Giải thích ngắn gọn ý kiến của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình...

Ngày 10/01/2020 16:30:08, lượt xem: 3270

🌿ĐỀ : Giải thích ngắn gọn ý kiến của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”

Như khúc hát của cảm xúc cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ, thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở nên bất tử. Thơ – là biểu hiện của những tình cảm sâu sắc, là ước mơ cao đẹp con người luôn vươn tới, là nghệ thuật bên trong của tâm hồn, là sự bùng cháy của cảm xúc trong khoảnh khắc, là sự bột phá của những tình cảm mãnh liệt. Ta tìm đến với một bài thơ có khi vì ta yêu lối thể hiện của người nghệ sĩ, và có khi ta cũng đồng cảm với họ trong giây phút lắng lòng ẩn sâu ở từng lời thơ, câu chữ. Khẳng định sức sống lâu dài của văn chương nghệ thuật mà nội dung tư tưởng của tác phẩm là yếu tố quyết định, nhà thơ Xuân Quỳnh nói: Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh

Không biết thơ ca đã đi vào cuộc sống của con người từ khi nào, chỉ biết rằng, khi tìm đến với thơ ca, ấy là khi con người đang khát khao một nhu cầu tự bộc lộ, giãi bày. Thơ ca đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm hồn mỗi người, làm cho “con người đi từ chân trời của một người đến với chân trời của nhiều người” (Pôn Êluya). “Thơ đối với cuộc sống quý như người con gái đối với gia đình”, dường như đó là quan hệ khăng khít, gắn bó không thể tách rời. Thơ ca và cuộc đời như người phụ nữ trong gia đình, bàn tay ấy chăm chút, vun vén cuộc sống cũng như thơ ca bồi đắp thêm cho tâm hồn con người bao cảm xúc và rung động tinh tế. Là một thể loại nằm trong phương thức trữ tình, nhưng bản chất của thơ lại rất đa dạng và phong phú. Thơ tác động đến người đọc bằng sức gợi sâu xa, bằng những cảm xúc mãnh liệt, và có khi bằng sự rung động bởi ngôn từ giàu nhạc điệu, mà như Xuân Quỳnh nói: “Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”. Nhan sắc là hình thức bên ngoài, đây là yếu tố đầu tiên tác động đến người khác, là ấn tượng ban đầu. Ta tìm đến với một bài thơ và yêu thích nó, có khi là bởi ta yêu thứ cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm. Thế nhưng ở đây, Xuân Quỳnh muốn nhấn mạnh đến nội dung tư tưởng của thơ, cái mà nữ thi sĩ gọi là “đức hạnh” của người con gái, phẩm chất tính cách luôn là yếu tố quyết định đến giá trị của con người, và thơ ca cũng vậy. Trau chuốt, tô vẽ hình thức, nhưng điều làm nên sức sống cho văn chương nghệ thuật thì lại ẩn sâu bên trong vẻ bề ngoài ấy. Lêôna đơ Vanhxi từng nói: “Thi ca là một bức hoạ để cảm nhận thay vì để ngắm”. Rõ ràng, hình thức bên ngoài là yếu tố tác động đến ấn tượng ban đầu của người đọc, nhưng để khẳng định sức sống, giá trị của một tác phẩm, thì nội dung tư tưởng vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

“Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Phát biểu quan điểm này, Xuân Quỳnh đã lấy tác phẩm của chính mình để chứng minh. Xuân Quỳnh thuộc những thi sĩ làm thơ như người đàn bà phải sinh con, như cây cối thì phải đơm hoa kết quả. Ta thích thơ Xuân Quỳnh vì cái vẻ giản dị, đôn hậu của nó. Phải chăng mọi bài thơ của thi sĩ đều như những lời tâm sự tự nhiên, chân thành, ta như được tiếp xúc với người phụ nữ thật cởi mở, chan chứa tình yêu hạnh phúc.

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ.

Hình thức thơ giản dị, nó đi vào lòng người đọc và lắng sâu thành khúc hát tình cảm. Xuân Quỳnh rất ít khi câu nệ hình thức, nhưng người đọc vẫn bị lôi cuốn ấn tượng với lối thơ của thi sĩ, chân thành mộc mạc như tiếng lòng của một người phụ nữ. Cho dù là thơ thất ngôn hay lục bát, nó vẫn mang dấu ấn của Xuân Quỳnh, thứ “nhan sắc” chỉ riêng mình thơ thi sĩ đem lại:

Rào rào tiếng những bầy ong

Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ

Mẹ còn đang bận đưa ru

Cái hoa bận đỏ, cái hồ bận xanh

Hạt cây đang bận nảy mầm

Con quay quay có một mình ngoài kia

Ngủ đi con hãy ngủ đi

À ơi, cái ngủ đang về cùng con.

(Lời ru trên mặt đất)

Những cảm xúc vui buồn, những tình cảm gắn bó thân thương được nói đến thật nhiều trong thơ Xuân Quỳnh. Từ lối thơ lục bát nhẹ nhàng như lời ru êm dịu trong Lời ru trên mặt đất hay (bài thơ này là thơ 5 chữ không phải lục bát) đến lối thơ 5 chữ trong Lòng hay Thuyền và biển, nó đều thu hút và làm hấp dẫn với người đọc. Thế nhưng, điều làm nên sức sống lâu bền, giá trị trong thơ Xuân Quỳnh lại ở giá trị tư tưởng, ý thơ, xúc cảm trong thơ. Đó là niềm thương cảm của người em gái với chị ở phương xa trong Tháng ba viết cho chị, là lòng biết ơn với người mẹ chồng tần tảo trong Mẹ của anh, là giây phút hồi hộp, hạnh phúc của người phụ nữ khi bắt đầu làm mẹ, là trạng thái muôn màu của tình yêu nam nữ. Mọi cung bậc cảm xúc đều xuất hiện trong thơ của Xuân Quỳnh, cái “đức hạnh” trong thơ thi sĩ chính là phẩm chất quý giá của một người phụ nữ khát khao bộc lộ, giãi bày tất cả. Nồng nàn, tha thiết, đắm say mà vẫn dịu dàng nữ tính, Xuân Quỳnh đã mang cuộc sống đời thường giản dị vào trong thơ một cách tự nhiên nhưng vô cùng sâu sắc. Đó là lòng ham sống, khát khao được sống hết mình, sống trọn vẹn.

Ngược thời gian về với những trang thơ trong phong trào Thơ mới, ta không quên một tiếng thơ “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” Xuân Diệu. Là người chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá phương Tây, Xuân Diệu đã đem vào làng thơ Việt Nam bấy giờ một hình thức, giọng điệu mới mẻ, với những cách thể hiện hình ảnh “rất Tây”.

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.

Hay:

Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực

Hãy trộn vào nhau đôi mái tóc ngắn dài

Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt.

Thời gian đã trôi qua, Xuân Diệu với các tác phẩm của mình đã chứng tỏ được sức sống lâu bền trong bạn đọc. Điều gì đã làm nên giá trị của thơ ca Xuân Diệu, nếu không phải là tư tưởng, ý nghĩa sâu xa trong từng tác phẩm. Điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt ấy nếu không phải là một niềm khát khao sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc đến vồ vập, mạnh mẽ. Có thể nói, đúng như câu nói của Xuân Quỳnh, điều làm nên sức sống của tác phẩm văn học chính là ở “đức hạnh,” ở phẩm chất, ở giá trị tư tưởng mà người viết muốn gửi gắm.

“Văn tức là người” (Bujjon) và một bài thơ cũng như người con gái, “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Không phủ nhận ý nghĩa của hình thức đối với thơ ca, nhấn mạnh yếu tố nội dung có vai trò quyết định đối với sức sống của tác phẩm, câu nói của Xuân Quỳnh cũng là bài học có giá trị trong quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật.

 

Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan