Đăng Ký Học
Ngày 17/11/2021 10:42:50, lượt xem: 8118
Đề bài: Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
𝐁𝐚̀𝐢 𝐥𝐚̀𝐦
Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau thương. Tiếng thét đó chừng như kéo dài vô tận, phản ánh nỗi đau thân phận người, nỗi đau thân phận nàng Kiều – người con gái tài hoa nhưng bất hạnh. Ngòi bút điêu luyện của cụ Tiên Điền đã khéo léo mượn cảnh tả tình tinh tế và ý nhị. Và trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cảnh và tình, tình và thơ, tất cả gắn chặt với nhau trong ngẩn ngơ nỗi niềm. Bi kịch nội tâm của Thúy Kiều trong những ngày đầu trên con đường lưu lạc đã được ngòi bút thiên tài của nhà thơ miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
………
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Truyện Kiều, từ mấy trăm năm qua trở thành một phần giá trị tinh thần không thể thiếu được của dân tộc ta. Ở bất kì góc độ nào, đây luôn là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa Truyện Kiều đã viết: “Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, day dứt đến đứt ruột”. Quả thật là như vậy, để diễn tả tâm trạng cô đơn buồn tủi, tuyệt vọng của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc “tình trong cảnh ấy cảnh trong tình này” là thực cảnh cũng là tâm cảnh. Ở tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, nhà thơ đã dựng lên một bức tranh tâm trạng đầy xúc động của Thúy Kiều qua nhiều cung bậc khác nhau. Một mình giữa không gian mênh mông, Kiều thấy bơ vơ quá! Cảnh vật rợn ngợp bị xé lẻ, chia cắt đẩy nỗi cô đơn của Kiều lên đến đỉnh điểm. Cảnh vật đó được nhìn qua tâm trạng đau đớn, ê chề của nàng. Trong hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp đó, nỗi nhớ nhà lại cồn cào mạnh mẽ.
Ở lầu Ngưng Bích nàng nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến đêm uống rượu hẹn thề mà đắng cay. Thấy thương Kim Trọng rày trông mai chờ mòn mỏi. Rồi nàng thương cha mẹ ngày đêm ngóng chờ, thân tuổi già hiu quạnh, không người kề cận mà xót xa trong lòng. Càng suy nghĩ, nàng càng đau đớn và tuyệt vọng. Nhìn ra bốn bề mong tìm lấy một sự trợ giúp nào đó. Thế nhưng, càng mong đợi, lại càng thấy xa vời, mờ mịt hơn.
Lúc này, ngoài cửa bể mặt trời đã lặn, ánh nắng yếu ớt phai dần, bóng tối đã bắt đầu bảng lảng. Cảnh vật trở nên mờ nhạt hơn, khó nhìn hơn. Bóng tối đến còn gây thêm ảnh hưởng vào bóng tối u sầu trong tâm hồn Kiều.
ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA THÚY KIỀU TRONG "TRUYỆN KIỀU" (NGUYỄN DU)
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.”
Nhìn ra bể khơi, Kiều thấy xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Con thuyền hiện ra đó chính là hình ảnh tượng trưng cho tự do mà từ bấy lâu nay nàng hằng ao ước, khát khao. Tuy nhiên, hi vọng tự do nào vừa dấy lên trong lòng Kiều rồi cũng lại tắt ngấm; khác nào cánh buồm kia vừa thoáng hiện ra đó lại đã biến đi (thấp thoáng). Kiều cay đắng nhận ra rằng tự do còn quá xa tầm tay với của nàng (xa xa). Nếu như người ta thường trông thấy cả một đoàn thuyền tấp nập, nhộn nhịp nối đuôi nhau thì ở đây, Kiều chỉ trông thấy một chiếc thuyền đang lẻ loi giữa cửa biển xa xăm. Chiếc thuyền ấy thật mơ hồ, lẻ loi, “thuyền ai”, Kiều tự hỏi, nó đang trôi về đâu? Phải chăng nó cũng đang trôi dần về vô định, trôi trong sự cô đơn lạc lõng giống như Kiều? Và chiếc thuyền ấy cũng đang dần mất hút về phía chân trời bởi Kiều chỉ còn nhìn thấy chiếc buồm “thấp thoáng” ngoài xa. “Thấp thoáng” – một từ mà khiến người ta cảm thấy nó mờ nhạt quá, cứ chợt ẩn, chợt hiện, mơ hồ, như một ảo ảnh của con người. Tâm trạng đã thật trĩu nặng, cảnh vật lại càng khiến cho lòng nàng thấm thía, buồn tủi hơn vài phần.Biết bao giờ, ôi biết đến bao giờ Kiều mới thoát khỏi cảnh sống bị giam hãm nơi này?
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Nhìn thấy ngọn nước sông từ trên cao đổ xuống bể, trong ảo giác của Kiều hiện ra một bông hoa đang bị một dòng nước cuốn đi, rồi trên mặt nước mênh mông kia “hoa trôi man mác” là hoa cứ âm thầm theo dòng nước cuốn đi, đi mãi... nào ai biết hoa sẽ dạt về đâu? Cánh hoa ấy phải chăng cũng như số phận nàng giờ đây, rơi vào chốn tủi nhục, vào dòng nước xoáy, không thể thoát ra nổi, cũng chẳng “biết là về đâu”. Cánh hoa ấy quá yếu đuối, sa vào dòng nước này, nó chẳng thể thoát ra nổi, lang thang vô định, bị vùi cho tan nát giữa dòng đời. Từ láy “man mác” được Nguyễn Du khéo léo dẫn vào câu thơ, đọc lên ta thấy một nỗi buồn thật khó tả. Cánh hoa ấy cứ dập dềnh, “man mác” gợi lên một nỗi buồn thật mơ hồ, nỗi buồn cho cánh hoa rơi giữa dòng nước dữ hay nỗi buồn cho chính số phận lênh đênh của mình giữa dòng đời dài rộng? Nàng lo sợ chẳng biết rồi đây định mệnh khắc nghiệt sẽ đưa đẩy nàng trôi nổi đến những bến bờ nào của cuộc đời?
Tâm trạng Kiều băn khoăn, lo âu cho số phận tương lai như thế không phải là không có lí do. Dù Kiều đã được mụ Tú thề thốt hẳn hoi là sẽ không bắt nàng làm gái làng chơi, sẽ cho nàng ở mãi nơi Lầu Ngưng Bích chờ đến khi nào tìm được người tử tế sẽ gả cho. Nhưng Kiều bị giam lỏng trên ngôi lầu hẻo lánh, sống cách biệt với thế giới bên ngoài, hỏi ai biết mà tới? Lại nữa, xem cách ăn ở, nghe lối nói năng trở mặt như bàn tay của mụ bấy nay, Kiều đã đoán ra con người hiểm độc đó rồi. Đúng là miệng hùm nọc rắn đâu đây đang rình rập để chụp bắt nàng. Kiều lo lắng nhìn gần rồi lại nhìn xa mong tìm một lối thoát.
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…”
Cái nhìn mang một nỗi sầu muộn nên vẫn chỉ là “buồn” mà “trông”. Lại là một khung cảnh quạnh quẽ, thê lương! Chung quanh lầu, Kiều chỉ nhìn thấy một màu xanh cùng khắp. Nếu không là màu xanh vàng vọt của cánh đồng cỏ héo úa (rầu-rầu), cũng là màu xanh nhàn nhạt (xanh xanh) trải ra vô tận, xóa nhòa biên giới chân trời (chân mây), mặt đất. Màu xanh lúc này đối với Kiều trở thành một màu xanh ám ảnh, một màu xanh vây hãm. Cái màu xanh ấy nó nhợt nhạt, xa xôi quá khiến cho người ngắm nhìn cảm thấy cô đơn, sầu thảm. Nguyễn Du đã đặt vào bức tranh thứ ba này hai từ láy chỉ màu sắc liên tiếp ở hai câu thơ. Phải chăng ông đang muốn nhấn mạnh màu sắc u ám của bức tranh thứ ba mà Kiều đang ngắm nhìn? Nàng không có lối thoát rồi!
ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA THÚY KIỀU TRONG ĐOẠN TRÍCH "CHỊ EM THÚY KIỀU"
Nếu ba bức tranh đầu kia, cái buồn chỉ là chút vương vấn, tăng dần theo khung cảnh, chưa thực sự hẳn là buồn thì ở bức tranh này, cái nỗi buồn ấy mới thực là thấm thía tim gan:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Đang sống trong tâm trạng chán nản tuyệt vọng như thế, đôi mắt Kiều chợt gặp cảnh “gió cuốn mặt duềnh”, tức là cảnh một cơn gió lớn thổi mạnh, nước ở vụng bể (chỗ bể ăn sâu vào đất liền) bị đổ xuống, xô mạnh vào bờ, tạo ra những luồng sóng lớn, vỗ kêu ầm ầm và vang vọng rất xa. Nhìn gió cuốn mặt duềnh và nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm bên tai, Kiều bừng tỉnh cơn mê muội đã lôi cuốn nàng chìm đắm mãi trong nỗi u sầu tuyệt vọng bấy nay.
Tiếng sóng dữ dội ấy dường như đang vây quanh Kiều. Nàng thấy mình chẳng còn ngồi trong lầu Ngưng Bích “khóa xuân” ấy nữa mà ngồi giữa mặt biển, nghe tiếng sóng vỗ đang gào thét quanh mình. Trong lòng nàng chợt dâng lên một nỗi lo lắng, cảm khái, sợ hãi trước tương lai. Những con sóng ấy phải chăng là sóng gió của cuộc đời đang bủa vây lấy nàng, tâm hồn nàng, nhìn nàng mà cuồng nộ? Hay phải chăng đó cũng là lời của Nguyễn Du muốn báo trước cho nàng về số mệnh của người con gái tài hoa nhưng truân chuyên ấy?
Bức tranh tứ bình về cảnh vật thực ra là bức tranh tứ bình về tâm trạng, đã thể hiện rất rõ tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến bậc thầy trong miêu tả những khía cạnh tâm lý nhân vật. Từng từ ngữ, hình ảnh vừa rất cổ điển, mang tính ước lệ, mà vừa rất thật trong biểu lộ mạch cảm xúc thơ. Điệp từ “Buồn trông” đứng đầu mỗi câu lục bát tạo nên nhịp điệu vừa buồn bã, vừa ngày một dồn dập trong nhịp sóng. Và cũng từ “buồn trông” đó đã giúp người đọc nhìn rõ bức tranh trước lầu Ngưng Bích qua cái nhìn u sầu, âu lo của Kiều, người con gái đáng thương.
Ghi dấu ấn trên thi đàn Việt Nam với tác phẩm “Truyện Kiều”, đại thi hào Nguyễn Du với cái tâm đẹp đẽ và nhạy cảm trước những thân phận tài hoa bạc mệnh, đã đưa “Truyện Kiều” trở thành những dòng thơ tri âm đầy ám ảnh. Thương Thuý Kiều bao nhiêu, Nguyễn Du căm ghét xã hội bạc ác hại người bấy nhiêu. Ông vừa xuýt xoa thương xót Thuý Kiều, lại vừa oán giận: “Hồng quân với khách hồng quần /Đã xoay đến thế còn vần chưa tha”. Dưới ngòi bút trữ tình tài hoa của Nguyễn Du luôn dõi đôi mắt tình đầy nhân hậu theo từng bước chân luân lạc của đời Kiều, đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được đánh giá là một thành công nhất, xuyên suốt kiệt tác “Đoạn trường tân thanh”. Đoạn trích xứng đáng là một trong những đoạn thơ khẳng định tài năng thi ca cùng tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan