BỨC TRANH PHỐ HUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN “HAI ĐỨA TRẺ” - THẠCH LAM

Ngày 18/12/2020 22:13:02, lượt xem: 7608

BỨC TRANH PHỐ HUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN “HAI ĐỨA TRẺ”

Khi đọc "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam, ta thấy bao trùm lấy câu chuyện là cuộc sống xơ xác, tiêu điều của một phố huyện nghèo. Tác phẩm như một bức họa phô bày trước người đọc những góc khuất u tối của phố huyện nghèo nàn, bóng tối ấy đã bao trùm lên mọi cảnh vật xung quanh và cả những mảnh đời bất hạnh, nó nhấn chìm con người vào vực thẳm của sự tăm tối. Và để hiểu rõ hơn về bức tranh phố huyện ấy, hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu nhé!

Đề bài: Phân tích bức tranh phố huyện

----------------------------- Bài làm---------------------------------

Người đọc hẳn đã từng ám ảnh bởi bức tranh “xóm ngụ cư” mà Kim Lân đã vẽ ra trước mắt trong tác phẩm “Vợ nhặt” của mình. Một xóm ngụ cư với hiện thân đầy đủ của sự nghèo đói, chết chóc. Cũng đã từng bị ám ảnh bởi không gian làng Vũ Đại giữa buổi trưa hè nắng gắt với sự im lặng đến đáng sợ. Đến khi tìm hiểu truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam dẫn người đọc tới một không gian khác, khung cảnh khác. Đó là khung cảnh của một phố huyện nghèo chìm trong bóng tối với những con người sống leo lét giống như thứ ánh sáng yếu ớt lúc ẩn, lúc hiện. Không gian Thạch Lam lựa chọn cho câu chuyện của mình, có phải chăng chính là vùng quê ông từng sống: Cẩm Giàng – Hải Dương.

Là thành viên của Tự Lực văn đoàn, nhưng khác với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng... ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ. Ông quan niệm: "Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đó không thể không nhắc đến “Hai đứa trẻ” (1938) - là truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam, được in trong tập Nắng trong vườn. Những ngày sống với gia đình ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Thạch Lam đã có dịp chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây và đó chính là cảm hứng để ông viết truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Mở đầu tác phẩm, bằng sự cảm nhận từ nhiều giác quan khác nhau, tác giả đã mở ra cho người đọc thấy bức tranh phố huyện trong một buổi chiều tàn với những âm thanh, cảnh sắc của thiên nhiên nơi đây: tiếng trống thu không kéo dài từng hồi xa vọng để gọi buổi chiều. Động từ “gọi” đi với “từng tiếng một vang ra” của tiếng trống không làm người đọc cảm nhận sự náo nhiệt, tươi vui mà ngược lại có cái gì đó não nề, cứ như là đang đánh thức sự buồn tẻ của vùng quê này. Trong bức tranh của khoảng thời gian chiều tà ấy, người ta còn nghe thấy âm thanh văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve liên hồi, tiếng võng nan cót két, tiếng chó cắn... – biết bao thanh âm đã được tái hiện, đều là những thanh âm quen thuộc với làng quê Việt Nam, những phố huyện nghèo. Tất cả, được nhìn qua đôi mắt ngây thơ của cô bé Liên.

Qua lăng kính của một cô bé tám tuổi, không gian buổi chiều, một buổi chiều “êm ả như ru” đã được gợi ra một cách rất hoàn hảo. Thạch Lam đã sử dụng bút pháp lấy động tả tĩnh như trong thơ ca phương Đông để khắc họa nên một bức tranh làng quê nghèo tĩnh mịch, yên ả, bình dị mà nên thơ. Có đôi khi, những dòng văn Thạch Lam để lại khiến người đọc dễ dàng có liên tưởng tới một đoạn thơ trữ tình.

Trời đang ngả tối, có hoàng hôn nào đẹp bằng hoàng hôn quê mình. Cô bé Liên vẫn đang ở đây và ngắm nhìn khung cảnh bình yên đến vậy. Nét vẽ bóng tối hiện lên bằng nét ngược sáng của hoàng hôn với bóng tối đen sẫm của tre làng in trên nền trời. Những nguồn sáng chiếu ra ngoài phố chỉ còn là những vệt sáng lấm tấm lên cát lấp lánh từng chỗ trên con đường nhấp nhô một bên sáng, một bên tối. Nét vẽ ấy rất giản dị, chân thực mà lột tả được cái thần và hồn của bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam. Chính bức tranh thiên nhiên hết sức chân thực này đã giúp Thạch Lam xây dựng thành công những xúc cảm tâm hồn trong lòng cô gái nhỏ. Em bé ấy đang ở đây, nơi phố huyện nghèo này, mang trong mình những tâm sự, nỗi niềm của một đứa trẻ trưởng thành trước tuổi. Chính nơi phố huyện với những điều quẩn quanh này, khiến cho tâm trí của Liên thực sự không nghĩ được gì nhiều ngoài việc để cho những tháng năm dài chảy trôi như vậy.

Ngòi bút của Thạch Lam thật tài tình trong việc tả cảnh. Trong một buổi chiều tàn hiện lên cảnh một phiên chợ tàn đã vãn từ lâu: “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Cảnh chợ tàn góp phần thể hiện sự nghèo nàn, xơ xác của phố huyện. Ống kính cần mẫn của nhà văn lia qua phố huyện: trên đất chỉ còn “rác bưởi, bỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Cảnh còn được miêu tả bởi khứu giác tinh tế của nhà văn “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này.”

Sự cảm nhận thật tinh tế! Mùi đất, mùi quê hương! Liên nghe từ những mùi vị tưởng chừng “không dễ chịu”. Nhưng đối với Liên, đó lại là mùi vị quen thuộc thấm vào trong suy nghĩ của chị. Liên vẫn luôn là một cô gái có trái tim nhạy cảm như vậy!

Những ám ảnh về ánh sáng – bóng tối là những ám ảnh người đọc gặp khá nhiều trong những tác phẩm văn học. Sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối nơi ngục tù trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân); sự đối lập giữa đêm tối và ánh đèn dầu trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, mỗi bối cảnh, mỗi câu chuyện lại đem đến cho bản thân người đọc những ấn tượng khác nhau. Trong “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam không biết vô tình hay hữu ý lại khiến người đọc thêm một lần nữa có những liên tưởng về sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối.

Những con người nhỏ bé nơi phố huyện dường như chìm nghỉm vào bóng tối nhiều như lúc này, phố huyện nơi đây chỉ bao trùm một màu đen cứ quẩn đi quẩn lại trong một tác phẩm. Màu đen ấy hiện lên rải rác ở mọi ngóc ngách: “Dãy tre làng trước mặt đen lại, đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối, tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa. Một tiếng trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan không vang động ra xa, rồi cũng chìm ngay vào bóng tối...” Tối hết cả không gian, bóng tối nhấn chìm những khung cảnh làng quê quen thuộc, nhấn chìm cả những mảnh đời leo lét trong số phận quẩn quanh của mình.

Hiện trên nền cảnh của một buổi chiều tàn là phiên chợ tàn và những kiếp người tàn. Dường như ngoài bóng tối ra, thì “tàn” cũng chính là từ để mặc định sự buồn tẻ, quẩn quanh nơi này. Những con người sống ở phố huyện này, họ đã làm thế nào, sống ra sao trong sự buồn tẻ như vậy? Thạch Lam đã không đi miêu tả chi tiết: nguồn gốc, xuất thân, số phận... Bởi lẽ thế mà họ chỉ xuất hiện thoáng qua như một cái bóng thế nhưng, vẫn đủ để ghi lại ấn tượng trong lòng đọc giả.

Là mẹ con chị Tí chiều tối nào cũng lễ mễ dọn hàng. Với họ cái chõng trên đầu và cả thảy đồ đạc lỉnh kỉnh trên tay là tất cả cửa hàng của chị. Ngày chị đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng. Có điều gì khiến chúng ta phải sững lại khi nghe câu trả lời của chị và câu hỏi của tác giả “Sớm với muộn mà có ăn thua gì”, “để bán cho ai? ”... Là hình ảnh bà cụ Thi hơi điên thỉnh thoảng vẫn ghé sang mua rượu ở cửa hàng Liên, một ngụm rượu ti với tiếng cười khanh khách nhỏ dần cùng cụ đi vào bóng tối. Là hình ảnh của gia đình bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau trắng trước mặt trống trơn không có một đồng nào vì chưa có khách nghe, thằng con bò ra đất, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát. Là hình ảnh của bác Siêu cùng với gánh phở ế ít người ăn. Người đọc cũng đâu thể quên đi hình ảnh của chị em Liên với cái quầy tạp hóa nhỏ xíu, thuê lại của bà móm với một không gian tối sẫm bao trùm...

Chừng ấy con người sống trong bóng tối hy vọng về một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc đời này. Có thể thấy rằng, dù sống trong lặng lẽ, tăm tối nhưng họ ko hề thiếu vắng tình người, lòng yêu thương, sự cảm thông cho nhau. Điều này được thể hiện qua những lời trao đổi và những cử chỉ thân mật ta nhận ra được mối quan tâm, gắn bó. Và tất cả bọn họ đều hiền lành, nhân hậu dẫu cuộc sống có đơn điệu, nhàm chán. Thạch Lam đã rất tinh tế khi khắc họa lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp ấy cho ta cảm nhận được ánh sáng của tình người nơi đây.

Thế nhưng, trong hết thảy những con người xuất hiện ở chốn tiêu điều này, nhà văn đặc biệt chú ý đến chị em Liên. Chị em Liên cũng chính là hình ảnh trung tâm trong bức tranh đời sống của phố huyện nghèo, các khía cạnh về cảnh sắc, vạn vật ở đây đều được tác giả cảm nhận thông qua nhân vật Liên. Liên chỉ mới là một đứa trẻ tầm tám tuổi, nhận thức và kinh nghiệm sống trong em còn non nớt, vậy mà khi buổi chiều tàn buông xuống, em đã cảm nhận nó qua “đôi mắt ngập đầy dần bóng tối và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị “, rồi “lòng buồn man mác, trước cái cảnh sắc của ngày tàn”.

Qua đôi mắt của Liên, bạn đọc cũng có thể nhìn thấy le lói những giọt ánh sáng, hạt ánh sáng hiếm hoi dường như đang bị bóng tối nhấn chìm. Đó có thể là ngọn đèn con của chị Tí, lửa từ gánh phở của bác Siêu, của hiệu sách cũ, ánh sáng đẹp đẽ của những vì sao trên bầu trời đêm...

Bức tranh phố huyện với một vài điểm sáng nhỏ leo lét, những con người chìm khuất trong bóng tối thế nhưng, còn có một thứ ánh sáng khác “huy hoàng” hơn, thứ ánh sáng mà cả thảy những con người nơi đây phải khắc khoải chờ đợi đó là ánh sáng của đoàn tàu. Nó làm Liên nhớ về một Hà Nội nhiều đèn quá, Hà Nội chỉ là “một vùng sáng rực và lấp lánh”, Hà Nội huyên náo – cả một vùng trời tuổi thơ diễn ra trong trí nghĩ phút chốc bị thu bé lại bằng sự im lặng, tối đen như ở ngoài phố. Đoàn tàu đến mang theo thứ ánh sáng rực rỡ, âm thanh huyên náo một góc trời, thế nhưng khi tàu đi, cảnh sắc của phố huyện vẫn phải trở về với phố huyện thường ngày, trở về với “đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và im lặng”.

Tôi đang chưa kịp vui hết cho điều kì diệu đã xảy đến thì lại phải chùn lòng xuống vì cảnh tượng của phố huyện sau đó. Lần này, phố huyện thật sự hết náo động, chỉ còn đêm khuya, gió đã thoáng lạnh và đom đóm không còn nữa chỉ còn tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn. Liên chìm vào giấc ngủ yên tĩnh, trong giấc ngủ ấy Liên không mơ về đoàn tàu ban nãy mà nghĩ về cái sự tĩnh mịch, yên tĩnh đầy bóng tối của nơi này.

Tới đây, tôi không biết là mình đã tìm ra được câu trả lời chính xác cho bản thân mình chưa, nhưng tôi đã thấm thía được phần nào điều mà Thạch Lam luôn tâm niệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có lẽ vậy, nên dẫu nhân vật của ông không được thoát khỏi “bóng tối” hay chính ông đã không giải thoát cho nhân vật của mình thì tôi vẫn luôn cảm nhận được sự sâu cay và thâm thúy mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả. Không ồn ào, không nút thắt đỉnh điểm, câu chuyện của Thạch Lam như một cơn gió mát thổi vào hồn độc giả, mang tới những rung cảm mãnh liệt nơi con tim. Đó là những ấn tượng về một phố huyện nghèo với những con người đang quẩn quanh, bế tắc trong chính cuộc đời của mình.

Bức tranh phố huyện hiện lên tuy ảm đạm, hẻo lánh, đầy bóng tối nhưng không khiến cho lòng người đọc mang trong mình một nỗi u buồn. Vì trong bức tranh này, ta vẫn thấy le lói đâu đây những thứ ánh sáng đẹp đẽ như mong đợi, ánh sáng mơ hồ của những vì sao đêm trong ánh mắt của Liên. Những con người ấy, những tâm hồn ấy, khiến cho tôi liên tưởng tới mặt hồ phẳng lặng ở thành phố nước Nga vào mùa thu. Tâm hồn của họ trong lành và bình yên đến vậy, nhưng lại mang trong mình một nỗi sầu quẩn quanh. Giữa bức tranh phố huyện với khung cảnh, con người. Thạch Lam lại đánh động trong lòng người đọc biết bao nhiêu cảm xúc bâng khuâng rồi!

Khi ta hiện diện trên mặt đất này, cuộc sống là muôn hình vạn trạng, mọi hỉ - nộ - ái - ố của cuộc đời là những xúc cảm tất yếu để tạo nên sự hài hòa, giúp con người trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Đưa góc nhìn rộng mở về những năm tháng cũ, trong một phạm trù khác về cuộc đời, ta lại bắt gặp những mảnh đời, những kiếp người sao mà chẳng vui, chẳng buồn, một cuộc sống không dư vị, không chút gợn sóng, ngày qua ngày chỉ là sự đơn điệu, tẻ nhạt vì cái nghèo cứ đeo bám hoài chẳng dứt. Nhà văn Thạch Lam – người nghệ sĩ đa cảm, giàu lòng trắc ẩn, yêu cuộc sống đã dùng ngòi bút hết sức giản dị, thâm trầm và kín đáo của mình để một lần nữa phát hiện, ca ngợi, dẫn dắt người đọc hòa mình vào bức tranh thiên nhiên, cuộc sống con người nơi phố huyện trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”. Những trái tim nhộn nhịp của chúng ta sẽ bị lạc nhịp vài giây, bước chậm lại giữa thế gian vội vã này để cảm nhận đủ đầy, đồng cảm sâu sắc và có khi là buồn nhưng trên hết vẫn là hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Học văn chị Hiên mong rằng sau khi tìm hiểu rõ hơn về bức tranh phố huyện trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam các bạn sẽ hiểu hơn về tác phẩm và đặc biệt có thêm tư liệu để viết nên những bài văn xuất sắc của riêng mình. Theo dõi thêm nhiều thông tin, bài học bổ ích tại: Fanpage Học văn chị Hiên hoặc Youtube: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

XEM THÊM: 

ÁNH SÁNG NÀO SÁNG NHẤT TRONG TRUYỆN "HAI ĐỨA TRẺ"

VÌ SAO CHỊ EM LIÊN LẠI CỐ THỨC ĐỂ CHỜ ĐOÀN TÀU?

AUDIO PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "HAI ĐỨA TRẺ"

VÌ SAO CHỊ EM LIÊN LẠI CỐ THỨC ĐỂ CHỜ ĐOÀN TÀU?

TƯ LIỆU VỀ THẠCH LAM VÀ TÁC PHẨM HAI ĐỨA TRẺ

Tin liên quan