Gửi đến các em, phần phân tích khổ thơ thứ 1 trong bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh🌊

Ngày 07/04/2020 22:20:18, lượt xem: 3267

🌿[Chuyên mục: Mỗi ngày 1 tác phẩm]
Gửi đến các em, phần phân tích khổ thơ thứ 1 trong bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh🌊🌊

Bài viết được trích từ Bộ Sổ Tay văn học của chị <3
🥰 Hy vọng các em có thể yêu Văn hơn một chút, đỗ vào trường Đại học mình mơ ước
---------
Đã có biết bao nhiêu thi nhân lựa chọn hình ảnh sóng làm hình tượng chính trong những tác phẩm của mình, bởi một lẽ đây là hình tượng động, cũng giống như: “Tình yêu muôn thủa/ Có bao giờ đứng yên.” Nếu như ông hoàng thơ tình Việt Nam – Xuân Diệu lựa chọn hình ảnh sóng để biểu hiện cho tình yêu của anh dành cho em, một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, muốn ôm trọn em vào lòng, muốn hôn lấy em,… thì Xuân Quỳnh, lại lựa chọn hình tượng này, viết về sóng để gửi gắm tình yêu của trái tim người phụ nữ. Với những khao khát trong tình yêu, với những cung bậc cảm xúc nhiều khi biến động, hai hình tượng “sóng và em” khi song hành, khi tách biệt, khi hòa nhập để em soi mình vào trong sóng nhìn ra những tình cảm của riêng mình. Xuân Quỳnh đã bắt đầu thi phẩm này một cách vô cùng tinh tế:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Tôi đã nhìn thấy những con sóng ngoài đại dương rồi! Tôi cũng đã từng tìm về biển với những mong mỏi được trải lòng và tôi cũng hiểu tại sao, khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn trùng con sóng vỗ bạc đầu, người nghệ sĩ lại có trong mình nhiều rung cảm đến vậy, để cho tới tận bây giờ, biển vẫn hát khúc ca của đại dương, và chúng tôi, độc giả của những năm tháng này, vẫn ru hoài giấc mơ qua những thi phẩm khởi nguồn từ con sóng.
Trong khổ thơ đầu tiên, nghệ thuật đối đã được sử dụng một cách rất tinh tế. Các cặp từ đối lập: “Dữ dội – dịu êm”, “Ồn ào – lặng lẽ” là biểu hiện rõ ràng nhất cho những trạng thái đối cực của con sóng ngoài đại dương. Khi đại dương hiền hòa, những con sóng thật nhẹ nhàng, êm dịu, khi có bão đi ngang biển động sóng mạnh mang theo bao bão tố, phong ba. Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên, nhưng cũng có những ngày bão tố. Ta cũng có thể hiểu 2 câu thơ này theo một trường nghĩa khác, với trạng thái đối cực của trái tim người phụ nữ khi yêu, một người phụ nữ khao khát tình yêu. Khi vui, khi buồn, khi giận hờn, khi trách móc, khi hạnh phúc, khi tổn thương,… những cung bậc cảm xúc của tình yêu quả thật rất diệu kỳ bởi một lẽ:
“Vì tình yêu muôn thủa
Có bao giờ đứng yên”
Chuyển đến hai câu thơ tiếp theo, ta nhìn thấy sự mới lạ trong tứ thơ của Xuân Quỳnh:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp, hình ảnh của dòng sông, của con sóng và của “bể”, ở đây có thể hiểu là biển, là đại dương. Trăm suối đổ về một sông, trăm sông đổ về biển lớn, sóng không chấp nhận giới hạn nhỏ bé tầm thường, sóng chuyển mình ra biển lớn, tìm về đại dương, tìm đến nơi thuộc về. Ở hai câu thơ này, mạch sóng như bứt phá ra khỏi một không gian chật hẹp để tìm đến những điều lớn lao. Cũng giống như trái tim tình yêu của những người phụ nữ, vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường, để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Có thể thấy rằng, đây cũng chính là một trong những nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là góc nhìn, một quan niệm mới mẻ về người phụ nữ hiện đại, dám đấu tranh vì tình yêu, vượt qua những thứ lễ giáo phong kiến để đến với hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Ở khổ thơ đầu của mình, Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi gửi gắm tới bạn đọc một thông điệp mới mẻ trong thời đại lúc bấy giờ: “Người phụ nữ chủ động tìm đến với tình yêu để được sống với chính mình”.
-------------------
Cre: Sổ tay Văn học
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn🍀
#KHOAHOCCAPTOC2020

Tin liên quan