PHÂN TÍCH 8 CÂU ĐẦU TÁC PHẨM VIỆT BẮC

Ngày 11/03/2020 10:18:15, lượt xem: 6401

Việt Bắc

[Việt Bắc - Tình ca kháng chiến]🇻🇳🇻🇳
💦Phân tích 8 câu thơ đầu :

🌿*4 câu thơ đầu
Trong cuộc sống này, có khoảnh khắc nào lưu luyến bằng khoảnh khắc chia xa sau khoảng thời gian 15 năm vẹn nghĩa, nồng tình. Dẫu biết rằng xa tới đâu chỉ cần giữ trong tâm chính mình là đủ, nhưng lại không thể nào ngăn nổi sự hụt hẫng, bâng khuâng. Tố Hữu viết “Việt Bắc” thật tinh tế khi chọn những câu chữ để đặt vào vẫn thơ, gửi trọn bao nỗi niềm tâm sự:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
Câu thơ của Tố Hữu phảng phất chất liệu ca dao – chất liệu dân tộc kết hợp với lối xưng hô “mình – ta” đầy ý nhị. Tiếng lòng của người ở lại đã được gói ghém và thể hiện một cách trọn vẹn ở 2 câu thơ này. Câu hỏi tu từ được nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt, rất phù hợp để thể hiện những nỗi niềm sâu kín của người ở lại:
“Mình về mình có nhớ ta”
Câu thơ được thể hiện dưới hình thức là một câu hỏi tu từ và có cấu trúc phần lớn là vần bằng. Thêm vào đó, từ kết thúc được lựa chọn là từ “ta” mang âm “a”, đây là một âm có sức lan tỏa bởi đó là một âm tiết mở, tạo nên sự ngân vang và dư ba cho câu thơ. Để tình thương mến thương giữa người với người lan tỏa khắp nơi đây, không gian này, trong khoảnh khắc lưu luyến ấy. Câu hỏi khơi dậy kỷ niệm, sợi dây nghĩa tình giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi. Câu hỏi bỏ ngỏ liệu rằng người đi rồi, về với thủ đô sao vào nắng Ba Đình rồi, có còn nhớ tới tình nghĩa 15 năm qua không? Giọng khởi đầu đã là giọng yêu thương trìu mến, vương vấn bao nỗi niềm, lưu luyến. Điểm rơi thấp nhất của câu thơ là tiếng “về” gợi cảm giác về khoảng trống, về sự hụt hẫng trong lòng người ở lại. Câu hỏi hướng về khoảng thời gian 15 năm.
Mười năm năm, vốn chỉ là khoảng thời gian vô tri trong tâm thức của mỗi người, thế nhưng với người đi kẻ ở, đó lại là khoảng thời gian chứa đựng biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, biết bao nhiêu gian khổ hy sinh, biết bao nhiêu ân nặng, nghĩa tình của đôi bờ miền xuôi, miền ngược. Nhà thơ đã rất tình tế khi chọn cách thêm vào sau mốc thời gian từ “ấy” để cá nhân hóa, trữ tình hóa, cảm xúc hóa khoảng thời gian này. Theo tâm lý bình thường, người ở lại vẫn thường rất nhạy cảm với những cuộc chia xa, người đi thường háo hức vì được đến khám phá những điều mới lạ ở chân trời mới. Chính vì thế, cảm xúc bao trùm trong 2 câu thơ này là cảm giác hụt hẫng, nhớ mong. Biết bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng được gói trọn trong 2 từ “thiết tha, mặn nồng”. Tôi cứ phân vẫn mãi, bởi 2 từ này thường chỉ dùng khi nói về tình yêu lứa đôi, thế nhưng ở đây lại được Tố Hữu sử dụng để đưa vào giây phút chia ly giữa đồng bào miền ngược và cán bộ miền xuôi.
Chưa cần người ra đi hồi đáp, ngừoi ở lại lại muốn tiếp tục được hỏi người ra đi về nỗi nhớ, niềm thương:
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
Vẫn là dạng câu hỏi tu từ, đây là lời tâm tình của người ở lại hỏi người ra đi. Câu thơ như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, gửi đến cán bộ cách mạng với mong mỏi, khi về Hà Nội rồi, liệu rằng có còn nhớ đến nơi đây hay không.
Nỗi nhiềm được nhắc nhở bộc bạch qua 2 từ: “núi”, “sông”. Từ “núi” biểu thị cho nỗi nhớ thiên nhiên, từ “sông” nhắc tới cội nguồn. Vừa là cội nguồn của cách mạng, thế nhưng đó cũng là cội nguồn của nghĩa tình.

🌿* 4 câu sau: Tiếng lòng của người ra đi
Người ở lại cùng với những khoảng trống và những nỗi trông mong chỉ dám gửi vào vô định cùng những câu hỏi bỏ ngỏ, người ra đi chẳng trả lời thế nhưng lại bộc bạch tấm lòng tri ân và đồng vọng của mình một cách thật tinh tế:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”
Đại từ phiếm chỉ “ai” đã vang lên một cách thảng thốt, bồi hồi. Ta có cảm giác như người ra đi đang chìm đắm, đang miên man trong những dòng xúc cảm, những hoài niệm, những kỷ niệm về Việt Bắc rồi bất ngờ sực tỉnh, chợt nhận ra hiện thực phũ phàng khi vài phút giây đây thôi, ta sẽ phải chia xa nhau chưa biết đến bao giừo gặp lại. Trước những biến thiên của cuộc đời, con người ta luôn mang trong mình những trạng thái tâm lý phức tạp, bất ngờ. Vừa náo nức, vừa hạnh phúc ngập tràn khi kháng chiến thành công, muốn về với thủ đô thân yêu để đoàn tụ với bạn bè, gia đình thế nhưng cũng lại chẳng muốn bước đi vì nơi đây – mảnh đất này – những con người kia 15 năm qua đã cùng ta cố gắng, cùng ta chiến đấu, yêu thương và che chở cho ta.
Trước câu hỏi của những người ở lại, người ra đi không trực tiếp trả lời nhưng lại tự khẳng định lòng mình với mối thâm tình với vùng đất, con người Việt Bắc:
“Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”
Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng 2 tính từ “bâng khuâng” và “bồn chồn” để diễn tả của người đi. Thêm vào đó, còn cấu trúc thơ kết hợp với biện pháp đảo ngữ đã giúp cho nhà thơ thể hiện, nhấn mạnh vào trạng thái cảm xúc của người ra đi. Trong giây phút luyến lưu này, người ra đi đang trong tâm thế nửa muốn đi, nửa lại chẳng muốn rời, nửa không muốn xa nửa lại phải đành xa. Trong tâm tưởng của người ra đi, cảnh chia ly diễn ra vô cùng cảm động.
Tố Hữu tái hiện qua 2 câu thơ tiếp theo:
“Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” gợi cho người đọc biết bao liên tưởng và suy ngẫm. Đó là hình ảnh biểu trưng cho người dân Việt Bắc – màu áo chàm của những con người bền bỉ, màu áo chàm là màu của tình nghĩa vẹn nguyên – màu áo chàm màu đơn sơ, mộc mạc, ân tình, giản dị lẫn với rừng xanh. Đó là một trong nhữngg chi tiết nổi bật thể hiện cho hình ảnh của những người ở lại – đồng bào Việt Bắc. Giờ chia ly không muốn cũng đã tới, trong khoảnh khắc ấy, dường như tất cả mọi thứ đều ngưng lại và chẳng có thứ ngôn từ nào có thể diễn tả hết mọi cảm xúc bây giờ. Mọi điều trở nên vô nghĩa, chỉ có cái nắm tay xóa nhòa tất cả: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nghĩa tình mặn nông son sắt bây giờ được trao cho nhau qua hơi ấm đôi tay. Người đi kẻ ở chẳng thể nói gì, chỉ có sự nghẹn ngào và hụt hẫng đang chiếm lĩnh không gian.
Quả thực, trong khoảnh khắc tất cả mọi thứ lùi xa chỉ còn nghĩa tình ở lại, cái nắm tay là hình ảnh vô giá có sức mạnh to lớn gìn giữ trọn vẹn những phút giây. Tôi lại chợt nhớ tới những vần thơ quen thuộc của nhà thơ Lưu Quang Vũ:
“Phút chia tay ta chỉ nắm tay mình
Lời chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.”

Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học văn chị Hiên

Tin liên quan