NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TRONG “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA”

Ngày 26/02/2021 09:51:26, lượt xem: 15457

NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TRONG “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA”

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả. Người phụ nữ bất hạnh ấy đã để lại cho người đọc một niềm cảm thông và trân trọng sâu sắc bởi những phẩm chất đáng quý của bà. Vì vậy, hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu rõ hơn nhân vật này qua bài viết dưới đây nhé!

 

Bài làm

 

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp đẽ sẽ “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh những nhân vật Phùng, Đẩu, lão đàn ông..., chúng ta hẳn là không thể quên được nhân vật người đàn bà hàng chài. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu về cách nhìn cuộc sống và con người, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

Nguyễn Minh Châu là một tác gia tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Là cây bút đi tiên phong cho quá trình đổi mới văn học như nhà văn Nguyên Ngọc từng ca ngợi: “Nguyễn Minh Châu thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”; ông luôn ý thức về ngòi bút của mình, luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới cách viết cũng như phát hiện những điều mới mẻ, có ý nghĩa trong cuộc sống để thể hiện. Là cây bút có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, cuộc sống của những người lính ngoài chiến trường cũng như cuộc sống của những người dân chài sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã dựng lên một bức tranh góc cạnh có chiều sâu, có sức khái quát cao về cuộc sống đa diện, nhiều chiều luôn vận động và phát triển. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Minh Châu trong chặng đường văn học thời kỳ đổi mới. Truyện xoáy sâu vào bức tranh hiện thực của đời sống người lao động thuyền chài ở một vùng ven biển miền Trung. “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả viết vào năm 1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn xuất bản năm 1987. Hình ảnh người đàn bà hàng chài với những vẻ đẹp khuất lấp tâm hồn ẩn khuất đằng sau những bộn bề, bụi bẩn đời thường chính là điểm sáng của tác phẩm.

HÌNH ẢNH LÁ NGÓN TRONG TÁC PHẨM VỢ CHỒNG A PHỦ

Hình ảnh người đàn bà ấy xuất hiện trong một nghịch cảnh éo le, độc đáo. Trong cảnh đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào” ấy lại là một sự thật éo le, ngang trái. Giữa lúc anh chàng nghệ sĩ Phùng thăng hoa biết bao cảm xúc trước cái đẹp hiếm có thì / cái hiện thực như đập vào mắt Phùng. Đó là một sự thật trần trụi về một gia đình hàng chài với người đàn bà cam chịu, một lão chồng cay nghiệt cùng đàn con trên chiếc thuyền lênh đênh giữa đại dương sóng gió. Người đàn bà hàng chài hiện ra với những nét rất thực như bao người đàn bà vùng biển bằng xương, bằng thịt, bằng bao nghiệt ngã cay đắng và bao dung, yêu thương. Người đàn bà ấy không tên nhưng đây chính là nhân vật trung tâm, tiêu biểu cho dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu mang trên mình biết bao sự bất hạnh. Đó là hình ảnh một người đàn bà xấu xí, lam lũ, vẻ ngoài “thô kệch, trạc ngoài bốn mươi, cao lớn…”. Dáng vẻ của người phụ nữ ấy đã nói hết cái quãng đời cơ cực, bất hạnh của mình. Người đàn bà ấy xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Không chỉ thế, người đàn bà đáng thương này lại được nhìn qua góc độ của một người chồng, với cái nhìn cay nghiệt, trút giận vào cái “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng”. Đây chẳng khác gì một con người quen với nỗi cơ cực, cam chịu, sự nhọc nhằn lam lũ in hằn trên thân hình người đàn bà kia. Người đàn bà hàng chài mang trong mình một nỗi bất hạnh. Ngay từ thời con gái, “mụ” đã không nhan sắc, không may mắn trong tình yêu, không ai cưới hỏi nhưng vẫn khát khao hạnh phúc dù cho thân phận hẩm hiu: “có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá” rồi tiếp theo đó là những tháng ngày lang thang trên biển. Người đàn bà ấy phải sống những tháng ngày bấp bênh, cơ cực trên chiếc thuyền chài, đói nghèo đeo đẳng, bị hành hạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, và còn cả chuyện “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Lời bộc bạch của người đàn bà bất hạnh ấy ẩn chứa một nỗi day dứt, xót xa. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài thô kệch ấy lại ẩn chứa vẻ đẹp lấp lánh của một người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp, đáng khâm phục và ngợi ca.

Ngòi bút khám phá con người của Nguyễn Minh Châu còn được thể hiện qua sự phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của con người dù sống trong tăm tối khó khăn. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn, phẩm chất của người đàn bà hàng chài. Ẩn sau một số phận nghiệt ngã, những biểu hiện có phần nhu nhược, yếu đuối lại là một tấm lòng sáng ngời. Người đàn bà hàng chài là một phụ nữ rất thấu hiểu lẽ đời lại giàu lòng nhân hậu, vị tha, sẵn sàng chấp nhận tất cả thua thiệt về mình. Chị chấp nhận lỗi, chấp nhận mọi phần thua thiệt về mình như một lẽ đương nhiên “cũng tại đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá...giá như chúng tôi đẻ ít đi”. Suốt cuộc đời dằng dặc những khốn khó và chịu những trận đòn roi vô lý nhưng chị không tỏ ra oán hận chồng, ngược lại còn bênh vực chồng bởi chị cho rằng lão chồng chị không xấu. Chị cho rằng, chồng chị “trước kia là một anh con trai hiền lành nhưng cục tính”. Từ ngày lấy chị vì cuộc sống khốn khó, vất vả cho nên lão mới đánh chị như một phương thức giải tỏa những bức bí của cuộc đời “cứ mỗi lần thấy khổ quá là lão lại xách tôi ra đánh”. Chị rất hiểu chồng và thương chồng, chung quy thì chồng chị cũng là nạn nhân của sự đói nghèo, của nạn thất học mà ra. Được Phùng và Đẩu giúp đỡ, “chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt rồi”, rồi cũng thẳng thắn, chân thật phê bình “nhưng các chú đâu có phải người làm ăn, cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Chị nhấn mạnh: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Với Phùng và Đẩu, lòng tốt của các anh là muốn người đàn bà kia bỏ chồng để không còn bị những trận đòn roi vô lý. Nhưng người đàn bà thấu hiểu lẽ đời và sâu sắc ấy đã lý giải cho họ: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Như vậy, chị cam chịu và coi những trận đòn roi như một lẽ thường tình, bởi chỉ cần có “người đàn ông chèo chống lúc phong ba bão tố”.

VẺ ĐẸP CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ

Vượt lên sự cay đắng và cơ cực, chị sống trọn thiên chức một người mẹ và sáng ngời tình mẫu tử thiêng liêng cao quý. Chị gồng mình gánh chịu đòn roi của lão chồng vũ phu là vì những đứa con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Chị hiểu rằng bất kỳ một cuộc hôn nhân tan vỡ nào thì người buồn đau nhất chính là những đứa con. Đơn giản, bởi đứa có bố thì mất mẹ, có mẹ thì mất bố, chia đàn xẻ nghé. Một gia đình hạnh phúc, trước tiên phải là một gia đình đầy đủ các thành viên, dù đâu đó vẫn còn khiếm khuyết. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho những tâm hồn non dại, chị đã gửi con lên bờ với ông ngoại và xin chồng “có đánh thì đưa chị lên bờ mà đánh”. Đã từng trải qua biết bao giông tố cuộc đời, từ chuyện tình dang dở, rồi cuộc sống mưu sinh đầy bấp bênh, khó nhọc đến bi kịch khổ đau trước sự hành hạ của người chồng, chị quá thấu hiểu: “cuộc đời này vốn dĩ không đơn giản”. Đối với chị niềm hạnh phúc là khi “con cái được ăn no” cho dù những khoảnh khắc ấy không nhiều trong cuộc sống của chị.

Cuộc đời chị là nơi nhà văn gửi gắm thông điệp giữa nghệ thuật và đời sống. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, nhiều nghịch lý, đầy mâu thuẫn. Nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vì vậy, cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân văn nhân bản: “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”. Nhà văn không thể có cái nhìn dễ dãi trước cuộc sống mà phải biết nhìn thấu bản chất bên trong của cuộc sống. Đó mới là người nghệ sĩ chân chính. Đến đây ta càng thấm thía hơn câu nói của nhà chủ nghĩa nhân đạo lớn - Nam Cao: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xa xỉ, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thương …” và “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”. 

NHỮNG NHẬN ĐỊNH HAY VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN MINH CHÂU VÀ TRUYỆN NGẮN "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA"

Hình ảnh người đàn bà hàng chài hiện lên thật chân thực và cảm động thông qua ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Minh Châu. Cái nhìn đa diện của nhà văn, phát hiện ra đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí, thô kệch, lấm láp là chất ngọc long lanh trong tâm hồn, được khắc họa từ chân dung một con người nhân hậu, bao dung, rất mực yêu thương con, giàu lòng vị tha, đức hy sinh, sống giàu tình nghĩa. Nhân vật người đàn bà hàng chài với vẻ đẹp “khuất lấp” được khắc họa một cách ấn tượng, chân thật và vô cùng cảm động. Người đàn bà hàng chài là một nhân vật đầy cảm hứng của nhà văn. Đây là hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ được đặt trên hoàn cảnh khắc nghiệt khiến cho con người phải mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh để sống đẹp, xứng đáng với danh hiệu con người.

Hình ảnh người đàn bà hàng chài đã trở thành “nỗi ám ảnh" với chính nhân vật người nghệ sĩ Phùng, cũng là hình ảnh đem đến những ấn tượng đặc biệt trong lòng đọc giả. Một chút ồn ào, một chút đau đớn, một chút tủi hờn, một chút xót thương, một chút đồng cảm,...tôi vẫn nghĩ rằng những cảm xúc bản thân còn lưu lại sau khi đọc xong câu chuyện này còn nhiều hơn như thế. Và hình ảnh người đàn bà hàng chài vẫn vẫn, đẹp đẽ, thánh thiện, bao dung. Người đàn bà ấy là biểu trưng cho biết bao nhiêu những người phụ nữ hàng chài khác mang trong mình một vẻ đẹp khuất lấp, chỉ cần gạt nhẹ một chút đã thấy sáng lấp lánh, long lanh.

Hy vọng bài viết trên đây của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nhân vật người đàn bà hàng chài cũng như tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” các bạn có thêm tư liệu để nên một bài văn xuất sắc của riêng mình. Để nắm rõ hơn về thông tin tác giả, cùng kiến thức về tác phẩm chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu ngay bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

 

 

Tin liên quan