Chứng minh nhận định qua tác phẩm "Vợ Nhặt" - "muối" trong tác phẩm

Ngày 14/06/2022 17:48:11, lượt xem: 4362

Đề bài:
“Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần”. (Nguyễn Huy Thiệp). Chứng minh qua tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.

 


Bài làm

Kim Lân có lần tâm sự về đời mình như thế này: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng bị coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bạn bè, với làng xóm tôi chọn cách viết”. Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh còn làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết”. Ý tưởng về nghiệp viết như thôi thúc Kim Lân thoát ra những bức bách để được bằng người cũng như để vượt lên mặc cảm bị khinh thường của thiên hạ. Vậy là, chàng thanh niên xông vào nơi “trường văn, trận bút”, nơi có thể danh giá đấy nếu có tài nhưng thực chất là “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Kim Lân viết giản dị mà sâu sắc. Cái lối “cày chữ” ấy như thấm đượm trong từng trang viết về “Vợ nhặt”. Để rồi bạn đọc thả hồn ngụp lặn trong những “luống cày” sâu nặng và càng thấm thía hơn câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần”.
Còn nhớ sinh thời, Nguyên Hồng từng “phán” như “truyền thần” về cốt cách của Kim Lân: Nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Nói như vậy là nêu lên nét thuần phác và nhân hậu như đức tính căn cốt của Kim Lân và cũng là cái hồn quê tinh hoa của con người xuất thân từ đồng ruộng vốn là đất thi thư Kinh Bắc. Truyện ngắn “Vợ nhặt” chính là trái ngọt đầu mùa sau vụ thâm canh trên mảnh đất viết về nông thôn và người nông dân lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương được in trong tập “Con chó xấu xí”. Tiền thân của truyện ngắn “Vợ nhặt” là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông đã dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.

Trong “Nhật kí Nguyễn Văn Thạc” có đoạn: Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời”. Hiểu được điều ấy, Kim Lân đã mang theo tất cả những lấm lem bùn đất, những cay đắng cuộc đời vào “trường văn, trận bút” để rắc muối trên từng trang viết. Muối ấy xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Bởi chẳng ai đau xót và thống khổ hơn người cha đẻ đang từng giây, từng phút bị dày vò, đau đớn trong cơn then nghén. Muối ẩn dụ cho tất cả những gì đau đớn ở đời, có thể là đói nghèo, vất vả nhọc nhằn, bất công. Những đau đớn ấy có thể xát lòng bạn đọc cũng bởi lẽ:
“Mình là ta đấy, thôi ta vẫn gửi cho mình,
Sâu thẳm mình ư lại là ta đấy,
Ta gửi tro mình nhen thành lửa cháy,
Gửi viên đá con, mình lại dựng lên thành”
(Chế Lan Viên)

 

ĐỌC THÊM Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” - Kim Lân


Mang trong mình một quan niệm sáng tác cấp tiến như Kim Lân từng tâm sự: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Dẫu là thế, Kim Lân cũng chẳng thể né tránh sự thực thảm khốc của nạn đói năm Ất Dậu, không ngại xát muối lòng mình, rồi quằn quại đau đớn mà viết: “người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Rồi đến người sống “chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Hay nói ngắn gọi như cách của Văn Cao trong bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” thì:
“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..”
Cũng viết về nạn đói ấy, mỗi lần nhắc lại Tô Hoài vẫn bàng hoàng, kinh hãi đến nỗi chữ nghĩa run rẩy như thổi bay được. Để rồi một Hà Nội trong những năm tháng khốn khó ấy được nhà văn khắc họa một cách chân thực đến rùng mình: “Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào… Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua”. Đau đớn hơn khi phải chứng kiến những đứa trẻ sống trong cảnh ấy chẳng khác nào một thứ hàng: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”. Kim Lân, Văn Cao hay Tô Hoài cũng thế, họ đều phải chịu sự dày vò trước những “muối ở đời”. Để rồi khi tiếp nhận tác phẩm, chúng ta chẳng thể nào thôi bàng hoàng, kinh hãi ám ảnh và một nỗi đau dai dẳng chưa được chữa lành.
Còn nhớ Nguyễn Minh Châu trong lần phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ từng giãi bày: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Dường như Kim Lân biết trước điều ấy thế nên mỗi nhân vật của ông đều mang một phận người riêng, một nỗi đau riêng song có lẽ sâu xa của tất cả những nỗi riêng tây kín khuất ấy là từ đói nghèo. Cái đói và miếng ăn miếng ăn khiến thị đánh mất tất cả sự dịu dàng kín đáo thùy mị của người phụ nữ. Ngay từ lúc xuất hiện đầu tiên, thị đã nhảy xổ vào Tràng với tất cả vẻ “cong cớn”, “ton ton” và ỡm ờ “liếc mắt, cười tít” với gã trai xa lạ. Kim Lân khiến ta hình dung cụ thể hoá cảnh “trai tứ chiếng, gái giang hồ gặp nhau”. Lần thứ hai, thị xuất hiện với bộ dạng thật thê thảm và cung cách thật khó ưa. Cái đói ghi dấu trên “áo quần rách tả tơi như tổ đỉa”, dáng vóc “gầy sọp đi” và “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Đáng sợ hơn, nó không chỉ biến đổi nhân dạng mà còn lấy mất của thị lòng tự trọng, tính sĩ diện cần thiết ở một con người. Nó làm cho thị trong lời nói “sưng sỉa, cong cớn” qua lời nói “đon đả” chẳng còn một tư cách người nào. Tràng thành chiếc phao cứu sinh để thị được ăn. Bởi ăn là sống, không ăn là chết. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đã không cho thị quyền chọn lựa. Thị trở thành hiện thân của con người bản năng. Còn gì chua chát hơn sau lúc “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”, lại sẵn sàng theo không kẻ cho ăn về làm vợ, chi tiết ấy khiến người đọc thương thay cho chị. Nhân phẩm đã mất, dường như thị đã biến thành nô lệ của miếng ăn, dường như lúc này với thị được sống là quan trọng nhất. Phải đến khi xuất hiện trong xóm ngụ cư, thị mới hiện lên với đầy đủ tâm trạng, mặc cảm về thân phận vợ nhặt của mình. Số phận của thị đã ngoặt sang ngã rẽ mới sau tiếng tặc lưỡi: “Chặc, kệ” của Tràng. Nhưng cuộc sống tương lai quá mơ hồ với thị. Trái ngược với Tràng, thị bước đi trong dáng “Đầu hơi cúi xuống”, “rón rén, e thẹn”, “chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Bởi thị sợ những ánh mắt tò mò sẽ phơi ra sự thật phũ phàng về thân phận của mình. Đến lúc chỉ còn hai người với nhau, thị cũng không giấu nổi ánh nhìn “tư lự”. Ám ảnh thân phận thực sự rõ nét khi thị đã ở trong nhà Tràng, khi đứng trước một hiện thực đáng thất vọng. Kim Lân đã đặc tả vào thái độ của thị như gợi tả bao suy tư sâu sắc về kiếp người trong những ngày đói quay quắt. Cái nghèo gặp cái eo, báo cho họ biết những ngày túng đói đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của họ. Nếu vấn đề của Tràng quẩn quanh trong mong ước tạo nên hạnh phúc bền lâu thì vấn đề của thị lúc này là vượt lên nạn đói. Không có bất cứ một tín hiệu nào bảo đảm cả hai người sẽ vượt qua thử thách của chính mình. Sự chờ đợi thật nặng nề, căng thẳng. Thị đã dễ dàng đến với Tràng thì thị cũng dễ dàng bỏ đi. Nhà văn đã kéo dài khoảnh khắc ấy để giúp người đọc hình dung, giả định những khả năng sẽ xảy đến cho nhân vật, để có những suy ngẫm cảm thông, ngậm ngùi cho thân phận con người trong hoàn cảnh trớ trêu. Bà cụ Tứ trở về nhà như bổ sung thêm vào bức tranh ảm đạm của cuộc sống nghèo khổ, đói kém. Vẻ lam lũ in hình trên dáng đi “lòng khòng”, “vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán”. Trong những lo toan của người mẹ, hẳn sẽ không có dự tính nào cho hạnh phúc của con trai trong thời điểm cùng cực đói khổ này. Bởi vậy thái độ của Tràng làm bà ngạc nhiên một thì sự xuất hiện của người đàn bà lạ làm bà ngạc nhiên mười. Sự thực như một ảo ảnh đến nỗi bà không thể hiểu nổi. Dầu đã có lời chào nhưng lại làm bà rối bời “băn khoăn”. Vì hơn ai hết bà hiểu cảnh nhà, hiểu hoàn cảnh con mình không mong có được vợ trong cả lúc ấm êm, no đủ chứ chưa cần nói đến tao đoạn trần ai này. Nhà văn đã dồn bút lực mô tả phút chờ đợi căng thẳng của đôi vợ chồng mới làm bạn với nhau để người mẹ định đoạt duyên kiếp. Thời gian như kéo dài thêm cùng tâm lý đợi chờ. Lại càng dài hơn khi bà cụ “cúi đầu nín lặng” sau khi hiểu ra cớ sự. Những trang viết xúc động nhất của tác phẩm có lẽ gắn trọn với tâm trạng mừng lo lẫn lộn của bà cụ Tứ. Tấm lòng của một người mẹ thật bao dung và cũng thật đắng cay xa xót. Người đọc có thể nhìn thấy bóng dáng bao bà mẹ thương con đứt ruột trong nỗi lòng bà cụ Tứ. Những xung đột bi kịch được đẩy lên cao trào nhưng cũng được hoá giải phần nào bởi tình thương của người mẹ. Nước mắt mẹ đã lặng lẽ rơi xuống trong mặc cảm thân phận, trong nỗi đau không lo nổi hạnh phúc cho con mình. “Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Không khí im lặng u uất bao trùm lên ngôi nhà, tâm tư bà cụ cũng ngập tràn ám ảnh đầy bóng tối: cái đói, cái chết, cái nợ đèo bòng chất thêm gánh nặng. Định mệnh như cười cợt với hạnh phúc, nụ cười của thần chết. Nhưng không thể thắng được một niềm tin của những người chưa tắt hy vọng về tương lai. Nó là cái tâm lý quen thuộc của những người nghèo khổ, thường tự an ủi mình: “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi lên cây”. Tiếng nói đòi quyền sống mãnh liệt ấy đã thôi thúc làm nên quyết định rất “nhẹ nhàng” trong lời nói của bà cụ Tứ “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. Hạnh phúc đã vượt qua lực cản đầu tiên. Nhưng cuộc sống thực không hề nhẹ nhàng, vẫn bộn bề chồng chất nỗi lo. Bản thân bà cụ cũng nén chịu vào lòng nỗi đau của riêng mình, đặt vào miệng những lời an ủi nàng dâu mới nhưng “bóng tối trùm lấy hai con mắt bà lão”. Trong khoảnh khắc, quá khứ tủi cực dồn về cùng suy nghĩ cho tương lai dâu con. Điều cảm động là tình thương ấy đã xoá nhoà khoảng cách “mẹ chồng nàng dâu” nhưng cách cư xử của bà cụ Tứ vẫn còn là sự chịu đựng, chấp nhận hoàn cảnh, chưa phải là sức mạnh để vượt lên hoàn cảnh. Mỗi một lời thân mật với “nàng dâu mới” chứa đựng bao nỗi niềm u uất để rồi “bà cụ không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Bóng tối vẫn mênh mông. Kim Lân đã để vào chính lúc ấy, Tràng “đánh diêm đốt đèn”. Chính nhà văn đã nói về ngọn đèn xua tan bóng tối này: “Ngọn đèn là niềm yêu thương, cảm thông lẫn nhau để cùng vượt lên trên số phận buồn thương của họ”. Đó là ánh sáng của hy vọng, của quyết tâm tạo dựng cuộc sống mới. Một lần nữa, Kim Lân lại để cho đôi vợ chồng mới còn lại riêng với nhau, trong “ánh đèn vàng đục ở góc nhà toả ra ấm áp và kéo dài hai cái bóng trên vách”. Nhưng lần này, không chỉ có tiếng thầm thì trò chuyện mà còn cả “tiếng hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”. Hạnh phúc mới phải đối mặt với thực tại cuộc sống những ngày tới của lứa đôi và đêm tân hôn ấm áp tình người đã chống chọi với “tiếng hờ khóc tỉ tê nghe càng rõ”. Dường như hạnh phúc đòi hỏi con người phải sát lại bên nhau để vượt qua buồn thương số phận, cái đói và cái chết.
Nhưng hình ảnh “bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại” đã cho ta biết tất cả mới chỉ bắt đầu. Cuộc sống mới của gia đình Tràng diễn ra trên nền hiện thực còn nguyên mối đe dọa. Lùm rau chuối thái rối, đĩa muối ăn với cháo, câu chuyện giữa mẹ, con, dâu toàn niềm vui. Không khí “đầm ấm hoà hợp” bỗng ngừng lại khi miếng ăn hết nhẵn. Khoảnh khắc ấy khiến người đọc có thể chạnh lòng nhớ không khí truyện “Nửa đêm” của Nam Cao. Cũng vui vẻ đầm ấm ban đầu, sau hạnh phúc vỡ tan, để lại cay đắng, cùng cực cho một bà lão suốt đời “tu nhân tích đức”. Liệu bà cụ Tứ, Tràng, thị có lâm vào nghịch cảnh đầy bi kịch như vậy không? Kim Lân đã để các nhân vật chống chọi hoàn cảnh ấy mỗi người một cách, tranh đấu quyết liệt với cái đói chết người để bảo vệ quyền sống, hạnh phúc họ vừa có được. Người đọc sẽ lặng đi khi nhìn vào miếng ăn của họ - “chè khoán” của bà cụ Tứ. Người mẹ tội nghiệp ấy đã làm mọi việc có thể để cứu vãn tình thế, ngay cả khi nói rõ là cám vẫn cố đánh lừa cảm giác bằng tiếng cười rặn ra và lời khen “ngon đáo để”. Người vợ nhặt đã nhận ra sự thực, dẫu “hai mắt thị tối lại” nhưng vẫn “điềm nhiên và vào miệng”. Thị thật đáng thương vì cuộc đời chị cũng sẽ không còn lối thoát nào khác. Tình người thật đáng quý để chị chấp nhận hoàn cảnh ăn miếng ăn của loài vật này. Chỉ có Tràng cảm nhận rõ nhất vị cám “đắng chát và nghẹn bứ”. Dường như khoảnh khắc ấy đã bùng lên sức mạnh phản kháng trong anh. Nhưng bị bủa vây trong vòng cùng quẫn, những con người ấy đã bắt đầu “tránh nhìn mặt nhau”, “một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”. Sức mạnh tố cáo tội ác hủy diệt sự sống của kẻ thù Pháp, Nhật trong câu văn thật thấm thía trong phút câm lặng đột ngột này. Nhưng có thể nhận ra lúc ý thức rõ nhất về hoàn cảnh cuộc sống bên ngoài tác động, họ tránh nhìn nhau không phải vì sợ hãi, cũng không phải chuẩn bị cho ánh mắt nhìn nhau đầy thù hận mà tủi hờn chất chứa trong lòng sẽ giúp họ cùng nhìn về một hướng giải thoát khỏi cuộc sống lầm than, hướng đến sự sống, tương lai sẽ khác hơn, một cuộc sống no đủ và bớt nhọc nhằn hơn.
Kim Lân chứng kiến tất cả những điều ấy rồi lại gieo rắc vào lòng người đọc những trầm tư, nghẹn ngào khôn nguôi. Quả thực thứ “muối” của Kim Lân khiến người ta chết lặng song cũng ngời sáng niềm tin - một niềm tin chính đáng. Và cũng nhờ đó mà “Vợ nhặt” mới có thể kinh qua mọi bủa vây của thời gian, nằm ngoài quy luật của cái chết.
Kể cũng còn có thể nói nhiều điều nữa về “Vợ nhặt”, như về cái vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc của Kim Lân, cái lối viết văn tưởng như dễ dàng mà không để phỏng theo, giản dị vô cùng mà sao cứ thấy ánh lên chất hào hoa Kinh Bắc. Như về cách làm cho những tâm trạng kín đáo nhất phải hiện lên qua những cử chỉ mà chỉ cần thiếu đi một chút tinh tế, người ta sẽ bỏ qua: một tiếng gắt vô duyên vô cớ, một tiếng khẽ ho, những bước chân bước vội ra sân, thái độ điềm nhiên và miếng cám vào trong miệng…Nhưng cái đọng lại cuối cùng trong tôi vẫn là cách nhìn đời, nhìn người đầy xa xót và thương yêu của nhà văn, là niềm tin mà dường như ông muốn trao gửi đến tất cả chúng ta qua thiên truyện ngắn. Dù rằng cuộc sống có bi thảm đến đâu thì cái cội nguồn nhân bản lưu giữ trong nhân dân vẫn là bất diệt, rằng con người không có khao khát chính đáng nào hơn là khao khát được sống như một con người, được nên người. Và nếu có ai ngờ vực niềm tin ấy, nếu có ai cho rằng cuộc đời độc ác đắng cay không dành một chỗ nào cho niềm hi vọng hiền lương, thì tôi tưởng Kim Lân có thể mượn hai câu thơ của L. Aragông để đáp lời:
“Các anh có thể tin hay không điều tôi nói
Tôi đã khổ đau, nên có đủ quyền…”

 

Xuất phát sớm cùng chị trong khóa Chất lượng cao 8+ nhé 2k5!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan