BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ “VIẾNG LĂNG BÁC” - VIỄN PHƯƠNG HAY NHẤT

Ngày 20/03/2024 15:40:28, lượt xem: 28927

Nỗi mong chờ, ao ước của đồng bào được Bác vào thăm đã không còn nữa! Người đã ra đi mãi mãi để lại bao niềm nuối tiếc trong lòng mỗi người dân Nam Bộ. Viễn Phương- nhà thơ trẻ miền Nam khi ra thăm lăng Bác đã thay mặt nhân dân miền Nam bày tỏ tình cảm của mình khi đứng trước người cha già của dân tộc. Với sự xúc động, bồi hồi, nghẹn ngào, nhà thơ đã viết bài thơ “Viếng lăng Bác”.

Các bạn hãy cùng tham bài văn phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương hay nhất do Học Văn Chị Hiên biên soạn dưới đây.
 

 

Bài văn phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương hay nhất

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết những dòng thơ xúc động: 

“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước 

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà 

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.” 

Những vần thơ rưng rưng cảm xúc tự hào cùng những suy tưởng sâu sắc về hành trình ra đi tìm đường cứu  nước của Bác Hồ. Đó là một hành trình dài với biết bao gian khổ, thử thách mà Người đã trải qua với mục  đích thiêng liêng, cao cả: “Tìm hình của Nước”. Và để rồi với tất cả những gì Bác để lại cho dân tộc Việt  Nam trong bảy mươi chín năm cuộc đời ấy đã ghi một dấu ấn không thể nào phai nơi con tim mỗi người  dân Việt Nam. Nhà thơ Viễn Phương, trong một lần từ miền Nam được ra thăm lăng Bác, nhớ về những điều  vĩ đại Bác đã làm cho Tổ quốc, cho nhân dân cũng đã vô cùng xúc động, ông đã lựa chọn trang thơ trở  thành nơi trải cảm xúc của chính mình, tiếng lòng bật lên thành tiếng thơ “Viếng lăng Bác”. 

  

 Nhà thơ Viễn Phương quê ở An Giang, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng  văn nghệ giải phóng miền Nam thời chống Mĩ. Thơ ông thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm và chất thơ mộng  ngay trong những hoàn cảnh chiến đấu ác liệt nhất. Vào năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, lăng  Chủ tịch Hồ Chí minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Người. Những  tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu đã trở thành nguồn cảm hứng chính để nhà thơ sáng tác thi phẩm “Viếng  lăng Bác”.  

Trước tiên, những vần thơ bình dị, thiết tha đều đặn, từ tốn vang lên như chất chứa cả một niềm  mong mỏi, chân thành của nhà thơ Viễn Phương khi đến lăng Bác:  

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác 

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam 

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.” 

Trong dòng thơ đầu tiên cất lên, cụm từ “ở miền Nam” như thông báo cho Bác biết rằng người con ấy đến  từ một nơi rất xa xôi – miền Nam – mảnh đất anh hùng suốt mấy chục năm trời chiến đấu gian khổ chỉ  mong có ngày giành được độc lập, thống nhất, mảnh đất mà Bác vẫn luôn đau đáu một nỗi nhớ một niềm  mong. Động từ “thăm” cũng như một sự nói giảm nói tránh hay mặt khác còn là sự đấu tranh, đối lập giữa  lí trí và thể xác. Dù nhà thơ không muốn tin Bác đã mất rồi nhưng sự thật hiện tại vẫn là thế. Cách xưng  hô của tác giả trong câu thơ đầu tiên này càng khiến cho ta xúc động. Đó là cách xưng hô “Con” – “Bác”  rất gần gũi, thân thương của người dân Nam Bộ. Dường như nó đã xoá tan đi mọi khoảng cách giữa một vị  lãnh tụ vĩ đại và một công dân. Bởi vì trong thâm tâm mọi người, Bác là người thân trong gia đình, là vị  lãnh tụ vĩ đại nhưng thân tình và giản dị biết bao: 

“Nơi đây sống một người tóc bạc 

Người không con mà có triệu con 

Nhân dân ta gọi Người là Bác 

Cả đời Người là của nước non”

Tiếp đến lăng Bác, hình ảnh đầu tiên tác giả Viễn Phương bắt gặp sau làn sương sớm mai là hàng tre xanh  bát ngát, thấp thoáng bóng dáng quen thuộc của làng quê: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Thật  giản dị xiết bao khi che chở và canh giữ cho giấc ngủ ngàn thu của vị Cha già dân tộc lại chính là những  gì gần gũi và thân thuộc nhất. Phải chăng chính điều đó đã khiến trái tim của người con miền Nam lần  đầu đến viếng lăng Bác phải xúc động nghẹn ngào. Khổ thơ đầu tiên này tác giả Viễn Phương đã dùng  đến ba câu thơ để tập trung khắc họa hình ảnh hàng tre - một hình ảnh không chỉ tả thực không gian bên  ngoài lăng Bác mà còn ẩn chứa bao ý nghĩa sâu xa. Từ cảm thán “Ôi” biểu thị bao niềm xúc động tự hào  của tác giả. Và, cái “bát ngát”, “xanh xanh” trải khắp không gian kia còn là cái “bát ngát”, mênh mông  của cảm xúc con người. “Hàng tre xanh xanh” mộc mạc nhưng “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” đã nhấn  mạnh sức sống bền bỉ của tre xanh hay cũng chính là của dân tộc Việt Nam dù trải qua bao khó khăn gian  khổ trong hai cuộc kháng chiến trường kì. Bằng nghệ thuật ẩn dụ tinh tế, nhà thơ Viễn Phương đã gợi lên  tinh thần đoàn kết, kiên cường, bền bỉ của dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng bên Bác thực hiện lí tưởng cao  cả qua hình ảnh hàng tre. Hàng tre nơi lăng Bác, hàng tre trong thơ Viễn Phương thân thuộc mà thiêng  liêng đến thế!  

 

ĐỌC THÊM: NHỮNG HÌNH ẢNH ĐỘC ĐÁO TRONG TÁC PHẨM "VIẾNG LĂNG BÁC" - VIỄN PHƯƠNG

 

Từ những hàng tre thẳng hàng ngày ngày canh giấc ngủ cho Bác, nhà thơ khắc họa những hình ảnh  nơi lăng Bác và cùng với đó là cảm xúc tiếc thương dâng trào khi

cùng dòng người vào lăng viếng Bác: 

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ 

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” 

Theo vòng quay tuần hoàn của tạo hóa, ngày ngày có một mặt trời đi qua trên lăng, chợt ngỡ ngàng cúi  mình chiêm ngưỡng những ánh sáng chói lọi, rực rỡ, đỏ một màu chứa chan tình thương của một mặt trời  bình yên, thanh thản trong lăng kia tỏa ra. Với nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc, cách xây dựng hình ảnh sóng  đôi thật tự nhiên, Viễn Phương đã khéo léo ví Bác như một mặt trời rạng rỡ, đỏ rực. Một ngày qua, ông  được chiêm ngưỡng hai ánh mặt trời tỏa sáng ngời ngời, rực rỡ cả một không gian, chứa chan dòng chảy  thành kính vô tận của hàng vạn con người: Mặt trời vũ trụ – Mặt trời chân lí. Mặt trời của vũ trụ ngày  ngày chiếu sáng, sưởi ấm cho thế gian, để hoa nở rộ, để trái chín cành, để người người hớn hở làm việc,  để chim trỗi cất lên những khúc nhạc tươi vui. Thế nhưng luồng ánh sáng rực rỡ vĩnh viễn của vũ trụ cũng  im lặng thao thức trước một mặt trời của chân lý cao cả – Bác Hồ. Bác xuất hiện như vầng thái dương dần  nhô lên giữa rặng núi xa xăm, xua tan đi bóng đêm mù mịt tăm tối bao trùm, quét sạch hơi đông lạnh lẽo,  đớn đau, bẻ gãy đi mọi cùm gông, xiềng xích. Dưới hơi ấm của chân lý bừng chói rực rỡ, những đời nô lệ  câm lặng lại ngào ngạt nở hoa, để mỗi kiếp người lại hăm hở, sung sướng được trọn vẹn làm người. Trái tim  Bác như vẫn luôn “rất đỏ” một tình yêu mênh mông, vô tận. Bóng hình Bác lồng lộng được chắp cánh bát  ngát bay lên đã che chở, dẫn dắt cho cả dân tộc vượt qua tăm tối đêm trường để đến với một nền tự do  huy hoàng, rạng rỡ: 

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế 

Ôm cả non sông, mọi kiếp người!”

Để rồi giờ đây, tại chốn Người yên nghỉ, ngày ngày là dòng người đi trong thương nhớ. Qua những vần thơ  của Viễn Phương, điệp từ “ngày ngày” tiếp tục vang lên nhằm thể hiện sự tiếp nối thời gian liên tục, tạo  nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng cho đoạn thơ: 

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” 

Đây là một hình ảnh tả thực diễn tả dòng người đi trong nỗi xúc động, bồi hồi trong lòng tiếc thương kính  cẩn. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là một hình ảnh ẩn dụ đẹp, một sự sáng tạo của nhà thơ. Cuộc đời của  mỗi chúng ta đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang dâng lên Người những  gì đẹp nhất. Đó cũng là sự tri ân của dân tộc đối với Bác. Biên độ câu thơ của Viễn Phương đến đây được  kéo dài thành chín chữ đầy sâu lắng, như một sự ngân dài của tấm lòng thành kính, tiếc thương. “Bảy mươi  chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng cho bảy mươi chính năm cuộc đời của Bác.  Con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân, đã làm nên bao mùa  xuân đẹp cho đất nước, cho dân tộc. Đúng như những vần thơ mà Tố Hữu đã ngợi ca tấm lòng vĩ đại của  Bác dành cho đất nước, dành cho nhân dân: 

“Bác để tình thương cho chúng con 

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son 

Mong manh áo vải hồn muôn trượng 

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.” 

Niềm biết ơn thành kính trong lòng tác giả và dòng người vào lăng viếng Bác đã chuyển sang niềm  xúc động nghẹn ngào khi đứng trước thi hài Bác:  

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền 

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi 

Mà sao nghe nhói ở trong tim!” 

Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh về sự ra đi của Người. Giấc ngủ mà tác  giả nhắc đến ấy cũng khiến ta bồi hồi suy ngẫm. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Bác chưa bao giờ  có một giấc ngủ trọn vẹn: “Đêm nay Bác ngồi đó / Đêm nay Bác không ngủ / Vì một lẽ thường tình / Bác  là Hồ Chí Minh.” (Minh Huệ) Liên tưởng đến câu thơ này càng khiến ta thêm nghẹn ngào, thành kính trước  giấc ngủ ngàn thu đã phần nào yên giấc của Bác. Và ánh sáng dịu nhẹ trong lăng Bác gợi một liên tưởng  thú vị tới hình ảnh vầng trăng. Trăng - một người bạn tri kỉ của Bác: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ / Việc  quân đang bận xin chờ hôm sau” (Báo Tiệp), trăng khi kháng chiến, trăng trong nhà lao, trăng ngoài chiến  trận và giờ đây trăng đến bên Người để vỗ về giấc ngủ ngàn thu. Cùng với hình ảnh vầng trăng, nhà thơ  Viễn Phương muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Vầng trăng dịu hiền hay chính là tâm  hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Bác rực rỡ như mặt trời, Bác dịu hiền như ánh trăng. Bác đã hóa thân  vào thiên nhiên đất trời dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp và trong tâm trí của nhân dân như bầu trời  xanh vĩnh viễn trên cao.  

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa 

Tự do cho mỗi đời nô lệ 

Sữa để em thơ, lụa tặng già.” 

(“Bác ơi!” - Tố Hữu) 

Dù vẫn biết là như vậy nhưng người con Viễn Phương không thể không đau xót trước sự ra đi của Người.  Nỗi đau xót đã được biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Nỗi đau quặn thắt,  tê tái như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức. Đó là sự rung cảm chân thành của nhà thơ. Bởi  về lí trí, Bác đã ra đi thật sự nhưng về tình cảm, Người vẫn đang hiện hữu trong trái tim mỗi người con  Việt Nam và trong lòng dân tộc. 

 

ĐỌC THÊM: BIỆN PHÁP TU TỪ CẦN NHỚ TRONG BÀI THƠ "VIẾNG LĂNG BÁC" - VIỄN PHƯƠNG

 

Nhưng rồi cuộc sum họp nào rồi cũng chia li, đứng trước lăng Bác trong niềm xúc động vô bờ, chạnh  nghĩ đến việc trở về miền Nam nhà thơ đã không kìm được nỗi niềm thương nhớ: “Mai về miền Nam thương  trào nước mắt”. Thương, thương đến trào nước mắt, đó chính là tình thương của nhân dân Việt Nam, của  miền Nam ruột thịt dành cho Bác trong giây phút này, giây phút lặng người trước sự hi sinh to lớn của  Bác… tất cả như im lặng… Những cảm xúc bị dồn nén bỗng trào dâng “thương trào” thật tự nhiên, thật  chân thành. Và trong phút chốc ấy, nhà thơ như muốn hóa thân: 

“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.” 

Âm hưởng bài thơ được nhấn mạnh qua điệp ngữ “muốn làm”. Hình như có một sức mạnh vô hình nhưng mãnh  liệt níu kéo lòng ta ở lại. Phải chi ta có thể biến thành những gì thân yêu quanh nơi Bác yên nghỉ, để có  thể hằng ngày nhìn thấy Bác, nhìn thấy cả tấm lòng của vị lãnh tụ vĩ đại, bao dung. Ước gì ta có thể làm  một con chim nho nhỏ góp tiếng hát của mình vào những buổi bình minh nơi lăng Bác. Hay ước chi ta được  làm một bông hoa dân tộc nở quanh lăng của Người. Và phải chi một ngày nào đó ta sẽ trở thành một cây  tre bên những hàng tre xanh tỏa bóng mát dịu dàng nơi lăng Bác. Ước chi… ước chi… điều ước duy nhất  là tiếp bước con đường, đi theo lý tưởng của Bác trong công cuộc xây dựng đất nước. Hình ảnh “hàng tre”  xuất hiện ở đầu bài thơ giờ đây khép lại những dòng thơ cuối với một nét nghĩa bổ sung: “cây tre trung  hiếu”. Đó là hình ảnh ẩn dụ thể hiện nguyện ước mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã chọn.  Hình ảnh đó còn tạo cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc và  dòng cảm xúc của tác giả cũng được trọn vẹn hơn. Câu thơ kết thúc trầm lắng nhưng sao tâm hồn nhà thơ  lại vút lên cao. Nỗi thương nhớ, sự tự nguyện giờ phải biến thành những gì đó thật hơn, những gì mà có thể  cống hiến cho quê hương, Tổ quốc, để muôn đời xứng đáng với những gì Bác đã làm cho dân tộc: 

“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn 

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn 

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi 

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.” 

Xuyên suốt thi phẩm, tác giả đã tinh tế lựa chọn ngôn ngữ giản dị, chân thành nhưng giàu cảm xúc,  phát huy triệt để giá trị của các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ… trong việc xây dựng hình  ảnh thơ đầy sáng tạo, rất chân thực nhưng có ý nghĩa khái quát, biểu tượng và sức biểu cảm cao. Với cách  gieo vần và nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu vừa trang nghiêm sâu lắng vừa tha thiết, đau xót xen lẫn tự hào,  bài thơ thể hiện niềm xúc động, tấm lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc của tác giả khi từ miền Nam ra  viếng lăng Bác.  

Đã có rất nhiều áng văn thơ bất hủ viết về Bác, về sự nghiệp cách mạng sáng ngời của Người,  “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương xứng đáng góp mặt trong những tác phẩm thi ca xuất sắc nhất viết về  Bác. Bằng tình cảm trân trọng, kính yêu của người con miền Nam, Viễn Phương đã nói lên tình cảm của  hàng triệu con người Việt Nam dành cho vị cha già dân tộc, tình cảm của tác giả được bộc lộ đầy xao  xuyến, nghẹn ngào trong hai khổ thơ đầu của thi phẩm. Bác sẽ luôn là mặt trời sáng nhất, ấm áp nhất  trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Hình ảnh về Bác, về sự nghiệp và cuộc đời của Bác đâu chỉ gây  xúc động cho Viễn Phương, cho con người, dân tộc Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người  dân, dân tộc trên thế giới. Đúng như nhà thơ người Cu Ba từng viết: “Hồ Chí Minh - tên người là cả một  miền thơ”. 

 

Các bạn vừa tham khảo bài văn phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương hay nhất do Học Văn Chị Hiên biên soạn chuẩn cấu trúc bài nghị luận văn học lớp 9. Các bạn có thể tham khảo và linh hoạt áp dụng vào xử lí nhiều dạng đề bài khác nhau.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học chạy văn - Lớp 9

Tin liên quan