Cảm nhận những con đường ra trận trong "Việt Bắc" của Tố Hữu

Ngày 14/12/2020 11:32:46, lượt xem: 7845

VIỆT BẮC - TỐ HỮU

Bài thơ Việt Bắc là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu và thơ ca kháng chiến thời kì chống Pháp, thông qua cuộc đối đáp có tính chất tưởng tượng của kẻ ở người đi đầy lưu luyến vấn vương thương nhớ. Bài thơ không chỉ ngợi ca những tình cảm điển hình của con người kháng chiến mà còn làm tái hiện lại một cách chân thực và sinh động bức tranh “Việt Bắc ra trận” rất hùng vĩ qua những vần thơ đầy hào hùng. Để cảm nhận được rõ hơn, hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu nhé!

Đề bài: Cảm nhận những con đường ra trận trong "Việt Bắc" của Tố Hữu

Bài làm

“Trách nhiệm của nhà thơ là thể hiện rõ bản sắc của dân tộc mình trước thế giới” (Targo).  Mỗi tác phẩm thơ ra đời không chỉ là tiếng lòng của tác giả mà còn kết tinh ở đó cái hồn của dân tộc, dù đậm đà hay là sự kín đáo gửi gắm. Phải chăng vì thế mà khi đọc thơ Tố Hữu người đọc lay động trước từng câu chữ, sáng tạo độc đáo nhưng thấm nhuần hương sắc đất Việt. Nhà thơ với “tình cảm và trái tim trần” ấy đã kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, thấm nhuần tư tưởng cách mạng lớn lao để đem đến những trang thơ ngọt ngào, bình dị nhưng cũng căng tràn niềm tin, khí thế. Và “Việt Bắc” chính là đỉnh cao của đời thơ Tố Hữu. Trong bài thơ, bạn đọc luôn ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp của quân và dân ta thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện qua đoạn thơ:

“Những đường Việt Bắc của ta

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam và ông cũng được biết tới với chặng đường thơ song hành cùng chặng đường cách mạng. Mang trong mình giọng thơ trữ tình chính trị, ông luôn viết về những sự kiện trọng đại của dân tộc trong lịch sử bằng giọng điệu thủ thỉ, tâm tình. Là một nhà thơ gắn cả cuộc đời mình cùng với chặng đường cách mạng và luôn tin tưởng vào tương lai đất nước, Tố Hữu đã để lại cho nền văn học Việt Nam rất nhiều những tác phẩm và một trong số đó, bài thơ được coi là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp và cũng được coi là đỉnh cao của đời thơ Tố Hữu chính là bài thơ “Việt Bắc” . Bài thơ được sáng tác vào năm 1954, lúc quân và dân ta dành được chiến thắng Điện Biên Phủ - lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu. Đó cũng là thời điểm ta buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Giơ-ne-vơ, buộc Pháp rút quân khỏi Việt Nam. Và cũng là lúc cán bộ cách mạng, cơ quan đầu não Trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc để trở về với thủ đô Hà Nội - thủ đô sao vàng, nắng Ba Đình. Có lẽ, vì bài thơ được sáng tác vào sự kiện mang tính lịch sử này và cũng có lẽ, phút chia tay ấy, bao cảm xúc dâng trào đã khiến người đọc chỉ nghe một lần mà nhớ mãi không quên.

Nhắc đến Việt Bắc, nhắc đến Điện Biên Phủ, thì cũng không thể thiếu hình ảnh những người lính và dân quân đồng lòng chung sức kháng chiến. Mở đầu đoạn thơ, ta bắt gặp hình ảnh những con đường ra trận:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung”

Ở ngay câu thơ đầu, Tố Hữu đã khẳng định “của ta” tiếng nói vang lên một cách đầy khảng khái, chắc nịch, hùng hồn. Vào năm 1938, anh thanh niên trẻ lúc bấy giờ vừa mới bắt đầu gặp lí tưởng của bản thân mình thì Tố Hữu vẫn luôn xưng “tôi”, chữ “tôi” ấy mang đậm sắc thái cá nhân của ông. Nhưng bây giờ, ngay tại vần thơ này, Tố Hữu đã sử dụng “của ta”. Chàng thanh niên trẻ ngày nào bây giờ đã hòa nhập cuộc đời của mình vào cái ta chung của toàn dân tộc, đã hoà nhập sứ mệnh của bản thân vào sử mệnh của dân tộc. “Việt Bắc” là những con đường trong suốt cuộc chiến tranh được mở ra để phục vụ chiến đấu. Nhưng cũng có khi con đường ấy mang ý nghĩa tượng trưng, là ý nghĩa quá trình đi lên của cuộc kháng chiến cách mạng. Con đường ấy mở lối chiến công, và cũng là con đường ấy dẫn tới sự độc lập, tự do của tố quốc. Con đường máu lửa ấy đã trở thành con đường chiến thắng của Việt Bắc. Vì thế nên ấn tượng chung về sức mạnh dân tộc đã được gắn liền với ấn tượng về con đường chiến thắng này. Không những thế sức mạnh của quân và dân ta còn được đo bằng thước đo sông núi. Từ láy “đêm đêm”, “rầm rập” thể hiện sự lặp đi lặp lại những âm thanh lớn, đồng loạt, vang dội kết hợp sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “như là đất rung”. Trong những năm tháng ấy, quân và dân ta thực hiện chiến lược lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm. Tuy phải hoạt động vào ban đêm nhưng những bước chân của họ vẫn rất mạnh mẽ, không sờn, không mỏi. Đó chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khí thế chiến đấu thần kì làm rung chuyển đất trời mà không có gì có thể ngăn cản được:

