Đăng Ký Học
Ngày 11/11/2019 08:05:50, lượt xem: 2246
Nam Cao với bi kịch Chí Phèo
Truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao từ khi ra đời đến nay hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc vì cách thể hiện bi kịch Chí Phèo.
Chí Phèo, một kẻ tha hóa, nhờ tình yêu của Thị Nở, đã thức tỉnh, đi đòi lương thiện.Tình yêu Thị Nở dành cho Chí Phèo, như ai đó đã nói rất đúng, đã thắp sáng đốm lửa trong tâm linh Chí Phèo. Đốm lửa nhỏ nhoi còn lại trong Chí đã được người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” thổi bùng.
Nam Cao chỉ mô tả tình yêu giữa Chí và Thị Nở vẻn vẹn 5 ngày. Nhưng quảng thời gian ngắn ngủi này với một kẻ cô độc như Chí thật vô cùng ý nghĩa. Nhờ tình yêu của Thị, Chí bùng dậy khát vọng sống làm người lương thiện. Và nhất là sau trận ốm thập tử nhất sinh, Chí đã tỉnh hẳn rượu. Bát cháo hành của Thị Nở xuất hiện vào lúc này như một giọt nước làm tràn cốc nước. Chí thấy mọi người đều gần gủi, yêu thương Chí, tại sao Chí lại đến nông nỗi này?! Từ đáy tâm linh của kẻ suốt đời sống trong cơn say, bỗng vang lên tiếng nói khát khao hạnh phúc, tổ ấm gia đình:“Hắn có thể tìm bạn được,sao lại chỉ gây kẻ thù?” (nên nhớ rằng đây là ý nghĩ của một kẻ trước đây là một nông dân hiền lành, biết trọng danh dự). Ý nghĩ này như một sự bừng tỉnh, một sự giác ngộ. Và hành động của kẻ giác ngộ chắc chắn sẽ tỉnh táo hơn, nhằm đúng đối tượng hơn hành động của kẻ manh động. Hiểu được như thế, ta cắt nghĩa được vì sao Chí Phèo xách dao đến nhà bà cô của Thị Nở, định giết kẻ cản trở hạnh phúc giữa Chí và Thị, nhưng lại tìm đúng đến nhà Bá Kiến. Màn kịch đã đến hồi chót!?
Chí phải trả mối thù không đội trời chung với Bá Kiến, dùng bàn tay đã từng bị Bá Kiến sử dụng gây tội ác để trừng trị Bá Kiến.Trả được thù, nhưng Chí không thể là người lương thiện. Màn kịch tưởng như đã đến hồi chót nhưng Nam Cao không thể kết thúc câu chuyện tại đây!?
Làm sao Chí có thể trở thành người lương thiện được với một quảng đời đầy tộí ác như thế? Tiếng Chí Phèo vang lên: “Không được! ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa?”. Chí không thể làm lại được cuộc đời với một quá khứ đã bị đạp xuống bùn nhơ.
Như vậy, tình yêu và bát cháo hành của Thị Nở chỉ có thể đánh thức khát vọng sống, khát vọng hướng tới tương lai, hạnh phúc ở Chí chứ không thể đủ sức vực Chí từ kẻ côn đồ trở thành người vô tội, lương thiện. Đau đớn thay cho Chí, một sự tỉnh ngộ muộn màng. Chí đã chết khi nhận ra bi kịch của đời mình.
Tác giả Những người khốn khổ, nhà văn Pháp V.Huygo có nói một câu rất nổi tiếng về nhân vật Giăng Vangiăng: “Nếu ông từ nơi đau khổ ấy bước ra với những tư tưởng hằn thù và căm giận đối với người đời, ông là một người đáng thương; nhưng nếu ông từ đó ra với những tư tưởng độ lượng và hiền hòa, thì chúng tôi không ai bằng ông được”[·]. Chí Phèo vào tù và trở thành kẻ tha hoá, ta cứ ngỡ Chí đã trở thành một “con người đáng thương”. Nhưng dưới ngòi bút của Nam Cao, Chí Phèo không phải là người bỏ đi. Con người không phải là gỗ, là đá, dẫu có lỡ đường, lạc bước nhưng lương tâm của nó vẫn mách bảo để nhận ra lẽ phải.
Hành động chống lại sự tha hoá của Chí Phèo dẫu rất bế tắc, không lối thoát, nhưng từ cách kết thúc đầy bi kịch đó, Nam Cao đã thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn người đọc về niềm tin vào phẩm giá con người.
Nam Cao viết Chí Phèo vào năm 1941, năm đó nhà văn tròn hai mươi lăm tuổi. Hai mươi lăm tuổi với cuộc đời từng trải của người làm thuê, thầy giáo trường tư bị mất việc,…Nam Cao đã lịch lãm trong trường đời.
Tài năng của nhà văn, lương tri của người cầm bút, tình thương đối với con người đã giúp Nam Cao thành công trong việc viết về người nông dân tha hoá như Chí Phèo. Chắc chắn, viết xong Chí Phèo, lòng Nam Cao vẫn trĩu nặng. Nỗi băn khoăn về kiếp người, về nỗi thống khổ của con người vẫn đè nặng lương tâm nhà văn. Chẳng lẽ con người chỉ có một lối giải thoát bế tắc đến thế hay sao? Chẳng lẽ con người suốt đời chỉ sống trong môi trường tha hoá và vô nhân đạo như vậy sao? Phải làm sao cho con người bớt gánh nặng của áp lực số phận, của hoàn cảnh, của nô dịch, áp bức, bất công? v.v... Là nhà văn, ông không có giải pháp nào hay hơn và đúng đắn hơn để giúp con người thoát khỏi bi kịch. Nhưng tấm lòng của ông, tình thương của ông đối với con người thì vô cùng lớn lao. Từ trang viết của ông, mỗi người đọc hôm nay đều cảm nhận được điều đó. Một điều như là nguyên tắc bất di bất dịch: niềm tin đối với con người ở ông không bao giờ mất. Có lẽ nhờ đức tin này mà ông đã viết nên hàng loạt tác phẩm bất hủ về người trí thức Việt Nam trong xã hội cũ. Nhãn quan tinh tường và trực giác nhạy bén của người nghệ sĩ đã giúp ông thấu cảm tình cảnh, nỗi đau của đồng loại xung quanh mình: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du).
Bằng tài năng của ngòi bút, Nam Cao đã xây dựng nên hình tượng Chí Phèo chinh phục các thế hệ độc giả từ lúc tác phẩm ra đời đến nay.
[·] Vichto Huygo, Những người khốn khổ, tập 1, in lần thứ 5, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1987, tr.130
-----------------
Cre: #YeuthichVanhoc
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn☘️☘️
#KHOAHOCVAN2020
#SotayVanhoc
Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia 2020 - Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan