Đăng Ký Học
Ngày 04/12/2020 09:33:11, lượt xem: 25455
SOẠN BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
MỞ BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
VĂN MẪU: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
Từ một câu chuyện có thật trong dân gian, kể về nỗi oan khuất của một người thiếu phụ. Nguyễn Dữ đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tác phẩm Truyền kì mạn lục để phản ánh bất công xã hội, ca ngợi vẻ đẹp của người người phụ trong xã hội phong kiến thông qua Vũ Nương - người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, tư dung đẹp, tính tình hiền dịu nết na nhưng lại có cuộc đời đầy bi kịch. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, Học văn chị Hiên sẽ cùng các em tìm hiểu sâu hơn tác phẩm này nhé!
- Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16.
- Là con của một gia đình có truyền thống Nho học. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Lớn lên, ông làm quan một năm rồi trở về ở ẩn viết sách nuôi mẹ già.
- Ông là một trong những tác giả văn xuôi kì tài của nền VHTĐ Việt Nam. Là một người có bút lực già dặn, sự thông minh, tài hoa đặc biệt ông có một tầm tư tưởng lớn...điều đó khiến cho các tác phẩm của ông có giá trị cho đến tận bây giờ.
- Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, thuộc thể loại tản văn, xen lẫn biền ngẫu và thơ ca. Truyền kỳ mạn lục gồm hai mươi truyện, tất cả đều thể hiện một thái độ chính trị và triết lý nhân sinh ở cuối mỗi phần trừ Chương mười chín: Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa.
- Truyền kỳ mạn lục có nghĩa là ghi chép tản mạn những chuyện lạ lưu truyền trong dân gian, Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công nhiều nhân vật kết hợp với nhiều bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có chung tiếng nói và phản ánh một phần bản chất của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
- Truyền kỳ mạn lục được lấy cốt truyện từ truyện dân gian và thần tích nhưng kết cấu của tác phẩm không hề trùng lặp mà có phần phức tạp và phong phú hơn. - Trong Truyền kỳ mạn lục, có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, đả kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật…
- Là truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của Truyền kì mạn lục có nguồn gốc từ tích truyện “Vợ chàng Trương”
- Tác phẩm thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồng thời ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của họ.
Chuyện kể về Vũ Thị Thiết - người con gái quê ở Nam Xương, tính tình nết na thuỳ mị, tư dung tốt đẹp.
- Lấy chồng là Trương Sinh chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính, nàng ở nhà phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi con nhỏ.
- Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ.
- Để dỗ con, nàng thường chỉ bóng mình trên tường và bảo đó là cha.
- Khi Trương Sinh về thì con đã biết nói. Đứa bé ngây thơ kể với Trương Sinh về người đêm đêm vẫn đến nhà.
- Trương Sinh sẵn có tính ghen, mắng nhiếc và đuổi vợ đi.
- Không tự mình giải được oan, phẫn uất, Vũ Thị Thiết đã ra bến Hoàng Giang tự vẫn.
- Một đêm, bé Đản chỉ lên bóng và nói với Trương Sinh đó là người đêm đêm thường đến.
- Giờ đây chàng mới hiểu ra nỗi oan của vợ thì đã muộn.
- Vũ Nương được Linh Phi cứu đưa về động rùa. Ở đây nàng gặp Phan Lang, người cùng làng
- Khi Phan Lang được trở về nhân gian, nàng đã gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình.
- Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương.
- Vũ Nương hiện lên giữa dòng cảm ơn Trương Sinh rồi biến mất.
=> Vũ Nương mang đầy đủ vẻ đẹp về nhân cách, phẩm hạnh của người phụ nữ phong kiến.
=> Chàng Trương mến vì dung hạnh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ.
- Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, nàng luôn giữ gìn khuôn phép nên dù chồng có tính đa nghi, “đối với vợ hay phòng ngừa quá sức” nhưng gia đình “chưa từng phải đến thất hòa”.
=> Qua đó thấy được Vũ Nương là người vợ tốt, có cách cư xử khéo léo, biết giữ đạo làm vợ.
- Khi tiễn chồng đi lính, nàng rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa đằm thắm, nàng chẳng dám mong vinh hiển mà chỉ cầu cho chồng “khi về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Vũ Nương cảm thông cho những nỗi gian nan, vất vả mà chồng phải chịu đựng nơi sa trường: “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng.” Xúc động nhất chính là những lời tâm tình về nỗi nhớ nhung trông chờ khắc khoải của Vũ Nương khi xa chồng. Từng nhịp, từng nhịp văn biền ngẫu như nhịp điệu của trái tim người vợ trẻ khao khát yêu thương, luôn thổn thức lo âu hướng về nơi người chồng. Tấm lòng của Vũ Nương khiến ai ai cũng phải xúc động.
- Khi xa chồng, Vũ Nương càng chứng tỏ những phẩm chất đáng quý. Nàng một lòng một dạ thủy chung chờ chồng, nỗi buồn tủi, nhớ thương chồng vò võ, kéo dài qua năm tháng, “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được.”
- Khi bị nghi oan, Vũ Nương tìm mọi cách để xóa bỏ ngờ vực trong lòng Trương Sinh, mọi lời nói của của nàng đều một lòng muốn khẳng định tấm lòng và phẩm hạnh chân chính của mình.
- Trong vai trò một người con dâu, nàng tận tình chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau già yếu, nàng lo lắng chạy chữa thuốc thang, thành tâm lễ bái thần phật, dịu dàng lấy lời ngọt ngào khuyên lơn.
- Lời trăn trối cuối cùng của bà mẹ đã đánh giá cao công lao của Vũ Nương đối với gia đình: “sau này trời xét lòng lành”, “sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng giống như con đã chẳng phụ mẹ”. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong xã hội xong kiến vốn phức tạp nhưng với một người con dâu thảo hiền như Vũ Nương, người mẹ Trương Sinh không thể không yêu mến.
- Khi mẹ chồng mất, nàng đã lo ma chay lễ tế như đối với cha mẹ mình.
Tiểu kết: Vũ Nương là người phụ nữ nết na, hiền thục, đảm đang, tháo vát, thờ kính mẹ chồng, rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Nàng là người phụ nữ hoàn hảo, lí tưởng của mọi gia đình, là khuôn vàng, thước ngọc của người phụ nữ. Nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
- Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương:
+ Trực tiếp: do lời nói ngây thơ của bé Đản, lại thêm bản tính hay ghen, độc đoán, bảo thủ, hồ đồ của Trương Sinh
+ Gián tiếp: do lễ giáo phong kiến hà khắc, nam quyền, người phụ nữ không có quyền tự bảo vệ mình; do cuộc hôn nhân bất bình đẳng; do chiến tranh phong kiến đã gây nên cảnh sinh lí tử biệt.
- Vũ Nương thanh minh trong bất lực:
+ Ở lời nói thứ nhất: Vũ Nương nói đến thân phận của mình, khẳng định sự chung thủy, nàng cố gắng cứu vãn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.
+ Ở lời nói thứ 2: Vũ Nương bày tỏ nỗi thất vọng khi bị đối xử tàn nhẫn, tình cảm thủy chung, những ngày tháng đằng đẵng chờ chồng đều bị phủ nhận một cách phũ phàng.
+ Ở lời nói thứ ba, khi đã ở bước đường cùng: Vũ Nương thất vọng đến tột cùng, đau đớn ê chề, cuộc hôn nhân không còn cách nào hàn gắn nổi. Nàng chỉ còn cách than vãn với trời đất, mượn dòng nước Hoàng Giang để rửa sạch oan uổng.
- Cuối cùng, nàng đã gieo mình xuống sông như một lựa chọn duy nhất để thanh minh cho mình. Hành động ấy, lựa chọn ấy là hoàn toàn phù hợp với tính cách của nàng và hoàn cảnh xã hội gò ép người phụ nữ lúc bấy giờ. Vũ Nương không còn lối thoát, hành động trẫm mình là hành động quyết liệt, chất chứa nỗi đắng cay nhưng có sự chỉ đạo của lí trí. Tác giả bày tỏ niềm cảm thương đối với tình cảnh ấy của Vũ Nương, xót thương cho thân phận không thể tự cứu mình khỏi vòng oan nghiệt.
- Khi mọi chuyện vỡ lẽ, Vũ Nương không còn bị chồng ngờ vực, ghét bỏ, nàng đã được giải oan.
- Yếu tố kì ảo không đủ để khỏa lấp những mất mát mà còn khiến cảnh ngộ bi đát của nhân vật được tô đậm, ám ảnh hơn. Kết thúc có hậu chỉ có trong thế giới ảo và cuộc trở về của Vũ Nương cũng chỉ là ảo ảnh, lúc ẩn lúc hiện. Nàng trở về để biết mình đã bị chia cắt vĩnh viễn với gia đình, với hạnh phúc nhân sinh. Lời tạ từ đau xót của Vũ Nương: “đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” cho thấy ý thức của nhân vật về bi kịch của mình, cũng càng làm cho nỗi ân hận của Trương Sinh càng thêm day dứt.
Tiểu kết: Bi kịch của Vũ Nương là lời tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến, đồng thời bày tỏ nỗi thương cảm của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.
● Trương Sinh được giới thiệu là con nhà khá giả (hào phú) nhưng thất học:
- Điều kiện sống vốn sung túc nhưng Trương lại là người lười biếng học tập, không có khát vọng công danh, sớm đã không màn đến việc đèn sách.
- Chính vì không học hành đến nơi nên chàng đã bị gọi đi lính vào hạng đầu.
- Vì mến dung hạnh của Vũ Nương, Trương Sinh đã xin mẹ đem trăm lượng vàng cưới nàng về làm vợ. Nhưng đối với vợ, Trương Sinh lại “phòng ngừa quá mức”. Dù Vũ Nương hết sức giữ gìn khuôn phép, vợ chồng chưa bao giờ thất hòa nhưng lại luôn thấy tù túng trong một gia đình thiếu lòng tin tưởng. Có ngờ đâu chính sự đa nghi của Trương Sinh lại gây ra mối tai họa lớn.
- Chỉ vì nghe một câu nói của đứa trẻ thơ mà lòng nghi ngờ, ghen tuông của chàng trỗi dậy lấn át cả tình thương khiến chàng mù quáng. Trương Sinh đã dùng những lời nói thô bạo thậm chí đánh đập vợ mình để thỏa nỗi hoài nghi bấy lâu mặc cho vợ có biện minh bộc bạch.
- Khi Vũ Nương van nài muốn hiểu rõ nguồn cơn sự việc, chàng đã không nói. Bởi Trương Sinh tin tưởng chắc chắn vào điều mình nghĩ là sự thật và sợ nói ra Vũ Nương sẽ thoái thác, phủ lấp sự việc.
- Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận nhưng cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. Sau đó cũng không cất công tìm thêm nữa mặc thân xác nàng nổi trôi phương trời, linh hồn làm ma làm quỷ chốn nhân gian, đời đời kiếp kiếp không được siêu thoát. Dẫu Vũ Nương cớ bội tình thì đó cũng là vợ chàng, người có công phụng dưỡng mẹ chàng lúc chàng đi lính. Thế nhưng Trương Sinh đã không mảy may tưởng đến. Chàng ân đoạn nghĩa tuyệt với nàng, xem nàng là một nỗi ô nhục lớn, một thất bại trong cuộc đời mình.
- Cho đến hôm khi ôm con trong nỗi cô đơn quạnh quẽ, cũng từ câu nói ngây thơ của con trẻ, Trương Sinh hiểu ra mối oan tình của vợ, nhưng việc đã trót qua rồi, Trương Sinh cũng lẳng lặng quên đi. Tuy có chút ân hận nhưng sĩ diện quá khiến chàng mặc nhiên để chuyện đó qua đi.
=> Với Trương Sinh, chàng đang tự cho mình quyền lăng mạ, sỉ nhục và định đoạt quyền sống của người khác. Điều đó cho thấy chàng là người gia trưởng, hèn hạ và vô tình bạc nghĩa.
=> Sự vô tình bạc nghĩa của Trương Sinh phản ánh bộ mặt của xã hội phong kiến nam giới chuyên quyền, trọng nam khinh nữ. Ở đó người phụ nữ hoàn toàn không có tiếng nói trong gia đình, bị tước đoạt quyền sống,....
- Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công, nam quyền, chà đạp lên số phận người phụ nữ
- Phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận người phụ nữ chịu nhiều oan khuất và bế tắc
- Phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho cuộc sống của người dân càng rơi vào bế tắc
- Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật Vũ Nương.
- Thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo.
- Nghệ thuật dựng truyện hợp lí theo cách thắt nút, mở nút.
- Xây dựng nhân vật qua lời nói, hành động với nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn mang đậm nét nội tâm.
- Sử dụng sáng tạo yếu tố kì ảo, câu chuyện vừa thực, vừa hư, kết truyện vừa có hậu, vừa bi kịch.
- Kết hợp khéo léo giữa tự sự và trữ tình
1. “Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện ngắn đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện thể hiện được sự phối hợp hài hòa giữa chất hiện thực (câu chuyện được lưu truyền trong dân gian) với những nét nghệ thuật đặc trưng của thể loại truyền kì (yếu tố kì lạ hoang đường).”
2. “Cái bóng đã quyết định số phận con người.” ( Giáo sư Phan Trọng Luận)
3. “Chiếc lá trên tường đã cứu sống Giôn- xi nhưng chiếc bóng trên tường đã giết chết Vũ Nương” (Giảng Văn THCS)
4. “Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy đến nàng.”
(Lê Thánh Tông)
5. Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là “áng văn hay của bậc đại gia” (Phan Huy Chú)
6. “Truyền kì mạn lục tuy có vẻ ngoài là những chuyện kì lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời.”
(Giáo sư Đinh Gia Khánh)
7. “Nguyễn Dữ đã đi xa hơn một bước trong Truyền kì mạn lục: phản ánh số phận con người, chủ yếu là số phận mang tính chất bi kịch của người phụ nữ.”
(Giáo sư Nguyễn Đăng Na)
8. “Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở, tối tàn.” (Nhà phê bình Đồng Thị Sáo)
Ngày xưa, ở làng Nam Xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ, nhưng vợ chàng thường giữ gìn khuôn phép nên không có chuyện gì xảy ra.
Vợ chồng hương đượm lửa nồng chưa được bao lâu thì bỗng nghe tin chốn biên thùy có giặc, chồng vâng lệnh quan phải từ giã mẹ và vợ đi lính thú. Bấy giờ vợ đang có thai. Buổi chia tay thật là bịn rịn, mẹ chúc cho con chân cứng đá mềm, chồng khuyên vợ cố gắng phụng dưỡng mẹ già và nuôi con khôn lớn.
Sau khi chồng trẩy được mươi ngày thì Vũ Thị Thiết sinh được một đứa con trai, đặt tên là thằng Đản. Thằng bé sởn sơ mạnh khỏe, còn bà nội của nó vì nhớ con sinh ra đau ốm. Vợ chàng Trương hết lòng mời thầy chạy thuốc, nhưng bệnh của mẹ chồng mỗi ngày một nặng, chẳng bao lâu thì mất. Nhờ có bà con xóm giềng, mọi việc tống táng đều lo liệu chu toàn.
Đã mấy thu qua không thấy chồng về, một mẹ một con mòn mỏi trông đợi. Hàng ngày chăm lo đồng áng, tối lại nàng mới có thì giờ chăm sóc cho con. Có những hôm phải chong đèn khâu vá dọn dẹp và nô đùa với con. Những lúc con khóc nàng thường chỉ vào bóng của mình trên vách mà bảo:
- Nín đi con! Kìa, kìa bố đã về. Đấy! Đấy!
Đứa bé nhìn vào bóng, nín bặt. Cứ như thế lâu dần thành thói quen. Thằng Đản thường đòi gặp bố trước khi đi ngủ. Cái bóng đen đen trên tường từ đấy đối với cả mẹ lẫn con như một người thân thích.
Rồi chiến tranh kết thúc, cõi biên thùy lại yên lặng, những người đi lính thú lại được trả về quê quán. Trương sinh cũng ở trong số đó. Sau bao năm tháng ly biệt, hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chàng đau lòng vì mất người mẹ thân yêu nhưng lại vui sướng vì có đứa con. Thằng bé Đản bây giờ lên ba tuổi, đã biết nói bập bẹ. Tuy nó để cho bố nó bế nhưng nó vẫn tỏ ra xa lạ. Qua mấy ngày hôm sau, Trương sinh hỏi mộ mẹ rồi bế con đi thăm. Ra đến đồng, thằng bé Đản quấy khóc nhè, Trương sinh dỗ dành:
- Con nín đi đừng khóc, bố yêu. Rồi bố mua quà cho mà ăn.
Thằng bé đáp ngay:
- Không, ông không phải là bố Đản... Bố Đản khác kia... Chỉ đến tối bố Đản mới đến nhà thôi.
Nghe nói, Trương sinh thấy nhói ở tim. Chàng nhìn vào con hỏi dồn: - Thế thì bố của Đản như thế nào? Con nói đi!
- Tối nào bố Đản cũng đến... Mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi... Chẳng bao giờ bố bế Đản cả…
Mấy lời nói vô tình của đứa bé làm cho Trương sinh tin là vợ mình ngoại tình, không còn ngờ gì nữa. Nghĩ đến người vợ xinh đẹp trong tay kẻ khác, cơn ghen tự nhiên bừng bừng bốc lên. Chàng lẩm bẩm: "Thật là quá rõ. Không ngờ trong khi mình gian lao thế ấy, thì nó ở nhà lại như thế kia". Về đến nhà Trương sinh mắng nhiếc vợ tàn tệ:
- Tao không ngờ mày là đồ thất tiết. Mẹ chết, chồng đi vắng, tối tối rước trai về nhà. Chàng mắng dữ dội nhưng không bảo là tự miệng con nói ra. Vợ chàng một mực chối cãi:
- Cách biệt ba năm, thiếp vẫn một lòng một dạ, đâu có hư thân mất nết như lời chàng nói. Xin chàng đừng ngờ oan cho thiếp.
Vợ càng phân trần thì cơn giận của chồng càng không thể dằn xuống được nữa. Chồng bắt đầu dùng lối vũ phu để tra khảo vợ. Hàng xóm láng giềng nghe tin vợ chồng lục đục đổ tới can ngăn, nhưng chẳng ăn thua gì. Chồng cho là vợ khéo mồm khéo mép nên được lòng mọi người che lấp tội lỗi. Trong cơn phẫn uất, người thiếu phụ ôm lấy con khóc nức nở, rồi nhân lúc chồng sang nhà hàng xóm, chạy một mạch ra bến Hoàng Giang đâm đầu xuống nước. Khi Trương sinh về thấy mất hút vợ, biết có sự chẳng lành. Nghe nói vợ đã tự trầm thì rất hối hận, vội chạy ra sông. Nhưng dòng nước chảy xiết, mò đến tối ngày cũng không tìm thấy xác.
Tối lại, thằng bé khóc. Trương sinh thắp đèn dỗ cho con nín. Chợt thằng bé kêu lên:
- ồ, bố Đản đã đến kia kìa!
- Đâu con?
Nó trỏ vào bóng chàng trên vách mà nói: "Đấy! Đấy!"
Nhớ lại lời con nói khi đi thăm mộ, Trương sinh mới hiểu ra nông nỗi. Chàng nhận ra nỗi oan tày trời của vợ chỉ vì lòng ghen tuông nóng nảy của mình. Nhưng đã muộn mất rồi, còn làm gì được nữa. Chàng chỉ còn biết ngày ngày ẵm con nhìn xuống dòng sông mà khóc. Từ đó chàng ở vậy nuôi con không lấy vợ khác. Về sau người ta dựng ở bến Hoàng Giang một cái miếu thờ nàng Vũ Thị Thiết, quen gọi là miếu Vợ chàng Trương.
Hy vọng qua kiến thức trên đây, các em sẽ hiểu hơn về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để làm tốt những bài nghị luận văn học về tác phẩm này. Để học thêm nhiều kiến thức mới bổ ích theo dõi Fanpage: Học văn chị Hiên. hoặc Youtube: Học văn chị Hiên ngay nhé!
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt
Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn
Tin liên quan