“Nước Việt Nam từ trong biển máu

Người vươn lên như những thiên thần”

Tiếp tục nối trước hai câu thơ trên, hai câu thơ tiếp theo cũng là vẻ đẹp tràn đầy khí thế khi Việt Bắc xuất quân

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Hai từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” đi liền ở hai câu thơ rất có sức gợi tả. Nó gợi lên hình ảnh của một đoàn quân đông đúc, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của một đoàn quân. Đó là một sự lớn mạnh của quân đội trước kẻ thù trong thời điểm lúc bấy giờ, quân và dân ta có thể đương đầu và đáp trả, đập tan mọi hành động của kẻ thù. Hình ảnh ánh sao đầu súng là một hình ảnh tràn đầy hiện thực nhưng cũng rất đỗi lãng mạn. Đó có thể là ánh sao trời đang toả sáng, soi vào đầu súng thép của những người chiến sĩ đang bận rộn trong đêm tối, ánh sáng sao ấy thật đẹp, thật lung linh hệ như ánh trăng của thơ Tố Hữu:

“Đầu súng trăng treo”

Và ánh sao ấy cũng có thể là ngôi sao trên mũ của con người cách mạng. Ngôi sao ấy là biểu tượng cho ngôi sao trên lá cờ đầy màu máu của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh ấy càng khiến cho bất cứ ai nhìn thấy, cũng đều tin rằng, một chiến thắng sẽ đến vào một ngày không xa. Mặt khác, hình ảnh " ánh sao đầu súng " còn biểu tượng cho lý tưởng, cách mạng, là ý chí đánh giặc của người lính. Đồng hành cùng với hình ảnh “đầu súng”, “ánh trăng” đó là “chiếc mũ”. Chiếc mũ là cách nói hoán dụ về hình ảnh người lính nhưng cũng đời thời chỉ tầm vóc vươn lên, có thể chạm tới ảnh sao trời. “Chiếc mũ” ấy cũng là ân tình, tình cảm của đồng bào Việt Bắc gửi ra chiến trường.

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Những chiếc mũ mang bao nhiêu ân tình được gửi lại cho những người chiến sĩ. Và ngay tại hình ảnh này, họ đã nhận được món quà từ hậu phương thân yêu để rồi sử dụng nó trong công cuộc chiến đấu của mình. Hình ảnh này đồng thời cũng thể hiện sự đồng hành giữa những con người cùng chung lý tưởng mà chúng ta gọi bằng hai từ thân thương - đồng chí.

Trong bức tranh tổng hợp sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến, “khúc hùng ca” đã lại vang lên, đó là sức mạnh của dân công, sức mạnh của những con người đã cùng với bộ đội để làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

Những “dân công” đó là những con người xung phong lên phía trước, mở đường, xẻ núi, lăn xe… Đó là cả một bộ phận quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, góp một phần vào chiến thắng của dân tộc ta. Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu cũng đã từng viết:

“Mấy tầng mây gió lớn mưa to

Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan, thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc nuối tuổi xanh”

Nói về kháng chiến chống Mĩ với hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong, hay các anh lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, thì nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ ta cũng không thể quên được hình ảnh những người dân công. Có những thời điểm mà họ phải hát lên những câu hò kéo pháo bởi Việt Bắc rất hiểm trở, mà công việc họ làm lại rất đỗi khó khăn. Nhưng vì một đất nước hoà bình, độc lập, họ đã phải cố gắng rất nhiều. Kết hợp tài tình biện pháp đảo ngữ, không phải “Từng đoàn dân công đỏ đuốc” mà là “dân công đỏ đuốc từng đoàn”. Việc sử dụng biện pháp tu từ ấy càng làm tăng lên sức mạnh, khí thế của đoàn dân công. Sự trùng điệp hàng nối hàng, dài tít tắp những người dân công không thua kém bất cứ đội quân nào. Tuy họ không nổi bật nhưng chiến công của họ lại lớn lao không kể xiết. Bằng một cách nói cường điệu “dấu chân nát đá”, nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lý tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của người nông dân lao động. Người nông dân lao động là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này.

Bên cạnh đó, tác giả còn bày tỏ niềm tin bất diệt vào chiến thắng của đất nước:

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng, như ngày mai lên”

Hình ảnh thơ thật hùng vĩ và sự hùng vĩ ấy đã được đo bằng thước đo ánh sáng của chiến thắng. “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” là cụ thể hoá những năm tháng đêm trường nô lệ của dân tộc. Đất nước ta đã hơn một nghìn năm phải khổ sở, gồng mình, cố gắng chiến đấu. Nhưng đến câu thơ này, mọi u ám, bóng đen đó đã bị xua đi, nhường chỗ cho ánh sáng tương lai. Đó chính là sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật giá trị to lớn, ý nghĩa lớn lao của nghìn đêm kháng chiến. “Bật sáng” là một động từ mạnh, đêm tối, ánh sáng được bật lên đột ngột. Khoảnh khắc ấy bao trùm lên vạn vật xung quanh, xua tan bóng tối. Đó là khoảnh khắc chói lóa của dân tộc. Chẳng ai có thể nghĩ rằng một đế quốc to lớn như Pháp lại bị đánh gục bởi đất nước nhỏ bé như Việt Nam. Chính khoảnh khắc lá cờ tổ quốc tung bay trên cứ điểm A1, đó chính là lúc Việt Nam tỏa sáng nhất, chiếu sáng bóng đen của chiến tranh.

Để rồi khi ngày mai hòa bình, khi mà :

“Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…”.

Ta như nghe văng vẳng bên tai tiếng ca toàn thắng vọng về từ lịch sử, chiến thắng như trải dài “trăm miền”, từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền sâu thẳm trong trái tim mỗi con người đang hướng về cách mạng. Điệp từ “vui” xuyên suốt bốn câu thơ như muốn lan tỏa và trào dâng những cảm xúc vỡ òa của quân và dân ta ngày đó. Loạt địa danh nối tiếp nhau dồn dập được xướng lên càng làm tăng không khí của ngày đại thắng. Đọc câu thơ, ta như cũng cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc dâng ngập trong lòng.

Chỉ bằng đoạn thơ ngắn gọn nhưng Tố Hữu đã tôn lên vẻ đẹp của “Việt Bắc ra quân” - một bức tranh hùng tráng, tràn đầy khí thế. Đằng sau đó là bao khó khăn, hiểm nguy, gian khổ nhưng chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng của quân và dân, niềm tin và tình yêu nước mãnh liệt đã giúp những con người ấy, trong ngày tháng hào hùng năm nào đã làm nên chiến thắng vang dội. Thể thơ lục bát, kết hợp cùng những từ ngữ, hình ảnh đậm màu sắc kháng chiến, giọng thơ sôi nổi, mạnh mẽ, tất cả đã tạo nên một trang thơ say đắm và hào hùng. Quả thật “Việt Bắc” chính là đỉnh cao mà Tố Hữu đã bước lên” (Xuân Diệu).

Trang thơ “Việt Bắc” khép lại mà vấn vương miền đất ấy vẫn cứ quẩn quanh mãi trong ta. Giống như Tố Hữu đã từng được mảnh đất ấy, những con người ấy làm cho mê đắm, yêu thương là một phần gì đó neo đậu mãi trong tâm hồn người thi sĩ này thì có lẽ bản thân mỗi người chúng ta cũng nên một lần đặt chân đến Việt Bắc để được sống, được cảm nhận, chiêm nghiệm, được yêu thương, được nhung nhớ và hơn cả là được cùng ngân vang bài ca tự do của con người, của thiên nhiên miền cực bắc Tổ quốc.

Hy vọng bài viết này giúp cho các bạn củng cố lại kiến thức tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu, cũng như chuẩn bị một hành trang thật tốt để bước vào kỳ thi quan trọng. Theo dõi thêm nhiều bài học thú vị, bổ ích tại: Fanpage Học văn chị Hiên hoặc Youtube Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

XEM THÊM:

TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY "VIỆT BẮC"

MỞ BÀI HAY "VIỆT BẮC"

PHÂN TÍCH "VIỆT BẮC"

Ý NGHĨA NHAN ĐỀ "VIỆT BẮC"

HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI "VIỆT BẮC"

 

Tin liên quan