Nguyễn Tuân và chủ thể thẩm mỹ

Ngày 21/11/2021 09:48:14, lượt xem: 2775

Nói một cách tóm tắt theo lý luận văn học, thì chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội, có khả năng hưởng thụ, sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ. Chủ thể thẩm mỹ là các nghệ sĩ, các nhà văn và cả những ai có tiềm ẩn những năng lực thẩm mỹ như cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ và có hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật. Và như vậy, là hết sức đa dạng, phong phú.
 


Nguyễn Tuân là một chủ thể thẩm mỹ đặc biệt. Bởi vì, nhà văn lớn có thể ví là “chủ thể của chủ thể”, có vai trò và vị thế của chủ thể thưởng thức và sáng tạo, đánh giá và định hướng thẩm mỹ. Trong chừng mực nhất định, ông còn bao quát cả biểu hiện thẩm mỹ và tổng hợp nhiều năng lực thẩm mỹ. Ấy là vì, trên tất cả, nhà văn có cốt cách và năng lực của một nghệ sĩ tài hoa, một nhà văn hoá đầy bản lĩnh.

Nguyễn Tuân quả là một nhà nghệ thuật đa tài trên phương diện văn chương, ngôn ngữ và cả biểu diễn. Riêng về văn thì đã hội đủ chất văn thơ, nhạc hoạ và cả kịch, phim – rất hiện đại nữa.

Nguyễn Đình Thi đã tôn vinh Nguyễn Tuân là “một bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ”. Còn Tố Hữu thì nói đại ý, coi nhà văn là người “thợ kim hoàn” về chữ nghĩa.

Am hiểu nghệ thuật và dấn thân cả trong nghệ thuật âm thanh, ánh sáng và diễn xuất, Nguyễn Tuân được mệnh danh là con người tài hoa: Tuân tài tử màn ảnh và sân khấu (Thiên Trường), “Nhà văn – diễn viên Nguyễn Tuân” (Trương Quân), Nguyễn Tuân - diễn viên sân khấu (Đình Quang), Hát ả đào đêm xuân (Hoàng Cầm),... [5]. Dù là nghệ sĩ trên trang viết, hay tài tử trên sàn diễn, cả hai đều nhất quán trong một ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng.

Nguyễn Tuân là người có ý thức thẩm mỹ đầy đủ và sâu sắc bậc nhất,. Đó là ý thức như một hệ thống hoàn chỉnh các thành tố cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, và nhất là quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ.

Nhà văn có đầy đủ các trạng thái rung động một cách trực tiếp và cảm tính trước các hiện tượng thiên nhiên, đời sống và nghệ thuật – tức có được một cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ. Qua đó, nhà văn đã khám phá ra vẻ đẹp của thế giới và con người và cái đẹp khách thể và của chính mình.

Từ Vang bóng một thời, ta như thấy được sự khám phá vẻ đẹp xưa – đến các tác phẩm ký, tuỳ bút trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chính là sự phát hiện vẻ đẹp chân chính và tiến bộ ngày nay (Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, tập I – II; Sông Đà; Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; Cảnh sắc và hương vị đất nước;...), Nguyễn Tuân đã thể hiện một biệt tài về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp muôn hình, vạn trạng để dâng hiến cho đời. Đối tượng thẩm mỹ kích thích cảm xúc thẩm mỹ của chủ thể, nhưng lại có sự nhập cảm của ý thức chủ thể vào đối tượng.

 

ĐỌC THÊM NGUYỄN TUÂN - NGƯỜI LỮ HÀNH KHÔNG MỆT MỎI CỦA TIẾNG VIỆT, HỒN VIỆT


Con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại, người lái đò vật lộn thác lũ đã trở thành dũng sĩ – nghệ sĩ nhờ ngòi bút tài hoa của nhà văn (Sông Đà). Đừng vui, Bài ca trên mặt phần đường hay chính đó là khúc hát tâm hồn của tác giả ? Cánh B.52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội phải chăng, là luận đề minh triết về sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, là hình ảnh tượng trưng kỳ thú về đối chứng “huỷ diệt” và “tái sinh”, về sự sống trên cái chết của nhà mỹ học uyên thâm. Nhà văn tham gia đóng phim Chị Dậu của Ngô Tất Tố, hứa sẽ đóng một vai người Hà Nội trong phim Luỹ Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng qua những cảnh tượng của núi sông, miền biên giới hay giới tuyến, nhà văn cũng đã tạo ra những cận cảnh, những đoạn dựng – montage – như điện ảnh.

Nhiều tác phẩm có những tiềm năng lớn cho chuyển thể thành những đoạn phim. Từ “cái biển hoa ấy đong đưa vì hương lộng... lũng hoa kỳ diệu” để nói lên tâm hồn Á Đông qua câu thơ của Nguyễn Du: “Hương gây mùi nhớ” (Hương hồng Bungari). Rồi, giữa trời Âu lại làm dậy lên cái hương thơm ngào ngạt của đặc sản dân tộc – Phở. Đây cũng là cái biệt tài độc đáo của nhà văn – nghệ sĩ từng một đời say mê với thanh sắc và hương vị, mà tâm hồn tràn đầy năng lực mỹ cảm.

Nguyễn Tuân từ khi “tập làm bài” (Lời của Nguyễn trong Lột xác), đến lúc “làm bài” đã dần xác định một quan niệm thẩm mỹ chính xác và tiến bộ.

Trên các bình diện, thì quan niệm thẩm mỹ thiên về tư tưởng, trong khi cảm xúc thẩm mỹ thiên về tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ lại thiên về sở thích.

Tuy nhiên, theo Hégel trong công trình Mỹ học (1835), coi hoạt động thẩm mỹ là một trong những hoạt động cao nhất của trí tuệ, thì sự thật và điều thiện được liên kết chặt chẽ trong cái đẹp...

Như vậy, Chân – Thiện – Mỹ có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau.

Mỹ học của Hégel mới được quan niệm trong phạm vi nghệ thuật, được quan niệm là triết học cũa nghệ thuật. Giờ đây, mỹ học hiện đại được quan niệm ở phạm vi phổ quát – cả về nghệ thuật và tự nhiên. Quan niệm thẩm mỹ có quan hệ với quan niệm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật được coi là hạt nhân của quan hệ thẩm mỹ – vừa là kết quả, vừa có tác động đến sự chuyển biến đối với quan niệm thẩm mỹ, và còn ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học.

Nguyễn Tuân đã trải qua cuộc tranh luận nghệ thuật khởi phát từ năm 1935, và sau này ông nhận ra sai lầm một cách chân thành là đã theo phái vị nghệ thuật : “ Mình phải nhận cái tội của mình như thế” [5, tr 161].

Nêu luận đề “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp”, hoặc “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp và cái thật” là để nhấn mạnh mỹ cảm mãnh liệt như đam mê một đời của ông. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn, ta có thể thấy rằng, khi cầm bút, tuy còn có phần chưa thật đầy đủ và sâu sắc, nhưng nhà văn đã thể hiện được trách nhiệm nhất là lương tâm của người viết.

Chữ người tử tù (Tạp chí Tao đàn số 1, 1/3/1939) có lúc đã được coi là một ví dụ điển hình của cảm xúc duy mỹ, tập trung miêu tả cái đẹp của hoa tay – tức cái đẹp thiên về hình thức. Khi đọc kỹ, ta sẽ thấy điều gần như ngược lại. Ở đây, nhà văn ca ngợi cái đẹp của lòng người. Nổi bật trên tất cả là hai chữ thiên lương. Ý tưởng viết rất rõ.

