Đăng Ký Học
Ngày 10/10/2022 16:33:28, lượt xem: 6636
Một trong số những cách mở bài gián tiếp mà chị thấy rất hay chính là mở bài từ mạch cảm xúc của tác phẩm. Ví dụ, với tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh em sẽ thấy cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ thường trực và da diết khôn nguôi. Chị có ba mở bài mẫu đi từ nỗi nhớ ấy, em tham khảo và áp dụng ngay nhé!
1. Mở bài 1: Trong miền nhớ về tình yêu rộng dài, Quy Ngọc đã viết nên những áng thơ đẹp đẽ trong “Nỗi nhớ không tên”:
“Có nỗi nhớ không thể gọi thành tên
Cứ day dứt cồn cào nơi tim nhỏ
Cơn gió ngang qua giật mình cũng ngỡ
Tiếng chân anh đang nhẹ bước bên thềm”.
Và cũng viết về nỗi nhớ trong tình yêu, Xuân Quỳnh có lẽ đã chung tiếng lòng với Quy Ngọc ở những cung bậc tình cảm ấy khi nữ thi sĩ viết về “Sóng”. Nhà thơ dẫn người đọc cùng đắm chìm vào khoảng không gian, thời gian nhớ mênh mông vô tận, cùng thưởng thức từng vị thương, vị nhớ của một người phụ nữ đang yêu. Bài thơ chính là tiếng lòng của người phụ nữ luôn thiết tha, nồng nàn, chung thủy trong tình yêu.
2. Mở bài 2: Có lẽ nỗi nhớ trong tình yêu là thứ làm tốn nhiều giấy mực nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại. Tất cả những câu chuyện tình trên cuộc đời này, dù hạnh phúc hay xót xa, dù gần gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trắc trở đều để lại những ấn tượng mạnh hay những cảm xúc về nỗi nhớ trong lòng những người đang yêu. Ngược dòng lịch sử, ta bắt gặp nỗi nhớ “bổi hổi bồi hồi”, “đứng ngồi không yên” trong ca dao xưa hay một nỗi nhớ bùng cháy dữ dội, mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu:
“Nhớ em như một vết thương
Trong lòng; như vỡ mảnh gương trong lòng”
thì đến với những trang thơ của Xuân Quỳnh, ta lại một lần nữa đắm chìm trong miền nhớ ấy. “Sóng” viết về nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu, thể hiện tình yêu say đắm, thủy chung của đôi lứa. Qua bài thơ, bà hoàng thơ tình đã khắc họa một tình yêu nồng nàn, chung thủy - một thứ tình cảm cao đẹp.
3. Mở bài 3: Như một lẽ thường, những gì đã trở thành kỉ niệm trong quá khứ đều để lại ấn tượng mãnh liệt, sâu sắc, đặc biệt có ý nghĩa đối với cuộc đời con người. Và những giá trị đó khi được con người tái hiện lại thì được gọi với cái tên thân thuộc: nỗi nhớ. Có những nỗi nhớ khiến ta mê mải đắm chìm không muốn quay về thực tại, có những nỗi nhớ giúp ta mạnh dạn bước tiếp trên hành trình sắp tới,...Và trong hình dung của tôi, “Sóng” là một nỗi nhớ như thế. Dưới lăng kính của Xuân Quỳnh, nỗi nhớ của người con gái đang yêu đó đã phản ánh một tình yêu đắm say, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.
Xuất phát sớm cùng chị trong khóa học Toàn diện VAN8 nhé 2k5!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan