Đăng Ký Học
Ngày 25/11/2021 10:08:05, lượt xem: 4177
Khuynh hướng lãng mạn là một khuynh hướng sáng tác nổi bật của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám - 1945. Song, nói đến lãng mạn trong văn xuôi phải nhắc đến Nguyễn Tuân - nhà văn của sự tài hoa và luôn khát khao cái đẹp. Bút pháp nghệ thuật lãng mạn đã chắp cánh nâng bổng những trang văn ông bay cao bay xa trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Với “ Chữ người tử tù”- một sáng tác nổi tiếng của Nguyễn Tuân, bút pháp nghệ thuật lãng mạn thể hiện rõ ở thủ pháp cường điệu hoá và thủ pháp đối lập đặc sắc.
Bài làm mẫu về bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" - Nguyễn Tuân
Khuynh hướng lãng mạn là một khuynh hướng sáng tác nổi bật của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám - 1945. Song, nói đến lãng mạn trong văn xuôi phải nhắc đến Nguyễn Tuân - nhà văn của sự tài hoa và luôn khát khao cái đẹp. Bút pháp nghệ thuật lãng mạn đã chắp cánh nâng bổng những trang văn ông bay cao bay xa trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Với “ Chữ người tử tù”- một sáng tác nổi tiếng của Nguyễn Tuân, bút pháp nghệ thuật lãng mạn thể hiện rõ ở thủ pháp cường điệu hoá và thủ pháp đối lập đặc sắc.
Bay bổng trong thế giới của những con người tài hoa nghệ sĩ là niềm đam mê của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Thú uống trà, thả thơ, chơi hoa... một cách nghệ thuật của người xưa hấp dẫn Nguyễn Tuân như thứ men say càng uống càng nồng. Chơi chữ - thú chơi nghệ thuật đầy thanh cao dĩ nhiên cũng là đối tượng để Nguyễn Tuân chiêm ngưỡng ngợi ca. “Chữ” ở đây là chữ Nho - chữ thánh hiền. “Chữ” ở đây là những khối vuông được viết bằng bút lông nên có nét thanh nét đậm chẳng những có tính tạo hình mà còn thể hiện được cái tâm, cái tài của người viết. Theo ý nghĩa ấy, chơi chữ là thứ nghệ thuật cao cấp chỉ dành chỉ dành cho những người có học, biết thưởng thức cái đẹp của chữ và cái cao siêu của nghĩa. Chọn đề tài ấy với cảm hứng ngợi ca, Nguyễn Tuân đã cường điệu hoá nét tài hoa của nhân vật chính khiến mọi sự xung quanh con người ấy đều trở thành tuyệt mĩ, hoàn hảo: Huấn Cao không chỉ là chuẩn mực có cái Tài mà còn điển hình cho người nho sĩ xưa về cái Đức, cái Tâm, cái nhân cách trong sáng vô biên cải hoá cả bụi trần.
Mở đầu tác phẩm người đọc chưa biết Huấn Cao là ai mà đã nghe danh vang dội bốn phương. Con người được “vùng tỉnh Sơn... vẫn khen”, con người mà “ người ta đồn” “văn võ đều có tài cả”. Con người ấy tài năng đi vào dân gian như một huyền thoại kì diệu. Ông nổi tiếng “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm và vuông lắm” và “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời!”. Chữ Thánh hiền có thể kẻ sĩ nào cũng biết, những viết được chữ Thánh hiền vừa đẹp vừa vuông thì hỏi thử nhân gian mấy người? ấy vậy mà chữ ông Huấn còn được ngợi ca như “một báu vật trên đời”. Điều đó đủ thấy con người ông tài hoa xuất chúng đến nhường nào. Chẳng những thế, ông “còn có tài bẻ khoá và vượt ngục nữa”. Thực ra, đó chỉ là một cách nói thể hiện sức khỏe phi thường và võ công thâm hậu của người tử tù đặc biệt ấy. Chi tiết này càng khiến Huấn Cao trở thành hình mẫu lí tưởng của đấng trượng phu trong xã hội xưa, con người văn võ song toàn được người dân tin yêu kính nể. Nguyễn Tuân đã hé lộ cho người đọc biết tất cả những điều đó về Huấn Cao qua lời kể độc thoại nội tâm của những kẻ quanh năm chỉ biết có tù ngục đọa đầy - viên quản ngục, viên thơ lại - để hơn một lần nhấn mạnh, ghi khắc cái tài hoa tuyệt vời của con người Huấn Cao.
ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA NHÂN VẬT HUẤN CAO
Đã trọn tài, lại vẹn đức, Huấn Cao còn là hình mẫu lí tưởng cho một nhân cách trong sạch và khí phách anh hùng. Bị bắt giam trong ngục, Huấn Cao không hề sợ cường quyền áp bức. “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Câu nói khẳng khái ấy khiến ta nghĩ đến ý thơ thanh cao của Cao Bá Quát “Nhất sinh đệ thủ bái hoa mai”, hay cái nhếch mép “Coi khinh nghìn lực sĩ”, của một nhà thơ Trung Quốc, hay cái ý niệm sâu xa của... “Người đàn ông chỉ có thể quỳ trong hai trường hợp: Để uống nước nguồn và để hái hoa”...dù là ai, họ đều gặp nhau ở vẻ đẹp sáng người của lòng tự trọng, của chữ tâm vuông vức và “thơm mùi mực” mới.
Gặp thời rối ren loạn lạc, chữ Tâm của Huấn Cao đã thống nhất với cái lực cái tài của một con người văn võ song toàn để tạo nên khí phách anh hùng trong thời đại. Con người ấy chẳng phải đã khao khát tự do và dám phá tan tù ngục để tìm tự do đó sao? Cái tài “bẻ khoá” “vượt ngục” thể hiện sâu sắc khao khát tự do, đến nỗi chẳng nhà tù nào kìm giữ nổi. ông đòi tự do cho bản thân mình, còn đòi tự do cho dân làng, cho đồng bào mình nữa. Việc chính quyền phong kiến luôn rình rập, giam giữ kỹ càng Huấn Cao chỉ chứng minh một điều rất lớn: Huấn Cao luôn xả thân vì nghĩa lớn, yêu thương nhân dân, bất bình với chính quyền thối nát suy đồi mà dọc ngang khởi nghĩa không mảy may lo sợ hay hối tiếc.
Bước vào nhà ngục, ông vẫn ngẩng cao đầu ung dung tự chủ, bản lĩnh hiên ngang. Không, đó không phải là con người “điếc không sợ súng”, ông biết và “đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục” nhưng chính người quản ngục đã ý thức “những người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta còn chẳng biết đến ai nữa”. Huấn Cao thực sự là một con người hiên ngang khí phách.
Con người “chọc trời khuấy nước ấy” tưởng chỉ biết có đao gươm hay những chuyện quốc gia đại sự. Ai ngờ Huấn Cao cũng tinh tế độ lượng vô cùng, ông là người biết trọng kẻ có thiên lương.
Bắt đầu bước chân vào nhà ngục, Huấn Cao đã cùng các đồng chí “dỗ mạnh gông”. Hành động ấy ngạo mạn và thách thức viên quản ngục nhiều lắm. Vào nhà ngục rồi, ông luôn tỏ ra “khinh bạc đến điều” ông quan ấy... Ta cứ ngỡ lòng Huấn Cao luôn căng ra như thế với kẻ đại diện cho cái chính quyền ông chán ghét. Ngờ đâu! Nó chợt chùng xuống khi Huấn Cao biết rõ quản ngục. Tưởng rằng Huấn Cao lòng được đúc bằng sắt thép nhưng ông đã thấy ân hận vì “thiếu chút nữa đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Những dòng chữ tài hoa cuối cùng của bậc nhân sĩ đã được trân trọng trao cho viên quản ngục với tất cả sự đồng cảm về cái đẹp.
Muôn đời nay ta vẫn nói “Nhân vô thập toàn”, “Ngọc nào ngọc không có vết” nhưng nhân vật Huấn Cao của Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp toàn diện, toàn mỹ, đó là sự thống nhất giữa người nghệ sĩ và người anh hùng. Hình tượng Huấn Cao là ước mơ của tác giả, của xã hội về con người có vẻ đẹp toàn diện tuyệt đối. Sự bay bổng của ước mơ trở thành một đặc điểm quan trọng trong bút pháp nghệ thuật lãng mạn của văn Nguyễn Tuân.
ĐỌC THÊM PHONG CÁCH NGUYỄN TUÂN QUA CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
Với một khởi đầu như thế, xuất phát từ nhân vật chính lí tưởng “Mười phân vẹn mười”, những tưởng tác phẩm hứa hẹn những tài tử giai nhân êm ái dặt dìu đến cuối truyện. Nhưng không phải vậy, xây dựng một nhân vật hoàn mĩ chỉ có trong mơ, Nguyễn Tuân đang chuẩn bị để tạo ra hàng loạt những mâu thuẫn, những đối lập, càng làm tăng thêm chất lãng mạn bay bổng trong ngòi bút vốn không chịu nằm im dưới mặt đất yên bình.
Mâu thuẫn đầu tiên rất dễ nhận thấy nằm trong số phận Huấn Cao. Một con người tài hoa tột đỉnh đáng lẽ ra phải được vinh danh chốn quan trường, hưởng bổng lộc muôn đời, con đàn cháu đông. Nhưng không! Với Huấn Cao ấy là hoa vùi xuống cát, kiếm quăng xuống biển, bút lìa khỏi nghiên. Bị giam chân nơi tù ngục tăm tối đã đành, chỉ ngày mai thôi, đầu rơi lúc nào không biết. Khi ấy, chẳng phải lỡ cả một đời khổ công dùi mài, văn ôn võ luyện hay sao? Không những vậy, con người thương dân, yêu dân xả thân vì đại nghĩa lại phải chết cái chết tức tưởi với tội danh “phản loạn”, “phản thần tặc tử”. Thật oan trái không sao kể xiết!
Bên cạnh Huấn Cao còn hai số phận trái ngang không kém: viên thơ lại và nhất là viên quản ngục. Hai con người ấy sống, làm việc, gắn đời mình ở nơi ngục tù quanh năm chỉ có sự nhẫn tâm, tăm tối của tra khảo, chém giết. Ngờ đâu nhục hình và quyền lực chưa làm vẩn đục, không đồng hóa được tâm hồn họ. Trong chốn sâu thẳm của lương tri, họ vẫn dành chỗ cho sự tài hoa và cho cái đẹp. Viên quản ngục luôn đau đáu ước mơ “được treo... một câu đối”, ấy thực là “một sở thích cao quý” khó có thể có được ở một con người như vậy.
Tù nhân như thế, quản ngục, thơ lại là vậy hỏi làm sao không diễn ra những sự ngược đời trong lao tù trong thời điểm ấy. Kẻ tử tù ngạo nghễ, ung dung “thản nhiên nhận, rượu thịt, coi đó như là một việc vẫn làm... lúc chưa bị giam cầm” thậm chí “khinh bạc đến điều” quan coi ngục. Nhưng viên quan coi ngục thì ngược lại. Ông “kiêng nể” người tử tù sắp nhận án chém, thậm chí tỏ ra lễ phép rất mực, đặc biệt là cái “run run” khi cúi mình nhận chữ của Huấn Cao.
Đặt con người rất mực tài hoa Huấn Cao vào bối cảnh tù ngục, Nguyễn Tuân còn muốn làm nổi bật sự đối lập giữa cái thanh cao của nghệ thuật chơi chữ với cái quay quắt, tối tăm của tù ngục; giữa cái đẹp và cái xấu; giữa sự sáng bừng của lương tâm phẩm giá con người và hoàn cảnh điêu tàn mục ruỗng...
Thực là một cảnh tượng hiếm có xưa nay. Tất cả tài năng, bút mực, sự bay bổng của ngôn ngữ đã được Nguyễn Tuân tập trung vào cảnh cho chữ này. Thông thường, việc viêt chữ, cho chữ, chiêm ngưỡng chữ người ta thường làm ở những nơi trang nghiêm, trang trọng của những người học rộng, tài cao. Chưa từng có chuyện chôn ngục tù nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián’’, nơi “tận đáy cùng xã hội nhơ nhớp tanh hôi” lại là nơi diễn ra việc cho chữ. Ấy vậy mà chuyện đó đã xảy ra vào một đêm khuya thanh vắng trước ngày Huấn Cao về kinh chịu tội. ở đây, người cho chữ là Huấn Cao - người rất mực tài hoa, người nhận chữ là viên quản ngục người mà xã hội chỉ coi là người đi bên lề cuộc sống sinh động cao cả. Tâm thế của người tù - người cho chữ - trong sáng, bay bổng, thanh cao cùng cái đạo chữ thánh hiền, mặc thể xác đang bị giam cầm, đày đọa trái ngược hẳn với người quản ngục - người nhận chữ.- “run run”, khúm núm như đón nhận sự gia ơn của người tử tù. Thật là “cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy”.
Giữa đêm đen đặc quánh, sâu thăm thẳm của trốn nhà lao âm u tĩnh mịch lại bất ngờ rực lên ánh sáng của bó đuốc, mùi thơm của mực tàu, hay đó chính là ánh sáng, hương thơm của khí phách, của cái thần con chữ thánh hiền. “Ba cái đầu chụm lại” trên vuông lụa trắng tinh “còn nguyên lần hồ” đã được ánh sáng của bó đuốc soi tỏ. Cảnh tượng thật quá thiêng liêng và trang trọng. Bóng tối không thể làm tắt đi ngọn đuốc, màn đêm không thể che được màu trắng tinh của lụa và sự hôi tanh của phân gián phân chuột không thể làm cho mùi mực thơm ngạt ngào ngừng ướp hương tẩm vị vào tâm hồn con người.
Chốn ngục tù này mọi trật tự xã hội thông thường bị đảo lộn tất cả. Cảnh cho chữ tập trung mọi sự đối lập, mọi mâu thuẫn của tác phẩm để mỗi chi tiết, mỗi lời nói hành động của nhân vật đều khẳng định sự chiến thắng của cái Đẹp, của cái Thiện. Chốn ngục tù những cảnh tù ngục chỉ được diễn tả rất ít, chỉ một đoạn ngắn ngủi còn lại phần lớn dành cho bó đuốc, lượt lụa, hương mực và sự thành kính thiêng liêng của con người đối với cái chữ, cái đạo, cái chí, cái tâm ... Không gian im ắng chỉ còn nghe thời gian đang đếm nhịp trên bó đuốc bừng bừng.
Nếu có âm thanh vang lên thì đó là tiếng nói của Huấn Cao, tiếng nói của cái đẹp, tiếng nói khuyên con người về với cái Thiện “ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy... về quê không ở đây nhem nhuốc” cả tâm hồn nhân phẩm. Và người quản ngục chỉ có thể nghẹn ngào một tiếng “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Vậy là cái Đẹp đã cảm hoá cái xấu, cái ác và nói như Đôxtôiepxki “Cái Đẹp đã cứu vớt nhân thế”. Lời khuyên chân tình của Huấn Cao “ở đây không phải chôn treo tấm lụa” Còn khẳng định một điều: Cái Đẹp không thể sống chung, sống cùng, sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu.
Sau câu nói của Huấn Cao, không gian tĩnh lặng. Tĩnh lặng để cho cái đẹp bồi hồi ngân vang... Và khi ấy, Huấn Cao, người quản ngục, người thơ lại từ thế đối lập đã hoà vào nhau chỉ còn niềm tôn kính vô bờ trang trọng với cái Đẹp, cái Thiện của cuộc đời này.
Cùng với thủ pháp cường điệu và thủ pháp đối lập, biện pháp so sánh giàu hình ảnh bay bổng sức liên tưởng phong phú cũng góp phần thể hiện chất lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Tuân “Vì sao chính vị tụt xuống chân trời vô định”.
Bút pháp nghệ thuật lãng mạn đặc sắc đã khắc hoạ thành công chân dung hình tượng nhân vật. Qua đó, tác phẩm cất lời ngợi ca cái tài hoa toàn vẹn, cái đức anh hùng khí phách của thời đại. Bút pháp lãng mạn cũng làm nổi bật cái Đẹp, cái Thiện, thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân: Cái Đẹp cứu vớt nhân thế, cái Đẹp có thể nảy sinh từ cái ác, cái xấu nhưng không thể sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu.
Văn chương Việt Nam hiếm có ai tài hoa như Nguyễn Tuân trong việc tuyệt tả cái tài hoa và sử dụng thủ pháp đối lập tài tình đến thế. Bút pháp nghệ thuật lãng mạn trở thành “thứ của để dành” của riêng nhà văn mà cho đến nay cha ai vượt qua được. “Chữ người tử tù” cũng nhờ xương cốt đúc bằng nghệ thuật độc đáo ấy mà bay cao bay xa mang những giá trị nội dung, nghệ thuật tiến bộ, mới mẻ, đặc sắc đến muôn đời.
Nguồn: ST
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan