CHUYỆN TÌNH NHÀ THƠ

Ngày 05/11/2019 16:46:26, lượt xem: 1298

CHUYỆN TÌNH NHÀ THƠ

Vào những năm bảy mươi của cuộc đời, nhà thơ Tố Hữu lấy bút danh Thương Hoa, đã viết về người bạn đời của mình: "Người ta vẫn nói, phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ tốt. Ở tuổi bảy mươi tư, bà bình dị như bao người phụ nữ. Có khác chăng bà làm bạn với một nhà thơ, một nhà chính trị từ buổi Mặt trời chân lý chói qua tim"… Bài báo ấy chưa kịp đăng.

Cũng giống như bao mối tình khác thời bấy giờ, Tố Hữu và người bạn đời của ông - bà Vũ Thị Thanh quen biết nhau qua những lời giới thiệu của đồng nghiệp. Sự ăn ý và niềm say mê hoạt động cách mạng đã khiến hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm với nhau, và đám cưới được diễn ra vào đầu tháng 8/1947, sau khi Trung ương có lệnh điều ông lên Việt Bắc làm công tác tuyên truyền

Ngay sau đám cưới, đôi vợ chồng trên một chiếc xe đạp, vượt đèo, vượt núi, đến Văn phòng Trung ương Đảng. Trong An toàn khu, hai người công tác ở hai nơi cách nhau mấy chục cây số, nhưng vẫn thường xuyên đi lại giữa đôi bên để thăm nhau. Mãi đến khi hòa bình, Tố Hữu và bà Thanh mới thực sự được về chung một mái nhà. 9 năm sau đám cưới, hai người có đứa con đầu lòng, được Bác Hồ gửi tặng một tấm lụa chúc mừng. Hoạt động cách mạng hăng say, công việc ngày càng bận rộn, nhưng nhà thơ luôn dành thời gian chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình. Ông thường dạy các con mình rằng "Trung thực thật thà, phải có lòng thiện và chí tiến thủ". Với Tố Hữu, bà Thanh vừa là vợ, là người bạn đời, nhưng cũng là người đồng chí đồng hành với ông trên mọi nẻo đường thơ ca và cách mạng. Bà Thanh luôn là độc giả đầu tiên của những bài thơ ông sáng tác, đôi khi bà còn gợi ý ý tưởng, tứ thơ cho ông. Giữa những vần thơ cách mạng, ta vẫn thấy Tố Hữu dành riêng cho bà những vần thơ tình đầy tha thiết
"Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu..."

Cho đến khi hai người tóc đã bạc, tình cảm mặn nồng và sôi nổi ấy vẫn không thay đổi. Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, Tố Hữu vẫn nhớ ngày sinh nhật bà Thanh. Sau một thời gian dài bị hôn mê, đến ngày sinh nhật bà, ông chợt tỉnh lại trong chốc lát. Cho đến khi ông mất, bông hồng đỏ chưa kịp tặng bà vẫn nằm giữa hai bàn tay nắm hờ của ông.
----------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn🌿
Cre: #St

 

Tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan