Đăng Ký Học
Ngày 07/04/2023 11:21:12, lượt xem: 9631
ĐỀ THI HSG CẤP TỈNH - SỞ GD&ĐT TỈNH AN GIANG || 2023
ĐỀ BÀI: Giá trị cuộc sống mà anh thanh niên (trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long) mang lại cho các vị khách đến Sa Pa
BÀI LÀM
“Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”
Đó là những lời ca tiếng hát đầy xúc động, là tiếng lòng của những người con khao khát hiến dâng cho quê hương, Tổ quốc mình. Đất nước ta – một thời kỳ đầy máu và hoa, “có nỗi thương đau có niềm hy vọng”, trang sử chói ngời cùng những tên tuổi trường tồn, vĩnh cửu. Và chúng ta vẫn luôn nhớ về những con người đã làm nên lịch sử ấy. Đó không chỉ là những người con gái, con trai xung phong ra trận; là những cô gái thanh niên xung phong, người chiến sĩ lái xe, những người lính trên chuyến tàu không số trên đường Trường Sơn rực lửa,… mà còn là nét đẹp của những con người lao động ở hậu phương vững chắc. Đó không ai khác chính là nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”, người con trai ấy đã mang đến cho những vị khách qua đường nhiều giá trị sống tốt đẹp, trở thành biểu tượng đẹp cho những con người tích cực, trách nhiệm và hết lòng cống hiến. Qua đó, nhà văn ca ngợi những bông hoa lặng lẽ, miệt mài xây dựng tổ quốc thân yêu.
Có thể nói, dù ra đời đã khá lâu (vào năm 1970) thế nhưng những gì mà tác phẩm vẫn còn in nguyên giá trị đến ngày nay. Truyện ngắn “Lặng Lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long viết về câu chuyện anh thanh niên vô danh làm công việc thầm lặng trên đỉnh núi mây mù Yên Sơn. “Một anh thanh niên thoáng qua có vẻ rất tẻ nhạt nhưng lại rất sôi nổi, một nguồn năng lực rất tích cực sục sôi của tuổi trẻ, tấm lòng rất đỗi vô tư mà vẫn luôn canh cánh về những mảnh chuyện thường nhật, về cuộc sống” là những gì mọi người nhớ về anh thanh niên vô danh trong tác phẩm. “Lặng lẽ Sa Pa” kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một người họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng. Họ đã có cơ hội làm quen, trò chuyện với nhau trên đỉnh núi Yên Sơn. “Đây, tôi giới thiệu với anh một họa sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè, ở Lào Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.” Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, họ đã chia tay nhau trong sự ngậm ngùi và có phần luyến tiếc, riêng ông họa sĩ hay cô kỹ sư thì đều có những trăn trở, suy tư trong lòng.
Trước hết, người đọc cảm nhận nhân vật anh thanh niên đẹp ở lòng yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc thầm lặng. Anh cũng là người sống có lý tưởng. Đối diện với công việc và hoàn cảnh đặc biệt như thế, anh thanh niên vẫn tha thiết gắn bó với công việc thầm lặng. Người thanh niên ấy có niềm say mê mãnh liệt mà hiếm ai có được. Anh công tác tại vùng núi cao 2600 mét ở đỉnh Yên Sơn, một địa điểm tuy khắc nghiệt nhưng lại lý tưởng để làm khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
(Thanh Hải)
Mặc thời gian chảy trôi, anh quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quẩn quanh giữa núi rừng bạt ngàn để dự báo thời tiết, phục vụ cho công cuộc sản xuất và chiến đấu của nhân dân. Công việc này vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và trách nhiệm. Tuy cuộc sống vất vả bộn bề nhưng bằng tất cả nghị lực, anh thanh niên đã vượt qua những khó khăn để thích nghi và tìm được niềm vui ở nơi đây. Bao vất vả, hy sinh anh không hề quản ngại. Công việc là sự sống, là hơi thở “cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Bởi gắn bó và tin yêu với công việc anh trở thành cán bộ khí tượng giỏi. Nghe lá cây lay mà định được gió, ngắm sao trời, sao nào khuất, sao nào sáng mà đoán được mây.
Ở tuổi 27, người ta nghĩ nhiều về hạnh phúc. Hạnh phúc là được hưởng thụ, hạnh phúc là ở chốn phồn hoa đô hội. Với anh, hạnh phúc thực sự đến khi anh thấy mình làm việc có hiệu quả, có cống hiến. Một lần nhờ anh phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, “từ hôm ấy, cháu thấy mình sống thật hạnh phúc”. Tuổi đời còn rất trẻ, anh tự đặt ra những câu hỏi lớn cho đời mình: Mình sinh ra là gì? Mình vì ai mà làm việc? Những câu hỏi ấy là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng cao đẹp của con người chân chính.
ĐỌC THÊM: VẺ ĐẸP TÂM HỒN, TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI NÚI QUA "NÓI VỚI CON" - Y PHƯƠNG
Người đầu tiên có được niềm vui là cô kĩ sư trẻ. Lần đầu ra khỏi Hà Nội đi nhận việc tận Lai Châu, bỏ lại sau lưng cuộc đời chật hẹp, những rung động non tơ còn nhiều nhầm lẫn, bước vào cuộc sống mới tinh, bát ngát, ngay từ chuyến xuất hành đầu tiên. Cô đã cảm tình ngay với anh thanh niên làm công tác khí tượng bởi sự tương đồng trong lẽ sống mà cả hai đã lựa chọn. Nếu như lời giới thiệu của bác tài mới đủ gieo vào lòng có một nỗi tò mò, thích thú, hoài nghi về một anh thanh niên với biểu hiện “thèm người” kì lạ thì vườn hoa, bó hoa anh tặng đã khiến cô dâng lên niềm yêu mến, cảm phục. Tình cảm ấy càng ngày càng tăng tiến khi cô bước chân vào căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, một giá sách với nhiều sách quý. Rất thường có người lên đây thăm mà anh phải chuẩn bị tươm tất đến vậy? Không hề, bởi anh đã thổ lộ một cách hồ hởi, chân thành niềm vui như con trẻ: Tôi không biết kỉ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay. Để rồi, khi lắng nghe câu chuyện giữa người thanh niên và ông họa sĩ già, cô mới này ra một ý định táo bạo. Cũng như anh thanh niên, cô muốn tặng cho chàng trai kia một món quà làm kỉ niệm cho lần gặp gỡ. Bởi cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm nảy nở trong cô “một ấn tượng hàm ơn khó tả”. Chiếc khăn mùi xoa cố tình bỏ lại đã bị anh thanh niên vô tình mang trả. Dự định gửi lại “một cái cỏn con gì rồi ra có thể biến thành một chút dịu dàng, một chút xíu dũng cảm trong cuộc sống” cho anh thanh niên đã vô tình đổ bể. Cái nắm tay cuối cùng của họ nói lên nhiều điều, trong sự òa vỡ của hai tấm lòng đồng điệu. Đó không phải là một sự từ biệt đơn thuần, trong cái hành động chìa tay ra của cô gái, cả hai trái tim trong trắng ấy đều hiểu ra rằng, trong cái nắm tay cẩn trọng, rõ ràng, họ đã nói với nhau tất cả trong im lặng. Tình cảm mà họ vừa kịp nhen lên trong lòng kia sẽ không bùng cháy, nó sẽ ấp iu như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm lòng người trong những đêm núi rừng tê lạnh. Đó là ngọn lửa của lòng cảm thông, sự sẻ chia, của những trái tim cùng chí hướng đang vươn lên giữa cuộc đời này.
Nhân vật tiếp theo xuất hiện trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi chính là ông hoạ sĩ. Nhà họa sĩ già đã phải lòng với Sapa, một vùng đất thơ mộng song điều làm ông bối rối là cuộc sống lẫn con người nơi đây có bao điều mới lạ, “chất vàng mười” còn khuất lấp mà chưa ai có thể nhìn thấy và khai thác. Ông nhận ra nhiều ý nghĩa cuộc sống sau khi trò chuyện và anh thanh niên chính là sự hiện hữu mang lí tưởng cao đẹp, là chất xúc tác giúp người họa sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị sâu sắc về nội dung lẫn hình thức. Anh thanh niên đã sống say mê một đời sống cống hiến vô tư, không toan tính. Anh đã sống một cuộc sống giản dị nhưng cao đẹp từ việc chiến thắng các thói quen lười nhác của chính bản thân mình. Cuộc sống lao động của anh trên đỉnh Yên Sơn cần một kỷ luật lao động nghiêm ngặt và anh đã thực hiện nó nghiêm túc như một thói quen sống. Đó là lối sống của anh, trách nhiệm và niềm vui của anh. Người ta bảo anh cô đơn nhất thế gian, rằng anh “thèm người” đến não nề, anh chứng minh cho mọi người rằng thực tế không phải thể. Rằng chỉ những ngày đầu anh cảm thấy thế thôi chứ sau này anh ngẫm nghĩ ra thì không hẳn sự thực đã là như vậy. Anh không thèm người, mà anh thèm lòng người, những tấm chân tình của con người với con người. Đó là điều mà anh đã tâm niệm, đã suy nghĩ và muốn bộc bạch: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”. “Đôi” là sự yêu mến, gắn bó bền chặt, khắc cốt ghi tâm như tình bạn, như tình yêu. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm việc một mình. Công việc ấy gắn liền với bao anh em, đồng chí dưới xuôi. Bao vất vả, hy sinh anh không hề quản ngại. Công việc là sự sống, là hơi thở “cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Bởi gắn bó và tin yêu với công việc anh trở thành cán bộ khí tượng giỏi. Nghe lá cây lay mà định được gió, ngắm sao trời, sao nào khuất, sao nào sáng mà đoán được mây. Cái đẹp từ anh thanh niên đã làm sống lại trong ông khát khao cống hiến, khiến những nét cọ tiếp tục trỗi dậy trong tâm hồn, lắng đọng thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Trái tim nghệ sĩ bao giờ cũng tinh tế và nhạy cảm nên khi nghe anh thanh niên chia sẻ, ông “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì trên đầu gối”. Có lẽ chính bản thân họa sĩ cũng không biết ông bắt đầu vẽ từ lúc nào. Ngòi bút tự trỗi dậy khi những giao cảm rung lên mạnh mẽ, nét vẽ của ông xuất phát từ trái tim và sự trân trọng “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”. Có lẽ bức vẽ sẽ rất thành công vì nó được thể hiện bằng tài năng uyên bác của người họa sĩ. Tuy nhiên, khi cầm trên tay cây bút thì ông mới nhận ra sự “bất lực” từ sâu thẳm chính mình. Ông chỉ có thể vẽ được chân dung mà không thể vẽ được những lời nói, hành động và suy nghĩ cao đẹp. Không ngòi bút, bức tranh hay màu sơn nào có thể bộc lộ được sự cống hiến của tuổi trẻ với Tổ quốc. Dù trăn trở trước bức họa nhưng người họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ bởi ông hiểu điều này giúp hình tượng anh thanh niên sống mãi với thời gian, lan tỏa lí tưởng cao đẹp ấy trong âm thầm. Có lẽ, suy nghĩ của người họa sĩ cũng chính là tâm niệm nghệ thuật đến từ nhà văn Nguyễn Thành Long. Nhân vật ông họa sĩ là hóa thân bằng xương bằng thịt cho một tuyên ngôn nghệ thuật chân chính.
ĐĂNG KÍ NGAY: KHÓA HỌC CHẠY VĂN
Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sinh sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ giả, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy. Ngược lại, chính trong cái lặng lẽ tưởng như đang bao trùm, cái mạch sống tươi mới càng có cơ hội vươn lên, rồi rào trỗi dậy.
Những giá trị mà anh thanh niên đã gửi tặng bác hoạ sĩ, cô kĩ sư và tất cả chúng ta có lẽ là niềm vui đang cựa mình trỗi sống, là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước, bằng sự nghiệp giản dị mà cao cả. Hạnh phúc nảy mầm mỗi khi con người ý thức được sứ mệnh của mình và hoạt động tự giác, hăng say với tất cả những khả năng mà mình có được. Qua một cảnh ngộ gặp gỡ, với những con người giản dị, bằng cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng, ngôn ngữ ngọt ngào, giàu chất thơ, hình tượng đẹp, xây dựng nhân vật từ điểm nhìn, cách đánh giá của các nhân vật khác bao thế hệ người Việt, đặc biệt là thế trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng CNXH hiện lên thật đẹp. Một thông điệp về ý nghĩa của lao động thầm lặng cũng được gửi gắm thật chân thành.
Truyện ngắn khép lại với hình ảnh sáng ngời của những con người bình dị, đặc biệt là anh thanh niên mang vẻ đẹp của trí tuệ, giữ trong mình lý tưởng sống để vượt lên nghịch cảnh, âm thầm góp hương thơm cho đời. Lặng lẽ và thâm trầm, hào hứng và sôi nổi, ngỡ ngàng và lắng đọng, tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc cảm nhận sâu sắc về lẽ sống đẹp, về hạnh phúc bình dị. Và chính sự lan tỏa những ý niệm cao đẹp ấy, Nguyễn Thành Long đã thực hiện trọn vẹn thiên chức cao quý của mình là “người dẫn đường vào xứ sở của cái đẹp”.
ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC HIỂU : TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY
- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY
- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY
- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan