“SÓNG” - MỘT TÂM HỒN LUÔN TRĂN TRỞ, KHÁT KHAO ĐƯỢC YÊU THƯƠNG GẮN BÓ

Ngày 29/01/2021 23:47:48, lượt xem: 4660

“SÓNG” - MỘT TÂM HỒN LUÔN TRĂN TRỞ, KHÁT KHAO ĐƯỢC YÊU THƯƠNG GẮN BÓ

Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của “chị”dễ đi vào lòng người với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Trong đó, “Sóng” là thi phẩm nổi bật nhất của nhà thơ. Viết về “Sóng” có nhận định cho rằng “Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó.” Vậy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

Đề bài: Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó.

Anh ( chị ) hãy bình giảng khổ thơ sau đây để làm sáng tỏ nhận định trên:

"Con sóng dưới lòng sâu

.....

Hướng về anh - một phương"

 

Bài làm

1. Mở bài

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu 

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều 

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt 

Bằng mây nhè nhẹ, gió đìu hiu”

Đã mấy thập kỉ trôi qua nhưng những vần thơ của tình của Xuân Diệu vẫn vang lên như một nốt nhạc huyền ảo, vấn vương mãi trong tâm hồn độc giả. Thử hỏi tình yêu là gì? Tại sao tình yêu lại có sức hút mãnh liệt đến vậy? Tình yêu không chỉ xuất hiện trong cuộc sống mà nó đã đi vào thơ ca như một huyền thoại. Thơ ca Việt Nam hiện đại luôn dành một chỗ đứng ngất định cho đề tài tình yêu. Cùng với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, nền văn học Việt Nam còn có nữ thi sĩ Xuân Quỳnh với những bài thơ tình ấm áp, sâu sắc. Tiêu biểu cho tài thơ và tình thơ của Xuân Quỳnh là bài thơ “Sóng”, đây là lời tự bạch của trái tim người phụ nữ đang yêu, một cô gái có tâm hồn nồng hậu, luôn trăn trở, khát khao yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên, vừa mãnh liệt, sôi nổi. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ: 

“Con sóng dưới lòng sâu 

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ 

Ngày đêm không ngủ được 

Lòng em nhớ đến anh 

Cả trong mơ còn thức”.

2. Thân bài

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ. Với sứ mệnh để yêu và làm thơ, Xuân Quỳnh đã gây ấn tượng cho độc giả với những tác phẩm được lấy cảm hứng từ hai đề tài chính đó là tình yêu và thiếu nhi. Những vần thơ của thi sĩ bộc bạch tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Nhà thơ Lê Thành Nghị từng nhận định: “Thơ Xuân Quỳnh chất chứa tình yêu thương con người, như một “bản năng gốc”, từ đó làm nên chất thơ rất đậm nét ở chị. Xuân Quỳnh làm thơ dễ dàng, như lời “tự hát” ấp ủ từ đâu đó, ngân nga mỗi khi có dịp, câu thơ trôi chảy kể cả những khi diễn đạt những điều tế nhị, sâu kín. Những tình cảm được biểu hiện tự nhiên, chân thực, một cách đầy chất thơ”. Quả thực, những vần thơ Xuân Quỳnh là như vậy. Nó bỏ ngõ xuất phát từ trái tim của một cô gái khát khao hạnh phúc. Bằng những tài năng về nghệ thuật của mình, chị đã sáng tác ra nhiều bài thơ hay và “Sóng” là một trong những tác phẩm như thế. Bài thơ được ra đời vào một ngày cuối năm 1967 trong một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền của tỉnh Thái Bình và đây là bài thơ được viết khi Xuân Quỳnh đang còn ở độ tuổi 25 - là độ tuổi mà tác giả đã trải qua những đổ vỡ, những bồng bột đầu tiên ở trong tình yêu của mình và bây giờ tình yêu ở trong trái tim của người con gái ấy đã nồng nàn, tha thiết, cồn cào và sâu sắc hơn bao giờ hết. Thi phẩm Sóng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương, gắn bó và hai hình tượng song hành từ đầu cho đến cuối của tác phẩm này đó là hình tượng Sóng và hình tượng Em. Thể thơ năm chữ ngắt nhịp rất linh hoạt, ngắn gọn tạo cho người đọc có cảm giác như đang thưởng thức âm vang của con sóng ở ngoài đại dương.

MỞ BÀI SÓNG - XUÂN QUỲNH HAY VÀ ẤN TƯỢNG NHẤT

 

Tình yêu cũng giống như những con sóng, khi rì rào sóng vỗ, khi lặng lẽ nhẹ nhàng nhưng không ai biết rằng dưới đại dương sâu thẳm đó là những con sóng âm thầm và mãnh liệt: 

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt đất”

Với hình thức lặp cấu trúc, đặt giữa hai không gian “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” câu thơ đã tạo nên sự trùng điệp của từng đợt sóng vỗ khác nhau. Tâm hồn em luôn mang nỗi nhớ nhung, khắc khoải về tình yêu và nó không chỉ được nhìn qua dáng vẻ bề ngoài mà còn từ tận đáy sâu trong trái tim. Ca dao xưa từng có câu: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm”. Những vần thơ của Xuân Quỳnh khiến cho độc giả có những cảm xúc suy tư, giãi bày nỗi nhớ một cách nhẹ nhàng, ân tình mà thủ thỉ. 

Cuộc sống này không thể thiếu đi tình yêu bởi con người sinh ra là để yêu, để thương, để nhớ. Bởi thế từ những lời ca dân gian xưa trong chủ đề ca dao yêu thương, tình nghĩa ta đã biết đến thế giới cảm xúc ngọt ngào của những chàng trai cô gái thuở mới lớn mang trong mình những cảm xúc yêu đương ngọt ngào của tầng lớp bình dân. Cho đến bây giờ các thi nhân cũng thế, họ cũng có tình yêu như bao người khác, có những suy nghĩ và khát vọng yêu thương nồng cháy, mãnh liệt sưởi ấm tâm hồn cho con người được thể hiện qua những vần thơ chất chứa những cảm xúc. Cuộc sống nếu thiếu đi tình yêu thương thì sẽ không có nắng, không có bóng hoàng hôn sưởi ấm trái tim bởi tình yêu tiếp thêm sinh lực, vực dậy tinh thần cho con người vượt qua mọi thử thách của cuộc sống. Chúng ta khi yêu đều mang trong mình những cảm xúc suy tư, nỗi nhớ nhung về người yêu. Trong cái nhìn của người đang yêu vạn vật ánh lên những sắc màu tươi vui, ánh sáng tràn khắp thế gian. Không chỉ đơn thuần là tình yêu của cặp đôi, của anh, em mà tình yêu ấy là tình yêu hướng tới khát vọng lớn lao. Tình yêu đó được thể hiện trong khổ thơ thứ 5 bao cả những nỗi nhớ và cảm xúc nhớ nhung những buổi hẹn hò nhau của những cặp đôi. 

[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] Sóng – Xuân Quỳnh

Có một nghệ sĩ đã từng viết trong thi phẩm của mình:

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển

Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi 

Cánh hải âu sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi.

Hay nhà thơ Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình Việt Nam đã từng viết trong tác phẩm của mình:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu 

Có khó gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn  ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tình yêu luôn là chủ đề được các nhà văn, nhà thơ chọn để viết trong những tác phẩm của mình. Các nhà thơ đã ví tình yêu cháy bỏng nồng nàn như những ngọn lửa, mỏng manh như ngọn gió vút qua nhưng chỉ có sóng khiến ngực biển muôn đời thổn thức với những nhịp đập cuồng loạn. Mỗi cặp đôi đều mang trong mình những nỗi nhớ nhung, gửi gắm một tình cảm thiết tha cho nhau sau mỗi lần hẹn hò. Dù có cách xa nhau hàng ngàn cây số thì tình cảm dành cho nhau vẫn không hề thay đổi. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã có những khám phá bất ngờ mà thấm thía: 

“Anh cách em như đất liền xa cách bể 

 Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em”

Xuân Quỳnh đã rất tinh tế và giàu cảm xúc khi mở rộng biên độ của câu thơ. Những khổ thơ khác chỉ có bốn dòng nhưng với khổ thơ này tác giả lại diễn tả những cảm xúc, những nỗi nhớ được thể hiện qua sáu dòng. Biên độ câu thơ được mở rộng cốt yếu là chỉ diễn tả cho thỏa, cho đạt sự rộng lớn mênh mông, sự bao la, sự trút ngàn của nỗi nhớ và mức độ của cảm xúc trong nỗi nhớ. Sóng nhớ bờ ngày đêm không ngủ được như lòng em nhớ đến anh cả trong mơ còn thức. Sóng biển là sóng lòng em luôn rào rạc trong nỗi nhớ nồng nàn cháy bỏng. Nhớ nhung là hằng số cảm xúc của tình yêu, là nỗi niềm muôn thuở của hạnh phúc lứa đôi. Thử hỏi có ai yêu mà không nhớ, không vấn vương, không hoài niệm những kỉ niệm đẹp của tình yêu. Tâm trạng nhớ nhung, khắc khoải của con sóng, cho dù ở bất cứ nơi đâu thì những con sóng luôn luôn vỗ bờ đi về cát trắng:

Ôi con sóng nhớ bờ 

Ngày đêm không ngủ được

Thán từ “Ôi” được tác giả đặt lên đầu câu thơ thể hiện cảm xúc dạt dào, sâu lắng. Xuân Quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình bởi hồn thơ luôn da diết với tình yêu và hạnh phúc. Trong bài “Thuyền và Biển”, chị thấy lòng mình đau rạn nỡ vì xa cách, biển bạc đầu nhớ thương những khắc khoải da diết:

“Lòng thuyền nhiều khát vọng 

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không nói 

Biển vẫn xa còn xa”

Những rung động đầu tiên khi gặp một người ngày hôm ấy. Bởi vì lỡ uống một ánh mắt thế nên cơn say đã theo đến cả đời và để rồi cũng bởi lỡ uống một ánh mắt mà để bây giờ biết bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ cứ luẩn quẩn ở trong đầu. Người ta bảo: “Quái lạ, làm sao cứ nhớ nhau”. Đây chính là một trong những khía cạnh của tình yêu bởi vì người ta bảo tình yêu bao giờ cũng bắt nguồn từ nỗi nhớ, một trái tim đang yêu là một trái tim đang nhớ, một trái tim ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim ngừng yêu bởi mấy ai yêu mà không một lần thương nhớ. 

Nỗi nhớ như con sóng ào ạt dâng trào đã phá vỡ giới hạn trói buộc của ngôn từ. Chỉ với bốn câu thơ ngũ ngôn là không thể đủ để Xuân Quỳnh bày tỏ nỗi nhớ nhung. Xuân Quỳnh còn dùng nhiều nghệ thuật điệp: “Con sóng dưới lòng sâu/ con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ”, gợi tả nỗi nhớ như sóng mỗi lúc càng dâng cao như nước triều lên. Nỗi nhớ triền miên không dứt, không nguôi, nỗi nhớ tràn ngập mỗi tầng bậc tâm hồn. Nỗi nhớ như con sóng dâng trên mặt nước, tràn vào cõi thức. Nỗi nhớ như con sóng ngầm dưới lòng sâu ào ạt tràn vào cõi vô thức, cõi mơ ở tận đáy sâu tâm hồn em. Cả ngày và đêm, cả thức và mơ, em đều dành trọn tâm hồn mình cho nỗi nhớ. 

Năm tháng trôi qua nhanh để tình yêu ở lại. Mỗi ngày trôi qua tâm hồn người con gái ấy lại nhớ thương, khắc khoải trong mình những suy tư và cảm xúc về tình yêu. Xuân Quỳnh luôn sống hết mình về tình yêu, coi tình yêu là điều tuyệt vời hạnh phúc và đáng trân quý nhất. Chị cũng hiểu con người chỉ có một cuộc đời duy nhất, một cuộc đời vô cùng ngắn ngủi để sống và để yêu, một cuộc đời hữu hạn, tháng năm lặng lẽ trôi qua và không bao giờ trở lại vậy nên chị không muốn phí uổng thời gian. Chị chắt chiu, gom nhặt từng khoảnh khắc để dù cuộc đời có ngắn ngủi như thế nào thì vẫn được cháy hết mình, chạm tới giới hạn cực đại của tình yêu lứa đôi. 

Dường như khi mượn hình ảnh thao thức như bờ cát của sóng để diễn tả nỗi nhớ của mình Xuân Quỳnh vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Vì vậy chị đành bộc lộ trực tiếp: 

“Lòng em nhớ đến anh 

Cả trong mơ còn thức” 

Tình yêu hiện hữu trong cuộc sống ở mỗi con người và được bộc bạch qua trạng thái đầu tiên đó là nỗi nhớ. Nếu như nỗi nhớ về người lính, về những cuộc chiến tranh lý tưởng cách mạng thể hiện qua tác phẩm Tây Tiến “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” thì Xuân Quỳnh với lòng yêu thương thiết tha mà đằm thắm đã cất lên tiếng nói tâm tình của hạnh phúc, ngay cả khi ở trong mơ vẫn còn thức để được nhớ nhung, được đắm chìm trong niềm hạnh phúc ngọt ngào về tình yêu của mình. Trái tim ấy chỉ là máu thịt đời thường ai cũng có nhưng khát vọng tình yêu mãnh liệt của trái tim ấy bất diệt khiến cái chết cũng cúi đầu khuất phục. Cái chết có thể cướp đi sự sống, nhưng không thể nào cướp được khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh. 

HÌNH TƯỢNG SÓNG VÀ EM TRONG BÀI THƠ "SÓNG" CỦA XUÂN QUỲNH

Có thể nói rằng, khổ thơ trên đây là lời chất chứa giàu cảm xúc suy tư của một cô gái khát khao về tình yêu, là một âm vang của tiếng sóng. Trái tim của người phụ nữ ấy nồng hậu và đằm thắm biết bao. Xuân Quỳnh cũng mượn sóng, nhờ sóng thổ lộ những cảm xúc yêu đương nhưng điểm nhấn tạo nên sự khác biệt trong thi phẩm “Sóng” Xuân Quỳnh đã sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật đầy đặn, phức tạp và đa chiều. Vì thế sóng hiện lên quen thuộc mà vẫn bất ngờ, khác lạ. Linh hồn của sóng được gợi nên từ nhạc điệu rất độc đáo và ấn tượng của bài thơ. Tác phẩm được viết theo thể ngũ ngôn, sở trường của Xuân Quỳnh nên lời thơ tự nhiên, sống động. Với thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết phá vỡ khuôn khổ của khổ thơ truyền thống. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng những cặp phạm trù đối lập để cho hai hình tượng sóng và em song hành cùng với nhau từ đầu cho đến cuối đoạn thơ, sử dụng các biện pháp tu từ và cách nói lạ hóa để cho câu thơ thêm phần lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

SÓNG - BÀI THI ĐẠT ĐIỂM 10 KÌ THI ĐH NĂM 2006 

3. Kết bài

Thi phẩm “Sóng” khép lại, vậy mà dư âm trong những vần thơ còn vang mãi trong trái tim của những người bạn đọc. Đó là những cảm xúc trong trái tim của người con gái khi yêu, khao khát yêu và muốn vĩnh viễn hóa tình yêu của mình. Những thanh âm cảm xúc mà sóng để lại trong lòng bạn đọc đem tới một sức cuốn hút vô cùng mạnh mẽ. Một bài thơ nói lên khát vọng tình yêu mãnh liệt, nỗi nhớ nhung da diết gây cảm xúc với bạn đọc, giọng thơ của Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi trong trái tim ngập tràn yêu thương của nhà thơ. 

Hy vọng bài viết trên đây của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bài thơ “Sóng”, tác giả Xuân Quỳnh và các bạn có thêm tư liệu để nên một bài văn xuất sắc của riêng mình. Để nắm rõ hơn về thông tin tác giả, cùng kiến thức về tác phẩm chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu ngay bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

Tin liên quan