừng sáu, bảy năm gì đó, người ta thấy Chí Phèo trở về làng. Nhưng nhà tù thực dân đã tàn nhẫn vằm nát cả bề ngoài khỏe mạnh, cả bên trong lương thiện của Chí Phèo. Xuất hiện trước mặt người đọc bây giờ là một tên giang hồ, lưu manh với bộ dạng gớm ghiếc, với: “Cái đầu thì trọc lóc, cái mặt đen nhìn rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết,... cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế,...”. Chí Phèo bây giờ, không còn là một anh canh điền lương thiện, khỏe mạnh với những giấc mơ bình dị nữa. Hắn bây giờ đã trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. “Hắn đã đập nát biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện.” Hắn làm tất cả mọi thứ trong lúc say: “Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say,... đập đầu, rạch mặt, giết người trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận.” Hình ảnh của Chí Phèo, Nam Cao đã một lần nữa vạch mặt tội ác của chế độ thực dân và phát xít lúc bấy giờ, đẩy những người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa, bóp nghẹt ước mơ của những người dân lương thiện, tước đoạt quyền sống của những con người chỉ có một ước mơ đó là được sống thật bình thường. Đó cũng chính là bộ mặt đáng buồn của những người nông dân ở các làng quê Việt Nam trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước Cách mạng tháng Tám.
Tôi vẫn luôn tin rằng, tình yêu thương tỏa ra thứ ánh sáng thật diệu kỳ. Nam Cao rất thấu hiểu nhân vật của mình, thế rồi chẳng hiểu cố tình hay ngụ ý, để cho những rung cảm của tình yêu thương chạm nhẹ vào trái tim của con thú dữ, làm nó hiền lại, đánh thức dậy sự lương thiện vốn có trong bản chất con người. Sự xuất hiện của Thị Nở trong cuộc đời của Chí có ý nghĩa thật đặc biệt. Sau đêm tự tình ở vườn chuối, một người phụ nữ xấu đến độ “ma chê quỷ hờn” lại trở thành nguồn sáng ấm áp chiếu rọi vào trái tim của Chí Phèo, thắp lên ngọn lửa, khao khát được hoàn lương, được trở về với thế giới loài người của Chí. Thị mang tới cho Chí một bát cháo hành – lần đầu tiên trong cuộc đời có một người tình nguyện mang một thứ gì đó cho Chí, không giống như những thứ Chí phải chà đạp lên máu và nước mắt mới có thể dành được. Bát cháo hành không chỉ là liều thuốc giải cảm mà còn có ý nghĩa rất lớn lao, cứu rỗi cả một con người, làm cho một con người sau những cơn say triền miên bừng tỉnh và muốn được hoàn lương, trở về một cuộc sống bình thường. Đã lâu lắm rồi, có lẽ là từ khi trở về từ nhà tù thực dân, Chí Phèo mới có những phút giây tỉnh táo như thế! Chí nhìn thấy ánh nắng đã lên cao, nghe thấy tiếng lao xao của những người đi chợ, nghe thấy tiếng gõ cá của người kéo chài, nghe thấy tiếng hót của những chú chim trên bụi cây ngoài kia,... những thanh âm gần gũi của cuộc sống mà đã lâu lắm rồi Chí chẳng thể nghe thấy. Hôm nay Chí tỉnh, nhờ bát cháo hành nóng hổi của Thị Nở, Chí còn tỉnh táo hơn. Chợt nhận ra mình đã đang đứng ở phía dốc bên kia của cuộc đời, thế nhưng với Chí, tuổi già không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là sự cô độc. Chí nhớ về ước mơ của mình trước đây: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng để lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Một ước mơ thật bình dị, ước mơ được sống một cuộc sống bình thường đã tuột khỏi tay của anh canh điền khỏe mạnh ngày nào. Để bây giờ khi nhìn lại chính mình, Chí sợ, sợ cô độc, nghĩ về cuộc sống của mình bây giờ, có lẽ hắn sẽ khóc mất nếu như Thị Nở không qua đúng lúc. Chí Phèo bưng bát cháo hành, thấy mắt mình ươn ướt, bát cháo của tình yêu, của tình người, bát cháo giúp cho Chí khỏe hơn, cũng là liều tiên dược đánh thức sự lương thiện trong hắn. Nhìn Thị, hắn như muốn khóc, hắn cảm động và ngay trong chốc lát: “Hắn cảm thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với Thị như làm nũng với mẹ...”. Đó là giây phút mà hắn người nhất sau biết bao nhiêu năm triền miên trong những cơn say.
ĐỌC THÊM Bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" - Nguyễn Tuân
Thế nhưng, khi bản thân con người ta đang muốn bắt đầu lại từ đầu, cũng là lúc những giông bão cuộc đời ập đến. Cuộc gặp gỡ cách đây năm ngày, tưởng chừng là một kết thúc hạnh phúc cho cuộc đời anh Chí nhưng cuối cùng, lại là bước khởi đầu cho bi kịch đớn đau muôn phần – bi kịch cự tuyệt tình yêu, cự tuyệt quyền làm người. Chí bị người phụ nữ xấu đến ma chê quỷ hờn cự tuyệt. Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt của Chí Phèo, dập tắt biết bao nhiêu mong mỏi, biết bao nhiêu khao khát và hy vọng của một con người đang muốn quay đầu : “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo”, những định kiến về xuất thân của Chí giống như một lối mòn, chẳng thể nào bị xóa bỏ. Cánh cửa quay trở về với cuộc sống lương thiện vừa hé mở, ngay lập tức bị đóng sầm lại chỉ vì những định kiến, những suy nghĩ cổ hủ xuất phát từ một bà cô già. Thị Nở khước từ Chí, để lại con thú dữ đang muốn quay đầu với một đống ngổn ngang những suy nghĩ. Chí tìm đến rượu, để giải tỏa sự thất vọng và sầu muộn trong lòng của mình. Chí muốn say, muốn thật say để thoát khỏi sự đau đớn và tuyệt vọng này nhưng không hiểu tại sao, Chí càng uống, càng tỉnh, Chí nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, Chí thấy đau đớn xiết bao khi nghe “thoang thoảng mùi cháo hành” rồi Chí cứ ngồi ôm mặt khóc rưng rức. Phẫn uất vô cùng, Chí quyết định xách dao đến nhà Thị nở để chém chết con “khọm già”, con “đĩ Nở” thế nhưng, lối mòn của tội ác lại đưa bước chân của Chí đến một nơi quen thuộc – nhà Bá Kiến. Hơn ai hết, Chí Phèo nhận ra được hoàn cảnh bi kịch của mình lúc này, Chí hiểu được sâu sắc ai đã đưa cuộc đời của mình đến việc đội lốt quỷ để sống, Chí Phèo hiểu kẻ đã làm cho hắn đến nông nỗi này chính là Bá Kiến. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, dõng dạc đòi lại quyền làm người “Tao muốn làm người lương thiện”, “Ai cho tao lương thiện?” Đó là những câu hỏi bỏ ngỏ, cũng là những tiếng kêu cứu đầy thống thiết của một con người mong muốn được quay trở về, được hòa nhập, được thực hiện những ước mơ bình dị của mình nhưng lại bị cả xã hội ruồng bỏ. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương, vô nhân đạo, đẩy con người vào bước đường cùng. Chí Phèo giết Bá Kiến, sau đó cũng tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép với xã hội thực dân vô nhân tính, là tiếng kêu cứu đầu khẩn thiết: “Hãy cứu lấy con người!” Chí Phèo chết, trên ngưỡng cửa quay trở về với sự lương thiện, đó là cách để Nam Cao ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp đáng quý của những người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ, luôn khát khao thay đổi để trở thành một con người tốt hơn, sống một cuộc sống tốt đẹp”.
Đêm đông dài quá! Quẩn quanh bên đời anh Chí chỉ thấy một vòng quanh quẩn, bế tắc. Chí Phèo sinh ra trong đói nghèo, tủi nhục, cô độc, tồn tại trong sự ghẻ lạnh, ghê sợ của người đời rồi khi chết đi cũng trong đói nghèo, tủi nhục và cô độc. Đời anh Chí tôi chỉ thấy thương - thương cho kiếp người phải hóa quỷ để sống!
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan