CHI TIẾT KIẾN THỨC CƠ BẢN TÁC PHẨM "LÀNG" - KIM LÂN

Ngày 11/12/2020 08:11:42, lượt xem: 27073

CHI TIẾT KIẾN THỨC CƠ BẢN TÁC PHẨM "LÀNG" - KIM LÂN

Kim Lân là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Sự nghiệp văn học của ông tuy không đồ sộ nhưng lại rất đặc sắc và khó trộn lẫn. Hầu hết những tác phẩm của ông thường viết về sinh hoạt của nông dân và cảnh ngộ của họ. Truyện “Làng” là một tác phẩm tiêu biểu, được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tác phẩm tập trung nói về lòng yêu nước của ông Hai, lòng yêu nước này xuất phát từ tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình và nó đã hòa hợp giữa tình yêu làng và nước. Qua hình tượng ông Hai, ta hiểu rõ lòng yêu nước của nhân dân ta lúc bây giờ. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, Học văn chị Hiên sẽ cùng các em tìm hiểu sâu hơn nhé!

A. Kiến thức cơ bản

I. Tác giả

- Kim Lân có tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài (1920 - 2007), quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

- Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo trước Cách mạng tháng Tám 1945. Vốn là người gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn. Kim Lân thường viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm:

Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

2. Khái quát nội dung và nghệ thuật

*Nội dung chính: Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng mình đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện “Làng”.

*Nghệ thuật: Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

3. Tóm tắt

Câu chuyện kể về ông Hai Thu, người ở làng Chợ Dầu. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi của cụ Hồ Chí Minh, toàn dân tham gia kháng chiến, kể cả hình thức tản cư. Do hoàn cảnh, ông Hai đã cùng vợ con lên tản cư tại Bắc Ninh dù rất muốn ở lại làng mình chiến đấu. Ở nơi tản cư, tối nào ông cũng sang nhà bác Thứ bên cạnh để khoe về làng mình rằng làng ông có nhà cửa san sát, có đường thôn ngõ xóm sạch sẽ. Ông khoe về cái phòng thông tin, cái chòi phát thanh và phong trào kháng chiến của làng, khi kể về làng mình, ông say mê, háo hức lạ thường. Ở đây, ngày nào ông cũng đều ra phòng thông tin để nghe tin tức về cuộc kháng chiến, ông vui mừng trước những chiến thắng của quân dân ta. Nhưng rồi một hôm, ở quán nước nọ, ông nghe được câu chuyện của một bà dưới xuôi lên tản cư nói rằng làng chợ Dầu của ông theo giặc. Ông vô cùng đau khổ, xấu hổ, cúi gầm mặt đi thẳng về nhà, suốt ngày ông chẳng dám đi đâu, chẳng dám nói chuyện với ai, chỉ nơm nớp lo mụ chủ nhà đuổi đi. Buồn khổ quá, ông đã tâm sự với đứa con út cho khuây khoả. Ông chớm có ý định sẽ về làng để xác minh sự thật nhưng lại tự mình phản đối vì nghĩ về làng chính là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ bởi làng ông đã theo Tây mất rồi. Thế rồi một hôm có ông chủ tịch xã lên chơi cải chính tin làng ông theo giặc. Ông lão sung sướng, đi khắp làng khoe khắp làng rằng nhà ông đã bị đốt nhẵn. Tối hôm ấy, ông lại sang nhà bác Thứ kể về chuyện làng mình.

 

B. Phân tích tác phẩm

1. Truyện ngắn “Làng” đã xây dựng một tình huống truyện đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào? Hãy nhận xét về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của tác giả?

- Truyện ngắn “Làng” được Kim Lân xây dựng một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước ở người nông dân. Ông Hai trong truyện là người rất yêu cái làng chợ Dầu của mình, luôn hãnh diện khoe về làng mình, thế mà ông lại phải nghe cái tin làng ông theo Tây từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên.

- Nhận xét: Tình huống ấy khiến ông đau xót, tủi hổ, day dứt, có sự xung đột giữa tình yêu làng quê và tình yêu nước, mà tình cảm nào cũng mãnh liệt, thiết tha. Đặt nhân vật vào tình huống gay gắt ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc cả hai tình cảm nói trên ở nhân vật và cho thấy tình yêu nước, tinh thần kháng chiến bao trùm lên tình yêu làng, nó chi phối và thống nhất với mọi tình cảm khác trong con người Việt Nam thời kháng chiến.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, từ lúc nghe làng đã mình theo giặc đến kết thúc truyện.

a. Trước khi nghe tin dữ :

Ở nơi tản cư, tình yêu làng được hòa nhập với tình yêu nước.

- Xa làng, ở nơi tản cư ông Hai nhớ làng mình da diết. Nỗi nhớ làng ấy, khiến ông thay tâm đổi tính: “Lúc nào ông cũng thấy bực bội trong người, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm, hơi một tí là gắt, hơi một chút là chửi”.

- Khi được nói chuyện về làng chợ Dầu của ông, ông vui đến lạ thường “Hai con mắt ông sáng hắt lên, cái mặt biến chuyển hoạt động”.

- Ông quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, đến các tin chiến thắng của quân ta.

+ Tin một em bé trong ban tuyên truyền đã xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cầm quốc kỳ trên tháp Rùa.

+ Có một anh trung đội trưởng sau khi giết được 7 tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng.

+ Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sóng được tên quan hai bốt ngay giữa chợ mà “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên”, đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, đó là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.

b. Khi nghe tin làng Dầu theo giặc:

+ Nỗi bất hạnh lớn đã đổ sụp xuống đầu ông Hai, ông lão đã sững sờ khiến “cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt thì tê rân rân ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được”. Khi ông trấn tĩnh được phần nào, thì ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá rồi, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”, làm ông không thể nào không tin.

+ Từ lúc ấy, trong tâm trí ông chỉ có cái tin dữ ấy xâm chiếm hết, nó thành một nỗi ám ảnh, day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông chỉ biết “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Về đến nhà, thì ông “nằm vật ra giường”, rồi tủi thân khi nhìn đàn con của mình, “nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ làng Việt gian đấy ư? Chúng nó sẽ bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”.

+ Nỗi tủi hổ ấy khiến ông không dám ló mặt ra ngoài. Lúc nào cũng nơm nớp, hễ thấy đám đông nào tụ tập nhắc đến hai từ “Việt gian”hay “Cam nhông” thì ông lại tự nhủ với bản thân mình “Thôi lại chuyện ấy rồi”.

=> Tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong nhân vật ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng mình theo giặc.

+ Khi nghe tin làng Dầu theo giặc, thì tình yêu làng và tình yêu nước của ông Hai đã có một cuộc xung đột nội tâm gay gắt. Ông Hai đã dứt khoát chọn lựa theo cách của mình “làng thì yêu thật nhưng khi làng đã theo Tây thì phải thù”, tình yêu làng, yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng. Nhưng dù xác định như thế, ông Hai vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm với làng quê, vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.

+ Khi mụ chủ nhà biết chuyện làng ông và có ý muốn đuổi khéo gia đình ông đi, ông Hai đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bế tắc hoàn toàn. Đi đâu bây giờ? Chẳng ai muốn chứa chấp dân của cái làng Việt gian đâu. Ông chợt thoáng có ý nghĩ “hay là sẽ trở về làng”. Tuy nhiên ông đã gạt bỏ ý nghĩ ấy bởi “Làng ông giờ đã theo Tây, về làng cũng có nghĩa là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ”. Nỗi mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật như đã thành sự bế tắc, đòi hỏi phải được giải quyết.

+ Tuy đau khổ, nhưng ông không biết tâm sự cùng ai ngoài đứa con bé bỏng. Yêu làng Dầu, ông muốn khắc sâu vào trái tim bé nhỏ của con tình cảm với làng, với kháng chiến, với  Cụ Hồ, đó cũng là tấm lòng thuỷ chung “trước sau như một” với cách mạng của ông. Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động nỗi lòng sâu xa, bền chặt và chân thành của ông Hai - một người nông dân - với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến. Ngần ấy tuổi đầu rồi mà nước mắt ông cứ ròng ròng khi nghĩ về làng. Nỗi đau ấy giờ mới đáng trân trọng làm sao bởi đó là nỗi đau của một con người danh dự của làng như chính bản thân mình.

c. Khi tin đồn được cải chính:

+ Thái độ của ông lúc ấy thay đổi hẳn “cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Ông lại tiếp tục chạy đi khoe khắp nơi “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa lên đây và cải chính cái tin làng Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”.

d. Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kim Lân

+ Truyện đã khắc hoạ thành công nhân vật ông Hai, một người nông dân có tình yêu làng và  yêu nước tha thiết.

+ Đặc biệt, với việc đặt nhân vật vào tình huống cụ thể góp phần thể hiện tính cách, diễn biến tâm trạng nhân vật.

+ Ngôn ngữ nhân vật có lúc đối thoại, có lúc độc thoại mang đậm chất nông thôn, nhuần nhuỵ mà đặc sắc, gợi cảm.

Đó là chân dung sống động, đẹp đẽ của người nông dân thời kỳ đầu kháng chiến.

3. Đoạn ông Hai cùng trò chuyện với đứa con út (Ông lão ôm thằng con út lên lòng… cũng vơi đi được đôi phần) đã cho em cảm nhận gì về tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước và với cuộc kháng chiến? Tình yêu làng và tình yêu nước ở ông Hai có quan hệ như thế nào?

Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc, ông Hai chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với những đứa con nhỏ còn rất ngây thơ.

“… Ông lão ôm thằng con út lên lòng mình, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:

- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

- Là con thầy mấy lại con u.

- Thế nhà con ở đâu?

- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

- Thế con có thích về làng chợ Dầu không ?

Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

- Có.

Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:

- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé dơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

- Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

- Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.

Anh em đồng chí có biết cho bố con ông.

Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông.

Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai…".

Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động nỗi lòng sâu xa, bền chặt và chân thành của ông Hai - một người nông dân - với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến.

Qua những lời tâm sự với đứa con nhỏ, thực chất là lời tự nhủ với mình, cũng chính là tự giãi bày nỗi lòng mình, ta thấy rõ ở ông Hai:

+ Đó là tình yêu sâu nặng với làng chợ Dầu (Ông muốn đứa con nhỏ, thực chất ghi nhớ câu Nhà ta ở làng Chợ Dầu).

+ Là lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng chính là cụ Hồ (Anh em đồng chí có biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu, trên cổ xét soi cho hai bố con ông). Tình cảm ấy sâu nặng, bền vững và vô cùng thiêng liêng (Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai).

4. Nhận xét tài năng nghệ thuật miêu tả tâm lý và ngôn ngữ nhân vật của tác giả thông qua nhân vật ông Hai?

- Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật ông Hai

+ Tác giả đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng.

+ Tác giả miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ, đặc biệt, diễn tả rất đúng và đã gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật ông Hai. Điều đó đã chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

- Ngôn ngữ nhân vật: Ngôn ngữ trong truyện rất đặc sắc, đặc biệt là ngôn ngữ nhân vật ông Hai. Những điểm nổi bật trong ngôn ngữ của tác phẩm:

+ Ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân.

+ Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, do truyện được trần thuật chủ yếu ở điểm nhìn của nhân vật ông Hai (mặc dù vẫn dùng cách trần thuật ở ngôi thứ 3).

+ Ngôn ngữ của nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.

5. Nêu một số truyện ngắn và bài thơ viết về tình cảm quê hương, đất nước? Hãy nêu nét riêng của truyện ngắn Làng so với những tác phẩm ấy.

*Truyện ngắn - thơ viết về tình cảm quê hương:

- Lòng yêu nước - E - REN - BUA

- Quê hương - Đỗ Trung Quân

- Quê hương - Giang Nam

- Quê hương - Tế Hanh

- Lao xao - Duy Khán

- Buổi học cuối cùng - Đô - đê

*Nét riêng của “Làng”:

- Những truyện ngắn và thơ trên đều viết về lòng yêu quê hương đất nước nhưng ở đó tình cảm mới đơn thuần là tình yêu, chưa mang tính khái quát, chưa có tình huống rõ ràng để bộc lộ tình yêu ấy.

- Còn ở truyện ngắn “Làng”, tình yêu làng ở ông Hai đã trở thành niềm say mê, hãnh diện, thành thói quen khoe làng của mình.

- Tình yêu làng quê phải được đặt trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến khi đất nước đang bị xâm lược và cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến.

- “Làng” có tình huống được xây dựng hết sức đặc sắc, bất ngờ mà hợp lý. “Làng” là lời khẳng định giai đoạn tìm đường và nhận đường của nền văn hoá mới. Văn hoá kháng chiến chống Pháp trở thành một bộ phận của kháng chiến, tích cực tham gia kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến, cho niềm tin.

Hy vọng qua kiến thức trên đây, các em sẽ hiểu hơn về tác phẩm “Làng” của Kim Lân để làm tốt những bài nghị luận văn học về tác phẩm này. Để học thêm nhiều kiến thức, thú vị, bổ ích theo dõi Fanpage: Học văn chị Hiên. hoặc Youtube: Học văn chị Hiên ngay nhé!

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt

Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn

 

Tin liên quan