Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa và Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Ngày 09/11/2018 19:13:00, lượt xem: 4176

So sánh cách nhìn nghệ thuật của hai nhân vật: Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa và Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài


            Nghệ thuật luôn đi lên từ cái nhìn chân chính. Đúng như thế, nói đến nghệ thuật ta không thể không nhắc đến cuộc sống vì hai thứ ấy luôn gắn liền với nhau. Hai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu tuy viết hai tác phẩm ở hai giai đoạn khác nhau nhưng họ cùng hướng đến quan niệm về nghệ thuật. Quan niệm đó được thể hiện qua hình tượng hai nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa và Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Hai nhà văn đã xây dựng lên hai nhân vật có nhiều nét tương đồng một cách trùng hợp và tài tình. Cũng nhờ như thế mà hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người đều được họ tìm thấy và nâng tầm giá trị.



            Đầu tiên là Nguyễn Minh Châu, ông được xem là một trong những nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, văn của ông giản dị mà sâu sắc, thấm thía nhiều dư vị về cuộc đời, thấm đẫm nghệ thuật, cái mà ông luôn xem là bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Cũng nhờ như thế mà nhân vật Phùng đã ra đời qua chính ngòi bút của ông.

      Phùng là một nhiếp ảnh gia, theo lời đề nghị của trưởng phòng, ông phải chụp một bức ảnh để đăng cho bộ lịch cuối năm, sau nhiều ngày lao lực tìm kiếm, anh bắt gặp một hình ảnh chiếc thuyền đang từ từ ghé vào bờ trong một buổi sáng sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Quá thăng hoa trong cảm xúc khi khám phá ra được một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, anh nhanh chóng bấm máy liên thanh và có những bức ảnh ăn ý không dễ gì có được trong một đời làm nghệ thuật.

       Chứng kiến buổi làm việc giữa Đẩu, một người đồng đội cũ nay là chánh án toà án huyện, với người phụ nữ khốn khổ kia, Phùng mới vỡ lẽ ra rằng, người phụ nữ phải cam chịu một bề, không chống trả những trận đòn của chồng và không chịu giải phóng là vì tình yêu vô bờ bến đối với những đứa con. Phùng căy đắng nhận ra rằng, đằng sau cảnh đẹp như mơ kia là bao ngang trái, éo le của đời thường mà anh chưa hiểu hết. Trưởng phòng rất hài lòng về tấm ảnh. Mãi về sau, nó vẫn được treo ở nhiều nơi, nhất và những gia đình sành nghệ thuật. Nhưng mỗi khi nhìn kỹ bức ảnh, cảm xúc của anh luôn lẫn lộn trào dâng.
      Tình huống được tạo nên từ ngòi bút của ông là sự tương phản giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ thuật thì ở ngoài xa còn cuộc đời thì lại thật gần, nghệ thuật thì đẹp nhưng cuộc đời sao đầy rẫy bao ngang trái. Ông cho người đọc thấy được cái nhìn đa diện, nhiều chiều về cuộc sống, chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng đã hiểu ra nhiều điều về con người, về cuộc sống khi chứng kiến câu chuyện và tiếp xúc với người đàn bà hàng chài, từ đó ông gợi mở những vấn đề mới vô cùng triết lý cho sáng tạo và nghệ thuật.


     Tiếp đến là Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử, ông có rất nhiều đóng góp nổi bật ở thể loại tiểu thuyết và kịch, một trong những vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc là Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài mà thông qua nhân vật Vũ Như Tô ta càng thấy được mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc sống.
     Vũ Như Tô được biết đến qua tác phẩm của ông là một kiến trúc sư thiên tài và đam mê nghệ thuật, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Nhưng ông là một nghệ sĩ có nhân cách và có lý tưởng nghệ thuật hết sức cao đẹp, không phải là người ham sống sợ chết hay chỉ vì chút công danh mà phải bán thân mình cho nghệ thuật. Lúc đầu, ông nhất định thà chết chứ không xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua bạo ngược, nhưng khi nhận ra giá trị nghệ thuật để lại cho đời thì ông lại quên mất một thực tế là dân chúng đang đói khổ.


      Cửu Trùng Đài càng xây cao bao nhiêu thì mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhân dân ngày càng tăng lên bấy nhiêu. Vũ Như Tô càng quyết tâm xây dựng Cửu Trùng Đài thì các mâu thuẫn ngày càng theo đó mà khó giải quyết và Đan Thiềm càng khuyến khích Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài thì xung đột giữa người nông dân và con người nghệ thuật ngày càng tăng cao. Có thể nói đó là một khát vọng hết sức chân chính nhưng nó được đặt không đúng chỗ , không kịp thời, không tính đến giá trị cuộc sống thì nghiễm nhiên chính nó sẽ tự trở thành tai họa. Trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vừa là phạm nhân và cũng vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm mặc dù được giải quyết nhưng không được thõa đáng. Vũ Như Tô bị giết mặc dù trong thâm tâm ông không hề có ý định hại dân, khi chết ông vẫn chưa nhận ra được sai lầm của mình.
     Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thực và trực tiếp của nhân dân.


     Cả hai tác phẩm này đều xây dựng lên một nhân vật hết lòng đam mê nghệ thuật nhưng chỉ vì chưa thấy rõ sự đối lập mà dẫn đến những kết cục đáng buồn. Nghệ sĩ Phùng đã thấy được mặt trái của sự việc và đã kịp thời sửa sai nhưng Vũ Như Tô phải lấy cả cái giá của nghệ thuật để đổi bằng chính mạng sống của mình. Tuy được viết vào hai bối cảnh xã hội khác nhau, văn hóa mà đối tượng tồn tại khác nhau và phong cách của hai nhà văn cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đã lật ra lá bài của nghệ thuật. Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, phục vụ cuộc sống, nếu nghệ thuật xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng thì chỉ đem lại bi kịch thảm khốc như của Vũ Như Tô hay cái nhìn phiến diện về cuộc sống của nghệ sĩ Phùng. Tuy rằng nghệ thuật là cái đẹp của cuộc sống nhưng không phải lúc nào nó cũng đẹp. Đằng sau của tấm huy chương rạng rỡ luôn gồ gề và nhiều khuyết điểm. Ngoài ra, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống, nghệ thuật xa rời cuộc sống chỉ là nghệ thuật suông, không xứng đáng là nghệ thuật chân chính, đều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết tìm tòi, khám phá cuộc sống, hiểu nó trên nhiều phương diện. Nghệ sĩ chân chính cũng giống như nghệ thuật chân chính và nghệ thuật luôn phải vì nhân sinh không chỉ bó hẹp nghệ thuật vì nghệ thuật.


Như Tố Hữu đã từng tâm sự

Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
Thuyền xô dóng dậy
Sóng đẩy thuyền lên
     Cả hai nhà văn đã cho ta nhận thức được cái đẹp của nghệ thuật như thế nào, con đường tìm kiếm, đi đến và chinh phục nghệ thuật sẽ ra sao. Tuy không đem lại kết cục như mong đợi nhưng hai nhà văn dường như đã bộc lộ hết vẻ tài tình qua những lời văn của mình. Ngôn ngữ điêu luyện, có tính tổng hợp cao, dùng ngôn từ và hành động của nhân vật để khắc họa tính cách, đó chính là cái tài mà không dễ ai có được. Và cũng nhờ nghệ thuật chân chính mà cái tài đó càng thêm sâu sắc hơn, thấm đẫm với chúng ta hơn.

 

Câu 2: (5,0 điểm) Cảm nhận về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12). Từ đó liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Kịch “Vũ Như Tô” – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ Văn 11) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

Gợi ý đáp án:

1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo viết thành 1 bài văn hoàn chỉnh có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; diễn đạt rõ ràng, hành văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ; liên hệ so sánh phù hợp; dùng từ, đặt câu, viết chính tả chuẩn mực...

2. Xác định yêu cầu của đề:

- Yêu cầu cơ bản của đề là: Cảm nhận về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12).

- Yêu cầu nâng cao (phân loại thí sinh) là: Từ đó liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Kịch “Vũ Như Tô” – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ Văn 11) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

3. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo:

A. Mở bài – nêu vấn đề của đề bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Minh Châu; nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của “Chiếc thuyền ngoài xa”; từ đó dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích: nhân vật Phùng trong truyện ngắn.

- Từ nhân vật Phùng cũng gợi nhiều liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Kịch “Vũ Như Tô” – Nguyễn Huy Tưởng); qua đó ta thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ mà các nhà văn muốn gửi gắm.

B. Thân Bài: Triển khai vấn đề

(HS có thể triển khai thành nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các yêu cầu của đề)

1. Yêu cầu cơ bản của đề là: Cảm nhận về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12).

*HS có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật một số ý cơ bản như sau:

- Phùng là một người nghệ sĩ say mê công việc và có ý thức với nghề nghiệp, với công việc được giao. Để có được bức ảnh nghệ thuật ưng ý (theo yêu cầu của trưởng phòng), anh đã trở lại vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời kì chống đế quốc Mĩ.

Phùng đã “phục kích” cả tuần, suy nghĩ và tìm kiếm mà chưa chụp được bức ảnh nào... Chứng tỏ Phùng là người không đơn giản, qua loa với công việc mà anh luôn hết lòng, tận tâm vì công việc.

- Phùng là người nghệ sĩ giàu cảm xúc và yêu cái đẹp. Khi phát hiện ra cảnh đẹp buổi sớm bình minh với con thuyền đẹp như mơ, như “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, Phùng đã rất xúc động, bối rối “trong tim như có cái gì bóp thắt vào”, anh thấy trào dâng trong mình niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh... Trong khoảnh khắc hạnh phúc của người nghệ sĩ chân chính yêu cái đẹp ấy, anh tưởng chính mình khám phá thấy “cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, thấy “cái đẹp chính là đạo đức”...

Như vậy, Phùng chứng tỏ mình là người nghệ sĩ săn tìm cái đẹp. Anh thực sự biết quan sát bằng đôi mắt tinh tường, “nhà nghề” để lựa chọn cái đẹp hài hoà giữa thiên nhiên, cảnh vật, con người - vẻ đẹp mà cả đời bấm máy anh chỉ gặp một lần. Rồi anh bấm liên thanh một hồi hết phần tư cuốn phim, như muốn thu vào mình cái khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn...

- Phùng cũng là người giàu tình cảm, tình yêu thương con người. Anh thấy người đàn bà bị đánh, anh đã lao ra can thiệp. Dù rằng anh bị đánh trả, bị thương và phải đưa vào trạm y tế của tòa án huyện... nhưng rồi anh vẫn tìm mọi cách để giúp đỡ người đàn bà bị bạo hành ấy.

- Phùng là kiểu nhân vật nhận thức, nhân vật tự ý thức: anh ý thức được các hành động việc làm của mình, từ việc cảm nhận bức tranh thiên nhiên tuyệt bích, lẫn phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn đằng sau người đàn bà vùng biển có vẻ ngoài xấu xí. Và anh cũng đã dần nhận ra chân lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

- Để làm nổi bật những điều trên, nhà văn đã dùng nghệ thuật khắc họa nhân vật Phùng rất đặc sắc như: đặt nhân vật vào tình huống độc đáo để cho tính cách nhân vật bộc lộ; kết hợp lối tả thực với lối ngôn ngữ gợi cảm; nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên...

2. Yêu cầu nâng cao (phân loại thí sinh): Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Kịch “Vũ Như Tô” – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ Văn 11) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

a. Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô:

+ Nhân vật Vũ Như Tô có nhiểu điểm giống với nhân vật Phùng.

  • Ông cũng là một nghệ sĩ có nhiều tài năng – người kiến trúc sư thiên tài và là người nghệ sĩ có tâm với nghề. Trải qua nhiều thăng trầm, ông đã sống và chết trong bi kịch của đời mình. Lúc đầu, Vũ Như Tô đã sáng suốt không muốn đem tài năng phục vụ Lê Tương Dực, xây dựng các cung điện để phục vụ cuộc sống xa hoa hưởng lạc của vua, nhưng về sau đã bị Đan Thiềm thuyết phục.

Trước nhan sắc và sự săn sóc “dịu dàng” của người cung nữ này mà Vũ Như Tô đã thay đổi thái độ. Ồng Cả đã đem tài năng ra xây dựng Cửu Trùng Đài. Lí tưởng của nhà kiến trúc sư họ Vũ thật đẹp và lãng mạn là quyết đem tài năng để xây dựng nên một lâu đài hùng vĩ tráng lệ, có thể “tranh tinh xảo với hoá công”, “bền như trăng sao”, đem lại vinh dự cho non sông và niềm tự hào cho hậu thế...

  • Tuy được viết vào hai bối cảnh xã hội khác nhau, văn hóa mà đối tượng tồn tại khác nhau; phong cách của hai nhà văn cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đã lật ra “lá bài của nghệ thuật”.

Qua hai nhân vật, các tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, phục vụ cuộc sống, nếu nghệ thuật xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng thì chỉ đem lại bi kịch thảm khốc như của Vũ Như Tô hay cái nhìn phiến diện về cuộc sống của nghệ sĩ Phùng.

+ Tuy nhiên ở Vũ Như Tô có những điểm khác biệt với nhân vật Phùng.

  • Quan điểm nghệ thuật của Vũ Như Tô hoàn toàn sai lầm, vì đó là quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Xây dựng Cửu Trùng Đài là để phục vụ bạo chúa, vị hôn quân, đâu phải vì nhân dân. Hoài bão của Vũ Như Tô lãng mạn nhưng vô nghĩa.

Vũ Như Tô là một kẻ sĩ sống dưới thời loạn, ông bị đẩy xuống đáy bi kịch cuộc đời, trở thành một kẻ gàn, kẻ quẫn trí. Đan Thiểm khuyên ông trốn đi, nhưng ông vẫn cho rằng "không làm gì nên tội", thiên hạ "hiểu nhầm mà thôi”!.

Cả hai tác phẩm này đều xây dựng lên một nhân vật hết lòng đam mê nghệ thuật nhưng chỉ vì chưa thấy rõ sự đối lập mà dẫn đến những kết cục đáng buồn.

Nghệ sĩ Phùng đã thấy được mặt trái của sự việc và đã kịp thời sửa sai; nhưng Vũ Như Tô phải lấy cả cái giá của nghệ thuật để đổi bằng chính mạng sống của mình. Đó là kết quả tất yếu của cái nhìn đơn giản, hời hợt, xa rời thực tế của người nghệ sĩ.

b.Qua hai nhân vật, có thể rút ra những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ:

- Người nghệ sĩ cũng cần có tài năng, sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật.

- Người nghệ sĩ phải có tâm hồn nhạy cảm, biết yêu cái đẹp, biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp phong phú của con người và cuộc đời.

- Người nghệ sĩ cần giàu lòng yêu thương con người, trân trọng những số phận cảnh đời, biết nhìn đời bằng cái nhìn đa chiều, đa diện.

- Người nghệ sĩ cần có quan niệm nghệ thuật đúng đắn, tỉnh táo; phát hiện ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống; sống và viết có trách nhiệm với nhân dân, đất nước...

 

Tin liên quan