MỞ BÀI - Đề bài: So sánh 2 nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao và Mị (Vợ chồng A Phủ)

Ngày 09/11/2018 19:22:02, lượt xem: 6012

Đề bài: So sánh 2 nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao và Mị (Vợ chồng A Phủ)

MB1: Mỗi người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác của mình đều có một không gian nghệ thuật để đi về. Nếu như Hoàng Cầm cả cuộc đời đắm đuối trong vùng đất Kinh Bắc đầy thơ và mộng, nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành trọn cả cuộc đời của mình để viết về Huế mộng mơ, nếu như Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành ngược đường vào Tây Nguyên để viết lên nhưng bản tráng ca anh hùng thì Tô Hoài và Nam Cao – Những cây viết xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại lại chọn một không gian khác cho những sáng tác của mình. Nam Cao viết nhiều, viết hay về nông thôn Việt Nam, Tô Hoài thì lại lạc vào không gian núi cao Tây Bắc để trả lại nỗi nhớ, niềm thương còn đọng lại. Những nhân vật của 2 người nghệ sĩ này đã đi ra từ những không gian nghệ thuật như thế để rồi ghi dấu ấn trong lòng đọc giả với những ý vị rất riêng, rất đời. Đó là Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao và nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

MB2: Nam Cao và Tô Hoài là hai cây bút xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu như Nam Cao đi vào khai thác đề tài người nông dân ở làng Đại Hoàng – quê hương của nhà văn, thì Tô Hoài lại rất thành công trong việc tìm đến người lao động miền núi Tây Bắc xa xôi để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Có ai đó đã từng nói rằng: “Văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, Nam Cao và Tô Hoài tuy có sự khác nhau trong cách viết nhưng đã có sự gặp gỡ, đồng điệu về tư tưởng, tình cảm. Đó chính là tiếng nói yêu thương sâu sắc của nhà văn dành cho nhân vật của mình. Đọc “Chí Phèo” của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hẳn chúng  ta không thể quên được hai nhân vật Chí Phèo và Mị, nhất là sự hồi sinh nhân tính của họ.

MB3: Không biết từ bao giờ, những nhân vật trong các tác phẩm văn học cứ tự nhiên bước ra một cách rất “đường hoàng”, rồi in đậm vào trong tâm trí của bạn đọc. Với những nhà văn hiện thực xuất sắc tiêu biểu như Nam Cao, Tô Hoài, nhân vật của họ dù có tha hóa, lùi lũi đến đâu thì cũng có ít nhất một lần tác giả để họ thức tỉnh, nhận ra số phận của mình, nhận ra cuộc sống mà họ đang trải qua. Để rồi một lần trong đời họ được sống là chính mình là một con người thực sự có niềm tin, có khao khát về một cuộc sống hạnh phúc. Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao và Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài  là hai nhân vật như thế, tuy mỗi người đều có một số phận riêng những việc xây dựng thành công 2 nhân vật này đã giúp cho 2 nhà văn thể hiện được giá trị nhân đạo đến người đọc.

MB4: Mỗi người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác của mình đều luôn ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và đời sống. Đời sống là nguồn đề tài vô tận cho những sáng tác giá trị, trở thành người bạn đồng hành vững chắc cùng nhà văn bước đi trên từng nẻo đường. Văn học dù viết gì, nói gì, phản ánh gì cũng đều gắn với hiện thực đời sống. Trong trái tim luôn tâm niệm điều này cả Nam Cao và Tô Hoài đều đã đưa chúng ta đến với sự thức tỉnh về nhân tính của hai nhân vật Chí Phèo ( Chí Phèo) và Mị ( Vợ chồng A Phủ) sau những bi kịch mà họ đã phải trải qua. Người đọc một lần nữa cảm thông cho số phận của họ, cho những khao khát về cuộc sống tốt đẹp mà họ xứng đáng được nhận.

Tin liên quan