BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "VIẾNG LĂNG BÁC" HAY NHẤT

Ngày 09/04/2024 17:32:02, lượt xem: 4873

"Viếng lăng Bác" là một tác phẩm nằm trong chương trình học và thi mà học sinh lớp 9 cần lưu ý và nắm vững kiến thức. Các bạn hãy cùng tham bài phân tích tác phẩm “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương hay nhất do Học Văn Chị Hiên biên soạn dưới đây.

 

Đề bài : Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay.” 
Bằng hiểu biết của em, chứng minh qua "Viếng lăng Bác".


Bài làm 
Raxun Gamzatop, một thi hào nổi danh của nền văn học Nga từng nhận định rằng: “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình – nghĩa là trở thành nhà thơ.” Giá trị đẹp nhất mà mỗi áng thơ đem lại chưa bao giờ là những thứ phù phiếm hay xa hoa, nó xuất phát từ chính cái tâm chân thành và tha thiết của người nghệ sĩ dành cho con người, cho cuộc đời. Ông hoàng thơ tình Việt Nam - nhà thơ Xuân Diệu cũng gửi gắm đôi điều như thế: “Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay.” Thấm thía những vần thơ trong thi phẩm “Viếng lăng Bác”, lấp lánh sau khúc hát ngân lên từ câu chữ, người ta mới thấm thía cái độc đáo, cái sâu sắc của tâm hồn người nghệ sĩ Viễn Phương. 

Thơ ca xuất hiện và thổi hồn vào văn chương những xúc cảm tha thiết, khi thì hùng hồn, mạnh mẽ, mà đôi lúc lại trầm lắng, suy tư. Phải chăng vì lẽ đó mà thơ có vẻ mơ hồ, viển vông? Trong dòng chảy mát lành của văn học, những áng thi ca không nhiêu khê như thế. Người đọc thơ mong muốn “thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống”, tức là lấy viết thơ gắn với công cuộc viết cuộc đời. Thơ ca được sinh ra phải được bắt nguồn từ cuộc sống, lấy chất liệu xuất phát từ chính muôn hình vạn trạng của hiện thực. Điểm tựa đầu tiên của thơ ca chính là những vẻ đẹp đa sắc của đời sống con người. Mãi mãi trong sự vận động của mình, thơ chưa bao giờ xa rời hiện thực hay có thể nói rằng, nguồn nước ngọt ngào của đời sống ngoài kia đã nuôi dưỡng thơ ca tự bao đời. Nhưng thơ ca đâu chỉ là hiện thực trần trụi, được trực tiếp biểu lộ qua từng câu chữ? Hiện thực đó “đi qua một tâm hồn, một trí tuệ”, người nghệ sĩ phải đi qua mảnh đất xanh của những lí tưởng, tâm hồn và cả xúc cảm mãnh liệt, rung động trước cuộc đời, gieo những hạt mầm thơ nhỏ xíu. Thơ không phải một tấm gương sao chép y nguyên những gì đang hiện hữu ngoài kia, hơn thế, phải là một lăng kính mang nhiều chất chủ quan xuất phát từ tư tưởng, tình cảm riêng tư của người cầm bút. Thơ là phải đẹp, đẹp một cách rực rỡ, cái “tôi” cá nhân phải sáng bừng trong tâm tưởng của những trái tim đồng điệu. Và không chỉ có thế, tình cảm, trí tuệ được biểu lộ trong mỗi câu thơ là mỗi sự “in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”. Vì sao lại thế ư? Vì “Mỗi công dân có một dạng vân tay/Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt có một dạng vân chữ” (Lê Đạt). Thứ khắc tên nhà thơ ấy trên con đường đã đầy vết tích của văn học chính là phong cách nghệ thuật mang đậm cái “riêng”, cái “chất”, cái “độc đáo” toát lên cốt cách, cá tính sáng tạo của người cầm bút. Như vậy, ta có thể thấy rằng ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu là vô cùng đúng đắn, khẳng định đặc điểm muôn đời của thơ ca: một thi phẩm chân chính cần được bắt nguồn từ chính hiện thực đời sống, đi qua những tư tưởng, tình cảm, sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. 

Một trong những nhà thơ đã đem cái “tôi” sáng tạo của tâm tưởng mình đặt vào cái “ta” chung của cuộc đời lớn chính là nhà thơ Viễn Phương. Nhắc tới Viễn Phương, chắc hẳn không thể nào quên hình ảnh một nhà thơ miền Nam tiêu biểu, đã đi qua cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Ông sinh năm 1928, tên thật là Phan Thanh Viễn. Nhà thơ gốc An Giang này nổi tiếng với những vần thơ mộc mạc, giản dị, chân thành và giàu cảm xúc thiêng liêng. 

Trang thơ của Viễn Phương chưa bao giờ chạy theo điều được vẽ ra phù phiếm hay viển vông mơ hồ, ông luôn gắn thơ mình với “thực tại”, với đời sống. Và đặc biệt, cái ‘tôi” sáng tạo của ông tựa vô vàn nét bút nghiêng, vẽ nên một tình cảm lớn – tình yêu quê hương, đất nước. Thi phẩm nổi tiếng nhất trên con đường sáng tác mà Viễn Phương dành cả đời để theo đuổi, cũng là khúc ca muôn đời về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó là “Viếng lăng Bác”. Bài thơ này ra đời năm 1976, sau chiến thắng hào hùng của dân tộc ta trước đế quốc Mĩ, hai miền Nam Bắc được thống nhất. Hòa chung niềm vui lớn ấy, nhà thơ Viễn Phương đã lặn lội từ miền Nam xa xôi ra thăm miền Bắc, vào viếng lăng Bác, khi lăng vừa được khánh thành. Tác phẩm đã được in trong tập “Như mây mùa xuân” sau đó hai năm, gây tiếng vang lớn trên thi đàn văn học nước nhà lúc bấy giờ. Bằng tất cả những tình cảm thiêng liêng, Viễn Phương đã thổi một hồn thơ đậm tâm tưởng của một người con miền Nam, hân hoan trong niềm vui độc lập của đất nước, hân hoan trong những cảm xúc tự do và hạnh phúc. 

Mang tình cảm lớn đặt vào những vần thơ riêng, Viễn Phương không những mượn nguồn nước dồi dào của hiện thực để nuôi dưỡng thơ mình, người nghệ sĩ tài hoa ấy còn ươm những mầm thơ xanh bằng những hạt ngọc của tâm hồn, của tình cảm. Một thứ tình cảm mãnh liệt, một sự xúc động khôn tả khi đứng trước lăng Bác, đứng trước vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc: 
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Bác – tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi người con Việt Nam chưa bao giờ ngưng nỗi nhung nhớ, giờ đây mang theo cả nỗi niềm xót xa khi đứng trước cửa lăng. Hai tiếng “miền Nam” ở câu thơ đầu tiên như một lời thông báo, gợi mảnh đất phương Nam xa xôi, mảnh đất anh hùng đã kiên cường chiến đấu vì độc lập dân tộc, mảnh đất mà Người vẫn luôn đau đáu, luôn tha thiết yêu thương trong suốt cuộc đời. Cặp từ xưng hô “Con – bác” đầy gần gũi, dường như đong đầy tình cảm mộc mạc của người dân Nam Bộ. Hơn thế, nó đã xóa nhòa khoảng cách của một vị lãnh tụ dân tộc và một công dân, chỉ còn những tình cảm thân thương trong một gia đình lớn. Có lẽ, với bất kì người con Việt Nam nào, tiếng gọi Bác thiêng liêng mà thân tình biết bao :
“Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả đời Người là của nước non”
(“Quê hương Việt Bắc”- Nguyễn Đình Thi) 
Người con miền Nam Viễn Phương ấy, trong làn sương sớm mong manh bao quanh lăng Bác, đã bắt gặp hàng tre “xanh xanh”. Hàng tre kiên cường, vững chãi “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” dường như đang canh giữ giấc ngủ ngàn thu của Người. Sự rung động “rưng rưng” đến nghẹn ngào của Viễn Phương có lẽ xuất phát từ chính những thứ quen thuộc, gần gũi, bình dị như vậy. Từ cảm thán “ôi” được thốt lên một cách đầy tự hào, thương mến “hàng tre Việt Nam”. Dường như, hàng tre chính là biểu tượng ẩn dụ đầy cao cả của con người Việt Nam, đặc biệt khi đi qua cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Lí tưởng lớn của Bác luôn song hành cùng sự đoàn kết, bền bỉ của nhân dân. Hình ảnh “hàng tre xanh xanh Việt Nam” đầy thân thương, mộc mạc, giản dị đã được Viễn Phương gợi tả thiêng liêng như thế ! 

Đứng trước những hàng tre xanh nơi lăng Bác, nơi tâm tưởng của nhà thơ Viễn Phương “lộng gió” sự tự hào, xúc động. Và có lẽ, khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác, người con miền Nam ấy lúc này dâng trào một nỗi nghẹn ngào tiếc thương : 
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”    
Mượn hình ảnh quen thuộc của tạo hóa vĩnh hằng, nhà thơ đã khéo léo đặt hình ảnh Bác Hồ vĩ đại sáng ngang với mặt trời rực rỡ. Có một “mặt trời” ngày ngày “đi qua trên lăng”, chuyển động soi rọi ánh sáng nhân thế và trong lăng, cũng có một “mặt trời” chói lọi như vậy. Nghệ thuật ẩn dụ kết hợp với cách xây dựng câu thơ sóng đôi đặc sắc, Viễn Phương không chỉ ca ngợi lí tưởng muôn đời soi sáng của Hồ chủ tịch, mà hơn thế còn bày tỏ nỗi lòng tôn kính thiêng liêng đối với người cha già dân tộc. Trái tim Người “đỏ” rực tình yêu , con đường mà Người đã đi, những tâm tưởng mà Người đã lựa chọn, chưa bao giờ ngừng tỏa sáng, soi ấm tâm hồn người Việt. Ánh sáng ấy đã bao lần dẫn đường độc lập cho dân tộc, đã đưa nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích kiếp nô lệ. Đứng trước một con người vĩ đại, dường như vĩnh hằng của tạo hóa cũng phải ngừng lại, lặng nhìn xuống thứ ánh sáng rực rỡ nhân gian ấy. Như Tố Hữu cũng đã từng viết:
“Người rực rỡ một bầu trời cách mạng 
Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng 
(Sáng tháng năm)
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ”, cụm từ “ngày ngày” được Viễn Phương điệp lại lần thứ hai, diễn tả dòng người vào thăm lăng viếng Bác. Không phải hàng người hay đoàn người, mà là ‘dòng người”. Câu thơ như được kéo dài miên man, bất tận. Dòng người đi trong tĩnh lặng, trang nghiêm, bao trùm tâm hồn, trái tim của họ là nỗi xót xa khôn xiết. Họ “đi trong thương nhớ”, lặng lẽ hướng lòng mình về người lãnh tụ kính yêu của dân tộc, và nỗi nhớ xiết bao ấy kết thành “tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. “Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng cho bảy mươi chín năm cuộc đời của Người. Có lẽ, trong suốt đời mình, Bác luôn là mùa xuân đẹp đẽ nhất, luôn đem mùa xuân tới nhân dân mọi miền Tổ Quốc, để hòa ca một niềm vui giải phóng. 

 

ĐỌC THÊM: TUYỂN TẬP NHỮNG BÀI PHÂN TÍCH "VIẾNG LĂNG BÁC" HAY NHẤT

 

Đọc “Viếng lăng Bác”, độc giả như đi qua một cuốn hành trình đong đầy tâm sự của nhà thơ Viễn Phương. Gieo mầm thơ từ chính “tâm hồn, trí tuệ mình”, sau những vần thơ xúc động nơi cửa lăng, tác giả nghẹn ngào khi đứng trước thi hài Bác : 
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!”
Vị cha già kính yêu của dân tộc đã ra đi mãi mãi, nhưng với nhà thơ, Bác chỉ đang “nằm trong giấc ngủ bình yên”. Nghệ thuật nói giảm nói tránh được Viễn Phương sử dụng một cách khéo léo, nhưng đằng sau đó là biết bao nỗi nghẹn ngào, thành kính phân ưu. Bác nằm đó, dường như chỉ đang chìm trong một giấc ngủ dài, ược bao quanh bởi ánh sáng của “vầng trăng sáng dịu hiền”. Trăng - một tri kỉ của đời Bác, của thơ Bác : 
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ 
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ 
(“Vọng nguyệt”)
Hay : 
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa 
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa 
(“Cảnh khuya”)
Trăng che chở cho giấc ngủ Bác, tựa sự dịu hiền, trong trẻo của con người Bác, tâm hồn Bác. Bác rực rỡ như trời cao mà nhẹ nhàng như ánh trăng, con người vĩ đại ấy đã sánh ngang với vũ trụ, với tạo hóa tự bao giờ. Có lẽ vì thế, chứng kiến giấc ngủ ngàn thu của Người, nhà thơ Viễn Phương không giấu nổi sự xót xa, đau đáu : “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi / Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Sinh tử là quy luật bất diệt của cuộc đời mà bất cứ ai cũng đều phải trải qua. Thế nhưng, sự ra đi của Bác vẫn để lại những tiếc thương, đau đớn cho nhân dân Việt Nam, cho một dân tộc anh hùng. Đối diện với nỗi đau ấy, nhà thơ thấy “nhói” trong trái tim mình. Bằng tất cả sự chân thành, Viễn Phương đã chua xót, đau đớn tột cùng trước thi hài Bác, dù sự ra đi của Người đã hòa cùng thiên nhiên tạo hóa để trường tồn mãi mãi với nhân dân. 
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.”
(“Bác ơi!” - Tố Hữu)
Nghe sao mà xót xa, tê tái đến thế ! 

Hành trình nào cũng sẽ phải kết thúc, cuộc sum họp nào rồi phải chia li, và cuộc viếng thăm lăng Bác của nhà thơ cũng vậy. Trước giây phút tiễn biệt, trong tâm tưởng tác giả Viễn Phương như dâng trào niềm xúc động vô bờ, những nỗi niềm đau xót giờ đây trở thành tiếng nấc nghẹn ngào : 
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Chỉ ngày mai thôi, người con miền Nam Viễn Phương sẽ phải tạm biệt nơi đây, rời xa Bác, đem theo tất cả thương nhớ. Nghĩ tới viễn cảnh chia li, nhà thơ “thương trào nước mắt”. Thứ cảm xúc thiêng liêng được bộc lộ trực tiếp ấy như bao trọn tất cả sự xót xa, thương tiếc, tất cả những bịn rịn, quyến luyến, đến không thể kìm nén hơn nữa. Tận sâu trong đáy lòng mình, Viễn Phương không nỡ rời xa nơi Bác yên nghỉ, cất lời bộc bạch những ước nguyện nhỏ bé. Điệp ngữ “muốn làm” tạo âm hưởng vang ca của bài thơ, đồng thời đã khẳng định tâm tưởng nhà thơ. Ông “muốn làm con chim, làm đóa hoa”, và cao cả hơn muốn hóa thành “cây tre trung hiếu”. Làm con chim cất lên những tiếc hót tự hào dân tộc, làm đóa hoa tỏa hương thơm cho ánh sáng của lí tưởng Bác, và làm hàng tre để canh giữ giấc giấc ngủ cho Người, để trug hiếu một lòng với con đường cách mạng mà bác đã soi sáng. Một “hàng tre xanh xanh” - một “cây tre trung hiếu”, kết cấu đầu cuối tương ứng khắc sâu trong lòng độc giả hình ảnh kiên trung, bất khuất mà gần gũi, thân thương đến diệu kì. Là hàng tre, là Viễn Phương hay chính là ẩn dụ cho nhân dân Việt nam, cho dân tộc Việt Nam ? Câu thơ kết thúc trầm lắng nhưng tâm hồn nhà thơ lại vút lên những lí tưởng cao lớn:
“Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc 
Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc 
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!” 
(“Hồ Chí Minh” - Tố Hữu) 
Không thả hồn mình vào những thứ phù phiếm, xa hoa, thi phẩm “Viếng lăng Bác” chỉ đơn giản là một bài thơ, thứ thơ chân chính như Xuân Diệu đã từng nhận định, “thơ xuất phát từ thực tại, từ đời sống” và “đi qua một tâm hồn, một trí tuệ”. Tâm hồn của một người con miền Nam tha thiết, thành kính khi viếng lăng của vị cha già dân tộc hòa hợp với trí tuệ của một nhà thơ mộc mạc, giản dị nhưng đầy tinh tế, một nhà thơ được rèn sự trưởng thành trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Và không chỉ có thế,thơ của Viễn Phương còn “in dấu vào tâm hồn, trí tuệ ấy thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”. Đó là những sự độc đáo, sâu sắc của hệ thống ngôn từ giản dị, chân thành mà thiêng liêng, cao cả. Thơ mang những giọng điệu phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc: vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào. Nhịp thơ chủ yếu là nhịp chậm, như gợi tả sự trang nghiêm, thành kính và những cảm xúc sâu lắng, xúc động nghẹn ngào của chính tác giả. Hơn ai hết, một nhà thơ tinh tế như Viễn Phương, đã in dấu tất cả tài năng của mình ở nhiều hình ảnh đậm tính ẩn dụ, biểu tượng : “mặt trời trong lăng”, “tràng hoa”, “vầng trăng”, “trời xanh”,… Điều này không chỉ diễn tả sự quen thuộc, gần gũi, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát của hệ thống hình ảnh, qua đó còn khẳng định tài năng, dấu ấn cá nhân độc đáo của Viễn Phương, một nhà thơ, một người con miền Nam yêu bác, yêu quê hương đất nước mình. 

 

ĐỌC THÊM: HÌNH ẢNH ĐỘC ĐÁO TRONG TÁC PHẨM "VIẾNG LĂNG BÁC"

 

Khép lại thi phẩm không cầu kì, hoa mĩ nhưng luôn sóng sánh thứ tình cảm chân thành của nhà thơ, “Viếng lăng Bác” trở thành một trong những khúc ca tuyệt tác nhất viết về Người. Kết tinh tất cả tài năng văn chương, in đậm dấu ấn hồn thơ cá nhân chân thành xuất phát từ trái tim, tâm hồn tác giả Viễn Phương, bài thơ chân chính ấy đã qua vượt qua ranh giới của thời gian, lấp lánh sáng bừng trong dòng chảy của văn học nước nhà. “Viếng lăng Bác” tựa những dòng nhật kí phác thảo bằng nét bút tâm tình, không chỉ tình cảm tiếc thương, tha thiết của riêng tư nhà thơ mà ngời sáng tình cảm dân tộc. Người cha già kính yêu tuy đã ra đi, nhưng lí tưởng vĩ đại, công lao ngút trời của Người chưa bao giờ bị lãng quên, tạc ghi trong tâm tưởng bất diệt của nhân dân, của con người Việt Nam, như lời thơ Tố Hữu từng viết :
“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.”
(“Bác ơi!” - Tố Hữu)

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học chạy văn - lớp 9

Tin liên quan