Qua con mắt “biệt nhỡn” của viên quản ngục, Huấn Cao hiện rõ là thuộc hạng người khí phách: “chọc trời khuấy nước”, những dòng chữ đẹp “nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Hầu như tất cả đất trời tôn “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân giời không định”. Và mọi âm thanh phức tạp của cuộc đời như “bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị, muốn từ biệt vũ trụ”.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÁI ĐÒ TRONG CẢNH VƯỢT THÁC


Quả là những lời ca ngợi tuyệt vời về sự ra đi của một con người chính nhân quân tử, một chính khách hiệp sĩ. Chúng ta đều biết – Huấn Cao, đây cũng chính là bóng dáng tượng hình của Cao Bá Quát – một bậc Thánh Văn, và người hùng tham gia vào khởi nghĩa nông dân, chống lại triều đình đương thời với chính sách hà khắc, gây bất công xã hội làm con người đau khổ.

Lời khuyên nhủ như bừng sáng, soi rọi con đường giải thoát cho những tâm hồn còn u mê: “Ở đây lẫn lộn... Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Bữa rượu máu là tác phẩm trong tạp chí Tao đàn số 4 – 1939 (in trong Vang bóng một thời ,1940, sau đổi tên là Chém treo ngành). Đây là một ví dụ khác, tả về cuộc hành quyết những tử tù “của dư đảng giặc Bãi Sậy”. Khởi nghĩa Bãi Sậy, thực chất là khởi nghĩa thuộc phong trào Cần Vương – phong trào chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Kết thúc trang văn, còn có một chi tiết nói lên tất cả dụng ý sâu xa – như “một tấc lòng” của nhà văn: “Lúc quan Công Sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu lâu còn đính vào da cổ người chết quỳ sân pháp trường sắp giải tán, bỗng nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh... Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi, và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan Công sứ bị cơn lốc dữ dội lật, rơi xuống bãi cỏ, lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan Thủ hiến và thì thào...”.

Sở kiểm duyệt lúc ấy ngu dốt, vẫn để đoạn văn này. Mà rất lâu sau, giới phê bình cũng chưa phát hiện ra thâm ý đó: “Chữ đó! có mắt mà không biết đọc” – đó là phản ứng của Nguyễn Tuân khi nói chuyện với sinh viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm vào những năm 60 của thế kỷ XX.

Trong “trận gió lốc xoáy” ở pháp trường ấy, có quấn quyện cơn giận dữ của đất trời và cái phẫn nộ của lòng người, kể cả của nhà văn. Chính Nguyễn Tuân chứ không phải ai khác, bằng trí tưởng tượng của mình, đã tạo ra trận gió oan khốc, kỳ dị ấy để nói lên nỗi đau xót và thương cảm đối với nghĩa quân yêu nước bị hành hình, và tỏ rõ sự căm giận, oán hờn sẽ hành quyết những kẻ thủ ác – đại diện bọn xâm lược và tay sai – “hai quan Thủ hiến” thời ấy.

Quả nhiên, chỉ mấy năm sau thôi, trận gió thần kỳ của cách mạng đã “làm giông làm tố”, cuốn phăng đi tất cả những phận đời nô lệ oan khổ cho lồng lộng một đất trời giải phóng.

Đã từ lâu, Nguyễn Tuân là con người có lòng yêu nước âm thầm.

Năm 1939, khi còn là học sinh, ông đã tham gia bãi khoá, phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam. Trốn ra nước ngoài để thoát cảnh tù túng, ngột ngạt, lại bị bắt giam và chịu quản thúc ở Thanh Hoá. Tác giả Vang bóng một thời đã bị liệt vào loại “thành tích bất hảo”, bị đưa đi trại tập trung ở Vụ Bản, Nho Quan, Ninh Bình, và tiếp tục bị quản thúc.

Một con người vốn đã sẵn máu phản kháng, “nổi loạn” ấy, làm sao có thể viết văn xa rời những vấn đề chính trị – xã hội và đạo đức có tính chất chuẩn mực, lý tưởng?

Lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân có chiều sâu của ý thức xã hội. Ông đi tìm đồng thời cả cái đẹp và cái thật trong cái tốt. Nói cách khác, đó là lý tưởng thẩm mỹ kết hợp được với lý tưởng xã hội và lý tưởng đạo đức.

Nguồn: Sưu tầm

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan