Đăng Ký Học
Ngày 11/10/2020 14:25:34, lượt xem: 18543
Cảm nhận vẻ đẹp 5 đoạn đầu bài Sóng
----Bài làm----
Tôi vẫn còn nhớ như in có một bận, Xuân Diệu đã từng thủ thỉ trong tác phẩm của mình:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
Con người ta vẫn thường vì tình yêu mà si mê nhiều như thế! Người thường đã vậy, thi sĩ hẳn sẽ nhạy cảm hơn, đó cũng là lí do vì sao giữa muôn nẻo của thơ ca Việt Nam, những bài thơ viết về tình yêu, những nhà thơ viết về tình yêu vẫn thường được bạn đọc chú ý bằng cái nhìn đầy trìu mến. Và bài thơ “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng là một tác phẩm như thế. Đọc thi phẩm“Sóng” điều đọng lại trong lòng mỗi độc giả không chỉ là tình yêu thủy chung, khát vọng hóa thân của hình tượng “sóng” hay cũng chính là hình tượng “em” mà còn gây ấn tượng về những thông điệp mới mẻ trong tình yêu mà Xuân Quỳnh đem lại. Điều đó được thể hiện rất rõ trong năm khổ thơ đầu bài.
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ. Những dòng thơ của tác giả thể hiện trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, giàu đức hy sinh và lòng vị tha cùng khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm, lo âu. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng nhận định: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời ...” Và quả thực, những vần thơ của Xuân Quỳnh là vậy. Với chị, mỗi dòng thơ hệt như những dòng nhật kí bỏ ngỏ xuất phát từ trái tim về những khát khao, những cảm xúc, những suy nghĩ lo âu của người phụ nữ khi đứng trước bao lo toan, hạnh phúc đời thường. Để rồi cứ thế, “Sóng” của Xuân Quỳnh lặng lẽ đi vào lòng người như một “ nốt nhạc xanh giữa thời kì lửa cháy” với bao khát vọng về tình yêu và tuổi trẻ. Tác phẩm là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ của nữ sĩ, được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ được in trong tập ''Hoa dọc chiến hào''. Qua hình tượng sóng và trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hoà hợp giữa ''sóng'' và ''em'', bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thuỷ, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó, bạn đọc cảm nhận được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
Viết về đề tài tình yêu, đặc biệt khi lựa chọn hình tượng sóng làm hình tượng chính cho tác phẩm của mình, Xuân Quỳnh không phải là người nghệ sĩ đầu tiên nhưng lại là người nghệ sĩ vô cùng tinh tế, viết về sóng để gửi gắm tình yêu của trái tim người phụ nữ. Điều này được thể hiện rõ qua những vần thơ:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Tôi đã nhìn thấy những con sóng ngoài đại dương rồi! Tôi cũng đã từng tìm về biển với những mong mỏi được trải lòng và tôi cũng hiểu tại sao, khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn trùng con sóng vỗ bạc đầu, người nghệ sĩ lại có trong mình nhiều rung cảm đến vậy, để cho tới tận bây giờ, biển vẫn hát khúc ca của đại dương, và chúng tôi, độc giả của những năm tháng này, vẫn ru hoài giấc mơ qua những thi phẩm khởi nguồn từ con sóng. Trong khổ thơ này, nghệ thuật đối đã được sử dụng một cách rất tinh tế. Các cặp từ đối lập: “Dữ dội – dịu êm”, “Ồn ào – lặng lẽ” là biểu hiện rõ ràng nhất cho những trạng thái đối cực của con sóng ngoài đại dương. Khi đại dương hiền hòa, những con sóng thật nhẹ nhàng, êm dịu, khi có bão đi ngang biển động sóng mạnh mang theo bao bão tố, phong ba. Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên, nhưng cũng có những ngày bão tố. Ta cũng có thể hiểu hai câu thơ này theo một trường nghĩa khác, với trạng thái đối cực của trái tim người phụ nữ khi yêu, một người phụ nữ khao khát tình yêu. Khi vui, khi buồn, khi giận hờn, khi trách móc, khi hạnh phúc, khi tổn thương,… những cung bậc cảm xúc của tình yêu quả thật rất diệu kỳ bởi một lẽ:
“Vì tình yêu muôn thủa
Có bao giờ đứng yên”
Ý thơ chưa dừng lại ở đó, bởi nội tâm của người phụ nữ vốn dĩ sâu sắc hơn những gì ta tưởng tượng. Hai câu thơ này còn diễn tả sự yếu đuối tất yếu bên trong của người phụ nữ khi có những mạnh mẽ che phủ bên ngoài. Suy cho cùng, sau tất cả những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, những trái tim ấy vẫn thuộc về trọn vẹn tâm hồn phái yếu.
Chuyển đến hai câu thơ tiếp theo, ta nhìn thấy sự mới lạ trong tứ thơ của Xuân Quỳnh:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp, hình ảnh của dòng sông, của con sóng và của “bể”, ở đây có thể hiểu là biển, là đại dương. Trăm suối đổ về một sông, trăm sông đổ về biển lớn, sóng không chấp nhận giới hạn nhỏ bé tầm thường, sóng chuyển mình ra biển lớn, tìm về đại dương, tìm đến nơi thuộc về. Ở hai câu thơ này, mạch sóng như bứt phá ra khỏi một không gian chật hẹp để tìm đến những điều lớn lao. Cũng giống như trái tim tình yêu của những người phụ nữ, vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường, để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Có thể thấy rằng, đây cũng chính là một trong những nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là góc nhìn, một quan niệm mới mẻ về người phụ nữ hiện đại, dám đấu tranh vì tình yêu, vượt qua những thứ lễ giáo phong kiến để đến với hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Nếu như trong bài “Hương thầm” nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết:
“Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngượng ngùng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa”
Để rồi họ chia tay mà chẳng dám nói với nhau điều gì. Xuân Quỳnh thì không như vậy, chị luôn quan niệm không chỉ riêng con trai có thể chủ động trong tình yêu, mà người phụ nữ cũng vậy, phải chủ động tìm đến tình yêu để sống được là chính mình. Đây chính là thông điệp mới mẻ mà Xuân Quỳnh muốn gửi gắm đến bạn đọc qua khổ thơ này.
Hơn cả những gì anh nghĩ, dẫu đó thực chất là trái tim mềm yếu của em thì em vẫn muốn dùng sự mạnh mẽ của chính mình để hướng tới, để theo đuổi tình yêu duy nhất trong cuộc đời của mình. Những điều em muốn nói cùng anh là những điều không thể nào ngăn cách, bao mong mỏi, bao buồn vui đau khổ cuộc đời cũng không thể ngăn nổi trái tim mềm yếu hướng tới tình yêu. Bởi duy nhất chỉ có phương anh mới khiến trái tim em thổn thức. Thế nên Xuân Quỳnh mới viết:
“Tôi ghét bầu trời sau khung cửa bình yên
Con đường vắng người đi và hàng cây lộng gió
Tôi yêu dòng sông mùa nước lũ
Sông phá phách ngàn đời nhưng đỏ lặng phù sa”
Xuân Quỳnh viết “Sóng”, chị đang hát những khúc hát về tình yêu để đến bây giờ, biết bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi, những độc giả vẫn dành biết bao nhiêu tình yêu của mình cho một mảnh “tình thơ” đã cũ. Và tình yêu trong “Sóng” – mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của lứa đôi:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Thán từ “ôi” được sử dụng, bộc lộ mạnh mẽ những trạng thái cảm xúc đang trào lên trong lòng. Cặp từ đối “ngày xưa” – “ngày sau” khiến cho người đọc có biết bao nhiêu liên tưởng. Đó là thời gian chỉ quá khứ, quá khứ nối dài đến hiện tại, tương lai để nhắc nhở người trẻ chúng ta về thông điệp ý nghĩa. Trải qua hàng ngàn hàng vạn năm, từ khi đại dương xuất hiện, những con sóng cũng ra đời. Và dẫu cho thời gian mãi là một dòng tuyến tính không bao giờ quay trở lại thì sóng vẫn cứ mãi hát khúc ca của đại dương bất diệt, vẫn cứ là mình, vẫn “dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ”. Cũng giống như tình yêu, những khát khao về tình yêu luôn luôn là những hoài bão đang đập nhanh trong trái tim của những người trẻ. Câu chuyện tình yêu vốn dĩ không phải câu chuyện của riêng ai mà đó là câu chuyện của tôi, của bạn, của chúng ta, của quá khứ, hiện tại và muôn đời sau sẽ còn nhắc mãi, nhắc hoài. Còn đại dương là còn sóng, còn những trái tim đang đập trong lồng ngực là còn khát vọng tình yêu. Điều này thật giống với ý thơ trong “Bài thơ tuổi nhỏ” của ông hoàng thơ tình Việt Nam – Xuân Diệu:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào...”
Có những khoảnh khắc, bản thân mình rất muốn tìm một nơi nương náu cho những trầm tư của chính mình. Không phải vì bản thân yếu đuối mà chỉ bởi trái tim sau những lần cứng cỏi rất muốn có một khoảng dừng chân để suy nghĩ, chiêm nghiệm về tình yêu mình đã đi qua. Và “em” đã chọn cho mình một khoảng trầm tư bình yên như thế khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn ngàn con sóng vỗ bạc đầu.
“Giữa muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên”
Đến khổ thơ này, em tách mình khỏi sóng, để hạ lời thì thầm hai tiếng “em – anh”. Khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn ngàn những con sóng đang gối lên nhau chạy xa tít tắp tới đường chân trời, em nghĩ về anh, nghĩ về bản thân mình, em nghĩ về tình yêu của chúng ta. Cảm giác nhỏ bé trước khoảng không bao la vốn dĩ là cảm xúc bình thường có được. Thế nên:
“Đừng ví em là biển
Sâu thẳm và bao la
Thuyền nan em bé nhỏ
Không xa được bến bờ...”
Trước khoảng không vô tận và đối diện với trái tim, em tự đặt ra một câu hỏi cho lòng mình, để truy tìm căn nguyên của sóng nhưng cũng chính là lúc em muốn truy tìm căn nguyên của tình yêu.
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
Em đang trên chuyến hành trình truy tìm căn nguyên của tình yêu. Em không thẳng thẳn nói ngay vào điều đó, mà em muốn thông qua hình ảnh sóng để trải lòng mình. Theo khoa học, sóng sinh ra từ gió. Thơ Xuân Quỳnh vốn không thường viết về những điều khô khan như thế, tác giả bẻ ngay “cuống lái” về những nốt nhạc của trái tim. Vậy thì gió bắt đầu từ đâu? Em suy hoài, nghĩ mãi nhưng cuối cùng lại chẳng tìm được câu trả lời. Và rồi để bao biện cho sự thất bại trong cuộc truy tìm của mình, người con gái ấy buông nhẹ một cái lắc đầu đáng yêu: “Em cũng không biết nữa”. Và gửi lời tới “anh” một câu hỏi rất nhẹ nhàng: “Khi nào ta yêu nhau?”. Trái tim “em” luôn muốn tìm sự lý giải, cắt nghĩa tình yêu, truy tìm căn nguyên tình yêu của chính mình: “Chúng ta yêu nhau từ bao giờ, chúng ta yêu nhau vì điều gì...” Tất cả đều là những câu hỏi rất khó để trả lời, hoặc là sẽ chẳng thể nào tìm ra được một câu trả lời nào trọn vẹn cả. Xuân Quỳnh đã thất bại trong cuộc truy tìm, cắt nghĩa tình yêu nhưng lại ghi được ấn tượng sâu đậm trong lòng đọc giải từ cách lý giải đầy nữ tính. Lý giải về tình yêu vốn dĩ là một hành trình rất thú vị, gây được sự hấp dẫn với viết bao cây bút tài hoa, nếu như Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình Việt Nam từng lý giải tình yêu bằng một buổi chiều nắng cắt:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Thì Nguyễn Bính lại khiến lòng người rạo rực khi lý giải chữ yêu bằng cảm xúc “ghen tuông”:
“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả của riêng tôi!”
Nhìn nhận trong cách truy tìm căn nguyên, cắt nghĩa về tình yêu của những người nghệ sĩ mới thấy được, Xuân Quỳnh đã tự lý giải tình yêu cho bản thân mình một cách rất riêng, rất nữ tính, rất trực cảm. Em không biết tình yêu có từ đâu cả. Cũng chính vì sự không rõ ngọn ngành này mà đã biết bao nhiêu thế kỷ trôi qua rồi, con người vẫn cữ phân vân đi tìm câu trả lời cho tình yêu, say mê trong tình yêu, dành trái tim của mình để sẵn sàng đập nhanh hơn vì một người. Có một quy luật của tình yêu đó là chẳng có quy luật nào cả và em vẫn sẽ can đảm bên cạnh anh, yêu anh bằng tất cả đủ đầy những cảm xúc của riêng mình. Tình yêu vốn dĩ là một ẩn số giữa hai tâm hồn chứa đầy bí mật:
“Dù tin tưởng chung một đời một mộng
Anh là anh mà em vẫn là em
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật”
Và những tâm hồn bí mật ấy vẫn luôn khao khát được giao hòa cùng nhau, khám phá những điều mà cả cuộc đời cũng chẳng thể nào lý giải nổi. Bởi tình yêu là bài toán chẳng thể nào đưa ra được một đáp số đúng nhất, cũng chính vì thế mà nó luôn mới mẻ, luôn hấp dẫn, luôn là khởi nguồn cho rất nhiều những tác phẩm hay.
Tiếp tục với hành trình nghĩ suy và chiêm nghiệm, Xuân Quỳnh, với những dòng thơ trong “Sóng”, đã không thể nào bỏ qua một cung bậc cảm xúc tất yếu của tình yêu - nỗi nhớ. “Nỗi nhớ của con người thường gắn liền với một cái cớ nào đó. Hễ gặp duyên cớ kia là nhớ nhung, cứ thế mà thức dậy, mà da diết.” Cội nguồn của tình yêu bắt nguồn từ nỗi nhớ, “đặc tính” của tình yêu cũng gắn với nhớ nhung. Lấy cảm hứng thơ từ điều này nên Xuân Quỳnh viết:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Năm tháng trôi qua nhanh, để tình yêu ở lại. Tình yêu hiện hữu trong cuộc sống, ở mỗi con người và được bộc bạch qua trạng thái đầu tiên đó là nỗi nhớ. Tình yêu xưa nay luôn gắn liền với nỗi nhớ, một trái tim đang yêu là một trái tim đang nhớ, một trái tim ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim ngừng yêu bởi mấy ai yêu mà không một lần thương nhớ. Những câu thơ của Xuân Quỳnh đã chạm tới nơi sâu thẳm nhất của trái tim tình yêu mang theo một thông điệp thật tình tứ, mến thương: Sóng nhớ bờ và em nhớ anh.
Có một điều đặc biệt trong khổ thơ này đó là đến đây, biên độ của khổ thơ đã được mở rộng từ bốn câu lên sáu câu, phá vỡ những quy luật về độ dài của một khổ trong cả bài. Phải chăng, chỉ khi mở rộng biên độ khổ thơ mới có thể diễn tả cho thỏa, cho đạt sự ngút ngàn của nỗi nhớ. Một nỗi nhớ bao trùm không gian, choán luôn cả thời gian, khoảng cách. Việc phá vỡ biên độ của khổ thơ thêm một lần nữa chứng minh cho phong cách nghệ thuật đôi khi “bất tuần theo những quy luật nghề thơ” của Xuân Quỳnh. Quan trọng nhất trong những vần thơ của chị là được bày tỏ, được sẻ chia, được thấu hiểu. Bởi “Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ; sáng tạo và cách tân, tất tật là nhất thể. Cho nên, tìm những miền thi cảm khác lạ cho thơ, chế tác những hình thức tân kỳ cho thơ không phải thao thức của chị. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào mỗi thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điệu đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ. Thơ Xuân Quỳnh là tính linh Xuân Quỳnh. Trường hợp Xuân Quỳnh thật điển hình cho qui luật: Thơ là sự ký thác phận người vào chữ. Có lẽ vì thế mà, dù đời thơ Xuân Quỳnh đã dừng, sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn vỗ khôn nguôi.” (Chu Văn Sơn)
Trong khổ thơ này có sự xuất hiện của cả hai hình tượng “sóng” và “em” đan xen với nhau, bốn câu thơ trước em ẩn mình trong sóng bộc lộ những cảm xúc trong lòng mình, hai câu thơ sau em tách mình khỏi sóng, hạ lời thì thầm hai tiếng “em – anh”. Các cặp từ đối lập được sử dụng rất tinh tế ở đoạn thơ này: “lòng sâu – mặt nước” – cụm từ diễn tả về không gian; “ngày – đêm” – diễn tả về thời gian, một nỗi nhớ thường trực, choán hết cả không gian, thời gian tầm sâu bề rộng. Nỗi nhớ ấy không chỉ xuất hiện trong ý thức, trong tiềm thức mà còn xuất hiện cả trong vô thức, phá vỡ mọi giới hạn về thời gian và không gian:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Xuân Quỳnh tinh tế lắm khi sử dụng cụm từ “lòng em” – là nơi thẳm sâu nhất trong tâm hồn người nghệ sĩ. Khi chị nói “lòng em nhớ đến anh” có nghĩa là em đang dốc cả tâm can của mình để trao gửi nỗi nhớ thương ấy đến anh – tình yêu đích thực trong cuộc đời mình. Vị ngọt ngào, mê đắm của tình yêu lan tỏa trong một câu thơ thật lạ: “Cả trong mơ còn thức”. Cái thức trong mơ chính là biểu hiện cao nhất của nỗi nhớ, nỗi nhớ bây giờ không chỉ xuất hiện trong ý thức, tiềm thức mà còn xuất hiện cả trong vô thức. Cái thức trong mơ là một trong những nét nghệ thuật độc đáo ở khổ thơ này, đưa chúng ta đến những góc nhìn mới mẻ hơn về tình yêu, về nỗi nhớ. Một nỗi nhớ mãnh liệt và sâu sắc, nỗi nhớ ấy cũng đã từng xuất hiện ở một tác phẩm khác của nữ sĩ Xuân Quỳnh:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu mong nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”
Năm khổ thơ đầu khép lại đã thể hiện được nỗi băn khoăn, trăn trở của những con sóng hay cũng là người con gái khi yêu. Con gái khi yêu luôn có những trăn trở suy tư cần được giãi bày. Nhờ các biện pháp đảo ngữ, tương phản đối lập, thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết, sự sáng tạo, phá vỡ khuôn khổ của khổ thơ truyền thống. Ngôn ngữ thơ bình dị, thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ, các điệp từ; cặp hình tượng sóng đôi "sóng - em" , đoạn thơ đã thể hiện rõ tư tưởng và suy tư khi yêu của em, cũng như của Xuân Quỳnh. “Sóng” chính là nỗi lòng của em và em là hiện thân của sóng. Sóng và em đồng hiện tạo nên chiều sâu nhận thức độc đáo. Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.
Nhận định về bài thơ “Sóng", GS Trần Đình Sử có viết: “Sóng” là một bài thơ về tình yêu. Có hàng trăm dáng vẻ của thơ tình yêu. Thơ tỏ tình, thơ mong nhớ, thơ hoài niệm, thơ đau khổ vì thất tình... “Sóng” là bài thơ giãi bày và chiêm nghiệm...” Quả thực là như vậy. Từ cấu tứ bài thơ, cách gieo vần, nhịp, sử dụng hình ảnh và đôi khi còn bất tuân theo cả những quy luật của nghề thơ, chỉ với năm khổ thơ đầu nhưng Xuân Quỳnh đã đưa người đọc từ cung bậc này tới cung bậc khác trong tình yêu, để người đọc thêm một lần chìm đắm và suy ngẫm về tình yêu của chính mình. “Sóng” đã tự nhiên, trở thành tiếng hát, tiếng lòng của biết bao nhiêu người trẻ khát sống, khát yêu, hệt như Xuân Quỳnh.
Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn
Tin liên quan