Đăng Ký Học
Ngày 05/12/2020 22:33:36, lượt xem: 5637
SOẠN BÀI: BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
VĂN MẪU: BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
MỞ BÀI: BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
Văn hào vĩ đại người Nga Maxin Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Để làm nên thành công của một tác phẩm cần phải kể đến nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến chi tiết nghệ thuật. Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất, quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm. Hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu sâu thêm về những chi tiết trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" các em nhé!
Sau những tháng ngày chiến dịch chở vũ khí, lương thực... chi viện cho tiền phương, vượt qua hàng nghìn hàng vạn cầy sô trong mưa bom bão đạn, tiểu đội xe không kính “đã về đây...”. Một cái bắt tay thắm tình bè bạn, tình đồng chí:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.
Cũng là cái nắm tay, cái bắt tay của người lính, nhưng mỗi thời một khác. Anh vệ quốc quân trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp:
“Miệng cười buốt giá
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
Anh giải phóng quân trên đường chiến dịch, gặp bè bạn đồng đội “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Tình thương yêu đồng chí đồng đội là bản chất, là sức mạnh của người lính không hề thay đổi. Từ cái “nắm lấy bàn tay” đến cái “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” là một quá trình trưởng thành và hiện đại của quân đội ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc và đất nước. Nhịp thơ như lắng lại, những người chiến sĩ nói về đồng đội cũng như đang nói về mình, họ gặp nhau từ chỗ bom rơi, nghĩa là từ chỗ ác liệt của cuộc chiến, cũng từ nơi này họ đồng cảm chia sẻ và trở thành bạn bè, họ chào nhau bằng những cử chỉ hết sức thân mật "Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.", đó là niềm vui, lời động viên và chúc mừng nhau khi vượt qua khó khăn, là niềm tự hào sau mỗi lần chiến thắng.
Xe dừng lại trong chốc lát để một bữa cơm của gia đình người lính diễn ra trong cánh rừng, giữa trời xanh.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đây
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
Bếp Hoàng Cầm là loại bếp dã chiến, khi nấu khói lan trên mặt đất nên kẻ thù không thể phát hiện ra được. Hình ảnh “dựng giữa trời” như một sự thách thức đầy trí tuệ. Thế nên, ngày xưa, quân ta mới có câu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để quân địch không phát hiện ra. Những người lính lái xe Trường Sơn không chỉ chịu đựng và vượt qua được mọi gian khổ, từ thiếu thốn vật chất, xa gia đình đến những trận đòn tra tấn của địch mà còn rất thông minh, sáng tạo. Họ luôn cố gắng tìm đủ mọi cách để sáng chế ra nhiều thứ hữu ích sao cho có thể sinh tồn và đủ sức lực quyết chiến với kẻ thù. Trong chiến tranh giặc Mỹ đã dùng đủ mọi phương tiện hiện đại để tiêu diệt sự sống của bộ đội. Có thể chỉ từ một đám lửa nhỏ, một vệt khói cũng đủ để giặc oanh kích dữ dội. Nhưng chiếc bếp Hoàng Cầm vẫn dựng lên hiên ngang giữa trời. Đó là sự hiên ngang, kiêu hãnh về trí tuệ của bộ đội ta với bọn giặc xâm lược. Vẫn nét bút tinh nghịch, tươi trẻ, hồn nhiên, những người lính cùng chung bát đũa để thắt thêm tình đồng chí gắn bó khăng khít. Họ nghỉ ngơi trong chốc lát trên chiếc võng mắc chông chênh. Từ láy “chông chênh” gợi hình gợi cả tính cách trẻ trung, ngang tàng của người lính. Hình ảnh bếp Hoàng cầm giữa trời và cánh võng tròng trành mắc vội trên đường không hiểu sao cũng gợi mở về nếp sống rất phóng khoáng, một tâm thế rất vững vàng. Trên con đường mòn Hồ Chí Minh đầy bom đạn, dưới bầu trời Trường Sơn không ngớt bóng máy bay, sao con người ta có thể an bình, thanh thản đến thế? Phải chăng đó là nhờ có sức mạnh của lòng dũng cảm? Chính nó chứ không phải lí do nào khác đã giải thoát con người ta khỏi những nỗi sợ hãi để mà tận hưởng niềm vui, vẻ đẹp của cuộc đời. Thật khó khăn, gian khổ nhưng những người lính nghĩ về nó thật cảm động: “nghĩa là gia đình đấy”. Một khái niệm mới, dù xa nhà đi vào cuộc chiến đấu tử sinh, nhưng người lính vẫn ấm áp mái ấm gia đình, đó là tình đồng đội. Giọng điệu thơ dung dị, thanh thản mà mạnh mẽ như tính cách ngang tàng, ngạo nghễ bất chấp hiểm nguy của chiến tranh. Ngồi bên nhau trong phút chốc, họ lại tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của quê hương, của miền Nam thân yêu:
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
Thơ Phạm Tiến Duật không lôi cuốn người đọc bằng những hình ảnh lãng mạn hay ngôn ngữ mượt mà, trau chuốt, âm điệu du dương… Ngược lại, người đọc thích thơ anh bởi sự sống động, tự nhiên, gân guốc, táo bạo và độc đáo. Có thể coi Bài thơ về tiểu đội xe không kính tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ – chiến sĩ này. Thông qua bài thơ, Phạm Tiến Duật ca ngợi tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm, niềm vui trẻ trung, sôi nổi cùng quyết tâm chiến đấu vì miền Nam ruột thịt của các chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Bài thơ khắc họa thành công một hình tượng độc đáo: những chiếc xe ôtô vận tải không có kính chắn gió mà vẫn băng băng trên đường ra trận. Bên trong cái vỏ ngoài xấu xí, xây xát của những chiếc xe không kính ấy là một bề dày thành tích chiến đấu và quý giá nhất là có mội trái tim sáng ngời tinh thần yêu nước của những người lính trẻ.Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền đưa vào thơ thì đều được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hóa” và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Người đọc đã bắt gặp chiếc xe tam mã trong thơ Puskin, con tàu trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận. Ở bài thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả cụ thể, chi tiết rất thực. Lẽ thường, để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, cho hàng hoá nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn thì xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà chuyện “xe không kính” lại là môt thực tế, là hình ảnh thường gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.
Những tài liệu trên đây của Học văn chị Hiên hy vọng sẽ giúp các em có thêm những hay hơn để viết vào bài làm của mình. Theo dõi thêm những bài học, kiến thức bổ ích tại: Fanpage Học văn chị Hiên hoặc Youtube Học văn chị Hiên
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
Tin liên quan