Đề bài: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong tác phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng qua đoạn thơ sau:“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc /Quân xanh màu lá dữ oai hùm...

Ngày 11/10/2020 15:16:05, lượt xem: 12938

Đề bài: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong tác phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng qua đoạn thơ sau:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bài thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Từ đó làm rõ chất thơ “hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa” của nhà thơ Quang Dũng

-----Hướng dẫn làm bài-----

1. MB:

- Dẫn dắt, có thể đi từ đề tài:

+ Đề tài kháng chiến, người lính,…

+ Tác giả

+ Nhận định về tác giả, tác phẩm

+ Một số lí luận văn học

- Dẫn dắt đi vào vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong tác phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng qua đoạn thơ sau:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Từ đó làm rõ chất thơ “hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa” của nhà thơ Quang Dũng

VD: Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao. Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến” còn vấn vương trong trái tim bạn đọc biết bao thế hệ để đưa họ gần hơn với người lính, gần hơn với những năm tháng đau thương mà oai hùng của dân tộc. Nổi bật trong đó là hình tượng những anh lính bộ đội cụ Hồ sống có lí tưởng sẵn sàng lấy máu mình để tô thắm lá cờ cho Tổ quốc, đồng thời đó cũng tràn đầy tâm hồn lãng mạn hào hoa qua đoạn thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Từ đó ta thấy được chất thơ “hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa” của nhà thơ Quang Dũng.

2.TB:

a) Luận điểm 1: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Quang Dũng ghi dấu ấn của mình với hình ảnh của một nhà thơ rất mực đa tài, đa tình. Bên cạnh làm thơ, ông còn mang trong mình những tài năng khác như viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc… Thế nhưng xét về mọi phương diện, điều mà người nghệ sĩ này đem đến gần nhất với độc giả đó là những thi phẩm mang dấu ấn. Thơ ông lúc nào cũng lột tả được một chất riêng, đó là một hồn thơ hồn lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa và hồn hậu. Đặc biệt là khi viết về đề tài người lính Tây Tiến.

“Tây Tiến” là thi phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của Quang Dũng được ông viết vào năm 1948 khi đang tham gia Đại hội thi đua ở làng Phù Lưu Chanh. Vào năm 1947 khi gia nhập binh đoàn Tây Tiến và giữ chức vụ đại đội trưởng. Sau đó không lâu, ông điều chuyển sang đơn vị khác. Bao nỗi niềm thương nhớ về binh đoàn Tây Tiến năm xưa cứ ùa về trong tâm trí, thúc giục ông chắp bút viết lên thi phẩm “Tây Tiến”.

b) Luận điểm 2: Giới thiệu khái quát về người lính Tây Tiến:

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào va miền Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào).

- Về xuất thân, các chiến sĩ Tây Tiền phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Mặc dù hoàn cảnh chiến đấu rất gian khổ, thiếu thốn về vật chất, thuốc men với căn bệnh sốt rét hoành hành dữ dội nhưng những người lính Tây Tiến vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Có thể nói những người lính Thủ đô đã đi vào cuộc kháng chiến mang theo vẹn nguyên cái mộng mơ, lãng mạn, hào hoa của người con đất Hà Thành.

c) Luận điểm 3: Phân tích bức tượng đài về người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng:

- Hai câu thơ đầu: Bức chân dung hiện thực đầy bi tráng của người lính qua nét gân guốc, lạ hóa trong ngoại hình:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

+ Câu 1: Hai chữ “đoàn binh” gợi ân vang khỏe khoắn, khẳng định một lực lượng đông đảo, hừng hực khí thế.

+ Đó là hình ảnh của 1 đoàn binh: không mọc tóc, da xanh xao => Ốm yếu, tiều tụy, trông kỳ dị.

+ Nguyên nhân:

• Do cuộc sống núi rừng Tây Bắc thiếu thốn, quân ta ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, họ buộc phải cạo trọc đầu để thành đoàn vệ trọc đảm bảo cho cuộc chiến đánh giáp lá cà.

• Hay có thể là do những cơn sốt rét rừng cực kì nguy hiểm ở nơi núi non rừng thiêng nước độc khiến họ suy nhược cơ thể tóc cứ rụng dần, làn da xanh ngắt

+ Liên hệ: “Đồng chí” của Chính Hữu:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

=> Nhà thơ đã lấy chính cái hiện thực để biến thành niềm kiêu hãnh cho mình, đó là cái tên khác của “đoàn binh không mọc tóc” như Phạm Tiến Duật gọi đoàn xe không kính của mình.

+ Câu 2: “Màu xanh” là màu xanh của lá ngụy trang hay chính là màu da của các anh do quá vất vả và phải chịu đựng căn bệnh làm da nhợt nhạt như Tố Hữu đã từng viết:

“ Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa”

+ Ba chữ “Dữ oai hùm” tạo nên âm hưởng mạnh mẽ cho câu thơ khiến người đọc cảm nhận được sức mạnh tinh thần, khí thế oai hùng khiến cho kẻ địch khiếp sợ của đoàn binh => Hình ảnh người lính Tây Tiến trong tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất trời Tây Bắc, đạp đổ mọi gian khổ, khó khăn để tiến về phía trước.

=> Đây là hai câu thơ tả thực một cách trần trụi hình ảnh những người chiến sĩ Tây Tiến ngày đó nơi rừng thiêng nước độc, chết trận thì ít nhưng chết vì bệnh lại nhiều. Vậy nhưng sự thật dù có tàn nhẫn như nào đưa vào trong thơ Quang Dũng vẫn rất đỗi hào hùng.

- Hai câu tiếp: Sức mạnh nội tâm là tâm hồn, khí phách của những người lính Tây Tiến. Dù cuộc sống có vất vả thiếu thốn nhưng không vì thế mà từ bỏ lý tưởng “mộng chinh phu, mộng giai nhân”:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

2 câu thơ nhốt trọn 2 thế giới, 2 giấc mộng của người lính Tây Tiến:

+ Ban ngày: gửi ánh mắt trừng đầy căm thù tới kẻ địch. Hình ảnh “mắt trừng” là ánh mắt mở to, đầy dữ dằn hướng về phía trước, ánh lên sự quyết tâm, khát vọng chiến đấu giành chiến thắng. => Một hình ảnh ước lệ làm tôn lên khí thế oai phong lẫm liệt, kiêu hùng của đoàn binh như trong bài thơ “Bài ca chim Chơrao” của Thu Bồn từng viết:

“Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ

Bay đừng hòng khuất phục đời ta

Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy

Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa”.

+ Ban đêm: buông bỏ một vài gánh nặng để nhớ về Hà Nội, nhớ những con phố, góc nhỏ thân quen, nhớ về hình bóng giai nhân của mảnh đất Hà Thành. => Những giấc mộng tưởng như đơn giản nhưng lại chính là động lực để họ vững tin chiến đấu trong những tháng ngày gian khổ.

+ Hai câu thơ này trước kia từng có một thời bị phê phán là thiếu chân thực nhưng thực ra viết như Quang Dũng mới phản ánh chính xác tâm hồn người lính xuất thân từ tầng lớp tri thức. Tình yêu tổ quốc và tình yêu gia đình luôn luôn bổ sung hòa quyện nâng đỡ tâm hồn họ. Viết về nỗi nhớ này Chính Hữu cũng từng có câu:

“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Hay trong thơ Nguyễn Đình Thi:

“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

=> Có lẽ đa phần người lính Tây Tiến đều là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, tuổi đời còn rất trẻ nên hành trang mang theo khi ra chiến trường không chỉ có súng đạn mà còn là một thế giới tâm hồn đầy mộng mơ.

- Bốn câu thơ cuối: Vẻ đẹp hào hùng bi tráng không chỉ trong tư thế lên đường mà còn trong sự hy sinh cao cả. Ở đây Quang Dũng một lần nữa đã không hề né tránh cuộc sống khắc nghiệt của cuộc chiến và cũng không hề né tránh cả sự hy sinh:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

+ Câu 1: không gian - nơi biên cương, hình ảnh những ngôi mộ nằm rải rác gợi ra sự hoang vắng, lạnh lẽo. => Cả một đoàn quân đang đi trên đường dài thỉnh thoảng sẽ có một người ở lại, họ ra đi không một tiếng khóc than, không một lời từ biệt. Những nấm mồ ấy nằm rải rác không một nén nhanh, không một vòng hoa, cũng không có giọt nước mắt tiễn đưa của người thân.

+ Câu thơ như đưa người đọc vào cõi tê tái, nghẹn lòng như trong bài thơ “Chinh phụ ngâm” của “Đặng Trần Côn”:

“ Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”

+ Sử dụng những từ ngữ Hán Việt - “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ” để tăng tính trang trọng cho câu thơ, gợi không khí cổ kính, biến những nấm mồ hoang lạnh nơi rừng sâu thành những ngôi mộ trang nghiêm nơi vĩnh hằng.

+ Câu 2: “chiến trường” là nơi bom đạn khốc liệt, là cái chết cận kề; “đời xanh” – hoán dụ - là tuổi trẻ là khát vọng là tương lai => Cuộc đời chỉ sống duy nhất một lần ấy vậy àm họ ra đi không hề tiếc nuối => Quang Dũng đã thay đồng đội của mình tuyên ngôn đầy ngạo nghễ khẳng định lí tưởng sống “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”

+ Liên hệ: Câu thơ thể hiện sự lạc quan mang tinh thần thời đại tràn đầy chất lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”

Hay: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Dù có gian nguy nhưng lòng không đề

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui”

(Đoàn vệ quốc quân – Phan Huỳnh Điểu)

+ Câu 3: Hình ảnh “áo bào thay chiếu” -> Bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hy sinh của người lính; “anh về đất” -> Nói giảm nói tránh để giảm nhẹ mức độ đau thương khi nói về sự hy sinh của những người lính => Làm cho câu thơ bi mà không lụy.

• “Áo bào” vốn là loại áo thường được vua chúa, những người quý tộc sử dụng. Đặt trong thơ Quang Dũng, thực tế khi những người lính ngã xuống thì không có một chiếc “áo bào” nào mà chỉ có những manh áo rách vai sờn màu vì sương vì gió “Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá” (Đồng chí – Chính Hữu). Đó chỉ là cách nói cường điệu hóa bằng cái nhìn đầy lãng mạn thể hiện thái độ trân trọng của tác giả.

• Nhà thơ khéo léo sử dụng cách nói giảm nói tránh thay vì “chết” hay “hy sinh” lại lựa chọn “anh về đất” => Điều ấy như vừa xoa dịu nỗi đau thương mất mát vừa ca ngợi sự hy sinh thầm lặng đầy cao cả của các anh bộ đội cụ Hồ. Anh về với đất mẹ nguyên sơ để quê hương bao bọc che chở, để tình yêu này vẫn mãi trường tồn với hồn thiêng sông núi.

+ Liên hệ: Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên

“Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”

+ Câu 4: “sông Mã” – con sông gắn với lịch sử đoàn binh, chứng kiến biết bao khó khăn gian khổ, cùng đồng hành với người lính trên chặng đường hành quân cũng như trong sinh hoạt cuộc sống => Khi các anh ngã xuống về cõi vĩnh hằng, sông Mã như con chiến mã trung thành gầm lên một tiếng kêu đầy đau đớn tiếc thương cho tướng sĩ của mình => Đây chính là biểu hiện cao độ của nỗi đau.

+ Tiếng gầm ấy là khúc tráng ca - khúc nhạc bi tráng, khúc nhạc thiêng tiễn đưa

anh linh của những người chiến sĩ về điểm dừng chân cuối cùng => Nó đã nâng cao cái chết của người lính lên tầm sử thi hoành tráng, cái chết của người trai thời loạn đầy hào sảng.

+ Liên hệ: “Bài thơ ấy” - Giang Nam

“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”

d) Luận điểm 4: Đánh giá về nghệ thuật: Giọng thơ trang trọng, dạt dào cảm xúc; với bút pháp tả thực, những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc kết hợp những hình ảnh bay bổng, lãng mạn… nhà thơ đã xây dựng một bức tượng đài người lính Tây Tiến rất đỗi oai hùng.

e) Luận điểm 5: Nhận xét về phong cách thơ Quang Dũng:

- Hồn hậu chân thực ở chỗ không né tránh hiện thực tàn khốc, đau thương của chiến tranh

- Lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa khi viết về hình ảnh người lính với sự trẻ trung, tinh thần lạc quan, bất khuất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc…

3. KB: Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận và có thể liên hệ mở rộng theo hướng đi từ một nhận định, cảm nghĩ của bản thân…

VD: Quê hương đất nước là kết tinh của bao gian lao, vất vả, bao mất mát hy sinh của những thế hệ đi trước, của những thế hệ như người lính “Tây Tiến”. Họ đã không tiếc tuổi xuân để quên mình vì Tổ quốc. Thật hào hùng, họ đã đi vào từng dòng thơ của Quang Dũng, làm thấm thía trong ta bao niềm xúc động và cũng thật sự tự hào. Thế hệ trẻ hôm nay mãi mãi lấy đó là một tấm gương để học tập và phấn đấu, để dựng xây và phát triển đất nước này luôn giàu đẹp và phồn vinh.

_______________________________

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn 🌻

Tin liên quan