Đăng Ký Học
Ngày 04/02/2020 15:40:44, lượt xem: 1635
🌿HAI ĐỨA TRẺ: CUỘC ĐÀO THOÁT BẰNG MỘNG TƯỞNG HAY LỜI GIÃ TỪ VỚI CỐ HƯƠNG
1. Mỗi lần đọc lại Hai đứa trẻ của Thạch Lam, trong đầu tôi lại hiện lên mấy dòng thơ khắc khoải của Đỗ Trung Quân trong Bài học đầu đời cho con:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…
Khi phổ nhạc, Giáp Văn Thạch lại thêm vào dòng cuối như là một lời nhắc nhớ, khuyên răn :
Sẽ không lớn nổi thành người.
Quả vậy, trong tâm thức của người Việt Nam, nhắc tới quê hương (hay cố hương) là ta chạm vào một cõi thiêng liêng, một mạch ngầm của đạo đức truyền thống tích tụ ngàn năm. Ở nơi đó, không dung thứ cho bội phản, cho hắt hủi và chối từ. Dường như, từ cái lúc mà người Việt khai mở ra nền văn minh lúa nước tới tận bây giờ, ít ai chịu sống cho mình, nghĩ cho mình. Thành ra, ngay cả khi chính cái quê hương ấy làm tình làm tội cho người ta, người ta dầu có bỏ xứ ra đi, cũng không nguôi thương nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Chẳng phải vọng cổ ở miền Nam là khúc tình đau đáu về quê hương bản quán ở miền Trung, miền Bắc hay sao? Trở lại với Hai đứa trẻ của nhà văn của Hà Nội, băm sáu phố phường, tôi nhận ra, hình như ngay từ những năm đầu cách mạng, thế kỉ mà cuống rúng của người Việt vẫn chưa lìa, bằng sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ Tây học, ông đã muốn nói: Nếu cố hương không còn là chùm khế ngọt nữa, hãy dũng cảm rời bỏ, ít ra thì cũng từ trong tâm tưởng. Và cái phát ngôn mà tôi võ đoán ấy, được ông gửi gắm qua góc nhìn của Liên, nhân vật chính trong truyện.
2. Nếu chia cuộc đời của Liên ra làm hai chặng đường thì có thể lấy cái mốc trước và sau khi về sinh sống tại phố huyện. Thuở trước, Liên sống cùng với gia đình ở Hà Nội. Sau khi thầy Liên mất việc, gia đình dọn về quê. Nếu liên hệ với cuộc đời của chính Thạch Lam, thì cái quê ấy là quê ngoại, phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Liên và An trong truyện chính là bà Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Vinh (tức Thạch Lam). Hà Nội, với Liên, là quá khứ, là kỉ niệm ngọt ngào, đáng sống. Phố huyện là quê hương, là hiện tại, là nơi mà Liên không còn tuổi thơ, là nơi mà cô khao khát thay đổi, vượt thoát.
3. Nơi chị em Liên đang sống là huyện lị, bao quanh là ruộng đồng, có một cái chợ và một ga nhỏ với tuyến đường sắt xe lửa chạy ngang mỗi ngày một bận. Nó mang dáng dấp của vùng đất nửa phố xá nửa làng quê. Buổi chiều tàn trên vùng quê ấy mang vẻ đẹp thanh bình, yên tĩnh như bao vùng quê khác trên đất Việt. Nơi ấy, Liên cảm thấy nó “êm ả như ru”. Nhưng đối với một tâm hồn non nớt của trẻ con, cứ mỗi độ trống thu không là “chị lại thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Không buồn sao được, khi ở phố huyện ấy, không gian tĩnh mịch quá, yên ắng quá. Nơi đó tiếng trống cầm canh cũng chỉ là tiếng trống gõ nhịp một, đều đều, buồn tẻ. Nơi đó, người ta đắm chìm vào khúc nhạc quê buồn bã của “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, là “tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng hơi tối”. Đó là phố huyện, là cái chợ vắng bặt tiếng người, hơi người, cứ độ chiều về là lại văng vẳng tiếng cười khanh khách của một bà già hơi điên chiều nào cũng mua rượu ở cửa hàng của hai đứa trẻ đang chìm dần về bóng tối phía làng. Tiếng cười chìm trong cái bóng tối vang lên có phần ma mị, quái đản. Cái phố huyện đó cứ chiều tới là lại đối mặt với cuộc xâm thực của bóng đêm. Bắt đầu từ trên cao, cái bóng đêm đã tràn lan trên dãy tre làng trước mặt để cô lập cái màu đỏ rực của phương tây, cái màu hồng của đám mây chiều nơi mặt trời sắp rụng. Từ đó, nó lan về cửa hàng của Liên, thấm đẫm cả đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ để rồi vỡ oà ra ngoài phố. Ánh sáng của những ngọn đèn con trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì trong nhà ông Cửu hay đèn dây sáng xanh ở hiệu khách,… từng ấy thứ ánh sáng leo lét, nhợt nhạt làm cho “cát lấp lánh từng chỗ” và “những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”. Sự cố gắng cũng chỉ kéo dài sự tương tranh trong chốc lát, bước chân của bóng đêm cũng chỉ chùng chình giây lát trước khi thôn tính mọi thứ. Để rồi khi, thái dương không còn, bóng tối bao trùm tất cả. Vạn vật đều chìm nghỉm trong cái màu đen bất tận ấy. Bắt đầu bằng những “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”, sau đó lan rộng ra “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa” và nó đậm đặc đến mức tiếng “trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan, không van động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”. Trong cái thăm thẳm của bóng đêm, những ngọn đèn nơi phố huyện bỗng dưng nhỏ bé đến tội nghiệp. Có khi thì “hé ra một khe ánh sáng” trong một cửa hàng nào đó còn thức, có khi chỉ là “một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng” trên gánh phở bác Siêu, có khi lại “thưa thớt từng hột sáng” trong cửa hàng của Liên. Trong cái thế giới của thần Erebus, ánh sáng của thiên nhiên cũng vô cùng thảm đạm. Đó là cái lấp lánh vô dụng của hàng ngàn ngôi sao, là cái vệt sáng gọi bầy của những con đom đóm bay là là trên mặt đất. Cả thế giới phố huyện trong mắt Liên giờ thu lại trong ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí, nó nhỏ bé nhưng đầy ám ảnh. Liệu với một nơi đầy bóng tối ấy, dù có là “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát ấy”, một đứa trẻ như Liên có cảm thấy gắn bó?
4. Và rồi, trên cái nền của bức tranh ngày tàn ấy là cảnh chợ tàn thảm thương và những kiếp người lầm lụi, lay lắt trong bóng tối. Cái chợ huyện ngày phiên ấy bây giờ đã vãn. Cái ồn ào không còn, vài người bán hàng còn sót lại thì thầm những lời không rõ làm tăng thêm cái sầu muộn của một cảnh chợ tàn. Hàng hoá không còn, trên đất chỉ còn lại rác rưởi. Những gì nghèo nàn nhất của cõi nhân sinh bắt đầu hiển lộ. Mở đầu bằng hình ảnh những đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ đi “nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại”, những đứa trẻ tìm rác để phục vụ cho cuộc sống bần cùng của chúng. Và rồi chị Tí, người ban ngày mò cua bắt tép, tối đến dọn cái hàng nước dưới gốc cây bàng, bắt đầu kiếm sống. Khách hàng của chị là những anh phu gạo, phu xe, những người nghèo khổ chẳng hơn gì người đàn bà hàng ngày ngâm mình trong sông nước kia, thỉnh thoảng mới có mấy anh lính lệ hay người nhà thầy thừa ghé vào uống bát nước chè và hút điếu thuốc lào. Bán buôn chẳng đáng là bao nên với chị “sớm với muộn mà có ăn thua gì”. Rồi bác Siêu với gánh hàng phở mà Liên gọi là thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, mà có thèm muốn cái mùi thơm ngon kia, chị em Liên cũng chẳng bao giờ mua được. Chính Liên mà cũng không mua được thì bác trông mong gì những người dân phố huyện khác? Có phải thế không mà bác chỉ bắt đầu dọn hàng từ khi chập tối và về nhà lúc đoàn tàu đã đi qua? Gia đình bác xẩm cũng xuất hiện khi bóng đêm đã bủa vây cái phố huyện nghèo nàn, khốn cùng ấy. Cả gia đình co cụm trên mang chiếu rách, cạnh đường tàu. Bác chưa đánh đàn vì không có khách nghe. Bác cũng như bác phở Siêu sống nhờ vào những hành khách trên chuyến tàu qua phố hằng đêm. Mà đêm nay, cả hai cùng ế khách như nhau. Nên khi đoàn tàu qua thì một người gánh hàng đi vào trong làng còn một gia đình thì co ro ngủ gục trên manh chiếu rách tự bao giờ. Trong bóng tối phố huyện, từng ấy con người ngồi cạnh nhau nhưng họ, dường như, tránh tiếp xúc nhau, họ lầm lũi, họ im lặng. Họ trao đổi với nhau bằng những câu rời rạc, vô thưởng vô phạt, hỏi mà như sợ người khác trả lời. Đó là một cái chợ, một cái phố đấy ư? Và liệu, sinh sống ở giữa thế giới nghèo nàn, cơ khổ ấy, một đứa trẻ như Liên có thấy thoải mái, vui vẻ không?
5. Ngay cả chính Liên, cuộc sống của cô cũng chẳng khá khẩm gì. Thầy mất việc, cả gia đình đùm túm về sinh nhai trên mảnh đất quê hương. Và cũng kể từ ngày đó, Liên không còn là trẻ con được nữa. Cô và An, bề ngoài là hai đứa trẻ, như chính cái nhan đề của truyện ngắn, nhưng cuộc sống của cô là của một con người từng trải, phải từng trải, như cái cách mà Thạch Lam gọi Liên là chị. Cũng phải thôi. Là chị lớn, Liên phải trông coi cửa hàng thay mẹ. Là chị lớn, Liên phải thay mẹ chăm sóc em An. Cái cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu là trách nhiệm mà Liên phải gánh vác, và nó cũng lay lắt như bao nhiêu gia cảnh khác của phố huyện. “Hôm nay ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì” thì trông mong gì ở những ngày bình thường khác? Phải vật lộn mưu sinh, nên hai chị em cũng đánh mất cả tuổi thơ. Cứ chiều tối là lũ trẻ gần chợ lại tụ họp vui đùa nhưng Liên và An đâu có cái quyền rất trẻ con, rất người đó. Chúng phải trông cửa hàng. Lũ trẻ con nhà nghèo đáng thương hơn hay chính Liên và An mới đáng thương hơn?
6. Có thể thấy, phố huyện nơi Liên sống là nơi không có ánh sáng, không có niềm vui và ngay cả cái quyền được làm trẻ con Liên cũng không có nốt. Nơi đó có đáng sống không, đáng để gắn bó không? Phố huyện là thế, cho nên, đâu phải ngẫu nhiên mà lúc nào Liên cũng mơ màng nhớ về Hà Nội, quá khứ của cô. Nơi đó, cô có cuộc sống sung túc, cô thể sống với cái tuổi trẻ con của mình: cô được đi chơi bờ Hồ, cô được ăn quà ngon, lạ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Và Hà Nội nhiều đèn, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Đó là một thế giới đầy ánh sáng, ngập tràn niềm vui, những thứ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng khao khát có. Nơi đó đáng sống. Nhưng với tâm thế của một đứa trẻ, hay với sự hạn hẹp trong thế giới quan của một nhà văn lãng mạn, Liên không thể đào thoát khỏi cái phố huyện nghèo nàn, tăm tối ấy. Thạch Lam cũng không thể như Ngô Tất Tố xui chị Dậu ném xấp bạc vào mặt tên quan phủ Tư Ân mà chạy ra đường. Mà đường hôm ấy thì tối đen như mực, bỏ chạy thì tương lai thế nào? Liên không thể bỏ chạy, người dân phố huyện cũng không thể bỏ chạy. Cái mà họ có thể làm là trông đợi một chuyến tàu đêm. Bởi, với họ, đoàn tàu là một thế giới khác đi qua, “khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa bác Siêu” như trong cách hiểu non nớt của Liên. Đoàn tàu đêm qua phố huyện, từ xa đã nghe rõ tiếng còi kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi, rồi nó rầm rộ đi tới, tiếng bánh xe dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi như muốn phá vỡ cái tù đọng của không gian. Rồi ánh sáng tràn ngập, là “làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, là “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, là cái sang trọng khác xa cái nghèo nàn, rách rưới của phố huyện ở những toa hạng trên với “đồng và kền lấp lánh”. Trên chuyến tàu ấy, những con người hoạt động đầy sức sống, họ ồn ào, họ huyên náo, họ lố nhố khác xa với cái lầm lũi, thì thầm của cư dân vùng quê ngập ngụa trong bóng tối. Niềm vui thoáng chốc, nhưng ít ra nó mang lại cho người dân nghèo phố huyện như chị Tí, như bác Siêu, bác xẩm,… một chút hi vọng về một sự thay đổi trong tương lai. Có hi vọng để mà sống tiếp, để những con người ấy không đi vào con đường cùng cực mà bà cụ Thi, người già nhất trong câu chuyện, cũng là người thấm thía nhất cảnh sống nơi đây, đã trải qua. Và với Liên, đoàn tàu còn mang một ý niệm khác. Nó có thể không đông, không sang, không sáng hơn mọi khi, nhưng với cô nó vẫn đặc biệt vì nó đến từ Hà Nội, đến từ vùng sáng rực, vui vẻ và huyên náo trong kí ức mong manh, không rõ rệt của một đứa trẻ. Đoàn tàu như tia hồi quang giúp Liên sống lại trong chốc lát những kỉ niệm ngọt ngào của quá khứ.
7. Thực ra, với Liên, đâu phải chỉ khi đoàn tàu đi qua, cô mới lẩn tránh hiện thực bằng mộng tưởng, cô mới thắp lên lòng mình hi vọng đâu. Chẳng phải ở những giây phút đầu tiên, ngay từ khi bóng tối bắt đầu tràn xuống nhân gian, việc đầu tiên mà hai đứa trẻ này nghĩ tới là thắp đèn lên đó sao? Và kể từ giây phút đó, là cuộc vật lộn trong tâm tưởng của một tâm hồn thơ dại với hiện thực khốc liệt. Liên cứ trốn chạy bóng tối bằng cách dõi mắt về phía ánh sáng, có khi là ánh sáng của bầu trời, có khi là ánh sáng của đom đóm, có khi là ánh sáng của những ngọn đèn nơi phố huyện và có khi là ánh sáng của đoàn tàu đi qua. Liên chưa bao giờ từ bỏ hi vọng, dù cô đang bị bóng tối đồng hoá, chẳng phải bóng tối ngập đầy trong mắt Liên và đối với Liên bóng tối quen lắm, cô không còn sợ nó nữa đó hay sao? Dù vậy, cô luôn nghĩ về ánh sáng, về tương lai, ngay cả khi chìm mình trong giấc ngủ nặng nề, tịch mịch, cô cũng nghĩ về ngọn đèn. Ngọn đèn mong manh, yếu ớt, nhưng nó vẫn sáng, mãi sáng. Có thể gọi, đó là một cuộc đấu tranh thầm lặng mà gay gắt, dữ dội trong cái vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục.
8. Nói cho cùng, câu chuyện mà Thạch Lam là câu chuyện về niềm tin và hi vọng. Người dân phố huyện có còn gì khác đâu ngoài hi vọng về một tương lai khác, một thế giới khác, vui vẻ hơn, đáng sống hơn. Cái lãng mạn của Thạch Lam chính là chỗ đó. Mà khi mơ về một thế giới khác, như thế giới của đoàn tàu, thế giới của Hà Nội thì có nghĩa là họ đã muốn đào thoát khỏi quê hương, cái nơi từ lâu đã không mang lại cho họ cuộc sống con người đúng nghĩa. Viết đến đây tôi lại nhớ tới nhân vật Tấn trong Cố hương của Lỗ Tấn. Tấn về thăm cố hương, nhưng đó là cố hương rất khác trong nỗi nhớ của anh, để rồi anh dứt khoát từ bỏ nó. Anh đã đi, cứ đi, sẽ đi, không có đường vẫn đi, vì thực chất con đường là do người ta đi mãi mà thành. Viết thì hay nhưng làm thì khó, trong chúng ta, mấy ai đủ sức để từ bỏ cố hương, hay rộng ra là một môi trường, một công việc mà ta một thời gắn bó?
—— Mặc Thảo ——
---------------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn☘️
Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học Văn chị Hiên
Tin liên quan